Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 11/10/2024

Thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam (Phú Yên): Vận động ngư dân cam kết và thực hiện đưa rác về bờ

01/12/2023

    Vũng Rô là khu vực vùng vịnh biển trải dài với diện tích gần 16,4 km2, thuộc xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. trên Vịnh Vũng Rô hiện có 390 lồng bè thủy sản và có khoảng 30 bè hoạt động du lịch vùng ven bờ của vịnh. Tình trạng rác ở vịnh Vũng Rô đã kéo dài nhiều năm nay, địa phương cũng thường xuyên tổ chức thu gom nhưng không xuể.  Từ quốc lộ 29 nhìn xuống bãi Chính, bãi Hương của Vũng Rô, những bãi rác lớn chất đống, từng lớp rác dày chồng lên nhau phủ dọc bờ biển. Ở nơi này chủ yếu là rác thải sinh hoạt như bao bì ni lông, xốp, chai nhựa và một số vật dụng để nuôi tôm, bốc mùi hôi thối.

    Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, trú thôn Phú Lạc, phường Hòa Hiệp Nam, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên nuôi cá bè cách bờ bãi Chính, vịnh Vũng Rô khoảng 100m cho biết: Rác thải nhựa trở thành nỗi ám ảnh của người dân sống và kinh doanh dịch vụ ở vịnh Vũng Rô.

    Cũng theo bà Dung: “Từ tháng 3 đến hết tháng 9 hàng năm, lượng rác tấp vào lồng bè của gia đình chị rất nhiều. Ngoài rác thải ni lông bám vào lồng thì rác thải nhựa dạng nhỏ chui qua các lỗ lưới vào các lồng cá, một số con cá bị chết do ăn phải rác. NGười dân chúng tôi bất an, lo lắng, rác thải nhựa đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng nuôi thủy sản của địa phương”.

Túi ni lông tràn ngập vịnh Vũng Rô, khiến nhiều loài cá chết vì ô nhiễm

    Về mùa gió nồm, rác tấp vào đây quá nhiều. Hốt dọn không hết. Rác tới bè nào thì bè nấy tự lo thôi. Sau khi vớt, mình đem vào tảng đá to trong bờ mình chất lên đổ dầu lên đốt. Rác cứ trôi lềnh bềnh trên mặt biển tấp vào, bè tôm thì thả lồng sâu xuống thì rác đi qua luôn, lồng cá thì rác mắc vào, cản ô cá làm mất ô xy, cá chết-, chị Dung chia sẻ!.

    Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Phú Yên, thừa nhận và cho biết hoạt động nuôi thủy sản bằng lồng bè trên biển phát sinh một lượng lớn chất thải như túi nilon đựng thức ăn, bao thuốc, thức ăn thừa, xác tôm lột,... Mặc dù tỉnh đã triển khai một số mô hình thug om rác thải từ nuôi trồng thủy sản nhưng chưa được duy trì thường xuyên. Cũng như chưa có khung giá dịch vụ thu gom rác thải, trong khi địa phương thiếu kinh phí và lực lượng tổ chức thu gom rác thải trên biển.

    Mặt khác do thiếu quy hoạch vùng nuôi, quản lý còn bất cập cùng với ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động nuôi trồng thủy sản của đa số người nuôi chưa cao như tự phát nuôi vượt quá sức tải môi trường, chất thải từ nuôi trồng chưa được thu gom, xử lý. Vì vậy môi trường các đầm, vịnh, vùng biển ven ngày càng ô nhiễm.

    Lên phương án thu gom, vận chuyển

    Trước thực tế này, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên đã tham mưu UBND tỉnh kêu gọi nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức nước ngoài, trong đó có Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam cùng triển khai nhiều hoạt động nhằm giảm thải nhựa phát sinh vào môi trường. Theo đó, UBND thị xã Đông Hòa đã ra văn bản số 722/UBND-TNMT ngày 1/2/2023 về việc đề xuất kinh phí hỗ trợ triển khai thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải thôn Vũng Rô và kèm theo các phương án cụ thể, xác định rõ mục tiêu:

    Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước  về bảo vệ môi trường, huy động nguồn lực của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phấn đấu xây dựng thị xã Đông Hòa đến năm 2025 trở thành điểm đến xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường.

    Nâng cao nhận thức cộng đồng về mức độ ô nhiễm, tác hại của rác thải nhựa, túi nilong khó phân hủy đối với môi trường biển, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người.

    Tổ chức thực hiện phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lồng bè trên địa bàn thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam năm 2023 đạt tỷ lệ thu gom 60-70% lượng phát thải phát sinh từ các lồng bè từ khu vực vịnh Vũng Rô cho đến khi được di dời theo quy định nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường biển tại khu vực vịnh Vũ Rô.

    Được biết, việc lên phương án thu gom, vận chuyển rác về bờ được thực hiện bởi nguồn tài chính từ Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”. Bằng hình thức tập huấn, có 3 lớp tập huấn tuyên truyền cho chủ lồng bè và người lao động về tác động của rác thải và công tác bảo vệ môi trường; liên quan tới các quy định việc thu gom và xử lý rác thải, trách nhiệm của các chủ nguồn thải. Phổ biến các thông tin ô nhiễm rác thải nhựa, những quy định về quản lý chất thải tại địa phương, các quy định về bảo vệ môi trường, đặc biệt là Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

    Tại buổi tập huấn, chính quyền địa phương đã vận động các chủ bè ký cam kết đưa rác vào bờ và tuân thủ các quy định liên quan tới quản lý chất thải rắn tại địa phương. Riêng với chủ lồng bè không tham dự buổi tập huấn, địa phương tiến hành vận động trực tiếp, ký cam kết và tiến hành gắn các bảng nội quy quản lý rác thải tại các bè.

