Banner trang chủ

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng: Đảm bảo hài hòa trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản

15/06/2023

    Với giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất - địa mạo, đa dạng sinh học (ĐDSH) và hệ sinh thái trên phạm vi không gian 123,326 ha, Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO 2 lần ghi nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, với 3 tiêu chí: Tiêu chí (viii) “là những ví dụ nổi bật đại diện cho các giai đoạn lớn của lịch sử Trái đất, bao gồm cả việc ghi chép lại cuộc sống, các quá trình địa chất lớn đang tiếp diễn trong sự phát triển của các địa mạo, hay những đặc điểm địa chấn và địa hình lớn” (năm 2003); Tiêu chí (ix) “là ví dụ nổi bật đại diện cho các tiến trình sinh thái trong sự tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái trên cạn”; Tiêu chí (x) “sở hữu môi trường sống tự nhiên có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn ĐDSH” (năm 2015). Có thể nói, Di sản thế giới là một dấu mốc quan trọng không chỉ ghi nhận về giá trị tự nhiên ngoại hạng toàn cầu mà còn đánh giá nỗ lực trong hoạt động bảo tồn nguyên vẹn các giá trị tự nhiên của Di sản này. Việc công nhận di sản là cơ sở hướng đến sự phát triển bền vững của Di sản trên nguyên tắc hài hòa, vừa phát huy các giá trị, vừa bảo tồn nguyên vẹn tài nguyên. Vì vậy, trên cơ sở công cụ pháp lý, BQL VQG Phong Nha - Kẻ Bàng lấy việc quản lý, bảo tồn làm nền tảng, nghiên cứu khoa học là cốt lõi và phát huy các giá trị Di sản làm động lực nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

    Công cụ quản lý Di sản là cơ sở pháp lý bảo tồn

    Quản lý tài nguyên là quá trình tiếp cận đa nguyên tắc để đạt được mục đích giá trị tài nguyên được duy trì và chia sẻ. Đối với bảo tồn thiên nhiên, cần phải xem đối tượng quản lý là hệ sinh thái, các dịch vụ của hệ sinh thái, các đơn vị như loài, quần thể, quần xã và yếu tố môi trường nằm trong mối quan hệ tương tác. Do vậy, tiếp cận quản lý ở một khu di sản thiên nhiên thường dựa vào nền tảng công cụ chính sách - pháp luật, công cụ kinh tế, công cụ kỹ thuật và công cụ nâng cao nhận thức. Một trong những mối quan tâm hàng đầu là xây dựng được nền tảng chính sách có tầm nhìn và sử dụng nó như là công cụ để quản lý nhằm đạt mục tiêu đề ra.

    Chính sách được cụ thể bằng các quy chế, quy định, chiến lược quản lý, kế hoạch quản lý theo giai đoạn, cụ thể, VQG có Quy chế quản lý, bảo vệ Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng; Kế hoạch, chiến lược quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, Di sản thế giới giai đoạn 2013 - 2025; Phương án quản lý rừng bền vững VQG Phong Nha - Kẻ Bàng giai đoạn 2021 - 2030; Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí VQG Phong Nha - Kẻ Bàng giai đoạn 2021 - 2030...

    Quản lý, bảo vệ là nền tảng

    Xác định công tác bảo vệ rừng là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, trong những năm qua, Ban Quản lý (BQL) VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã tăng cường công tác tuần tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng; ngăn chặn người dân vào rừng trái phép, lấn chiếm đất rừng; lập và duy trì các điểm, chốt bảo vệ rừng tại khu vực trọng yếu; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, chủ rừng liên quan trên địa bàn trong việc thực thi nhiệm vụ; thực hiện tốt các quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng đã ký kết; tổ chức giao khoán, bảo vệ rừng và hỗ trợ phát triển cộng đồng cho người dân ở những thôn/bản có ranh giới liền kề VQG. Đến nay, BQL Vườn đã thành lập 11 trạm và 2 tổ kiểm lâm cơ động; huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn ĐDSH, gồm 18 tổ xung kích ở các thôn/bản, 21 nhóm bảo tồn thôn/bản trên địa bàn 9 xã vùng đệm; thành lập 43 tổ phòng cháy, chữa cháy rừng tại các thôn/bản; ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng với 11 tổ bảo vệ rừng chuyên, 28 nhóm hộ và 1 cộng đồng tại 29 thôn; hợp đồng khoán bảo vệ rừng với 2 đồn biên phòng; hợp đồng khoán bảo vệ rừng phòng hộ với 48 hộ gia đình thuộc 3 thôn, bản. Đáng chú ý, BQL VQG đã tổ chức được 44.564 đợt tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng và giám sát ĐDSH trên toàn địa bàn; phát hiện, tháo gỡ 40.300 sợi dây bẫy; phá hủy 570 lán trại trái phép trong lâm phận VQG; đẩy đuổi 4.200 lượt người xâm nhập trái phép... Ngoài ra, hàng năm hỗ trợ, chuyển giao nhiều mô hình sản xuất phù hợp nhằm từng bước giảm áp lực của người dân lên tài nguyên Di sản.

