Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Tập huấn nâng cao nhận thức giới trẻ về giảm rác nhựa

06/09/2024

    Trong hai ngày 56/9 tại Bình Dương, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ TN&MT đã tổ chức tập huấn về “Truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức và năng lực, hành vi về giảm thiểu chất thải nhựa và bảo vệ môi trường cho giới trẻ”.

    Đại biểu tham gia lớp tập huấn là các thầy/các cô hiện đang phụ trách công tác đoàn, đội, các thầy cô tổng phụ trách của các trường Tiểu học, THCS, THPT các tỉnh khu vực miền Nam. 

    Phát biểu khai mạc, ông Cao Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường cho biết, rác thải nhựa dùng một lần tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loài sinh vật khác trên trái đất. Theo số liệu thống kê từ Bộ TN&MT, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa thải ra môi trường, trong đó có khoảng 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.

    Điều nguy hiểm nhất của rác thải nhựa là tính chất khó phân hủy, ngay cả khi được chôn lấp vào bùn đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm nghìn năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước và dinh dưỡng, ngăn cản oxy qua đất, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng, cản trở sinh trưởng và phát triển của các loài động, thực vật,…

Ông Cao Minh Tuấn Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phát biểu khai mạc

    Ông Phạm Anh Dũng, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Thường xuyên, Sở GD&ĐT Bình Dương cho biết nhận thức được tính chất nguy hại của rác thải nhựa đối với cuộc sống, Sở GD&ĐT Bình Dương luôn đẩy mạnh thực thi các giải pháp mang tính tuyên truyền, cổ động các phong trào tiêu dùng xanh để nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ giáo viên, thúc đẩy việc sử dụng nhựa một lần; tăng cường tái chế, tái sử dụng, cải thiện hệ thống thu gom – phân loại rác tại nguồn; đặc biệt là giới trẻ tích cực, chủ động tham gia và tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các sáng kiến và hành động cụ thể, thiết thực.

Ông Phạm Anh Dũng, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Thường xuyên, Sở GD&ĐT Bình Dương

    Tại Lớp tập huấn, các chuyên gia trao đổi về thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, phân loại rác thải tại nguồn và các kỹ năng dẫn dắt giới trẻ nói chung và học sinh nói riêng tiếp cận được đến đông đảo quần chúng có thể kể đến mạng xã hội (sáng tạo các xu hướng tiếp cận); Sáng tạo các thông điệp truyền thông về những hành động, chiến dịch thiết thực chống rác thải nhựa; Xây dựng hình ảnh thực hành lối sống xanh như trong Trường học, các cơ quan, đơn vị đoàn thể… bằng nhiều hình thức truyền thông như phim, tranh hay ảnh cổ động, postcard, MV clip, truyện tranh,…

    Vai trò của người dẫn dắt giới trẻ thực hiện những hành động động thiết thực đến từ mỗi thầy cô giáo, mỗi nhà trường qua các hành động nêu gương như: Dùng bình nước cá nhân khi đi làm, không dùng túi vải, hộp, chai để đựng đồ đi chợ; Truyền tải nội dung phù hợp với người học qua các bài giảng đan xen trong bộ môn.

    Tại tập huấn, đại diện các Trường và các chuyên gia đã trao đổi, chia sẻ các kiến thức về cách thức nhận biết những hành vi gây hại tới môi trường, cũng như nêu lên các giải pháp phòng, chống và hạn chế sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần và tác hại của chất thải nhựa tới môi trường, đời sống và sức khỏe của con người…

Các đại biểu tham dự

    Với một chuỗi các lớp tập huấn cho 3 miền Bắc, Trung, Nam, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn từ những thông tin cung cấp, chia sẻ tại lớp tập huấn, các thầy, cô sẽ truyền đạt cho học sinh về tác hại của rác thải nhựa đối với cuộc sống, thúc đẩy các em học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo tham gia các hoạt động và đề xuất các sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa và chung tay bảo vệ môi trường.

An Vi

Ý kiến của bạn