Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 29/05/2025

Một số tác động của các dự án lấn biển đến môi trường và xã hội tại Việt Nam

28/05/2025

1. Hiện trạng, loại hình lấn biển tại Việt Nam

    Hiện cả nước có trên 80 khu vực lấn biển, trong đó có khoảng trên 70 khu vực/dự án thuộc loại hình lấn biển, còn lại là các dự án đê chắn song, đường ống dẫn dầu…; có 19 tỉnh, thành phố ven biển phát triển các dự án lấn biển, với mục đích xây dựng cầu cảng, phát triển quỹ đất để xây dựng khu đô thị (KĐT), dân cư, du lịch, nghỉ dưỡng, khu công nghiệp… tiêu biểu như: Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp - cảng biển - phi thuế quan Nam Đình Vũ (Hải Phòng), diện tích 1.329 ha; KĐT phức hợp Hạ Long Xanh tại thị xã Quảng Yên và TP. Hạ Long, với tổng diện tích đất ước tính khoảng 4.109,64 ha; KĐT du lịch Hùng Thắng (Bãi Cháy - Quảng Ninh), diện tích 224 ha; KĐT mới Hạ Long Marina (Hạ Long - Quảng Ninh), diện tích 230 ha; KĐT quốc tế Đa Phước (Đà Nẵng), diện tích 210 ha; KĐT sinh thái biển Phương Trang New Town (Đà Nẵng), diện tích 117 ha; KĐT mới Rạch Giá (Kiên Giang), diện tích 420 ha; Dự án Khu đô thị du lịch Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh, diện tích 2.870 ha [5].

    Trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2021, có 17 tỉnh/thành phố có biến động diện tích đất tăng thêm do lấn biển. Tổng diện tích tăng thêm do lấn biển trên cả nước khoảng 5.683,7 ha tại 50 dự án/khu vực lấn biển, trong đó, diện tích đất mở rộng do lấn biển của tỉnh Hải Phòng là cao nhất (1.863,5 ha), tỉnh Quảng Ninh có số lượng dự án/khu vực lấn biển có biến động diện tích là nhiều nhất (16 dự án/khu vực) [5].

    Như vậy, trên cả nước có một số khu vực lấn biển có quy mô lớn như tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Rạch Giá (Kiên Giang), còn lại mức độ lấn biển tương đối nhỏ. Mục đích lấn của các khu lấn biển là để xây dựng khu du lịch, nghỉ dưỡng; khu cảng biển, cảng cá; KĐT và khu dân cư; các công trình bảo vệ bờ biển như đập phá sóng, đê chắn sóng và công trình nhiệt điện, điện gió. Tính tỷ lệ các khu lấn biển theo mục đích sử dụng cho thấy, mục đích lấn biển để xây dựng các khu cảng biển là chủ yếu, sau đó là xây dựng KĐT, khu dân cư và công trình bảo vệ bờ biển, còn số ít là để xây dựng các khu nhà máy nhiệt điện, điện gió. Vật liệu lấn biển chủ yếu là đất, đá, cát, sỏi và xi măng.

    Sau đây là các loại hình và mục đích lấn biển:

    Lấn biển với mục đích phát triển khu đô thị, khu nghỉ dưỡng: Trong những năm qua, những tỉnh có hoạt động lấn biển để phát triển quỹ đất, xây dựng KĐT, khu dân cư, khu du lịch trên cả nước là: Quảng Ninh, Kiên Giang, Đà Nẵng… Trong đó, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đã xây dựng các KĐT lấn biển mới như: KĐT mới lấn biển Tây Bắc (99,4ha); KĐT lấn biển Tây Bắc phường Vĩnh Quang giai đoạn 2 (83,5ha); KĐT lấn biển Trần Quang Khải - Khu đô thị Phú Cường Hoàng Gia (68,68ha); Khu đô thị Phú Quý - Dự án lấn biển Tây Nam Rạch Sỏi (99,99ha); Dự án lấn biển Phan Thị Ràng - Đảo Phú Gia (32ha); Tuyến đường đê biển từ Rạch Giá đến Hòn Đất; Cảng hành khách Rạch Giá...[5]

