Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Đối thoại Quốc gia về Quỹ môi trường Toàn cầu Việt Nam

15/09/2015

     Trong 2 ngày 7 - 8/10/2014, tại Hà Nội, Văn phòng Ban chỉ đạo Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF)Việt Nam đã tổ chức Đối thoại Quốc gia về GEF Việt Nam chu kỳ 6, giai đoạn 2014 - 2018. Đây là cơ hội để các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế và cơ quan quản lý, các tổ chức phi Chính phủ cùng đưa ra giải pháp hợp tác chung về sự hợp tác, từ chuẩn bị dự án ưu tiên đến chung tay triển khai thực hiện cho các vấn đề môi trường của Việt Nam cũng như của khu vực. Tham dự có đại diện GEF, các cơ quan thực hiện GEF; Các tổ chức trong và ngoài nước; Các Bộ, ngành, viện nghiên cứu và trên 100 chuyên gia trong lĩnh vực môi trường. TS.Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ TN&MT, Trưởng ban chỉ đạo GEF Việt Nam; Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa và Trưởng ban đối ngoại GEF William Ehlers chủ trì Đối thoại.   Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc        Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động vận động tài trợ và xây dựng dự án từ nguồn tài trợ của GEF với tổng kinh phí 130 triệu USD, tài trợ trực tiếp cho 51 dự án quốc gia và 270 triệu USD cho 43 dự án khu vực mà Việt Nam có tham gia. Ngoài ra, GEF đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ quốc gia khi tham gia Công ước quốc tế cũng như giải quyết các vấn đề môi trường đang ngày càng gia tăng về quy mô cũng như độ phức tạp. Nhờ có sự giúp đỡ của GEF, các vấn đề về hóa chất, chất thải nguy hại, đa dạng sinh học (ĐDSH), biến đổi khí hậu (BĐKH), suy thoái đất, nguồn nước… đã phần nào được giải quyết, góp phần BVMT và phát triển bền vững.          Hiện GEF đã bước sang chu kỳ 6, giai đoạn 2014 - 2018, đây là giai đoạn có nhiều dấu mốc quan trọng. Về ĐDSH, các quốc gia đều phải đưa ra các hành động và biện pháp để đạt được Kế hoạch Chiến lược giai đoạn 2011 - 2020, trong đó phải đạt được 20 mục tiêu Aichi về ĐDSH. Về BĐKH, Việt Nam đang đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ đạt được thỏa thuận toàn cầu về BĐKH. Các quốc gia phải xây dựng đóng góp quốc gia tự quyết định, là một phần của thỏa thuận 2015 và có hiệu lực vào năm 2020 (lĩnh vực này còn nhiều thách thức như quan điểm giữa các nước còn có sự khác biệt, tài chính cho BĐKH chưa hiệu quả, ngưỡng cắt giảm khí nhà kính chưa thống nhất)... Về hóa chất và chất thải, các hình thức vi phạm ngày càng tinh vi; Vấn đề buôn bán phi pháp chất thải và hóa chất ngày càng nghiêm trọng; Việc kiểm kê, giám sát các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, lựa chọn công nghệ tốt nhất, xử lý các điểm ô nhiễm tồn lưu cũng là các vấn đề đầy thách thức, tốn kém về mặt thời gian và tài chính. Bên cạnh đó, các vấn đề về phòng chống suy thoái đất, quản lý rừng bền vững, BVMT các nguồn nước quốc tế, ô nhiễm môi trường tại các đô thị… cũng cần được quan tâm giải quyết trong bối cảnh gia tăng dân số, đô thị hóa nhanh.      Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, là nước đầu tiên tổ chức đối thoại Quốc gia về GEF 6, Việt Nam cần chú trọng đi đôi giữa phát triển kinh tế với BVMT. WB sẽ cùng GEF hỗ trợ Việt Nam về chiến lược, chính sách giải quyết các vần đề môi trường… để GEF Việt Nam trở thành tổ chức quan trọng trong diễn đàn môi trường Thế giới.            Tại buổi đối thoại, các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số vấn đề: Hoạt động của GEF tại Việt Nam; Kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch, quy trình và triển khai thực hiện dự án GEF; Định hướng, chương trình hoạt động của GEF chu kỳ 6, giai đoạn 2014 - 2018; Xác định ưu tiên của Việt Nam cho chu kỳ 6; Lồng ghép các dự án GEF trong Khung kế hoạch của các Cơ quan thực hiện (IA)…                                                                                                                               Bùi Hằng
Ý kiến của bạn