Banner trang chủ

Thanh niên Việt Nam chung tay phục hồi hệ thống rừng đầu nguồn, phát triển cây xanh, bảo vệ môi trường

30/07/2021

     Ngày 29/6/2021, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh đã phối hợp với Công ty TNHH Nước Giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam tổ chức phát động Chương trình “Triệu cây xanh - Vì một Việt Nam xanh”, nhằm hưởng ứng Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ và thực hiện chỉ tiêu trồng mới 30 triệu cây xanh do Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022 đề ra. Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về một số nội dung xung quanh vấn đề này.

      PV: Đồng chí có thể chia sẻ một số hoạt động nổi bật góp phần BVMT của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong thời gian qua?

    Đồng chí Bùi Quang Huy: Thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về BVMT, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xác định đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu niên hàng năm. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã triển khai và chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tổ chức thực hiện nhiều chương trình, đề án, hoạt động cụ thể. Đặc biệt, ngay trong Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022, tổ chức Đoàn đã đề ra chỉ tiêu “Trồng mới 30 triệu cây xanh” cùng mục tiêu phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, ngăn chặn lũ lụt, thiên tai, mang lại bầu không khí trong lành, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, góp phần BVMT, chống lại những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH). Có thể kể đến một số hoạt động nổi bật về BVMT của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong thời gian qua như: Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH giai đoạn 2019 - 2022”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình “Vì một Việt Nam xanh” giai đoạn 2018 - 2022; Ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2017 - 2022 với Bộ TN&MT về thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực TN&MT. Từ đó, Trung ương Đoàn và Bộ TN&MT đã phối hợp triển khai hiệu quả nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, ý nghĩa, điển hình như Kế hoạch tổ chức hưởng ứng Phong trào “Chống rác thải nhựa (RTN)” trong thanh niên cấp toàn quốc năm 2019.

Đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

     Trung ương Đoàn đã chỉ đạo các tỉnh, thành đoàn và đoàn trực thuộc; Các cơ sở Đoàn, cơ quan báo chí phát thanh, truyền hình của Đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tổ chức hoạt động BVMT trong các đợt cao điểm như: Tết trồng cây, Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, Tháng Thanh niên, Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè; Định kỳ tổ chức Chương trình “Ngày chủ nhật xanh” toàn quốc, Chiến dịch “Hãy làm sạch biển”; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên, thanh, thiếu niên và tuyên truyền các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong BVMT của các cấp bộ Đoàn. Chỉ tính riêng nội dung trồng cây, tính từ năm 2018 đến nay, toàn Đoàn đã trồng mới 33 triệu cây xanh, đạt 110% chỉ tiêu nhiệm kỳ 2017 - 2022 đề ra, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động.

     Các cấp bộ Đoàn cũng tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, kiến tạo nhiều mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo, mang lại kết quả tích cực, được các cấp, các ngành và xã hội ghi nhận, cụ thể: Tổ chức ra quân 10 “Ngày Chủ nhật xanh”, trồng trên 5 triệu cây xanh; Tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường và tuyên truyền về Phong trào “Chống RTN”. Một số giải pháp, mô hình tiêu biểu của Trung ương Đoàn và các cấp bộ Đoàn như: Cuộc thi vẽ tranh “Vì một Việt Nam xanh”; Cuộc thi chạy “Vì một Việt Nam xanh”; Triển khai 3 mô hình cảnh quan xanh tại 3 tỉnh Tuyên Quang, Gia Lai, Cao Bằng; Phát động Cuộc thi và khánh thành sân chơi “Hành trình thứ 2 của lốp xe” với mục tiêu tái chế 10.000 lốp xe cũ và xây dựng sân chơi cho thanh, thiếu niên trên khắp các tỉnh, thành; Cuộc thi “Hành trình thứ 2 của hạt”; Cuộc thi “Thách thức để thay đổi”; Các mô hình cộng động chống RTN: Chợ dân sinh giảm RTN và Chung cư hạn chế RTN...

