Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Tác động của khí hậu và môi trường đến hoạt động thể chất và giấc ngủ

06/12/2023

    Ngày 30/11/2023, tại Hà Nội, Hội thảo nghiên cứu “Tác động của khí hậu và môi trường đến hoạt động thể chất và giấc ngủ” được diễn ra dưới sự đồng hành của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe.

Quang cảnh Hội thảo

    Phát biểu tại Hội thảo, GS. Raymond Lee, Phó Trưởng khoa Công nghệ - Đại học Portsmouth (Anh) cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng lớn nhất bởi biến đổi khí hậu. Từ năm 1960 đến nay, nhiệt độ ngày càng tăng kéo theo hàng loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan: bão, lũ lụt, sạt lở đất, ngập úng,… Ở Việt Nam, tình trạng ô nhiễm không khí đang ở mức báo động, đe dọa nghiêm trọng tới sức khoẻ của người dân cũng như gây ra các thiệt hại đối với nền kinh tế quốc gia. Dẫn chứng cho nội dung này, GS Lee cho biết, nồng độ PM2.5 tại các thành phố lớn của Việt Nam bao gồm, TP. HCM và Đà Nẵng trong năm 2022 ở mức, 21 μg/m3 và 19 μg/m3, đặc biệt tại Hà Nội nồng độ PM2.5  đạt khoảng 40 μg/m3 cao gấp 8 lần tiêu chuẩn mà Tổ chức Y tế thế giới đưa ra.

    Trình bày tại Hội thảo, TS. James Scales, nghiên cứu viên tại đại học London cho rằng, khí thải từ các ống xả công nghiệp ảnh hướng nghiêm trọng tới các bệnh nhân hen suyễn. Trong khí thải, các chất gây ô nhiễm như: ozone, nitrogen oxides, khí dung axit, các chất thể hạt… là một trong những nguyên nhân khiến các bệnh nhân hen suyễn nhất là trẻ em bị  khó thở liên tục, suy hô hấp, người tím tái, đôi lúc ngừng thở. Các bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng này phải sử dụng đến máy thở để hỗ trợ hô hấp. Suy hô hấp kéo dài còn làm tăng nguy cơ tổn thương não do thiếu oxy lên não.

 

GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ phát biểu tại Hội thảo

    Bàn về những tác động của biến đổi khí hậu đối với giấc ngủ của con người, GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ, Hiệu trưởng Trưởng Cao đẳng Y tế Lâm Đồng cho rằng, việc trái đất ấm lên kéo theo nhiều dịch bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, điển hình là Covid-19. Trong nghiên cứu mới đây của mình về tác động của Covid-19 đối với chứng rối loạn giấc ngủ, GS đưa ra số liệu dựa trên 547 bệnh nhân mắc Covid-19 từ 18 tuổi trở lên cho thấy: 39,7% bệnh nhân gặp tình trạng mất ngủ; 2,4% số bệnh nhân bị giảm chất lượng giấc ngủ. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, sau khi mắc Covid-19, các bệnh nhân thường ít buồn ngủ vào ban đêm và sáng thức dậy trong tình trạng đau đầu, trong khi đó số bệnh nhân buồn ngủ vào ban ngày chiếm tới 24%. Đáng báo động là 3% số bệnh nhân tham gia nghiên cứu gặp tình trạng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA).

    GS. Dương Quý Sỹ khẳng định, biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến giấc ngủ theo cơ chế khí hậu nóng dần lên kéo theo số lượng người người bị mất ngủ ngày càng gia tăng. Dự đoán đến năm 2099, tình trạng mất ngủ sẽ lên đến 50-58 giờ/người/năm. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường còn gây ra một số triệu chứng rối loạn giấc ngủ bao gồm thiếu ngủ mãn tính và OSA. Thêm vào đó, khi nền nhiệt độ của thế giới có dấu hiệu tăng lên, các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện nhiều hơn trong đó đại dịch Covid-19 là một ví dụ điển hình.

    Bên cạnh các nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực sức khỏe giấc ngủ, các đại biểu còn được tiếp cận với công nghệ 3D trong việc hỗ trợ điều trị các ca chấn thương chỉnh hình do các chuyên gia trường Đại học VinUni và một số công nghệ thông minh hỗ trợ con người theo dõi sức khỏe.

Phùng Quyên - Vũ Hồng

Ý kiến của bạn