Banner trang chủ

Lộ trình thực hiện kiểm kê khí nhà kính tại Việt Nam và một số tồn tại, khó khăn

07/10/2024

    Ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính (KNK) phải thực hiện kiểm kê KNK (1.912 cơ sở). Đây là danh mục được công bố lần đầu đối với các lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê theo quy định của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Theo quy định, danh mục lĩnh vực, cơ sở phải kiểm kê NKN sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ cập nhật định kỳ 2 năm/lần. Trên cơ sở rà soát, tổng hợp của các Bộ quản lý lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp và của UBND cấp tỉnh, ngày 13/8/2024, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê (cập nhật) tại Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg. Theo đó, có 2.166 cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK, tăng 254 cơ sở so với danh mục được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2022, chiếm khoảng 30% tổng phát thải KNK quốc gia. Việc xác định danh mục các lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê KNK cung cấp căn cứ cho các Bộ, ngành, địa phương cũng như doanh nghiệp rà soát và cải thiện hệ thống cơ sở dữ liệu hiện có nhằm đáp ứng nhu cầu kiểm kê. Hiện một số cơ sở trong danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải đang tiến hành kiểm kê KNK, tuy nhiên còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Bài viết phân tích một số quy định về giảm nhẹ phát thải KNK ở Việt Nam, làm rõ lộ trình thực hiện, tiến hành kiểm kê KNK, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện.

Một số quy định về giảm nhẹ phát thải KNK ở Việt Nam

    Tại COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tuyên bố Việt Nam phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, khẳng định Việt Nam có thể đạt được mục tiêu này nhờ các lợi thế như tiềm năng năng lượng tái tạo, tuy nhiên cũng rất cần hỗ trợ từ nguồn tài chính quốc tế và chuyển giao công nghệ. Việt Nam là một trong 103 quốc gia cam kết giảm phát thải khí mê-tan ít nhất 30% từ các hoạt động của con người vào năm 2030. Việt Nam cũng đã tham gia Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Glasgow về rừng và sử dụng đất. Tuyên bố này hiện có sự tham gia của 145 quốc gia đang nắm giữ hơn 90% tổng diện tích rừng trên thế giới. Mục đích của Tuyên bố là “đến năm 2030, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng mất rừng và suy thoái đất, đồng thời phát triển bền vững và thúc đẩy chuyển đổi nông thôn toàn diện”. Việt Nam còn tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu (AAC) và Kêu gọi hành động về thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu (BĐKH). Hiện Việt Nam đã đệ trình bản NDC cập nhật lần hai lên Ban thư ký UNFCCC vào ngày 8/11/2022. Theo bản cập nhật này, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 15,8% lượng phát thải so với kịch bản BAU (tương đương 146,3 MtCO2tđ), trước đó là là 9% trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2020. Với hỗ trợ quốc tế, Việt Nam sẽ giảm phát thải thêm 27,7% (tương đương 257,4 MtCO2tđ) hoặc giảm tổng cộng 43,5% vào năm 2030 so với kịch bản BAU. Các cam kết giảm phát thải này được tóm tắt đối với các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF), chất thải và quá trình công nghiệp, trong đó tập trung vào năng lượng.

    Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2022, Luật BVMT năm 2020 (Luật số 72/2020/QH14) có hiệu lực thi hành, quy định các doanh nghiệp thuộc Danh mục cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK. Theo Điều 91 của Luật, các KNK chính là carbon dioxide (CO2), methane (CH4) và nitrous oxide (N2O). Các khí có hàm lượng thấp nhưng có tiềm năng cao gây hiệu ứng nhà kính là hydrofluorocarbons (HFCs), perfluorocarbons (PFCs), sulphur hexafluoride (SF6) và nitrogen trifluoride (NF3). Giảm nhẹ phát thải KNK được quy định như sau: Tổ chức thực hiện hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK và hấp thụ KNK theo lộ trình, phương thức giảm nhẹ phát thải KNK phù hợp với điều kiện của đất nước và cam kết quốc tế; Kiểm kê KNK và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải KNK cấp quốc gia, cấp ngành, lĩnh vực và cấp cơ sở có liên quan; Kiểm tra việc tuân thủ quy định về kiểm kê KNK, giảm nhẹ phát thải KNK, việc thực hiện cơ chế, phương thức hợp tác về giảm nhẹ phát thải KNK; Xây dựng và triển khai cơ chế, phương thức hợp tác về giảm nhẹ phát thải KNK phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước. Ngoài ra, Điều 92 của Luật cũng quy định, bảo vệ tầng ô-dôn là hoạt động ứng phó với BĐKH nhằm ngăn ngừa sự suy giảm tầng ô-dôn, hạn chế tác động có hại của bức xạ cực tím từ mặt trời. Nội dung bảo vệ tầng ô-dôn gồm: Quản lý hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, tiêu thụ và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát trong khuôn khổ điều ước quốc tế về bảo vệ tầng ô-dôn mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Thực hiện việc thu gom, tái chế, tái sử dụng hoặc tiêu hủy các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát thuộc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về bảo vệ tầng ô-dôn trong thiết bị có các chất này khi không còn sử dụng; Phát triển và ứng dụng công nghệ, thiết bị sử dụng các chất không làm suy giảm tầng ô-dôn, chất thân thiện khí hậu. Về trách nhiệm của Bộ TN&MT, Điều 96 của Luật xác định rõ, Bộ TN&MT là đầu mối tổ chức thực hiện cam kết quốc tế về BĐKH và bảo vệ tầng ô-dôn theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Tổ chức xây dựng, cập nhật, triển khai thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định; Xây dựng cơ chế, chính sách huy động và quản lý nguồn lực để thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định, những cam kết của Việt Nam đối với quốc tế về BĐKH và bảo vệ tầng ô-dôn. Trên cơ sở Luật BVMT, Bộ TN&MT xây dựng tiếp Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT hướng dẫn Luật BVMT về ứng phó với BĐKH và Thông tư số 17/2022/TT-BTNMT quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải KNK và kiểm kê KNK lĩnh vực quản lý chất thải.

