Banner trang chủ

Đẩy mạnh kiểm soát ô nhiễm không khí tại Việt Nam

26/04/2017

     Ngày 25/4/2017, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội (VPQH) đã tổ chức Hội thảo “Ô nhiễm không khí tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp” nhằm cung cấp thông tin cho các nhà quản lý, đại biểu quốc hội về thực trạng ô nhiễm không khí, từ đó có những giải pháp hiệu quả liên quan đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.

     Tham dự Hội thảo có Phó Chủ nhiệm VPQH Đỗ Mạnh Hùng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trương Minh Hoàng; đại diện Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng, Hòa Bình, Bắc Giang, Hà Nam; Trưởng đại diện Quỹ Hanns Seidel Axel Neubert cùng các chuyên gia, nhà quản lý, khoa học, tổ chức xã hội về thiên nhiên và môi trường…

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

     Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí đặc biệt cao so với các nước trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Hơn 50% số ngày trong năm có chất lượng không khí kém, trong đó, Hà Nội là một trong những TP có mức độ ô nhiễm cao. Giai đoạn 2011 – 2015, số ngày Hà Nội có chỉ số chất lượng không khí kém chiếm tới 40-60% tổng số ngày quan trắc và có những ngày chất lượng không khí suy giảm đến ngưỡng xấu. Chất lượng không khí ở khu vực nông thôn, các làng nghề cũng đang có chiều hướng suy giảm, nhất là ở các làng nghề tái chế chất thải, tái chế nhựa, kim loại, giấy, sản xuất vật liệu xây dựng…

     Tại Hội thảo, phần lớn các đại biểu cho rằng, thời gian qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường không khí của nước ta đã từng bước được hoàn thiện. Luật BVMT năm 2014 và hệ thống văn bản dưới Luật đã quy định cụ thể về các biện pháp quản lý chất lượng không khí, kiểm soát ô nhiễm do khí thải công nghiệp. Tuy nhiên, việc áp dụng và tuân thủ các quy định pháp luật và quy chuẩn kỹ thuật về môi trường không khí của các tổ chức, cá nhân còn hạn chế; việc thanh tra, kiểm tra, xử phạt chưa nghiêm khắc, thiếu tính răn đe. Thêm vào đó, công nghệ sản xuất lạc hậu, sử dụng tài nguyên thiên nhiên thiếu bền vững là những yếu tố dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại nhiều khu vực ở nước ta. Do đó, cần phải có những nghiên cứu và xây dựng chính sách phù hợp nhằm hạn chế những tác hại của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe cộng đồng, trong đó, cần khẩn trương nghiên cứu để ban hành một đạo luật về kiểm soát ô nhiễm không khí với những quy định chi tiết để khắc phục những bất cập nêu trên.

 

Nam Việt

Ý kiến của bạn