Banner trang chủ

Đẩy mạnh phối hợp bảo vệ môi trường hệ thống sông Đồng Nai

10/12/2018

     Ngày 10/12/2018, tại Đồng Nai, Bộ TN&MT đã tổ chức Phiên họp lần thứ 12 và Lễ chuyển giao chức vụ Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực hệ thống sông (LVHTS) Đồng Nai. Thứ trưởng Bộ TN&MT tham dự và chủ trì Phiên họp.

     Trong nhiệm kỳ 3 (giai đoạn 2017 - 2018), cùng với sự chung sức phối hợp giữa các Bộ, ngành và 11 tỉnh, TP: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đắc Nông, Ninh Thuận và Bình Thuận, việc triển khai Đề án tổng thể BVMT LVHTS Đồng Nai đến năm 2020 đã đạt được một số kết quả đáng kể trong nỗ lực giải quyết triệt để ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường nước LVHTS Đồng Nai. Các tỉnh đã đầu tư hệ thống quan trắc, giám sát môi trường và cơ sở thông tin dữ liệu; công tác điều tra, thống kê nguồn thải đã được triển khai thực hiện hiệu quả; xây dựng, bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách trong công tác BVMT; đầu tư mới hoặc nâng cấp hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị; công tác kiểm soát ô nhiễm do nước thải công nghiệp; các vấn đề môi trường liên ngành, liên vùng và lưu vực sông. Đến nay, nhiều tỉnh/TP đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải và truyền về Sở TN&MT để theo dõi và kiểm tra góp phần đáng kể vào việc kiểm soát chất lượng nước và vệ sinh môi trường trên lưu vực sông.

 

Lễ chuyển giao chức vụ Chủ tịch Ủy ban BVMT LVHTS Đồng Nai nhiệm kỳ 4 (2019 - 2020)

cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

 

          Bộ TN&MT đã và đang phối hợp với Ủy ban BVMT LVHTS Đồng Nai thực hiện chức năng chỉ đạo, điều phối thông qua việc thảo luận và thống nhất tại các phiên họp toàn thể của Ủy ban; đã đề xuất một số kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, như: Đề án thành lập Ủy ban lưu vực sông trên cả nước, trong đó có Ủy ban BVMT LVHTS Đồng Nai trên cơ sở kiện toàn tổ chức và tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ủy ban; Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 - 2020 tại Quyết định số 807/QĐ-TTg; "Điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải" tại Quyết định số 140/QĐ-TTg.

          Cùng với đó, Bộ TN&MT tiếp tục đôn đốc các tỉnh, TP triển khai thực hiện Đề án BVMT LVHTS Đồng Nai theo hướng dẫn của Bộ TN&MT, trong đó chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với các Sở, ngành có liên quan khẩn trương, ưu tiên tổ chức triển khai các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch triển khai Đề án của địa phương đã được phê duyệt, đồng thời tập trung vào triển khai đề án thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn thải (nước thải) ra LVHTS Đồng Nai trên địa bàn và bố trí kinh phí để cập nhật dữ liệu nguồn thải hàng năm. Đối với các địa phương đã tiến hành điều tra, thống kê, xây dựng dữ liệu nguồn thải (nước thải) trên địa bàn thì tổ chức rà soát, lập danh sách các nguồn thải gửi về Bộ TN&MT thông qua Tổng cục Môi trường để tổng hợp, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nguồn thải (nước thải) và lập bản đồ nguồn ô nhiễm nước trên toàn lưu vực, đồng thời đề xuất xây dựng kế hoạch quản lý, xử lý theo lộ trình từng năm và đến năm 2020.