    Ngày 7/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn. Đây là văn bản pháp luật quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BĐKH, thực hiện các cam kết của Việt Nam về giảm phát thải KNK, thích ứng với BĐKH, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Nghị định gồm 4 Chương, 35 Điều quy định chi tiết Điều 91, Điều 92 và Điều 139 của Luật BVMT về giảm nhẹ phát thải KNK, bảo vệ tầng ô-dôn, tổ chức và phát triển thị trường các-bon và các biện pháp thúc đẩy hoạt động về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Về giảm nhẹ phát thải KNK, Nghị định quy định đối tượng bắt buộc và đối tượng khuyến khích thực hiện kiểm kê KNK, giảm nhẹ phát thải KNK. Đối tượng bắt buộc bao gồm: “Các bộ quản lý lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp. Các cơ sở có mức phát thải KNK hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc thuộc một trong các trường hợp sau: a) Nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên; b) Công ty kinh doanh vận tải hàng hoá có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; c) Tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; d) Cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên” (Điều 5). Mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK quy định tại Nghị định cụ thể hóa mục tiêu cam kết của Việt Nam trong NDC, bao gồm mục tiêu cho các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp theo quy định của Luật BVMT (Điều 7). Nghị định cũng quy định rõ nội dung đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải (Điều 9, 10); Kiểm kê KNK (Điều 11); Hạn ngạch phát thải KNK (Điều 12); Kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK và kết quả giảm nhẹ phát thải (Điều 13); Đơn vị thẩm định kết quả giảm phát thải (Điều 14); Trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK (Điều 15).

    Đặc biệt, thực hiện Luật BVMT năm 2020, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, Bộ TN&MT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương xây dựng danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và được cập nhật 2 năm một lần. Thực hiện quy định trên, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg. Theo đó, các lĩnh vực phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK gồm: năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, các quá trình công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất, chất thải. Các cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK gồm có 1.912 cơ sở, thuộc các ngành: công thương, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường. Đến ngày 13/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK (cập nhật) tại Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg. Theo đó, có 2.166 cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK, tăng 254 cơ sở so với danh mục được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2022, chiếm khoảng 30% tổng phát thải KNK quốc gia. Việc cập nhật danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải kiểm kê KNK nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giảm phát thải KNK; là cơ sở để tăng cường thực hiện kiểm kê KNK, giảm phát thải KNK và xác định mục tiêu giảm phát thải KNK của các cơ sở trong giai đoạn 2026 - 2030, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về ứng phó với BĐKH, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế các-bon thấp, thực hiện NDC và hướng tới thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Việc ban hành và triển khai thực hiện Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng góp phần thực hiện quy định của Thoả thuận Paris về BĐKH, nhằm hướng tới kiểm soát ít nhất 85% các nguồn phát thải chính tùy theo điều kiện, năng lực quốc gia.

    Như vậy, để chuẩn bị cho việc cắt giảm phát thải theo Thỏa thuận Paris, Việt Nam đã ban hành khung pháp lý khá toàn diện, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về ứng phó với BĐKH, giảm phát thải KNK; thực hiện Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cần phát triển kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp, đồng thời thể hiện nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế về BĐKH mà Việt Nam là một quốc gia thành viên. Đây cũng là căn cứ để các cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK sẽ phải kiểm kê KNK cấp cơ sở theo hướng dẫn của Bộ quản lý lĩnh vực (Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT), có trách nhiệm nộp báo cáo kiểm kê KNK của cơ sở theo Nghị định của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn.

