Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Phương hướng liên kết sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

19/02/2024

    Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (BTB-DHMT) gồm 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; đóng vai trò cốt lõi trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong những năm qua, phát triển của vùng có nhiều chuyển biến, nhiều điểm nghẽn đối với phát triển được khơi thông, tiềm năng, lợi thế của vùng và từng địa phương trong vùng từng bước được phát huy; đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.

    Trong vùng BTB-DHTB, tổ chức điều phối vùng được thành lập theo cả cơ chế do Trung ương ban hành (theo Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 26/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ chức điều phối phát triển các vùng KTTĐ giai đoạn 2015-2020) và cơ chế tự nguyện (Ban điều phối vùng Duyên hải miền Trung). Tuy nhiên, liên kết nội vùng và liên vùng còn yếu, hiệu quả thấp; không gian phát triển bị chia cắt theo địa giới hành chính, chưa phát huy đầy đủ tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng. Các công trình, dự án liên kết vùng mới tập trung ở các dự án hạ tầng do Trung ương đầu tư. Các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong BVMT và kết nối hạ tầng xử lý môi trường còn chưa được triển khai rộng khắp mặc dù đã có nhiều thỏa thuận hợp tác được ký kết. Việc liên kết trong sử dụng tài nguyên, BVMT vùng mới chỉ dừng lại ở chủ trương chung nên khi triển khai thực hiện chủ yếu là tự phát, chưa có cơ chế phối hợp hiệu lực hiệu quả. Do vậy, cần thiết phải xây dựng một cơ chế điều phối, liên kết vùng hiệu quả, thực chất phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về tài nguyên và BVMT của các địa phương và của vùng.

1. Thực trạng khai thác sử dụng tài nguyên, BVMT vùng

    Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực hiện chính sách hội nhập quốc tế, kinh tế - xã hội của vùng BTB-DHMT nói chung và từng tỉnh, thành phố thuộc vùng nói riêng trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Tuy nhiên, quá trình phát triển đã bộc lộ nhiều bất cập và tạo ra nhiều áp lực lớn lên môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều điểm nóng; chất lượng môi trường ở nhiều nơi bị xuống cấp và không còn khả năng tiếp nhận chất thải; các tranh chấp, xung đột môi trường, tình trạng vi phạm pháp luật về BVMT gây thiệt hại cho môi trường, ảnh hưởng các hệ sinh thái (HST) tự nhiên và đa dạng sinh học (ĐDSH) vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi,... Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là các yêu cầu và nội dung về BVMT chưa được lồng ghép đầy đủ vào các quy hoạch ngành, lĩnh vực trên địa bàn cũng như quy hoạch phát triển của địa phương trong vùng. Cùng với tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng, tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp và khó dự báo, đã và sẽ tiếp tục gây ra những áp lực lớn về quản lý TN&MT, bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH vùng BTB-DHMT.

    Trong khai thác sử dụng tài nguyên: Các báo cáo về quy hoạch đất đai của 14 tỉnh, thành phố của vùng BTB-DHMT đều chỉ ra rằng, mục đích sử dụng đất đang có sự chuyển dịch lớn từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp như đất ở, đất dùng cho công nghiệp, đô thị, kết cấu hạ tầng; trong lĩnh vực nông nghiệp có sự chuyển đổi từ đất trồng trọt sang đất nuôi trồng thủy sản. Sự thay đổi này kéo theo vấn đề suy giảm diện tích và chất lượng đất. Nuôi trồng thủy sản cũng làm gia tăng mức độ xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng. Tại nhiều khu vực, xâm nhập mặn diễn ra không kiểm soát được. Kết quả là môi trường đất bị ô nhiễm nặng, đất xung quanh ao nuôi bị thoái hóa, không thể canh tác. Tài nguyên thiên nhiên và ĐDSH ở một số khu vực còn có dấu hiệu tiếp tục bị suy giảm; cân bằng sinh thái có nguy cơ bị ảnh hưởng. Các HST tự nhiên bị thu hẹp diện tích, chia cắt, suy giảm chất lượng. Rừng nguyên sinh chỉ còn rất ít, bị chia cắt và cô lập thành những khu nhỏ, phân bố rải rác nên khó có cơ hội phục hồi. Tình trạng phá rừng, khai thác cát, đá, sỏi trái phép còn diễn ra ở một số địa phương.

