Banner trang chủ

Một số điểm mới của việc lồng ghép bình đẳng giới trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

27/12/2021

    Vấn đề giới và môi trường nói chung, phụ nữ, môi trường và biến đổi khí hậu (BĐKH) nói riêng, là một trong những nội dung xuyên suốt, những mục tiêu quan trọng được đề cập trong các chiến lược phát triển quốc gia và chính sách phát triển ngành của nước ta. Nhận thức rõ điều này, Luật BVMT năm 2020 đã có những điểm mới mang tính đột phá, trong đó có một số quy định liên quan đến vấn đề giới cũng như vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam trong công tác BVMT.

1. Bình đẳng giới trở thành một trong những nguyên tắc của BVMT

    Luật BVMT năm 2014 mặc dù đã có quy định nội dung “thúc đẩy giới và phát triển” trong nguyên tắc về BVMT (Khoản 2, Điều 4), tuy nhiên, vấn đề giới trong các quy định của Luật và hệ thống văn bản hướng dẫn cũng như trong triển khai thi hành vẫn còn khá mờ nhạt, mang tính hình thức, chưa phản ánh được nhu cầu, nguyện vọng và khả năng tham gia của từng giới trong công tác BVMT. Do đó, trong quá trình xây dựng Luật, Hội LHPN Việt Nam đã tập trung nghiên cứu, đề xuất đưa vấn đề bình đẳng giới vào nguyên tắc của Luật BVMT (sửa đổi) và đã được tiếp thu tại Khoản 3, Điều 4 Luật BVMT năm 2020. Như vậy có thể nói, việc sửa đổi nội dung từ “thúc đẩy giới và phát triển” thành “bình đẳng giới” trong nguyên tắc BVMT thể hiện cách nhìn mới, cách tiếp cận mới đối với công tác BVMT; qua đó lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các nội dung điều Luật và hệ thống văn bản thi hành Luật BVMT năm 2020.

2. Lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT

    Thời gian qua, cộng đồng dân cư đã thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong công tác BVMT, tiêu biểu nhất là thông qua việc hình thành các mô hình cộng đồng tham gia BVMT hiệu quả, thiết thực. Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành chưa quy định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác BVMT, do đó, chưa phát huy được vai trò quan trọng của cộng đồng dân cư. Vì vậy, Luật BVMT lần này đã bổ sung cụm từ “cộng đồng dân cư” ngay vào phạm vi điều chỉnh (Điều 1) và đối tượng áp dụng (Điều 2) nhằm khẳng định vị trí, vai trò của nhóm đối tượng quan trọng này trong công tác BVMT cũng như thực hiện một trong những mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe người dân, bảo đảm người dân được sống trong môi trường trong lành. Lần đầu tiên cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT.

    Ngoài ra, Luật BVMT năm 2020 cũng giải thích thuật ngữ “cộng đồng dân cư” để thống nhất cách hiểu trong thực thi Luật, cụ thể “Cộng đồng dân cư là cộng đồng người sinh sống trên cùng địa bàn thôn, ấp, bản, làng, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố hoặc điểm dân cư tương tự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Khoản 28, Điều 3). Về nguyên tắc BVMT, Luật quy định quyền, nghĩa vụ của cộng đồng dân cư nhằm khẳng định vị trí, vai trò của nhóm đối tượng quan trọng này trong công tác BVMT: “BVMT là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân” (Khoản 1, Điều 4).

    Nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng dân cư phát huy vai trò trong công tác BVMT, quy định tại Điều 159 đã xác lập, thể hiện rõ quyền, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong BVMT và các hoạt động hỗ trợ của Nhà nước đối với cộng đồng dân cư tham gia BVMT. Đặc biệt, đã bổ sung quy định “Cơ quan quản lý nhà nước về môi trường các cấp có trách nhiệm xây dựng hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về BVMT”. Người dân có thể tham gia giám sát thông qua công nghệ thông tin, qua các ứng dụng trên điện thoại.

    Đặc biệt, để ghi nhận, tôn vinh cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động BVMT, Luật cũng đã bổ sung chính sách về “Bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân đóng góp cho hoạt động BVMT; ưu đãi, hỗ trợ hoạt động BVMT; thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường” (Khoản 6 Điều 5).

    Bên cạnh đó, Luật BVMT năm 2020 đã từng bước đưa hoạt động tham vấn trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trở nên thực chất hơn nhằm phát huy tính dân chủ của cộng đồng dân cư, cá nhân, tổ chức liên quan, đồng thời góp phần thực hiện nguyên tắc bình đẳng giới trong Luật. Trước đó, Luật BVMT năm 2005 và Luật BVMT năm 2014 đã quy định việc tham vấn các bên có liên quan trong quá trình thực hiện ĐTM, tuy nhiên sau nhiều năm thực hiện, việc tham vấn cộng đồng dân cư chỉ được nhìn nhận như là một thủ tục “hình thức” nhằm “hợp thức hóa” quy trình ĐTM. Để khắc phục tình trạng này, Luật BVMT năm 2020 không chỉ quy định chi tiết về đối tượng tham vấn (gồm cộng đồng dân cư, cá nhân và các tổ chức liên quan), trách nhiệm thực hiện tham vấn, nội dung tham vấn, mà còn mở rộng hình thức tham vấn thông qua việc đăng tải trên trang thông tin điện tử hoặc qua hình thức tổ chức họp lấy ý kiến và lấy ý kiến bằng văn bản. Đồng thời, Luật cũng quy định kết quả tham vấn là thông tin quan trọng để chủ dự án đầu tư nghiên cứu đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động của dự án đầu tư đối với môi trường và hoàn thiện báo cáo ĐTM. Xét dưới góc độ bình đẳng giới, việc mở rộng cách thức và hình thức tham vấn cộng đồng dân cư trong ĐTM đã tạo cơ hội tiếp cận thông tin về dự án đầu tư cho các nhóm đối tượng trong cộng đồng, cá nhân, bao gồm cả phụ nữ và nam giới, qua đó mỗi giới được thể hiện quan điểm, nguyện vọng, nhu cầu của mình.

