Banner trang chủ

Xã hội hóa nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu

20/06/2023

    Ngày 20/6/2023, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Trung tâm Nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển tổ chức Hội thảo “Xã hội hóa nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học, BVMT và ứng phó biến đổi khí hậu”.

Quang cảnh Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Phạm Quang Thao - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, sau 10 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT đã từng bước đi vào cuộc sống, nhiều kết quả trong các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đạt được. Nhận thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT được nâng lên. Phát huy vai trò là tổ chức chính trị - xã hội của trí thức Việt Nam, hoạt động trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, với chức năng, nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết nhằm phát huy tiềm năng trí tuệ đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong nước và ở nước ngoài phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong những năm qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam luôn tiên phong trong hoạt động xã hội hóa ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT với nhiều kết quả đáng ghi nhận.

    Tính đến tháng 12/2022, về hệ thống tổ chức, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam có 93 Hội ngành toàn quốc (trong đó có 12 hội hoạt động trong các lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên, BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu); 63 Liên hiệp hội tỉnh, thành phố; 3 đơn vị thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Quỹ Vifotec, Nhà xuất bản Tri thức, Báo Tri thức và Cuộc sống). Bên cạnh đó, hơn 600 tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (trong đó có 115 tổ chức tham gia hoạt động trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, BVMT), hơn 20 tạp chí thuộc các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tập hợp được 3,7 triệu hội viên trong đó có hơn 2,2 triệu trí thức khoa học và công nghệ tham gia hoạt động trong hệ thống tổ chức của Liên hiệp hội từ Trung ương tới địa phương, gồm phần lớn các trí thức khoa học và công nghệ đầu ngành của đất nước. Đây chính là yếu tố tạo nên tiềm năng và thế mạnh cho phép Liên hiệp hội tham gia xã hội hóa ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, BVMT.

    TS. Lê Công Lương - Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Khoa học công nghệ và môi trường chia sẻ thêm, hiện nay, trong hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam có 1 nhà xuất bản; 69 cơ quan báo chí, các trang tin điện tử, bản tin nội bộ của các đơn vị trong toàn hệ thống. Nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên về BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, hàng năm, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các hội thành viên, các đơn vị khoa học và công nghệ đều tổ chức truyền thông về vai trò và ý nghĩa của Ngày đa dạng sinh học (22/5), Ngày Môi trường Thế giới (5/6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương thế giới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn... thông qua nhiều hình thức khác nhau như xuất bản sách, tài liệu, tổ chức các hội thảo, hội nghị, triển lãm, treo áp phích, tranh cổ động, in tờ rơi, phát áo, mũ có hình ảnh, logo tuyên truyền…

    Cùng với đó, các mạng lưới liên kết các tổ chức cùng hoạt động liên quan đến lĩnh vực BVMT, quản lý tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu được hình thành là sáng kiến của các tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam như: Mạng lưới các tổ chức Phi chính phủ Việt Nam và biến đổi khí hậu (VNGO&CC), Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) Mạng An ninh lương thực và giảm nghèo (CIFPEN), Mạng lưới Đất rừng (FORLAND)…

    Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Sinh - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) cho biết, ngay từ khi thành lập cách đây 35 năm (1988 - 2023), Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã lấy mục tiêu, định hướng phát triển là huy động sức mạnh cộng đồng, “Cộng đồng với môi trường”, hoặc “xã hội hóa nguồn lực” BVMT. TS. Nguyễn Ngọc Sinh mong muốn Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức thường xuyên hơn nữa các diễn đàn, tọa đàm, hội nghị, hội thảo, ấn phẩm truyền thông… để có nhiều cơ hội trao đổi về xã hội hóa công tác BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh, phát triển bền vững. Cùng với đó, có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời các tổ chức cá nhân thuộc hệ thống làm tốt việc “xã hội hóa” công tác BVMT.

    Một số ý kiến khác tại Hội thảo cho rằng, để bổ trợ và dần thay thế các đầu tư từ ngân sách cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học, thì việc xây dựng chiến lược huy động nguồn lực cho đa dạng sinh học và kế hoạch thực hiện chiến lược đó cũng cần phải được xem như các hoạt động ưu tiên nhất cho giai đoạn 2022-2025. Căn cứ vào chiến lược, thiết lập các hình thức huy động nguồn lực mới, linh hoạt và thông minh từ các nguồn xã hội hóa thông qua đóng góp từ doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh và người dân với cơ chế sử dụng hiệu quả và minh bạch. Ngoài ra, dựa trên những thành công của chi trả dịch vụ môi trường rừng, thúc đẩy và mở rộng chi trả cho các dịch vụ hệ sinh thái khác như nước công nghiệp, du lịch, nuôi trồng thủy sản và hấp thụ và lưu trữ các-bon…

Hương Đỗ

Ý kiến của bạn