    Tại các bè, các chủ lồng ký cam kết thug om và bỏ rác đúng quy định, không xả rác xuống biển. Dự án đã hỗ trợ cho 2 túi lưới/bè cho 450 bè nuôi trồng thủy sản, kinh doanh tại khu vực Vũng Rô. Đồng thời, gắn bảng nội quy quản lý rác thải tại lồng/bè gồm các nội dung như: Không xả rác thải xuống biển, thu gom và xử lý rác thải đúng quy định và các điều khoản xử phạt liên quan bỏ rác thải không đúng quy định.

Người dân thu gom rác đưa về bờ

    Hiện nay, tại thôn Vũng Rô, chiến dịch ra quân dọn rác thải nhựa tồn đọng khu vực Bãi Chính (3km), Bãi Lách (1km), Bãi Mù U (2km) vẫn đang trong thời gian triển khai (từ tháng 6-12/2023). Địa phương chủ động huy động phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tại Vũng Rô thu gom, dọn sạch các điểm nóng rác thải trên địa bàn xã. Theo kế hoạch từ tháng 7-12/2023, có tối thiểu 4 đợt làm sạch các bãi biển.

    Song song với việc làm sạch các bãi biển thì việc cải thiện hệ thống quản lý rác thải tại Vũng Rô cũng được cải thiện như cải tạo khu tập kết rác, đổ bê tông nền trên diện tích trên 100m3, cải tạo tường và vẽ tranh tường trên mặt trước khu tập kết rác. Cùng với đó là trang bị 8 xe đẩy tay 660 lít để thu gom và đựng rác thải.

    UBND xã Hòa Xuân Nam có trách nhiệm thực hiện các biện pháp liên quan tới giảm thiểu ô nhiễm chất thải rắn do hoạt động nuôi trồng thủy sản và kinh doanh dịch vụ lồng bè. Thông báo quy định về thu gom và xử lý rác thải cho lồng bè hiểu, thực hiện.

    Đồng thời, UBND xã Hòa Xuân Nam cử người theo dõi và thug om rác thải từ các lồng bè và có trách nhiệm giám sát, ghi chép, báo cáo việc thu gom và xử lý rác từ các lồng bè liên tục trong vòng 1-3 tháng. Riêng các trường hợp không thu gom và xử lý rác thải đúng quy định sẽ bị nhắc nhở trên đài phát thanh tối đa từ 02 lần, nếu tiếp tục vi phạm sẽ tiến hành xử phạt hành chính theo điểm d, điều 25, nghị định số 45/2022/NĐ-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (phạt tiền từ 1 triệu đồng-2 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải bỏ rác trên vỉa hè, long đường hoặc hệ thống thoát nước mặt, đổ nước thải không đúng trên vỉa hè, lòng đường phố, thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông suối, biển). Đặc biệt, UBND xã Hòa Xuân Nam chủ động làm việc với các đơn vị cung cấp thức ăn nuôi trồng thủy sản để vận động các đơn vị này thug om và xử lý rác đúng nơi quy định, đặc biệt là các bao bì đựng thức ăn.

    Sở TN&MT tỉnh Phú Yên có trách nhiệm hỗ trợ các địa phương trong vấn đề chuyên môn tới quản lý môi trường. Kết nối với các tổ chức hỗ trợ kinh phí cho UBND xã Hòa Xuân Nam triển khai kế hoạch quản lý rác thải, giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện môi trường tại khu vực Vũng Rô. Hỗ trợ báo cáo viên cho các buổi tuyên truyền về các quy định của nhà nước và địa phương liên quan đến quản lý chất thải. Đánh giá kết quả của phương án và có các đề xuất, cải thiện tình hình xử lý rác thải tại địa phương. Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam chịu trách nhiệm huy động nguồn lực góp phần thực hiện các kế hoạch, phương án đề ra.

    Ông Trương Quang, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Vũng Rô, chia sẻ: Hiện Vũng Rô, hàng ngày đón hàng trăm lượt khách. Để giải quyết nhu cầu tham quan, dã ngoại của du khách khi đến vịnh, UBND huyện Đông Hòa quy hoạch tạm thời khu vực kinh doanh dịch vụ ăn uống trên bè nổi gần bờ. Dù các chủ bè bố trí nhiều giỏ đựng rác trên bè, nhưng du khách vẫn vứt nhiều túi ni lông, hộp đựng thức ăn bằng nhựa,... xuống vịnh, nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Nhờ đội tình nguyện này mà vịnh Vũng Rô sạch rác. Mô hình gom rác thải này cần được nhân rộng. Mấy lần họp UBND xã, tôi nêu vấn đề này ra để các hội đoàn thể tuyên truyền đến các bè nuôi thủy sản giữ gìn môi trường.

Việt Anh - An Bình

Ý kiến của bạn