Quang cảnh Hội thảo “Phụ nữ Việt Nam tham gia hành động ứng phó BĐKH và giảm thiểu rủi ro thiên tai” do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) tổ chức theo hình thức trực tuyến, tại Hà Nội, ngày 9/11/2021

3. Tăng cường sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ trong việc giám sát và phân loại chất thải rắn sinh hoạt

    Những nỗ lực nhằm thực thi có hiệu quả việc phân loại, thu gom, tái chế chất thải được quyết định bởi chính cộng đồng và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các vai trò giới. Ở cấp độ hộ gia đình, phụ nữ hầu hết là người quyết định mua những thực phẩm nào và xử lý chất thải hộ gia đình ra sao. Bằng các cách thức quản lý và công cụ kinh tế phù hợp, các cơ quan quản lý hoặc các đơn vị chịu trách nhiệm thu gom, tái chế, xử lý chất thải có thể hỗ trợ, khuyến khích phụ nữ và gia đình họ trong việc phân loại, tái sử dụng rác thải, thu hồi sản phẩm thải bỏ... Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn, Luật BVMT năm 2020 đã nhấn mạnh công tác vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Đồng thời, cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở trong đó có Hội LHPN Việt Nam có trách nhiệm giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân. “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở có trách nhiệm giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân” (Khoản 7, Điều 72).

4. Vấn đề giới trong BĐKH và giảm nhẹ rủi ro thiên tai

    BĐKH là một trong những nội dung được sửa đổi, bổ sung trong Luật. Trong đó, bổ sung quy định mới về thích ứng với BĐKH, gồm trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ/ ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân trong xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các hoạt động thích ứng với BĐKH và nội dung thích ứng với BĐKH bao gồm đánh giá tác động, tình trạng dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do BĐKH đối với các lĩnh vực, khu vực và đối tượng người dân dựa trên cơ sở kịch bản BĐKH và dự báo phát triển kinh tế - xã hội; đúc kết và nhân rộng các mô hình thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng, tự nhiên và hệ sinh thái. Cụ thể, “Triển khai hoạt động thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, mô hình thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng và dựa vào hệ sinh thái; ứng phó với nước biển dâng và ngập lụt đô thị” (Điều 90). Với quy định này, vấn đề BĐKH, giới và vai trò của cộng đồng tiếp tục được khẳng định, nêu rõ ở cấp độ Luật, tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển các chính sách, chiến lược, chương trình lồng ghép về giới, cộng đồng và BĐKH cả ở quy mô quốc gia, ngành, vùng và địa phương.

5. Quy định rõ quyền, trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam các cấp trong việc thực hiện chính sách pháp luật về BVMT

    Thông qua các quy định của Luật BVMT năm 2020, các tổ chức chính trị - xã hội trong đó có Hội LHPN Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở đã có thêm căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức. Cụ thể, thông qua chương trình phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về BVMT, các cấp Hội thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT; chủ trì tổ chức các hoạt động Hội và vận động hội viên, phụ nữ tích cực tham gia BVMT theo quy định; chủ trì/tham gia giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về BVMT và góp ý xây dựng pháp luật về BVMT.

    Cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện để tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thực hiện các quyền, trách nhiệm theo quy định của Luật. Tại cấp Trung ương, Bộ TN&MT là cơ quan quản lý nhà nước về BVMT có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội trong việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BVMT, giám sát hoạt động về BVMT.

    Có thể nói, Luật BVMT năm 2020 với những nội dung sửa đổi, bổ sung mang tính toàn diện đã thể hiện được ý chí, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân trong công tác BVMT nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế đến năm 2030. Là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của các tầng lớp phụ nữ, hoạt động vì bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, các cấp Hội LHPN Việt Nam cần tiếp tục chủ động, tích cực phát huy quyền và trách nhiệm của tổ chức mình, đặc biệt trong tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng dân cư thực hiện tốt công tác BVMT theo phương châm của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; tham gia góp ý, phản biện xã hội xây dựng pháp luật và giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về BVMT, góp phần đưa các quy định của Luật BVMT năm 2020 vào cuộc sống.

ThS. Đàm Thị Vân Thoa, Trưởng Ban

ThS. Cao Minh Quí

Ban Chính sách - Luật pháp, Trung ương Hội LHPN Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2021)

Ý kiến của bạn