    Lấn biển để xây dựng sân bay, cảng biển và phát triển khu công nghiệp: Hầu hết các địa phương phát triển kinh tế phục vụ phát triển khu công nghiệp ven biển có nhu cầu sử dụng diện tích đất rất lớn. Tại một số địa phương, tuy có lợi thế phát triển về cơ sở hạ tầng, hàng hải và logistic, nằm trong các vành đai kinh tế, tuy nhiên gặp bất lợi về quỹ đất để phát triển, đặc biệt là chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, vì vậy, giải pháp lấn biển đã được nhiều địa phương chọn làm phương án nhằm phát triển các khu công nghiệp ven biển. Ví dụ điển hình là TP. Hải Phòng, với Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN - cảng biển - phi thuế quan Nam Đình Vũ (Hải Phòng) rộng 1.329 ha. Ðây là khu phi thuế quan, công nghiệp và cảng biển lấn biển đầu tiên được xây dựng ở nước ta. Ngoài ra, nhằm tận dụng triệt để lợi ích từ việc lấn biển, Hải Phòng đã phát triển dự án lấn biển để xây dựng sân bay quốc tế Tiên Lãng, với diện tích 5.250 ha [8].

    Lấn biển phục vụ các mục đích khác: Hoạt động lấn biển phục vụ mục đích khác tại Việt Nam được diễn ra tại một số tỉnh ven biển với mục đích chủ yếu là phát triển du lịch và nông nghiệp. Ví dụ như Kim Sơn thuộc tỉnh Ninh Bình lấn biển phát triển nông nghiệp, đến năm 2022, sau 182 năm với 7 lần quai đê, lấn biển, huyện Kim Sơn đã có 25 xã và 3 thị trấn, với diện tích 213,3 km² [8].

    Một trong những loại hình lấn biển khác là xây đảo nhân tạo hoặc lấn biển tại các đảo. Kiên Giang có vị trí địa lý thuận lợi cho việc mở rộng giao lưu kinh tế với các nước trong khu vực, là cầu nối các tỉnh miền Tây Nam bộ. Năm 2017, đảo Phú Gia là khu lấn biển mới được đầu tư rất nhiều hạng mục khác nhau để phục vụ cho người dân địa phương cũng như du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng bên bờ biển Tây của tỉnh Kiên Giang. Theo chủ đầu tư, đây là khu lấn biển mới, sử dụng công nghệ lấn biển đê mềm Geotube với các trang thiết bị nhập 100% từ các nước Malaixia, Mỹ và Ôxtrâylia. Để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh trong thời gian tới, ngoài việc dựa vào các yếu tố tự nhiên sẵn có, Hà Tiên định hướng sẽ phát triển thêm hệ thống đảo nhân tạo nhằm tạo động lực phát triển kinh tế, khai thác môi trường biển, sinh thái biển, lợi thế đặc biệt, điểm nhấn độc đáo về hình ảnh “Không gian đô thị biển Hà Tiên”, tạo lập không gian biển đậm đà bản sắc để thu hút khách tham quan du lịch, các nhà đầu tư du lịch và phát triển kinh tế địa phương.

    Ngoài ra, KĐT Phú Cường Hoàng Gia và Phú Cường Phú Quý  (phía Tây Nam TP. Rạch Giá), được xây dựng trên 2 đảo nhân tạo lấn biển, với tổng vốn đầu tư 17 nghìn tỷ đồng. Dự án KĐT Phú Cường Hoàng Gia dự kiến triển khai trong 10 năm (2019 - 2029), quy mô xây dựng 68,68 ha, khi hoàn thành sẽ đáp ứng trên 2.000 sản phẩm gồm: Nhà phố, shophouse, căn hộ, biệt thự. Tổng vốn đầu tư trên 8 ngàn tỷ đồng, trong đó giá trị đầu tư cơ sở hạ tầng chiếm 1.516 tỷ đồng, giá trị đầu tư công trình trên đất gần 6.500 tỷ đồng, phục vụ cho trên 8 ngàn cư dân về sinh sống và làm việc. KĐT Phú Cường Phú Quý được xây dựng từ năm 2020 - 2028, với quy mô 99,9 ha, tổng giá trị đầu tư lên đến 9 nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị đầu tư cơ sở hạ tầng chiếm 2.172 tỷ đồng, giá trị đầu tư công trình trên đất gần 7 nghìn tỷ đồng. Nơi đây, được xác định sẽ là khu đô thị sinh thái với mật độ phủ xanh lên đến 30% tổng quy mô của toàn Dự án [8].

