Banner trang chủ

TP. Hà Nội: Ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại

09/02/2023

    Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) là 1 trong những giải pháp quan trọng cho phát triển sản xuất nông nghiệp của TP. Hà Nội đã được cụ thể hóa tại Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân”; Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP. Hà Nội” trong giai đoạn 2021 - 2025”; Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn; Kế hoạch số 220/KH-UBND ngày 15/8/2022 về “Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ của TP. Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Gần đây nhất, UBND thành phố đã ban hành Công văn số 4203/UBND-KT đề nghị Bộ NN&PTNT bổ sung các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn Hà Nội vào quy hoạch chung của toàn quốc gồm: Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tại huyện Hoài Đức, quy mô diện tích khoảng 668ha, thuộc địa phận xã An Thượng và xã Song Phương; Khu sản xuất, dịch vụ ứng dụng CNC phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông), quy mô diện tích khoảng 76ha thuộc vùng đất bãi sông Đáy; Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tại vùng bãi ven sông Hồng thuộc xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh, quy mô diện tích khoảng 105ha; Khu nghiên cứu và phát triển giống, cây trồng CNC tại xã Song Phượng (huyện Đan Phượng), với quy mô diện tích 9,44ha; Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tại vùng bãi ven sông Đáy thuộc xã Đồng Tháp (huyện Đan Phượng) quy mô diện tích 23,3ha; Khu sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái tại xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ), với quy mô diện tích khoảng 200ha; Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tại xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây), quy mô diện tích khoảng 80ha… Đây được xem là những văn bản pháp lý quan trọng, góp phần thúc đẩy giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa, bảo đảm phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững. Nhằm đẩy mạnh triển khai các mô hình ứng dụng CNC trong lĩnh vực trồng trọt, thời gian qua, TP. Hà Nội đã có nhiều giải pháp khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, tạo nguồn lực phát triển nền nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại.

Hợp tác xã Cuối Quý áp dụng mô hình sản xuất rau hữu cơ ứng dụng CNC

    Theo ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, tính đến nay, toàn thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Giá trị sản phẩm nông nghiệp CNC chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp TP. Hà Nội. Hà Nội phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC đạt trên 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn thành phố. Riêng ứng dụng CNC trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn TP. Hà Nội diễn ra ở mọi lĩnh vực trong nông nghiệp, như: ứng dụng công nghệ kết nối vạn vật IoT, công nghệ canh tác không sử dụng đất, công nghệ Blockchain truy xuất nguồn gốc, công nghệ biofloc…

