Banner trang chủ

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch

09/03/2021

     Trong năm qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt được những thành tựu quan trọng góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đang bị ảnh hưởng bởi những vấn đề về ô nhiễm môi trường, nhất là các hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Do đó, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã xác định phát triển du lịch, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, gắn với BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu là xu hướng tất yếu, yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn phát triển bền vững.

     Thực trạng môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch

     Trong thời gian qua, thực trạng môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đã có những dấu hiệu ô nhiễm cục bộ và tái ô nhiễm, nhất là những khu vực hạ lưu của sông, suối, hồ, bãi biển, gây quan ngại cho các cấp quản lý cũng như tạo dư luận không tốt trong xã hội. Ô nhiễm môi trường không chỉ ảnh hưởng đến lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, mà còn để lại những ấn tượng không tốt cho du khách, ảnh hưởng không nhỏ đến sức hút của ngành du lịch và giá trị di sản văn hóa.

     Trên thực tế, hoạt động du lịch đã gây những tác động không nhỏ đến môi trường, vấn đề về chất thải, nước thải phát sinh trong lĩnh vực du lịch chưa được thu gom và xử lý kịp thời theo quy định. Việc phân loại chất thải rắn tại nguồn chưa được thực hiện đồng bộ, hoặc có thực hiện nhưng không thường xuyên tại các khu, điểm du lịch. Nước thải từ các cơ sở du lịch vẫn còn tình trạng chưa được xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường. Một vấn đề khác cần được quan tâm đúng mức đó là hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại các khu, điểm du lịch sinh còn thiếu, chưa đủ đáp ứng nhu cầu, nhiều nơi có thì đã xuống cấp, rất mất vệ sinh gây ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh Du lịch Việt Nam.

     Đáng chú ý, nhiều cơ sở kinh doanh du lịch mới chỉ chú ý đến lợi ích kinh tế trước mắt đã khai thác nguồn tài nguyên phục vụ nhu cầu du khách một cách không hợp lý, nhiều doanh nghiệp sử dụng các phương tiện khai thác quá mức các nguồn tài nguyên như rạn san hô, hải sản... dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi hải sản, suy giảm đa dạng sinh học. Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ngày một gia tăng trong những năm qua cũng làm giảm sự hấp dẫn của các điểm đến của du lịch Việt Nam.

     Đối với các di tích, danh thắng, bản thân yếu tố môi trường, cảnh quan là một bộ phận cấu thành. Sự đa dạng về môi trường ở nhiều vùng miền khác nhau cũng tạo nên sự phong phú về số lượng danh thắng nước ta, tham gia vào các hoạt động du lịch phát triển kinh tế. Việc phát triển hoạt động du lịch tại các khu di tích đã đem lại nhiều lợi ích vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, chính hoạt động du lịch đã gây những tác động tiêu cực tới môi trường tự nhiên ở các di tích. Sự tăng trưởng du lịch là mối lo ngại bởi các tác động tiềm tàng đến đa dạng sinh học và đe dọa đối với các nền văn hóa bản địa, cùng các nguồn tài nguyên truyền thống khác.Tại các nơi có di tích danh thắng, hệ thống thu gom rác thải, nước thải chưa đảm bảo tiêu chuẩn BVMT, vẫn còn nhiều điểm di tích danh thắng người dân vẫn ở lân cận, thậm chí sinh sống trong vùng lõi của di tích gây ảnh hưởng tới mỹ quan của khu danh thắng.

     Hiện cả nước có khoảng 8.000 lễ hội, trong đó lễ hội dân gian chiếm 90%. Các lễ hội thường gắn với di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh; đây là một dạng tài nguyên du lịch nhân văn đặc sắc, thu hút rất đông khách du lịch nội địa lẫn quốc tế. Đặc thù của lễ hội là mang tính thời điểm, nhiều lễ hội thời gian tổ chức chỉ từ 1-3 ngày, lượng khách thập phương tập trung trong cùng thời điểm rất lớn, điều này dẫn đến áp lực đối với môi trường tự nhiên. Trong khi đó, công tác BVMT trong tổ chức lễ hội ở nhiều địa phương trên cả nước còn hạn chế, yếu kém về nhiều mặt như: nhân lực hạn chế, phương tiện thực hiện vệ sinh môi trường thu gom, xử lý rác thải còn lạc hậu, thiếu nhà vệ sinh; ý thức BVMT của cộng đồng nơi tổ chức lễ hội, những người hoạt động kinh doanh du lịch, du khách chưa cao…

     Tăng cường hiệu quả công tác BVMT trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch

     Nhận thức được vai trò của công tác BVMT trong việc phát triển bền vững, Chính phủ, cơ quan quản lý, các địa phương nhiều năm qua đã có nhiều biện pháp quyết liệt và hiệu quả như xây dựng hoặc lồng ghép nội dung BVMT trong các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Trong chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch cấp quốc gia, địa phương hay các điểm du lịch cụ thể, công tác đánh giá tác động môi trường và giải pháp BVMT được ưu tiên hàng đầu và là điều kiện tiên quyết để phê duyệt các chiến lược, quy hoạch, dự án.