     PV: Được biết, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức phát động Chương trình “Triệu cây xanh - Vì một Việt Nam xanh”. Mục đích và các hoạt động chính của Chương trình là gì, thưa đồng chí?  

     Đồng chí Bùi Quang Huy: Chương trình “Triệu cây xanh - Vì một Việt Nam xanh” được phát động nhằm hưởng ứng Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ và thực hiện chỉ tiêu trồng mới 100 triệu cây xanh trong giai đoạn 2021 - 2025 theo Chương trình hành động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra. Bên cạnh đó, Chương trình tập trung phục hồi hệ thống rừng đầu nguồn, phát triển cây xanh, BVMT, ứng phó với BĐKH, bảo vệ sinh quyển, bảo vệ và tái tạo nguồn nước... Vì vậy, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh mong muốn, Chương trình không chỉ góp sức của tuổi trẻ Việt Nam vào công cuộc phục hồi rừng đầu nguồn, phát triển cây xanh, BVMT, ứng phó với BĐKH mà thông qua đó sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đoàn viên, thanh, thiếu niên và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của cây xanh, của rừng cùng tính cấp thiết của việc trồng, bảo vệ rừng, bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên như đất, nước, không khí…

     Chương trình được Trung ương Đoàn xây dựng theo một mô hình, cách làm mới, không đơn thuần là chương trình trồng rừng mà là tổng hợp các hoạt động, từ tạo môi trường để các bạn trẻ hưởng ứng phong trào trồng rừng nói riêng và BVMT nói chung, thông qua những cam kết, hành động cụ thể; Vừa là việc trồng rừng nhưng đồng thời hướng đến xác lập trồng rừng bền vững, gắn trồng với bảo vệ, chăm sóc rừng, đặc biệt là hướng đến tạo lập sinh kế bền vững của cộng đồng gắn với việc chăm sóc rừng. Chương trình xác định, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ trồng và chăm sóc 1 triệu cây xanh rừng đầu nguồn tại các khu vực thường chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt, sạt lở... cùng các hoạt động nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh thiếu niên về vai trò, tầm quan trọng của rừng đầu nguồn. Trước mắt, trong thời gian còn lại của năm 2021, Chương trình dự kiến trồng khoảng 20 nghìn cây xanh tại các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Đoàn viên, thanh niên tại các địa phương sẽ chịu trách nhiệm trồng, chăm sóc cây phát triển.

     Để thực hiện được mục tiêu trồng “Triệu cây xanh” và truyền tải thông điệp “Vì một Việt Nam xanh”, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã thiết kế các hoạt động cụ thể gồm: Cuộc vận động “Cam kết xanh”, nhằm thúc đẩy hành động xanh của cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên trên website www.trieucayxanh.doanthannien.vn, tổ chức tuyên truyền trên ứng dụng Thanh viên Việt Nam, Cổng thông tin điện tử Trung ương Đoàn và triển khai truyền thông, lan toả trên hệ thống trang tin điện tử, mạng xã hội của các cấp Bộ đoàn, thu hút sự tham gia của đoàn viên, thanh, thiếu niên cùng thực hiện các “Hành động xanh”. 10.000 “Hành động xanh” đầu tiên sẽ tương ứng với 10.000 cây xanh do Ban Tổ chức cung cấp để trồng, chăm sóc. Cùng với đó là Cuộc thi ảnh “Triệu cây xanh”, mỗi cá nhân tham gia dự thi gửi tối thiểu 2 ảnh miêu tả thực trạng trước và sau khi tổ chức hoạt động cải tạo cảnh quan, trồng cây hoặc hoạt động kêu gọi, vận động đoàn viên, thanh, thiếu niên, nhân dân tại địa phương cùng tham gia trồng cây, BVMT.