    Một số mô hình ứng dụng CNC trong lĩnh vực trồng trọt, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội, khẳng định được vị thế trên thị trường. Điển hình như khu sinh thái nông nghiệp CNC thung lũng Ngọc Linh (huyện Thạch Thất) phát triển theo hướng áp dụng CNC của Nhật Bản, Đức vào sản xuất nông nghiệp, với các mô hình nhà kính, sản xuất rau thủy canh, nuôi cấy tảo xoắn để chiết xuất dược liệu và trồng rau kết hợp với cây dược liệu, du lịch và nghỉ dưỡng. Một số hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ áp dụng công nghệ trên diện tích 5ha với sản lượng 3 tạ rau/ngày, trung bình mỗi tháng cho thu nhập trên 120 triệu đồng, giá trị bình quân/ha canh tác đạt gần 6,7 tỷ đồng/ha. Những thành công bước đầu của Khu sinh thái nông nghiệp CNC Thung lũng Ngọc Linh trong việc ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra các sản phẩm rau siêu sạch, trứng gà công nghệ cao… đã trở thành mô hình điểm về nông nghiệp CNC của Hà Nội. Hay mô hình sản xuất nấm CNC của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức) đã đầu tư gần 70 tỷ đồng xây dựng Nhà máy sản xuất và đóng gói nấm kim châm sạch theo công nghệ hiện đại của Nhật Bản, với quy mô hơn 3.000 m2, sản lượng đạt 30 tấn/tháng, mang lại doanh thu 1,8 - 2 tỷ đồng/tháng. Bên cạnh đó, còn có một số mô hình ứng dụng CNC từ nước ngoài như tại Hợp tác xã Cuối Quý (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng). Quy trình sản xuất theo phương pháp khép kín từ trong ra ngoài, phân bón sử dụng bón thúc cho rau là phân hữu cơ, không lên luống, xử lý nấm bệnh bằng máy đốt dùng khí ga, gieo hạt bằng máy, gieo xong đóng cửa, tưới giữ ẩm bằng pép phun sương chờ ngày thu hoạch. Ngoài ra, để sản xuất rau sạch, bảo đảm chất lượng, toàn bộ giống rau được Hợp tác xã nhập từ Đài Loan, Nhật Bản, còn đất thì được bón phân hoai mục. Theo chia sẻ của hộ gia đình anh chị Nguyễn Đăng Quý và Đặng Thị Cuối, việc áp dụng mô hình sản xuất rau hữu cơ ứng dụng CNC tuy lúc đầu vốn đầu tư khá lớn nhưng về lâu dài mang lại nhiều lợi ích. Vì chỉ cần đầu tư một lần nhưng tránh được tác hại của thời tiết và không phải sử dụng thuốc hóa học trong quá trình canh tác do được trồng trong hệ thống nhà lưới,nhà màng tránh được sâu bệnh gây hại, giảm chi phí. Mặt khác, nhà màng có kết cấu đơn giản, không sử dụng bất kỳ mối hàn nào, không xây móng, dễ lắp đặt, tháo dỡ. Với quy trình gieo hạt từ trong ra ngoài, đóng cửa chờ thu hoạch và thu hoạch một lần từ ngoài vào trong, bẫy côn trùng ở 4 góc mái nhà màng, không tốn công chăm sóc, rau lại đảm bảo an toàn. Mô hình có đầu tư đơn giản nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, dễ áp dụng và hoàn toàn có thể nhân rộng ra trên địa bàn và các tỉnh khác…

Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao sản xuất và đóng gói nấm kim châm sạch theo công nghệ hiện đại của Nhật Bản

    Có thể nói, nông nghiệp CNC đã thu hút được sự tham gia của đông đảo các thành phần kinh tế. Dù vậy, số lượng các mô hình ứng dụng CNC trong trồng trọt nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung trên địa bàn TP. Hà Nội quy mô vẫn còn hạn chế, chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. CNC chủ yếu mới thực hiện ở một vài khâu như tưới tiết kiệm theo công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới... Còn khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến vẫn áp dụng công nghệ thủ công, công nghệ lạc hậu nên năng suất, chất lượng nông sản còn thấp. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp CNC còn hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư. Trong khi đó, đầu tư CNC đòi hỏi nguồn lực, vốn quá lớn nhưng thu hồi lại quá chậm. 

    Hiện Sở NN&PTNT TP. Hà Nội đã phối hợp với các Sở, ngành của thành phố rà soát lại cơ chế, chính sách đã và đang hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm phát huy những cơ chế, chính sách phù hợp; đồng thời, báo cáo cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những chính sách không còn phù hợp. Cùng với đó, Sở cũng đang trình UBND TP. Hà Nội xem xét, ban hành Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn thành phố; Hà Nội sẽ hỗ trợ hình thành, duy trì và phát triển được ít nhất 44 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC (trồng trọt: 10 doanh nghiệp, chăn nuôi: 32 doanh nghiệp, thủy sản: 2 doanh nghiệp), 1 trung tâm nông nghiệp ứng dụng CNC, 1 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC… Chương trình khi đi vào thực tiễn sẽ góp phần thúc đẩy phát triển và ứng dụng hiệu quả CNC, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sinh thái, hiện đại. Ngoài ra, để chính sách đi vào thực tiễn, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành tháo gỡ những vướng mắc về đất đai, nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP; đồng thời hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chuỗi liên kết, xúc tiến thương mại để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp CNC…

Hồng Cẩm

(Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội)

Ý kiến của bạn