2. Tác động của hoạt động lấn biển đến môi trường tại Việt Nam

    Bên cạnh các giá trị về kinh tế, các dự án lấn biển đã gây ra những ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đất ngập nước, biến đổi dòng chảy ở các khu vực gần cửa sông, ven biển, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, có thể kể đến như:

a) Gia tăng sức ép đối với hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển

    Hầu hết, các khu vực lấn biển của nước ta đều nằm trong vùng đất ngập nước ven biển. Đây là khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao, có giá trị lớn đối với các hệ sinh thái biển nói chung (sinh cảnh của nhiều loài sinh vật biển, điều hòa các quá trình tự nhiên và môi trường chuyển tiếp giữa biển và lục địa...). Dải ven biển là một địa hệ tự nhiên mang tính đa dạng, nhạy cảm cao và luôn biến đổi. Theo số liệu thống kê, vùng biển ven bờ Việt Nam có 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc về 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau. Các hoạt động khai thác, sử dụng không hợp lý vùng bờ từ Bắc vào Nam, dẫn tới sự suy thoái các hệ sinh thái ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt, nhiều công trình lấn biển xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái và ô nhiễm môi trường biển [9].

    Theo Báo cáo Dự án “Điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường và tác động tới các hệ sinh thái ven biển Việt Nam do các hoạt động lấn biển gây ra” của Bộ TN&MT năm 2020 cho thấy, tại khu lấn biển tại Đà Nẵng, đối với các loài nằm trong sàn rừng, ven rừng và bãi bồi cửa sông ven biển, chủ yếu là những loài thích nghi với nền đáy mềm, ít có các loài nền đáy cứng, chịu độ mặn cao. Nhóm động vật đáy mềm ở bãi bồi Đà Nẵng trong đợt khảo sát lần II đã tăng về số loài trong hệ sinh thái (đợt khảo sát I có 51 loài - đợt khảo sát II có 64 loài). Nguyên nhân tăng các loài này do quá trình xây dựng các bãi tắm và các cơ sở hạ tầng lấn biển gây ra [1].

    Nghiên cứu hệ động vật đáy khu vực Hải Vân - Sơn Trà phục vụ công tác xây dựng khu bảo tồn biển Sơn Trà - Hải Vân cũng cho thấy, năm 2010 có số loài cao nhất với 306 loài động vật đáy, đến năm 2017, giảm còn 116 loài [1].

    Tại khu vực lấn biển tại Rách Giá, kiên Giang, việc khai thác, lấn biển, xây dựng cơ sở hạ tầng đã gây ra sự biến động về độ đa dạng về hệ sinh thái động vật đáy, có sự suy giảm mạnh về thành phần loài cũng như mật độ cá thể của 2 tuyến khảo sát rừng ngập mặn, bãi bồi trong đợt khảo sát, cụ thể: Tại rừng ngập mặn, trong đợt khảo sát II chỉ thu được 6 loài với 12 cá thể trong khi đó đợt khảo sát I đã thu được 9 loài với 346 cá thể; ở bãi bồi đợt khảo sát II chỉ thu được 12 loài với 43 cá thể trong khi đó đợt khảo sát I đã thu được 12 loài với 313 cá thể [1].

b) Gia tăng sức ép đối với môi trường biển

    Việc quai đê, lấn biển phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản chủ yếu ở các vùng cửa sông lớn giàu phù sa và đào hút cát nuôi tôm trong vùng đất cát phục vụ phát triển thủy sản đã và đang tác động đến tài nguyên và môi trường ven biển. Việc mở rộng đầm tự phát, làm cho nhiều loài thủy sinh, động vật ven biển, cửa sông giảm đáng kể.

    Tại các khu vực lấn biển, chất thải sinh hoạt từ các khu đô thị, khu dân cư và các chất thải khác của các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp, dịch vụ có khả năng gây ô nhiễm trên diện rộng, làm suy thoái môi trường và các hệ sinh thái biển ở các khu vực lân cận. Nhu cầu vật liệu san lấp phục vụ hoạt động lấn biển có thể dẫn tới tình trạng khai thác đất, cát bừa bãi, trái phép, ảnh hưởng, hủy hoại môi trường.