    Mặc dù, công tác BVMT trong thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hoạt động kiểm soát nguồn ô nhiễm, quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại đã được thực hiện chặt chẽ và hiệu quả, mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm ĐDSH trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, còn những tồn tại, hạn chế cần tập trung giải quyết và xử lý trong giai đoạn tới như: Công nghệ sản xuất trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhìn chung còn lạc hậu, phát sinh nhiều chất thải, khí nhà kính, gây tiêu tốn nhiều năng lượng và sử dụng tài nguyên chưa hiệu quả; Xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn; xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa hiệu quả, phần lớn được chôn lấp trực tiếp; nước thải sinh hoạt, cụm công nghiệp phát sinh ngày càng lớn trong khi hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu; các HST tự nhiên bị thu hẹp diện tích do chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tình trạng cháy rừng, chặt phá rừng gia tăng; các loài động thực vật hoang dã tiếp tục suy giảm.

    Bên cạnh đó, nước thải sinh hoạt phát sinh lớn trong khi hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu. Tỷ lệ cụm công nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung mới đạt tỷ lệ khoảng 22%. Tổng lượng nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tại các đô thị còn thấp, chỉ đạt khoảng 30.9%. Hầu hết, các khu dân cư nông thôn chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến ô nhiễm môi trường một số lưu vực sông trong vùng trong thời gian qua bị ô nhiễm nặng và còn diễn biến phức tạp.

    Hiện nay, vùng BTB-DHMT có 27 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị tập trung. Trong đó các địa phương trong vùng có tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ở top cao là Đà Nẵng 88,2%, Nghệ An 60,5%. Riêng 2 tỉnh Quảng Ngãi và Hà Tĩnh chưa có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị tập trung.  Khối lượng chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh ngày càng lớn, cơ cấu thành phần phức tạp; trong khi công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều hạn chế và bất cập. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt 66%; hơn 80% các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Nhiều loại chất thải công nghiệp, hóa chất nguy hại, bao bì thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu, chất thải y tế nguy hại,… chưa được thu gom, xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu.

    Đối với quy hoạch quản lý chất thải rắn các cấp đã được phê duyệt, đến chưa có khu vử lý chất thải rắn sinh hoạt cấp vùng nào được triển khai trong thực tế. Theo Quyết định số 1440/QĐ-TTg ngày 6/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch xử lý chất thải các vùng kinh tế trọng điểm, quy hoạch 3 khu xử lý tại Bình Nguyên - Quảng Ngãi (70 ha), Hương Văn - Thừa Thiên - Huế (40 ha), Cát Nhơn - Bình Định (70 ha). Đến nay, còn khu xử lý Hương Văn chưa có nhà máy xử lý chất thải nguy hại được đầu tư. Hầu hết các khu xử lý này chưa được quan tâm đầu tư xây dựng theo quy hoạch, cả 3 địa phương chỉ mới triển khai xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tại các địa điểm đã được quy hoạch.

    Như vậy, đến nay, đã có nhiều địa phương trong vùng lập, phê duyệt và triển khai quy hoạch quản lý chất thải rắn, nhưng quá trình thực hiện còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Nhiều địa phương chưa quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải nguy hại. Trong khi chưa xây dựng được cơ sở xử lý, cần có phương hướng, lộ trình thực hiện cụ thể trong quy hoạch vùng.

2. Phương hướng liên kết BVMT trong quy hoạch vùng

Liên kết BVMT vùng và liên tỉnh

    Hiện nay, các quy hoạch của 14 tỉnh/thành phố trong vùng BTB-DHMT đã đặt ra yêu cầu phân vùng BVMT. Tuy vậy đây là chủ đề mang tính liên tỉnh, liên vùng. Nhu cầu về liên kết giữa các tỉnh trong BVMT, ĐDSH đòi hỏi ngày càng cao mà sự quản lý/đáp ứng đơn lẻ của từng địa phương khó đem lại hiệu quả bền vững. Phương hướng liên kết được đề xuất gồm: Tăng cường quản lý tài nguyên nước theo lưu vực sông, đặc biệt các lưu vực sông liên tỉnh, lưu vực sông có hoạt động chuyển nước; đảm bảo phối hợp, đồng thuận giữa các tỉnh trong quá trình xây dựng và thực hiện dự án; Tăng cường liên kết trong thiết lập, quản lý hành lang đa dạng sinh học, khu bảo tồn liên tỉnh, các HST quan trọng của vùng và từng tiểu vùng, góp phần giải quyết được vấn đề suy thoái ĐDSH do chia cắt sinh cảnh hiện nay.