     Các tỉnh, TPtrên LVHTS Đồng Nai cũng đã tập trung ban hành văn bản liên quan đến công tác BVMT nói chung, BVMT nước lưu vực sông tại địa phương nói riêng như: Xây dựng và thông qua quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học (tỉnh Đồng Nai);  Kế hoạch triển khai Đề án BVMT LVHTS Đồng Nai trên địa bàn TPHồ Chí Minh đến năm 2020; Xây dựng cơ chế, chính sách và kế hoạch nhằm triển khai thực hiện đồ án Quy hoạch chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Kế hoạch về chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Ban hành danh mục ngành nghề khuyến khích đầu tư; ngành nghề tiếp nhận đầu tư có điều kiện; ngành nghề tạm dừng tiếp nhận đầu tư; ngành nghề được xem xét tiếp nhận đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An. Ngoài ra, các tỉnh/TP cũng đã tổ chức rà soát, hệ thống lại các văn bản pháp luật về BVMT đã ban hành trước đây nhưng không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay để bãi bỏ...

     Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Đề án còn gặp một số khó khăn, hạn chế, tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại khu vực nội thành, nội thị và ô nhiễm do nước thải sản xuất vẫn diễn biến phức tạp; việc huy động các nguồn lực tài chính nhằm triển khai các nhiệm vụ, dự án còn khó khăn; sự phối hợp giữa các địa phương trong việc giải quyết các vấn đề môi trường liên vùng, liên tỉnh còn chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả. Ngoài ra, hiện tượng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT vẫn xảy ra, đặc biệt là ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả nước thải chưa xử lý gây ô nhiễm môi trường các lưu vực sông, ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của người dân. Đây cũng là một trong những thách thức không nhỏ trong nhiệm kỳ thứ 4, nhiệm kỳ tổng kết giai đoạn thực hiện Đề án đến năm 2020 mà Ủy ban BVMT lưu vực sông Đồng Nai cần quan tâm, giải quyết.

 

Toàn cảnh buổi Lễ

 

     Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án BVMT LVHTS Đồng Nai trong nhiệm kỳ 2019 - 2020, Bộ TN&MT sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, TPtrên LVHTS Đồng Nai đẩy mạnh việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT lưu vực sông, tháo gỡ các vướng mắc về mặt tài chính thúc đẩy việc thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ thuộc Đề án sông Đồng Nai; Triển khai Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, khu công nghiệp lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Quy hoạch quản lý chất thải rắn LVHTS Đồng Nai đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và UBND 11 tỉnh, TP đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg. Đồng thời, các địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá, xây dựng ban hành mới hoặc bổ sung Kế hoạch triển khai Đề án tổng thể BVMT LVHTS Đồng Nai trên địa bàn giai đoạn 2016-2020, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo các mục tiêu, chỉ tiêu của giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020; rà soát, lập danh sách, công bố và lên kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường mới phát sinh theo hướng dẫn của Bộ TN&MT; bố trí kinh phí thường xuyên hàng năm cho công tác điều tra, thống kê các nguồn thải, lập cơ sở dữ liệu về nguồn thải và tăng cường kiểm soát ô nhiễm đối với nguồn thải trên địa bàn; chủ động xây dựng các quy chế phối hợp công tác giữa các Sở, ngành có liên quan trong phòng ngừa và xử lý ô nhiễm, suy thoái môi trường tại một số điểm nóng ô nhiễm (kênh Ba Bò, suối Siệp, sông Giêng)…

     Phát biểu tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là các tỉnh, TP trong việc triển khai Đề án tổng thể BVMT LVHTS Đồng Nai đến năm 2020. Thứ trưởng tin tưởng rằng, với sự quyết tâm cao của chính quyền tại 11 tỉnh, thành phố trên lưu vực cùng sự quyết tâm của các Bộ, ngành và các thành viên của Ủy ban BVMT lưu vực lưu vực sông Đồng Nai, các mục tiêu của Đề án tổng thể BVMT lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2020 sẽ sớm trở thành hiện thực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về kinh tế - xã hội, phát triển bền vững của các địa phương trên lưu vực sông Đồng Nai.

     Cũng tại Phiên họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái đã chuyển giao chức vụ Chủ tịch Ủy ban BVMT LVHTS Đồng Nai nhiệm kỳ 4 (2019-2020) cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Trình.

 

Hồng Nhung

Ý kiến của bạn