Banner trang chủ

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

21/06/2023

    Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp rất chú trọng đổi mới nội dung, phương thức tham gia xây dựng pháp luật, trong đó đẩy mạnh công tác góp ý vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có tác động, ảnh hưởng sâu rộng tới quyền con người, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. MTTQ các cấp đã tổ chức các cuộc vận động nhân dân tham gia và đóng góp ý kiến, tổ chức tiếp nhận, tập hợp, tổng hợp ý kiến của nhân dân vào dự thảo Hiến pháp sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các dự thảo bộ luật rường cột như Bộ Luật hình sự, Bộ Luật dân sự năm 2015, dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở… Vừa qua, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội quyết định lấy ý kiến nhân dân trong phạm vi cả nước và giao Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành Kế hoạch lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật. Tại Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã phân công trách nhiệm cụ thể cho MTTQ các cấp trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, hệ thống tổ chức thành viên và MTTQ các cấp. Thực hiện tốt chủ trương này cũng là thực hiện trách nhiệm của Mặt trận trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, phù hợp lợi ích quốc gia, dân tộc, nhằm tăng cường đồng thuận xã hội. Đây cũng là cơ sở để góp phần hoàn thành dự án luật có vị trí rất quan trọng trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp sắp tới.

MTTQ Việt Nam triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

    Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 Điều, trong đó có 8 điều (gồm Điều 20, Điều 68, Điều 84, Điều 85, Điều 86, Điều 87, Điều 156 và Điều 224) quy định về vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận trong quản lý và sử dụng đất đai, bao gồm: Tham gia xây dựng, phản biện chính sách pháp luật về đất đai; Cho ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cùng cấp; Tham gia Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Tham gia ý kiến về trường hợp cần thiết phải thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trường hợp cưỡng chế khi thực hiện thu hồi đất; Tham gia xây dựng bảng giá đất, hội đồng thẩm định giá đất; Tham gia hòa giải, giải quyết tranh chấp về đất đai theo quy định của pháp luật; thực hiện quyền giám sát về quản lý và sử dụng đất đai theo quy định của Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan. Có 2 điều quy định về các tổ chức thành viên của Mặt trận, đó là tại khoản 3, Điều 20 về thực hiện quyền giám sát về quản lý và sử dụng đất đai và Điều 224 về tham gia hòa giải, giải quyết tranh chấp về đất đai. Như vậy, so với Luật Đất đai năm 2013, tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ TN&MT đề xuất bổ sung 1 điều quy định về vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong tham gia xây dựng, phản biện chính sách pháp luật về đất đai nhằm góp phần khẳng định MTTQ Việt Nam là chỗ dựa vững chắc của Nhà nước, cơ sở chính trị quan trọng của nhân dân.

    Nhận thức tầm quan trọng của việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), bám sát các nội dung theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương, ngày 1/2/2023, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 676/KH-MTTW-BTT để quán triệt sâu sắc về đợt tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); triển khai kịp thời, khẩn trương trong toàn hệ thống Mặt trận. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với các cơ quan, tổ chức ở Trung ương tổ chức lấy ý kiến; đồng thời đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai việc lấy ý kiến nhân dân trong tổ chức và địa phương. Kết quả, Ủy ban MTTQ Việt Nam 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Kế hoạch lấy ý kiến nhân nhân, 47 tổ chức thành viên của Mặt trận cũng đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến các đoàn viên, hội viên về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cùng với đó, chỉ đạo xây dựng chuyên trang, chuyên mục lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo Luật trên Cổng thông tin điện tử của Mặt trận; Báo Đại đoàn kết và Tạp chí Mặt trận cũng thường xuyên đăng tải những bài viết về công tác triển khai, kết quả lấy ý kiến nhân dân của Mặt trận và các tổ chức thành viên các cấp.

    Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã phân loại đối tượng lấy ý kiến và hình thức lấy ý kiến nhằm phát huy tối đa tính chuyên sâu đối với từng nhóm nội dung cụ thể, bảo đảm chất lượng, hiệu quả của việc tổng hợp ý kiến góp ý trong Dự thảo Luật, đồng thời đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội tập trung góp ý vào các nội dung cụ thể như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam góp ý về (1) Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; (2) Căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam góp ý các nội dung: (1) Mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; (2) Mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam góp ý: (1) Trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất; (2) Người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất; Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam góp ý về: (1) Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; (2) Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức góp ý: (1) Việc sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận quyền sử dụng đất; (2) Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất cụ thể. Các tổ chức thành viên căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm theo quy định, chủ động lấy ý kiến đối với nội dung có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tập hợp ý kiến kịp thời trong hệ thống của tổ chức mình để xây dựng báo cáo và gửi đến Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

    Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ trì, đồng chủ trì tổ chức 12 hội nghị, hội thảo với 230 lượt ý kiến góp ý; Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tổ chức 51.153 hội nghị, hội thảo với 1.300.758 lượt góp ý kiến tâm huyết, sâu sắc, góp ý vào hầu hết các nội dung của toàn bộ Dự thảo.