    Theo Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu biển và hải đảo thực hiện năm 2020 về chất lượng nước  tại một số khu vực lấn biển tại Đà Nẵng, Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh), Rạch Giá (Kiên Giang), các giá trị đo, phân tích chất lượng nước ven biển cho thấy, hầu hết nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 10:2008/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất nước ven biển. Một số chỉ tiêu TSS, Độ đục có xu hướng mùa 2 cao hơn mùa 1 nguyên nhân do mùa 2 lượng mưa cao hơn làm cho nước biển xáo động mạnh dẫn đến sự thay đổi khác nhau giữa hai mùa. Các giá trị COD, BOD5, tổng Nito, tổng Photpho trong nước thải tại Đà Nẵng, Cần Giờ, Rạch Giá đều có giá trị cao vượt QCVN 14:2015/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước thải sinh hoạt, cho thấy, nước thải không được xử lý xả thẳng ra môi trường biển thì có thể gây ô nhiễm môi trường vùng nước biển ven bờ. Các giá trị khác: Pb, Hg, As trong trầm tích tại Đà Nẵng, Cần Giờ, Rạch Giá đều nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 43:2012/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng trầm tích. Tại khu vực lấn biển Đà Nẵng, phạm vi nồng độ BOD và PO4 đều vượt ngưỡng cho phép. Phạm vi nồng độ BOD gia tăng về trong thời kỳ triều xuống và co hẹp trong thời kỳ triều lên. Khu vực cảng cá Thọ Quang và khu vực cống xả thải của khu lấn biển đều có mức độ và nồng độ BOD vượt ngưỡng cho phép lớn. Nồng độ ô nhiễm BOD lớn nhất trong thời kỳ triều lên là 56 - 65 mg/l và trong thời kỳ triều xuống là 52 - 72 mg/l. Nồng độ PO4 lớn nhất trong thời kỳ triều lên là 0,96 - 1,2 mg/l và trong thời kỳ triều xuống là 1,04 - 1,4 mg/l. Tương tự, tại khu lấn biển Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh, nồng độ BOD vượt ngưỡng cho phép; nồng độ ô nhiễm BOD lớn nhất trong thời kỳ triều lên là 65 - 70 mg/l và nồng độ ô nhiễm BOD lớn nhất trong thời kỳ triều xuống là 48 - 65 mg/l . Nồng độ PO4 lớn nhất trong thời kỳ triều lên là 0,9 - 1,12 mg/l và nồng độ PO4 lớn nhất trong thời kỳ triều xuống là 0,64 - 0,96 mg/l . Khu vực lấn biển TP. Rạch Giá bị ô nhiễm do nồng độ BOD và PO4 đều vượt ngưỡng cho phép trong cả thời kỳ triều lên và triều xuống. Nồng độ BOD lớn nhất trong kỳ triều lên là 65 mg/l, trong kỳ triều xuống là 64 mg/l; nồng độ PO4 lớn nhất trong kỳ triều lên là 1,5 mg/l, trong kỳ triều xuống là 1,8 mg/l. Nguyên nhân các thông số BOD5, TSS… cao chủ yếu là do chưa có biện pháp kiểm soát các nguồn thải ven biển, từ hoạt động của dân cư và các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, nguồn thải từ các hoạt động giao thông vận tải thường chứa hàm lượng dầu khoáng cao, hóa chất tẩy rửa và kim loại nặng cũng là một nguyên nhân đe dọa đến chất lượng nước biển khu vực tiếp nhận nước thải. Các hoạt động xây dựng, sửa chữa và các hoạt động sinh hoạt và sản xuất, phát triển [1].

c) Làm thay đổi chế độ thủy động lực học môi trường cửa sông, ven biển

    Hầu hết, hoạt động lấn biển làm thay đổi hệ thống dòng chảy ven bờ ở quy mô vừa và như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình trao đổi vật chất giữa khu vực lấn biển với các khu vực lân cận. Các hệ thống động lực khác như sóng do gió, dòng triều, mực nước cũng bị thay đổi theo [3].