    Bên cạnh đó, nhằm đưa pháp luật đi vào thực tế và nâng cao nhận thức bảo tồn tài nguyên, BQL VQG đã tích cực chỉ đạo xây dựng kế hoạch tuyên truyền bảo vệ rừng và chú trọng triển khai hàng năm, với nhiều hình thức như: Lồng ghép vào các buổi sinh hoạt thôn bản; duy trì hoạt động câu lạc bộ bảo tồn ở cơ sở; lắp đặt pano quảng bá, phát tài liệu, ấn phẩm truyền thông; tổ chức hoạt động ngoại khóa tại các trường học trong vùng đệm; tổ chức hội nghị các cấp tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã... Tính đến nay, BQL Vườn đã thực hiện hơn 1.341 đợt tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật đến 752 lượt thôn, bản trên địa bàn các xã, thị trấn vùng đệm VQG với sự tham gia của 8.937 lượt người dân, vận động giao nộp 83 khẩu súng quân dụng và súng tự chế.

    Nghiên cứu khoa học là cốt lõi

    Nghiên cứu được xem là công cụ đánh giá mức độ thành công của quản lý và bảo tồn, bởi lẽ kết quả nghiên cứu khoa học luôn là bằng chứng trung thực nhất, giúp nhà quản lý đưa ra quyết định kịp thời nhằm có biện pháp can thiệp để hệ sinh thái được duy trì. Do vậy, BQL VQG Phong Nha - Kẻ Bàng luôn tăng cường hợp tác với các đoàn đến từ các Viện nghiên cứu, trường Đại học trong và ngoài nước để triển khai các đề tài, chương trình nghiên cứu, điều tra về hang động, ĐDSH, xã hội học, đồng thời, tổ chức nhiều cuộc hội thảo quy mô lớn để tranh thủ ý kiến tham vấn của các nhà khoa học, chuyên gia về lĩnh vực bảo tồn. Trong hơn 20 năm qua, BQL VQG đã chủ trì, tham gia thực hiện 11 đề tài nghiên cứu cấp tỉnh, cấp bộ; phối hợp tham gia 2 đề tài cấp Nhà nước; thực hiện 3 nghiên cứu cấp cơ sở; đạt 2 giải sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Bình; chủ trì và phối hợp xuất bản 5 ấn phẩm sách; gần 50 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành (trong đó có 3 bài đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế). Trong đó có nhiều ứng dụng rộng rãi như: Giám sát diễn biến rừng qua hệ thống GIS và RS; quản lý nền tảng dữ liệu trên các phần mềm chuyên dụng; ứng dụng giải pháp phòng ngừa diệt trừ các loài xâm hại; ứng dụng SMART trong hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng và giám sát ĐDSH; ứng dụng METT để đánh giá mức độ cải thiện hiệu quả quản lý, xác định hạn chế về nhân lực, kỹ năng, trang thiết bị, nguồn vốn ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý và hoạt động bảo tồn ĐDSH hay bẫy ảnh…

    Trong lĩnh vực nghiên cứu ĐDSH, thời gian qua, VQG đã thực hiện điều tra tương đối cơ bản về khu hệ thú, cá, chim, bò sát, ếch nhái, côn trùng và động vật không xương sống trong hang động. Về động vật, có 1.394 loài, thuộc 835 giống, 289 họ, 68 bộ, 12 lớp, 4 ngành, trong đó có 82 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam; 116 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN; 39 loài có tên trong Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ; 66 loài có tên trong các phụ lục CITES. Hệ thực vật tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cũng rất đa dạng với 2.953 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 1.007 chi, 198 họ, 63 bộ, 12 lớp, 6 ngành, trong đó có 111 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam; 121 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN; 3 loài nằm trong Nghị định số 64/2019/NĐ-CP. Bên cạnh đó, quần thể Bách xanh đá - Loài thực vật cổ và đặc hữu của Việt Nam và chuột đá Trường Sơn - Đại diện sống duy nhất của họ thú cổ Diatomyidae được xem là đã tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm được phát hiện ở VQG. Đặc biệt, từ khi thành lập đến nay, Phong Nha - Kẻ Bàng đã ghi nhận và công bố trên toàn thế giới 43 loài mới cho khoa học (38 loài động vật, 5 loài thực vật).

