Banner trang chủ

Quảng Ngãi: Đẩy mạnh bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước

18/02/2022

    Thực hiện Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021 - 2030, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành văn bản số 632/UBND-KTL yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng, lồng ghép và triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ về bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước phù hợp với tình hình thực tế của ngành, lĩnh vực, địa phương phụ trách; kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét đối với các nội dung vượt thẩm quyền.

Vùng đất ngập nước bàu Cá Cái và sông Đầm rộng bao la (Ảnh: Nguyễn Duy Sinh)

    Đồng thời, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ về bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước; tăng cường kiểm tra, đánh giá đối với các vùng đất ngập nước thuộc địa bàn quản lý và đề xuất các giải pháp sử dụng hiệu quả các vùng đất ngập nước quan trọng trên địa bàn quản lý; phục hồi các vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái.

    Trong đó, chú trọng đến công tác xây dựng và thực hiện các cơ chế chia sẻ lợi ích trong sử dụng dịch vụ hệ sinh thái vùng đất ngập nước quan trọng; kiểm kê, phân loại vùng đất ngập nước; điều tra, đánh giá giá trị các vùng đất ngập nước quan trọng theo quy định của pháp luật; quan trắc, giám sát các vùng đất ngập nước quan trọng trên địa bàn theo thẩm quyền.

    UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch và thực hiện các dự án theo Quyết định số 1975/QĐ-TTg; Thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này, kịp thời tham mưu UBND tỉnh xử lý các nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện.

    Quảng Ngãi hiện có 7 vùng đất ngập nước quan trọng, gồm: bàu Cá Cái và sông Đầm (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn) diện tích 144,4 ha rừng ngập mặn vùng nước cửa sông, ao hồ, nuôi trồng thủy sản; Đầm Nước Mặn (xã Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) diện tích 314 ha, chủ yếu đầm phá ven biển; Đầm An Khê (xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ) diện tích 446,86 ha, chủ yếu đầm phá ven biển; Đất ngập nước huyện Lý Sơn diện tích 843,52 ha vùng ven biển nông ven bờ, thảm cỏ biển, rạn san hô, bãi vùng gian triều; Khu rừng Nà (xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức) diện tích 17,97 ha, chủ yếu rừng ngập nước có cây gỗ chiếm ưu thế và 2 hồ thủy điện thuộc diện tích đất ngập nước. Công tác bảo tồn, phát triển bền vững các vùng đất ngập nước luôn được địa phương quan tâm, góp phần vào bảo vệ đa dạng sinh học, phát triển kinh tế - xã hội, duy trì sinh kế cho người dân.

Hồng Nhung

Ý kiến của bạn