    Tại đảo Tuần Châu, Quảng Ninh, việc lấn biển tới vài km, làm hẹp cửa ngõ vịnh Hạ Long nối với tuyến đường biển ra vùng vịnh Cát Bà và Quảng Yên, ảnh hưởng tới dòng chảy của các con sông từ Cửa Lục đổ ra biển, gây bồi lắng và làm suy giảm chất lượng nước vịnh Hạ Long. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã nhiều lần cảnh báo vịnh Hạ Long trong việc bảo vệ di sản trước tác động của các dự án lấn biển [3]. Dự án khu đô thị tại khu 10B, phường Quang Hanh, TP. Cẩm Phả (Quảng Ninh) do Công ty TNHH Đỗ Gia Capial (chủ dự án) đã đổ đất trực tiếp, không có kè vây xuống khu vực biển thuộc vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới. Đây là vùng bảo vệ II di tích quốc gia đặc biệt vịnh Hạ Long. Việc đổ đất trực tiếp xuống vùng nước vịnh Hạ Long mà không có các giải pháp BVMT, sẽ gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái Khu di sản thiên nhiên, Di tích Quốc gia đặc biệt vịnh Hạ Long [3].

    Tình trạng lún nền nhà cũng đang là một sự cố nghiêm trọng tại khu đô thị lấn biển mở rộng TP. Rạch Giá (Kiên Giang). Do nền đất yếu và chưa được xử lý tốt, nhiều nhà bị lún nền và lún phần lề đường, nhất ở những khu xây sẵn phần thô [2]. Khu đô thị quốc tế Đa Phước (Đà Nẵng) bắt đầu xây dựng từ năm 2007, đến nay Đà Nẵng đang phải chi hàng trăm tỷ đồng để khắc phục hậu quả lấn biển, cửa sông Phú Lộc bị bồi lấp mạnh hằng năm gây biến động luồng lạch. Bờ biển Cửa Đại trước kia là từng có rừng dương chắn sóng. Sau khi hàng loạt dự án xây dựng ven biển và lấn biển thì bờ biển đã bị xâm thực nghiêm trọng; bãi biển bị xói sâu, gây hư hỏng chân kè, nhiều công trình bên trong đã nghiêng đổ, sụt [3].

    Các dự án lấn biển còn ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái ven bờ, phá hủy các rặng san hô gần bờ vốn là nguồn thức ăn cho cá và là kết cấu bảo vệ vùng ven biển khỏi tác động của sóng. Kết quả là các dự án lấn biển không có cơ cấu bảo vệ vững chắc của tự nhiên, nguy cơ xảy ra sự cố càng tăng lên. 

d) Tác động đến sinh kế người dân

    Các dự án có hoạt động lấn biển gây những tác động, ảnh hưởng đến sinh kế, việc làm, chỗ ở của người dân khu vực lấn biển; phá vỡ quy hoạch về hạ tầng, giao thông, y tế, giáo dục. Thực tế vừa qua cho thấy, có những dự án có hoạt động lấn biển mà chủ yếu là các dự án bất động sản đã “quây” mặt biển và đường ra biển như là “của riêng”, cản trở quyền tiếp cận của người dân với biển, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân nơi đây, hạn chế tiềm năng du lịch biển. Không chỉ dừng lại ở các tác động tới môi trường, tác động gián tiếp tới sinh kế của người dân địa phương cũng là vấn đề đáng báo động. Điển hình như vụ việc được báo chí phản ánh, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phương Đông đã đổ đất ra ngoài ranh giới đất được cấp làm khu đô thị xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh lấp một diện tích khoảng 16.000 m2 mặt bãi triều, nơi khai thác hải sản tự do của người dân, trong đó có sá sùng [3]. Ước tính khu vực này là chốn mưu sinh của khoảng 200 lao động địa phương với thu nhập khoảng 400.000 - 500.000 đồng/ngày. Ngoài ra, theo khảo sát thực tế, thì bãi ngán tự nhiên - một loại hải sản quý hiếm của vùng biển Quảng Ninh tại huyện Quảng Yên, Quảng Ninh cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dự án lấn biển Hạ Long xanh, kéo theo đó là sinh kế của hàng trăm người dân từ đó trở thành gánh nặng chuyển đổi sinh kế đối với địa phương.