VQG Phong Nha - Kẻ Bàng sở hữu giá trị Di sản nổi bật toàn cầu

    Về địa chất địa mạo, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng là nơi hiện diện những dấu ấn đậm nét của lịch sử phát triển địa chất lâu dài từ hơn 400 triệu năm về trước với hệ thống hang động có giá trị hàng đầu thế giới. Đến nay, Phong Nha - Kẻ Bàng đã khảo sát, đo vẽ được 404 hang động với tổng chiều dài trên 231 km. Đặc biệt, việc phát hiện, khám phá Sơn Đoòng - Hang động lớn nhất thế giới có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu thám hiểm hang động ở khu vực, bổ sung thêm giá trị nổi bật toàn cầu về lịch sử hình thành vỏ Trái đất và đặc điểm địa chất quan trọng của Phong Nha - Kẻ Bàng, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam nói chung, Quảng Bình và Phong Nha - Kẻ Bàng nói riêng trên khắp thế giới.

    Phát huy Di sản là động lực

    Tài nguyên được bảo toàn tính toàn vẹn nhưng giá trị tài nguyên phải được sử dụng nhằm nâng cao sinh kế cho cộng đồng và đóng góp vào công tác bảo tồn. Du lịch được xem là công cụ tích cực đối với bảo tồn trên cơ sở đảm bảo tính toàn vẹn của hệ sinh thái, các giá trị tài nguyên được lượng hóa, nguồn thu được chia sẻ, ảnh hưởng do hoạt động du lịch được kiểm soát. Trong phạm vi của VQG chủ yếu phát triển các loại hình du lịch sinh thái ở phân khu dịch vụ hành chính, hạn chế du lịch tại các điểm nóng ĐDSH ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phục hồi sinh thái. Du lịch trong VQG là giải pháp hiệu quả trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhằm tăng thu nhập, giảm thiểu tác động tiêu cực lên tài nguyên. Khi cộng đồng được hưởng lợi từ Di sản thì mới bảo vệ Di sản hiệu quả, từ đó mới có thể khai thác hết giá trị của Di sản, vậy nên, cần thúc đẩy cộng đồng địa phương phát triển kinh tế thông qua việc hỗ trợ cho người dân tham gia các hoạt động du lịch sinh thái bền vững, phát triển nhiều mô hình sinh kế... Tuy nhiên, phát triển du lịch trong khu di sản cần coi trọng việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên; phải xây dựng cơ sở mang tính pháp lý; thực thi đầy đủ và nghiêm khắc quy định về bảo vệ tài nguyên; xây dựng nguồn lực, áp dụng các bộ công cụ hỗ trợ quyết định phục vụ công tác quản lý, bảo tồn tài nguyên.

    Phát huy tiềm năng và lợi thế về du lịch, những năm qua, BQL VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã có nhiều biện pháp nhằm đa dạng hoá sản phẩm du lịch như khám phá hang động, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch mạo hiểm, Farmstay, Homestay, Trecking, Zipline… Cùng với đó, ưu tiên các loại hình du lịch thân thiện với môi trường, đẩy mạnh công tác quảng bá, xã hội hóa nhằm đưa du lịch lên tầm cao mới. Từ chổ chỉ có một điểm tham quan là động Phong Nha - Tiên Sơn, đến nay, Phong Nha - Kẻ Bàng đã có 17 tuyến, điểm du lịch với các loại hình du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên, hang động... Đặc biệt, tuyến du lịch chinh phục Sơn Đoòng - Hang động lớn nhất thế giới được đánh giá là một trong những tour du lịch đẳng cấp quốc tế, báo chí nước ngoài bình chọn là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của thế giới.

    Mặt khác, theo Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ, BQL VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã xây dựng các Đề án du lịch sinh thái trong VQG, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt. Sau khi Đề án được phê duyệt, BQL VQG liên kết với các đơn vị có đủ điều kiện để khai thác với nhiều phương thức như tự tổ chức, liên doanh, liên kết và cho thuê môi trường rừng.

    Hình thức tự đầu tư, quản lý, khai thác: BQL VQG Phong Nha - Kẻ Bàng giao các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc quản lý, khai thác một số điểm/sản phẩm du lịch được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, như: Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng quản lý, khai thác động Phong Nha, động Tiên Sơn, suối Nước Moọc; Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật quản lý, khai thác điểm du lịch sinh thái và diễn giải môi trường Vườn thực vật...