Người dân, du khách tham gia nhặt rác trên biển Nha Trang

     Năm 2013, Bộ VHTTDL đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch số 19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT về “Hướng dẫn BVMT trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích” nhằm nâng cao hiệu quả công tác BVMT, giảm thiểu ô nhiễm góp phần phát triển du lịch bền vững, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước. Qua thời gian triển khai thực hiện, với sự hưởng ứng tích cực của các ngành, các cấp, địa phương, các bên liên quan và cộng đồng, việc thực hiện Thông tư đã đạt được những kết quả nhất định. Nhận thức về công tác BVMT trong lĩnh vực du lịch, di tích, lễ hội của các cấp các ngành và người dân có bước chuyển biến tốt; nguồn nhân lực, kinh phí và cơ sở vật chất trang thiết bị BVMT được tăng cường; công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng, ô nhiễm môi trường tự nhiên được giảm thiểu, môi trường xã hội nhân văn được cải thiện.

     Đối với lĩnh vực du lịch, Tổng cục Du lịch đã hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và khách du lịch thực hiện BVMT thông qua nhiều hoạt động. Trong đó tiêu biểu là đã lồng ghép, tuyên truyền các nội dung về BVMT du lịch thông qua các chương trình đào tạo, các khóa tập huấn cũng như các Dự án du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ. Tham mưu xây dựng, ban hành bộ Tiêu chuẩn Việt Nam về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch, tàu thủy du lịch, trong đó có các quy định về BVMT; xây dựng Bộ tiêu chí nhãn Bông sen xanh áp dụng đối với các cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam… 

     Ngày 25/12/2020, Bộ VHTTDL ban hành Quyết định số 4216/QĐ-BVHTTDL về việc ban hành Quy tắc ứng xử BVMT trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Quy tắc được ban hành nhằm nâng cao nhận thức, định hướng hành vi ứng xử BVMT của các đối tượng có liên quan trong hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, đồng thời tăng cường công tác truyền thông, góp phần xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp tại địa điểm tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

     Đối với các tổ chức cá nhân tham gia biểu diễn, thi đấu và kinh doanh dịch vụ tại địa điểm tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch cần chấp hành quy định về BVMT. Không kinh doanh động vật hoang dã và tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ và vật phẩm được khai thác từ hệ sinh thái và cấu tạo địa chất của địa điểm (nhũ đá, san hô…); không đem vào địa điểm động thực vật ngoại lai gây nguy hại đến môi trường, con người. Hạn chế phát sinh chất thải, đặc biệt là sản phẩm nhựa dùng một lần. Nêu cao trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia kiến tạo, giữ gìn cảnh quan xanh - sạch - đẹp tại địa điểm.

     Đối với khách du lịch, khách tham quan, khán giả và cộng đồng dân cư tại địa điểm tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch cần tuân thủ nội quy, hướng dẫn về BVMT. Không xâm hại cảnh quan môi trường, hệ động - thực vật tại địa điểm; không viết, vẽ, khắc lên hang động, cây xanh và các yếu tố khác cấu thành địa điểm. Không mang vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc hại và ô nhiễm đến địa điểm. Tham gia, hỗ trợ hoạt động BVMT do tổ chức, cá nhân quản lý địa điểm phát động…

     Đề xuất giải pháp nâng cao công tác BVMT trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch

     Nhằm nâng cao hiệu quả công tác BVMT trong hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, trong thời gian tới, ngành văn hóa, thể thao, du lịch tiếp tục thực hiện 4 nhóm giải pháp sau:

     Thứ nhất, nhóm giải pháp nâng cao nhận thức BVMT. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cán bộ trực tiếp quản lý trong lĩnh vực, người lao động trong ngành Du lịch và cộng đồng dân cư, du khách tại các điểm du lịch, tổ chức lễ hội và di tích. Tuyên truyền công tác BVMT trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Các sự kiện thể thao phải gắn với công tác BVMT. Xây dựng bộ tiêu chuẩn và xét tặng danh hiệu cho tổ chức, cá nhân hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch có thành thích xuất sắc trong công tác BVMT.

      Thứ hai, nhóm giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách BVMT. Nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành các văn bản, chỉ thị chỉ đạo các địa phương về BVMT trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Trên cơ sở quy định pháp luật, tiếp tục xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về công tác BVMT.

     Thứ ba, nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BVMT. Lồng ghép, thực hiện các nội dung BVMT đối với các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; khẳng định và nâng cao vai trò của tiêu chí BVMT trong các cuộc vận động; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường…

     Thứ tư, nhóm giải pháp tăng cường nguồn lực cho công tác BVMT, trong đó có hai vấn đề chính cần quan tâm là tăng cường đầu tư về vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị và nguồn nhân lực.

Lê Anh Tú

Tổng cục Du lịch

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2021)

   

Ý kiến của bạn