3. Đề xuất một số giải pháp

    Các quy định pháp luật của Việt Nam hiện đã có một số quy định liên quan đến hoạt động lấn biển. Luật Đất đai năm 2024 quy định nguyên tắc chung về việc khuyến khích hoạt động khai hoang, lấn biển. Luật Đầu tư 2020 quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định đầu tư, trong đó có quy định liên quan đến thẩm quyền đối với một số dự án lấn biển có quy mô lớn. Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quy định việc khai hoang, lấn biển trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển chỉ được thực hiện khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ; tuy nhiên, cơ bản hoạt động lấn biển lại không thuộc phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển (vì nằm ngoài đường mực nước triều cao trung bình trong nhiều năm). Luật BVMT năm 2020 có quy định một số dự án lấn biển có quy mô lớn phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, tuy nhiên không có yêu cầu quy định cụ thể đối với các dự án có hoạt động lấn biển. Việc xem xét, thẩm định, quyết định cho phép thực hiện các hoạt động liên quan đến lấn biển đối với đê, kè biển, cảng biển, lấn biển để trồng rừng ngập mặn đã được quy định rõ ràng trong Luật Đê điều, Bộ Luật Hàng hải Việt Nam, Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định trách nhiệm quản lý nhà nước và nhiệm vụ cụ thể của các cấp, các ngành liên quan đối với hoạt động lấn biển, nên đã xảy ra tình trạng một số dự án có hoạt động lấn biển gây tác động, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái, gây xói lở bờ biển…

    Trong thời gian tới, để kiểm soát các dự án lấn biển cần thực hiện các giải pháp sau:

    Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về lấn biển trong Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các văn bản dưới luật. Trong đó, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ các quy định giữa Luật Đất đai, Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo về chế độ quản lý, cơ chế giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất sau lấn biển, có tính đến nguồn vốn đầu tư cho dự án lấn biển.

    Thứ hai, đánh giá tác động môi trường với các dự án lấn biển: Công tác đánh giá tác động môi trường có ý nghĩa quan trọng, then chốt trong việc lựa chọn vị trí lấn biển cũng như phê duyệt dự án lấn biển. Đối với việc lấn biển, những tác động đến tự nhiên, môi trường, kinh tế, xã hội là điều tất yếu sẽ sảy ra. Tuy nhiên, tiêu chí nào để xác định dự án đó có được lấn biển hay không, vị trí nào phù hợp cho dự án, diện tích lấn biển bao nhiêu là phù hợp nhất, bài toán kinh tế giữa kinh tế - môi trường khi phê duyệt một dự án lấn biển cần có những yêu cầu, hướng dẫn cụ thể, phục vụ công tác thẩm định và phê duyệt dự án lấn biển.

    Thứ ba, đánh giá và giám sát môi trường và các hệ sinh biển tại khu vực đã thực hiện lấn biển bằng các hình thức như: Giám sát tự động, trực tuyến, theo dõi số liệu đo đạc, quan trắc tự động, liên tục được kết nối và truyền trực tiếp vào hệ thống giám sát của cấp Trung ương, cấp tỉnh (sau đây gọi chung là hệ thống giám sát); Giám sát bằng camera: Hình ảnh bằng camera được kết nối và truyền trực tiếp vào hệ thống giám sát của Ban Quản lý dự án lấn biển; Giám sát định kỳ: Số liệu đo đạc, quan trắc được cập nhật định kỳ vào hệ thống giám sát của chủ đầu tư, Sở TN&MT; ứng dụng khoa học công nghệ cao và khoa học vũ trụ trong giám sát hoạt động lấn biển tại Việt Nam; phát triển phương pháp luận trong GIS và khoa học vũ trụ.

    Thứ tư, các tỉnh, thành  phố ven biển cần xây dựng quy hoạch lấn biển dựa trên cơ sở Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Nghị quyết số 39/2021/QH15 của Quốc hội), Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội).

    Thứ năm, ban hành hướng dẫn về phương pháp, kỹ thuật lấn biển trên cơ sở học hỏi, cập nhật kinh nghiệm tiên tiến của các nước trên thế giới.

4. Kết luận

    Lấn biển để phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã trở thành một giải pháp hữu hiệu tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Là một trong những quốc gia có tiềm năng và lợi thế lớn để mở rộng không gian ra biển và đại dương phục vụ phát triển bền vững, hoạt động lấn biển đã và đang được thực hiện ở nhiều địa phương với quy mô khác nhau thông qua việc thực hiện các dự án phát triển KT - XH.