    Hình thức cho doanh nghiệp thuê môi trường rừng để đầu tư khai thác du lịch: Từ năm 2011, trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành tại thời điểm trên, đơn vị đã cho Công ty cổ phần tập đoàn Trường Thịnh thuê 65 ha rừng tự nhiên để đầu tư Khu du lịch sinh thái động Thiên Đường, đây là dự án thuê môi trường rừng đầu tiên của VQG. Những năm gần đây phát triển thêm các dự án: Rừng Gáo - Hang Ô Rô; thung lũng Sinh Tồn - Hang Thủy Cung; suối Moọc, Zipline sông Chày - Hang Tối và sản phẩm ngắm chim thú trong VQG. Đến nay, tổng diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng ở VQG là 63,65 ha.

    Hình thức hợp đồng liên kết khai thác du lịch giữa BQL và doanh nghiệp: Theo hình thức này, sau khi đề xuất kế hoạch và được sự chấp thuận của BQL VQG, nhà đầu tư chủ động hợp tác với người dân bản địa hiểu biết về rừng, thuê chuyên gia hang động và phối hợp với cán bộ của BQL để tìm kiếm, khảo sát các hang động, đề xuất BQL lập đề án du lịch sinh thái, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Trên cơ sở đề án, BQL và doanh nghiệp tiến hành ký kết hợp đồng liên doanh, liên kết khai thác du lịch sinh thái. Một số ví dụ điển hình cho hình thức này đó là: BQL VQG đã liên kết với Công ty Oxalis khai thác các tuyến: Chinh phục hang Sơn Đoòng, hang Va, hang Nước Nứt - Những trải nghiệm khác biệt, Rào Thương - Hang Én; liên kết với Công ty Jungle Boss khai thác các tuyến: Thung lũng Hamada - Hang Trạ Ang, hang Đại Ả - Over - Pygmy.

    Kết quả phát triển các sản phẩm du lịch - dịch vụ đã thu hút lượng khách đến với Di sản ngày càng tăng. Tổng lượng khách tham quan tại VQG trong trong hơn 20 năm qua đạt hơn 9,6 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế hơn 1 triệu lượt); doanh thu từ phí và lệ phí đạt trên 1.673 tỷ đồng. Du lịch ở VQG không chỉ đóng góp phát triển kinh tế cho khu vực mà còn là giải pháp hữu hiệu để bảo tồn Di sản, giảm áp lực lên tài nguyên thông qua việc tạo thêm việc làm cho người dân địa phương. Thời điểm phát triển “nóng” nhất, tại khu vực thị trấn Phong Nha và vùng lân cận có đến 114 cơ sở lưu trú với hơn 1.000 phòng, thu hút 460 lao động trực tiếp. Thời điểm năm 2019, nếu tính cả lao động gián tiếp trong nông nghiệp, dịch vụ và khu vực Nhà nước là trên 4.000 người, với mức thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng đã tạo ra xu hướng chuyển lao động trước đây từ khai thác tài nguyên thiên nhiên sang phát triển du lịch, dịch vụ… làm giảm đáng kể áp lực lên tài nguyên VQG, tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia bảo vệ rừng, bảo tồn Di sản, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

    Một Di sản thiên nhiên thường gắn với bảo tồn nguyên vẹn các giá trị Di sản, giá trị ngoại hạng theo hướng chủ động thì cần có cơ sở chính sách hợp lý làm nền tảng và quản lý các giá trị đó nhất thiết phải có chứng cứ khoa học, đồng thời, muốn phát huy thì giá trị đó phải được sinh lợi và chia sẻ. Do vậy, các trụ cột chính của bảo tồn là bảo vệ tài nguyên, nghiên cứu và phát huy các giá trị một cách hợp lý. Những kết quả trên chính là tiền đề, động lực quan trọng để BQL VQG Phong Nha - Kẻ Bàng tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản; phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết được vấn đề việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần làm giảm áp lực lên tài nguyên Di sản. Trong quá trình quản lý dựa trên 3 trụ cột thì việc xem xét, điều chỉnh để những yếu tố tích cực ngày càng được phát huy, yếu tố tác động tiêu cực ngày được kiểm soát tốt hơn, nhằm tạo sự ổn định, bền vững cho Di sản.

Võ Văn Trí, Lê Thị Phương Lan, Trần Thị Mỹ Hằng

Ban quản lý VQG Phong Nha -  Kẻ Bàng

Gia Linh

Ý kiến của bạn