Toàn cảnh buổi gặp mặt báo chí công bố và phát động Chương trình “Triệu cây xanh - Vì một Việt Nam xanh”

     Ngoài ra, Giải chạy bán Marathon “Triệu cây xanh - Vì một Việt Nam xanh” cũng được tổ chức nhằm thúc đẩy, lan toả ý nghĩa của Chương trình và tiếp tục vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào Cuộc vận động. Đáng chú ý, sau khi Chương trình khép lại, ngoài hoạt động trồng rừng, Ban Tổ chức sẽ tiến hành một số hoạt động tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu về hệ sinh thái rừng đầu nguồn; Về một số loài động, thực vật hiện hữu tại khu bảo tồn thiên nhiên; Trực tiếp tìm hiểu đặc điểm của một số loài thực vật, động vật đang sinh sống tại rừng đầu nguồn và trải nghiệm thực tế phương pháp sử dụng “bẫy ảnh” để ghi chép, theo dõi quá trình hình thành của một số loài thực vật cũng như quá trình di chuyển, sinh sống của một số loài động vật đặc hữu.

     PV: Để các giải pháp trên thực sự hiệu quả, theo đồng chí, cần lưu ý những vấn đề gì trong quá trình triển khai?

     Đồng chí Bùi Quang Huy: Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã triển khai và chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tổ chức nhiều giải pháp, đồng thời, nghiên cứu triển khai các mô hình phù hợp với tình hình hiện nay. Để các giải pháp nêu trên thực sự phát huy được hiệu quả, cần tập trung chú ý một số vấn đề sau:

     Thứ nhất, các cấp bộ Đoàn cần xác định công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên, thanh, thiếu niên với vấn đề môi trường, BVMT, ứng phó với BĐKH, xem việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Từ việc có được nhận thức đúng và đủ, các cấp bộ Đoàn sẽ chủ động nghiên cứu tình hình thực tế của địa phương, đơn vị để triển khai hiệu quả các giải pháp, xây dựng những mô hình, phong trào thiết thực, ý nghĩa để thúc đẩy việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh. Đối với cá nhân từng cán bộ, đoàn viên, thanh, thiếu niên, khi có nhận thức đúng đắn, họ sẽ có được những hành động thực tế phủ xanh nơi sinh sống và làm việc của chính mình.

     Thứ hai, phải có phương án tổ chức trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh đổi mới, hiệu quả. Cần xác định, việc trồng cây cũng giống như việc trồng người, đều cần có thời gian nuôi dưỡng để sinh trưởng và phát triển. Chính vì vậy, thời gian triển khai hoạt động trồng, chăm sóc cây cần có sự duy trì “dài hơi”, bài bản hơn. Để làm được điều đó, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã chỉ đạo các Ban, đơn vị chuyên môn và các tỉnh, thành Đoàn khi triển khai công tác BVMT, đặc biệt là tổ chức trồng cây xanh mới, phải có kế hoạch, phương án trồng, biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây xanh cụ thể, chi tiết. Song song với đó, việc kiểm tra, đánh giá chất lượng các chương trình, chất lượng cây xanh trồng mới phải được thực hiện thường xuyên, đảm bảo tỷ lệ cây trồng phải sống và phát triển tốt.

     Thứ ba, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và nhân dân địa phương. Ngay từ giai đoạn đầu triển khai Chương trình, các cấp bộ Đoàn phải đảm bảo kết hợp việc trồng cây gắn với phát triển sinh kế của người dân, cộng đồng xung quanh khu vực trồng để tạo sự phát triển bên vững. Vì vậy, tổ chức Đoàn cần có sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị kiểm lâm, các chuyên gia và nhân dân địa phương để lựa chọn địa điểm trồng và giống cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng cũng như chính sách của địa phương; Áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật theo từng loại cây với sự cố vấn chặt chẽ của đội ngũ chuyên gia và có phương án phối, kết hợp chăm sóc, bảo vệ, đảm bảo cây sau khi trồng sẽ sống, phát triển khỏe mạnh, đáp ứng các yêu cầu theo những mục tiêu đã đặt ra.

     PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Bùi Hằng (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2021)

 

Ý kiến của bạn