    Hoạt động lấn biển là một loại can thiệp, làm thay đổi hoàn toàn tính chất từ một vùng không gian biển, một đất ngập nước, vùng nước biển thành đất đai, làm mất đi “không gian biển”, tác động mạnh mẽ vào các thuộc tính tự nhiên, hệ sinh thái của vùng biển, ảnh hưởng tới những lợi ích của con người trong dài hạn nếu không có quy hoạch hợp lý, hoặc thực hiện quá mức các hoạt động lấn biển, có thể làm suy giảm nguồn lực cho phát triển kinh tế biển. Nhìn chung, các hoạt động lấn biển đều có tác động đến KT - XH, điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, các hệ sinh thái, ảnh hưởng tới những lợi ích của con người trong dài hạn và các tác động khác. Những tác động này đã được chứng minh xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới cũng như tại Việt Nam, bao gồm cả tác động tích cực và tiêu cực.

    Dưới sức ép của các hoạt động KT - XH ngày càng tăng, nhu cầu lấn biển của nước ta rất lớn, một số khu vực biển và vùng bờ nhất định có thể phù hợp để lấn biển phục vụ cho phát triển, song phải trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện và cụ thể về lợi ích và các tác động có hại trước mắt và lâu dài. Do vậy, hoạt động lấn biển cũng có nhiều vấn đề cần quan tâm, giải quyết và nếu không được quản lý, kiểm soát sẽ có tác động xấu đến môi trường sinh thái, nơi cư trú, sinh kế của người dân ven biển và hải đảo; phá vỡ quy hoạch về hạ tầng, giao thông… ảnh hưởng đến phát triển KT - XH, quốc phòng, an ninh của đất nước cả trước mắt và lâu dài.

    Từ đó đặt ra yêu cầu, cần phải tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lấn biển, kiểm soát chặt chẽ các dự án lấn biển để bảo đảm phát triển bền vững. Cần thực hiện chính sách quản lý, bảo vệ đất đai nghiêm ngặt, kiểm soát vĩ mô, trong đó, tăng cường quản lý hoạt động lấn biển, vừa bảo đảm tận dụng không gian cần thiết cho mục đích phát triển KT - XH, vừa đảm bảo sử dụng hợp lý tài nguyên, môi trường biển, hải đảo, bảo đảm quốc phòng, an ninh và các mục tiêu phát triển bền vững.

Nguyễn Thị Bích Nguyệt

Viện Địa lý nhân văn và Phát triển bền vững

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2025)

Tài liệu tham khảo

1. Bộ TN&MT, 2019. Dự án “Điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường và tác động tới các hệ sinh thái ven biển Việt Nam do các hoạt động lấn biển gây ra”.

2. Mai Trọng Nhuận, 2008. Điều ta đánh giá tài nguyên môi trường các vũng vịnh trọng điểm ven bờ phục vụ phát triển KT - XH và BVMT. Đề tài Bộ Khoa học và Công nghệ - Mã số KC09.05/06-10.

3. Lưu Vân,  2018. Hậu họa lớn từ các dự án lấn biển. Diễn đàn doanh nghiệp, số 9/3/2018.  

4. Nguyễn Văn Cư (2006), Chuyên khảo bãi bồi ven biển, cửa sông Bắc Bộ, Việt Nam, Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam.

5. Trần Thị Liên, 2022. Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, đề xuất nôi dung quy định về quản lý hoạt động lấn biển, phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

6. UBND TPHCM (2017), Báo cáo DMC khu lấn biển Cần Giờ.

7. Vũ Trung Tạng, NXB Giáo dục (2009), Sinh thái học các hệ sinh thái cửa sông Việt Nam.

8. Bên đê lấn biển: Theo chân người mở đất (Kỳ 5). http:// Bên đê lấn biển: theo chân người mở đường.

9. Hoạt động lấn biển và tác động môi trường sinh thái ven bờ - ThienNhien.Net  Con người và Thiên nhiên.

10. https://reatimes.vn/lan-bien-thuc-tien-the-gioi-va-kien-nghi-hoan-thien-chinh-sach-phap-luat-cho-viet-nam-202240111155058069.htm.

Ý kiến của bạn