Banner trang chủ

Tăng cường nhận thức và quyết tâm hành động vì môi trường, bảo vệ biển, đảo

02/06/2019

     Ngày 1/6/2019, tại TP. Bạc Liêu, Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu long trọng tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì môi trường, Tuần lễ Biển và Hải đảo hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Đại dương thế giới  năm 2019. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đến dự và phát biểu chỉ đạo.

     Tham dự Lễ phát động còn có Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Bí thư tỉnh ủy Tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung, các Thứ trưởng Bộ TN&MT: Võ Tuấn Nhân, Trần Quý Kiên; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; Đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; lãnh đạo UBND tỉnh và Sở TN&MT các tỉnh, thành phố có biển như Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Phú Yên, Đà Nẵng… và hàng nghìn người dân trên địa bàn tỉnh.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Lễ phát động

 

     Trong những năm qua, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, BVMT và thích ứng với biến đổi khí hậu là những nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ quan tâm sát sao trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và đã cụ thể hóa tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chỉ thị, Nghị định của Chính phủ và đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Công tác quản lý nhà nước về TN&MT đang từng bước được hoàn thiện; nền kinh tế có bước phát triển bền vững hơn, thân thiện hơn với môi trường; nhận thức, ý thức bảo vệ TN&MT của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội được nâng lên.

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao biểu trưng cho các Đại sứ Đại dương xanh

 

     Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng như việc khai thác, sử dụng quá mức, thiếu bền vững tài nguyên biển gây ra. Tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí; suy giảm đa dạng sinh học, xâm nhập mặn, cạn kiệt tài nguyên biển, xói lở và xâm thực biển đang đe dọa trực tiếp đến phát triển kinh tế, sức khỏe và sinh kế bền vững cho hàng triệu người dân.

     Trước bối cảnh đó, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa nước ta trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng.

 

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao cờ Tổ quốc và lưới đánh cá làm từ nguyên liệu vi sinh thân thiện với môi trường cho ngư dân tỉnh Bạc Liêu

 

     Phát biểu tại Lễ phát động, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kêu gọi mỗi người dân hãy cùng nhau tăng cường nhận thức và quyết tâm hành động vì môi trường, bảo vệ biển, đảo, đặc biệt,  phải có trách nhiệm chăm sóc đại dương xanh bằng cách kết nối, lan tỏa và truyền cảm hứng hướng tới bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trên khắp thế giới trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến đại dương để đạt được Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc đến năm 2030.

     Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội đoàn kết, thống nhất ý chí và kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng và lợi ích quốc gia trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình; triển khai thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên và BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo bám sát thực tế và theo kịp tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước; rà soát, bổ sung và xây dựng mới đồng bộ các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, đảo theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm sự gắn kết hài hoà, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; các cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, đề cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao nhận thức về chủ quyền biển, đảo, BVMT. Cùng với đó, khuyến khích doanh nghiệp, người dân sản xuất và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các điển hình tiên tiến, mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến có giá trị trong sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; tăng cường hợp tác, huy động nguồn lực quốc tế  nhằm đảm bảo khai thác bền vững tài nguyên, BVMT biển và hải đảo, giải quyết những vấn đề trên biển có liên quan, góp phần duy trì hòa bình trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, các địa phương có biển phải thường xuyên quan tâm, có các giải pháp tổng thể để hỗ trợ các điều kiện cần thiết để bảo đảm sinh kế cho nhân dân vùng biển đảo, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân vùng biển đảo. Các bộ, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách về ngư dân, ngư trường, ngư nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân bám biển, phát triển kinh tế biển…

 

Các đại biểu tham dự Lễ phát động

 

     Tiếp đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Bí thư tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương đã trao biểu trưng cho các Đại sứ Đại dương xanh, cờ và lưới đánh cá làm từ nguyên liệu vi sinh thân thiện với môi trường cho ngư dân, biểu trưng đăng cai tổ chức các hoạt động sự kiện năm 2020 cho tỉnh Phú Yên.

 

Toàn cảnh Lễ phát động

 

     Cũng tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân và Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Minh Chiến đã thực hiện nghi thức khởi động kết nối, tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường tự động (Envisoft) từ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu về Sở TN&MT tỉnh và truyền về Bộ TN&MT. Phần mềm Envisoft có nhiều tính năng vượt trội như hỗ trợ đồng bộ dữ liệu từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp; truyền tải liên tục gồm đồng thời dữ liệu và video; công nghệ tương thích với đa dạng thiết bị; thu thập dữ liệu tốc độ cao, xử lý dữ liệu lớn, dễ khai thác sử dụng…, đáp ứng các nhu cầu về thu thập dữ liệu, giám sát dữ liệu thời gian thực, gửi thông tin cảnh báo, điều khiển và giám sát lấy mẫu tự động; xử lý và kiểm duyệt dữ liệu; quản lý truyền nhận dữ liệu giữa Trung ương và địa phương.

 

Hồng Nhung

 

 

Ý kiến của bạn