Kết quả lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

    Đến ngày 18/3/2023, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tập hợp được hơn 1.700 trang ý kiến góp ý từ hơn 100 báo cáo của Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, tổ chức thành viên và các hội nghị, hội thảo, ý kiến góp ý trực tiếp từ các tổ chức, cá nhân gửi tới Mặt trận. Trên cơ sở tập hợp ý kiến, Ban Thường trực đã chỉ đạo phân loại các ý kiến đóng góp theo từng Chương, điều, từng vấn đề, nội dung của Dự thảo Luật, trong đó đặc biệt chú trọng tập hợp, phân tích những ý kiến đóng góp về những nội dung nổi bật, điểm sửa đổi, bổ sung mới trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân. Quá trình tập hợp, tổng hợp các ý kiến được thực hiện khẩn trương, bài bản, bảo đảm tính trung thực, đầy đủ và khách quan và các ý kiến trọng tâm, sâu sắc vào từng nội dung, điều khoản của dự thảo Luật đã được thể hiện đầy đủ trong báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi tới Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan có liên quan để chỉ đạo việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến góp ý của nhân dân.

    Sau thời gian triển khai lấy ý kiến nhân dân khẩn trương, nghiêm túc, bài bản, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhận được tổng số 8.363.162 ý kiến góp ý cụ thể vào từng điều khoản trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các tổ chức, cá nhân. Hầu hết các ý kiến đánh giá Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến nhân dân đã có nhiều nội dung mới và có định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, các Nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội, đã chú trọng thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Trong số hàng triệu ý kiến góp ý vào các điều luật cụ thể, 9 vấn đề Chính phủ xác định trọng tâm và các điều khoản quy định về những vấn đề này thu hút được sự quan tâm và đóng góp ý kiến nhiều nhất của nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước. Các nội dung và quy định về thu hồi đất, về bồi thường khi nhà nước thu hồi đất (Khoản 2, Điều 89), về đất tôn giáo, dân tộc, về quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, về nguyên tắc áp dụng Luật Đất đai với các luật khác có liên quan (Khoản 1, Điều 4) là những vấn đề được thảo luận và ý kiến góp ý rất tập trung, đứng trên lập trường bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt trong thực tiễn quản lý đất đai.

    Bên cạnh đó, tại Báo cáo tổng hợp ý kiến nhân dân vào Dự thảo Luật của Ban Thường trực đã dành riêng nội dung đánh giá việc bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ, chính xác Nghị quyết số 18-NQ/TW trong Dự thảo Luật. Trong đó, Ban Thường trực đã nêu quan điểm, ý kiến về các vấn đề lớn như: (1) Việc thu hồi đất để thực hiện các dự án đô thị tại điểm h, Điều 78 Dự thảo Luật là chưa bảo đảm phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 18-NQ/TW vì dự án đô thị phải thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất; (2) Việc bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ tại Điều 85 Dự thảo Luật chưa thể chế hóa đúng và đầy đủ quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW về việc thu hồi đất... chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt. Đối với trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí tái định cư thì phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước...; có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” vì không giải thích khái niệm thế nào là “có điều kiện sống bằng khoặc tốt hơn nơi ở cũ” và cũng không đưa ra tiêu chí hay phương thức đối sánh trước khi bồi thường và sau khi bồi thường để định lượng việc Nhà nước bồi thường cho người bị thu hồi đất có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ hay không; (3) Về chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại các luật chưa thể hiện đúng quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW về nguyên tắc bảo đảm cho đồng bào dân tộc “… có đất để sản xuất, kinh doanh, đảm bảo sinh kế” và chính sách “ưu tiên” trong thực hiện nguyên tắc này cũng như các biện pháp bảo đảm giữ đất ở, ản xuất cho đồng bào dân tộc; (4) Về bảo vệ lợi ích người sử dụng đất, tại Dự thảo Luật cần cụ thể hóa đầy đủ quan điểm, giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch”; “xây dựng các quy định pháp luật đối với quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích: bổ sung các quy định về đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ”, có cơ chế điều tiết giữa các địa phương, vùng miền để đảm bảo lợi ích cho các địa phương có tỷ lệ đất nông nghiệp lớn…

    Có thể thấy, thông qua việc tham gia vào các hoạt động lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố chủ trì thực hiện, nhân dân đã bày tỏ sự vui mừng, tin tưởng vào chủ trương lấy ý kiến toàn dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và tham gia tích cực vào quá trình lấy ý kiến. Việc tổ chức lấy kiến nhân dân do MTTQ các cấp triền khai rộng rãi lần này đã góp phần phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trương Thị Ngọc Ánh 

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2023)

Ý kiến của bạn