    Đồng thời, hình thành hệ thống các khu xử lý chất thải tập trung cấp vùng có phạm vi thu gom, tiếp nhận, xử lý trong vùng hoặc liên vùng đối với chất thải nguy hại và chất thải rắn công nghiệp thông thường, trên địa bàn tỉnh đối với chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn khác. Khuyến khích tính chủ động, sáng tạo trong hợp tác liên kết giữa các tỉnh, thành phố để phát huy hiệu quả đầu tư, thuận lợi về phạm vi thu gom và khoảng cách vận chuyển. Ưu tiên tiếp nhận các dự án, cơ sở xử lý chất thải phải di dời, chuyển đổi vào các khu xử lý chất thải tập trung cấp vùng, cấp tỉnh. Cải thiện chất lượng không khí bằng chuyển đổi dần sản xuất năng lượng theo hướng thân thiện với môi trường. Thiết lập liên kết trong BVMT biển, ứng phó sự cố môi trường biển và vùng bờ, xây dựng cơ chế phối hợp quản lý rác thải nhựa biển.

Liên kết bảo vệ các lưu vực sông liên tỉnh

    Kiện toàn bộ máy và tăng cường hiệu quả hoạt động của tổ chức lưu vực sông theo quy định của pháp luật để thực hiện có hiệu quả và nâng cao vai trò trong việc điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước.

    Đầu tư, nâng cấp mạng lưới quan trắc trực tuyến trên các lưu vực sông; xây dựng hệ thống quan trắc tích hợp từ mạng lưới quan trắc của các tỉnh trong vùng.

    Thực hiện tham vấn liên tỉnh trong quá trình xây dựng và thực hiện các dự án liên quan đến nguồn nước trên lưu vực sông và các sông liên tỉnh.

Liên kết bảo vệ các khu vực ven biển liên tỉnh

    Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về công tác bảo vệ bảo tồn các giá trị tự nhiên, sinh thái, phòng chống thiên tai và ứng phó với BĐKH.

    Tăng diện tích và hoàn thiện các quy định sử dụng đối với các khu bảo tồn, bảo vệ và hành lang ĐDSH tại vùng bờ, phù hợp với Luật ĐDSH, Luật Thủy sản và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

    Giải quyết triệt để mâu thuẫn sử dụng vùng biển ven bờ giữa BVMT với phát triển kinh tế và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

    Xây dựng, triển khai các chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ và phân vùng sử dụng vùng biển ven bờ cấp địa phương và liên tỉnh.

Phục hồi môi trường vùng bờ trong và sau khi khai thác, sử dụng tài nguyên

    Tăng cường phối hợp, chủ động xử lý kịp thời sự cố môi trường xảy ra trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ; phục hồi môi trường, bồi hoàn ĐDSH, ưu tiên quan tâm đối với các khu vực sử dụng cho mục đích bảo vệ, bảo tồn tài nguyên, nguồn lợi thủy sản và dân sinh.

    Giải quyết triệt để các điểm nóng ô nhiễm nước biển ven bờ, chú trọng những khu vực khai thác, sử dụng đa mục tiêu với cường độ cao.

    Phục hồi sớm và hiệu quả các sinh cảnh quan trọng bị suy thoái, đặc biệt là các rạn san hô, rừng ngập mặn; các loài hoang dã nguy cấp, bị đe dọa tuyệt chủng; các nguồn gen bản địa quý, hiếm và có giá trị kinh tế cao.

Kết hợp nhiệm vụ BVMT, phòng, chống thiên tai với khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ

    Phát triển kinh tế khu vực ven biển theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, sản xuất và tiêu dùng bền vững; sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm, hiệu quả; phát triển khu công nghiệp, khu đô thị ven biển theo hướng sinh thái, thông minh, thích ứng với BĐKH; khuyến khích các sáng kiến phát triển kinh tế biển xanh.

    Liên kết trong quản lý hiệu quả nguồn thải đưa vảo biển, trong đó có rác thải nhựa.

    Chủ động phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, đặc biệt là sự cố tràn dầu, tràn hóa chất trong quá trình khai thác, sử dụng, tài nguyên vùng bờ.

    Gắn yêu cầu BVMT, phòng, chống thiên tai vào quy định hoạt động liên ngành, phù hợp với các quy định khai thác, sử dụng tài nguyên vùng biển ven bờ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 3/11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

3. Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

4. Báo cáo tổng hợp quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 các tỉnh/thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

5. Bộ TN&MT, 2021. Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, Bộ TN&MT.

6. Bộ TN&MT, 2022. Báo cáo Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

7. Bộ TN&MT, 2021. Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

8. Bộ TN&MT, 2020. Kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam năm 2020.

9. Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 27/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

10. Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT. Phương hướng BVMT, phòng, chống thiên tai và ứng phó với BĐKH trên lãnh thổ vùng. Nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng BTB-DHMT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đặng Trung Tú, Phạm Thanh Hải, Hoàng Thị Hiền

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2024)

Ý kiến của bạn