Lộ trình thực hiện kiểm kê KNK và một số tồn tại, khó khăn

    Kiểm kê KNK là một công cụ rất quan trọng để giúp quản lý lượng KNK phát thải tại mỗi địa phương, quốc gia và trên toàn thế giới. Đây cũng là một trong những bước cơ bản để giảm thiểu lượng KNK gây hại cho bầu khí quyển của Trái đất, hướng tới mục tiêu Net Zero - Phát thải ròng bằng “0” trong tương lai. Trong bối cảnh Trái đất ngày càng nóng lên, gây ra BĐKH bao gồm những đợt nắng nóng rực rửa, lũ lụt và hạn hán khắp nơi, hệ sinh thái biến đổi thì việc kiểm kê KNK là hết sức quan trọng. Kiểm kê KNK cũng là một bước khởi đầu để giúp các doanh nghiệp, tổ chức, quốc gia đặt chân vào thị trường tín chỉ các-bon, đặc biệt là với những quốc gia còn chưa có thị trường các-bon tự nguyện. Trên thị trường các-bon tự nguyện, để đủ tiêu chuẩn bán thành công tín chỉ các-bon, dự án kinh doanh tín chỉ các-bon phải đạt được những tiêu chuẩn quốc tế về kiểm kê KNK. Về phía doanh nghiệp, tổ chức, kiểm kê KNK còn giúp cải thiện hình ảnh và khả năng cạnh tranh.

    Theo mục 4 Điều 11 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, các cơ sở nằm trong nhóm cơ sở cần thực hiện hoạt động kiểm kê KNK phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin phục vụ kiểm kê KNK trước ngày 31/3/2023 và đến năm 2024, các đơn vị cơ sở phải kiểm kê KNK; tổ chức thực hiện kiểm kê KNK định kỳ 2 năm/lần gửi UBND cấp tỉnh trước ngày 31/3 kể từ năm 2025. Các cơ sở có tên trong danh mục phải chủ động rà soát, cung cấp các thông tin về tổng lượng tiêu thụ năng lượng, công suất hoạt động về Bộ TN&MT để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh, cập nhật danh mục. Hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm kê KNK cấp cơ sở, gửi Bộ TN&MT trước ngày 1/12 của kỳ báo cáo bắt đầu từ năm 2025. Căn cứ mục tiêu, lộ trình giảm nhẹ phát thải KNK quy định và kết quả kiểm kê KNK trong kỳ kiểm kê gần nhất của các cơ sở quy định, Bộ TN&MT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tổng hạn ngạch phát thải KNK, tỷ lệ hạn ngạch dự trữ và đấu giá cho giai đoạn 2026 - 2030 và hằng năm. Để có thể hoàn thành mục tiêu đề ra theo lộ trình, sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ban, ngành, doanh nghiệp, cộng đồng là rất cần thiết và quan trọng. Đặc biệt là sự chấp hành nghiêm của các doanh nghiệp nằm trong danh mục phải thực hiện kiểm kê KNK theo quy định.

    Tuy nhiên, hiện nay, còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế trong triển khai Quyết định số 01/QĐ-TTg và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Nhiều doanh nghiệp đang lúng túng, chưa hiểu kiểm kê KNK là như thế nào; ai kiểm kê và kiểm kê ra sao; kiểm kê xong rồi, có tín chỉ và chứng nhận rồi, thừa tín chỉ các-bon thì đổi thành tiền như thế nào… Cùng với đó, tình trạng thiếu hụt đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật chuyên sâu về giảm nhẹ phát thải KNK, công tác quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải KNK cấp cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế vấn đang diễn ra. Một số đơn vị thuê đơn vị tư vấn kiểm kê, tuy nhiên không thẩm tra lại kết quả kiểm kê nên độ chính xác của báo cáo kiểm kê không đảm bảo. Một số đơn vị lại kiểm kê không dựa trên tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018, vì vậy trong báo cáo kiểm kê không đầy đủ các nguồn, và tuyên bố về lượng KNK phát thải không đầy đủ và không theo chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh đó, việc thực hiện chế độ thông tin, số liệu, thực hiện kiểm kê KNK và tuân thủ các quy định chưa được thực hiện đầy đủ và thống nhất do vấn đề về kiểm kê KNK và giảm phát thải KNK là lĩnh vực mới, yêu cầu cao về nguồn lực thực hiện. Một số thông tin của cơ sở (địa chỉ, tình trạng hoạt động…) hiện không còn chính xác. Nguyên nhân do một số cơ sở thay đổi địa chỉ kinh doanh, hoạt động, đổi tên hoặc ngừng hoạt động. Chế độ cung cấp thông tin về số liệu hoạt động của các cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK tại một số tỉnh, thành phố chưa đảm bảo chất lượng và thời gian…

    Thực hành và công bố kết quả kiểm kê KNK (tính toán dấu chân các-bon) và giảm phát thải KNK là nội dung mới với hầu hết doanh nghiệp Việt Nam. Dù việc triển khai kiểm kê KNK ở các doanh nghiệp gặp khá nhiều khó khăn nhưng đây lại chính là “chìa khóa” cho lộ trình giao dịch trên hệ thống giao dịch phát thải (ETS). Kinh nghiệm từ xây dựng và vận hành ETS của các nước cho thấy trong giai đoạn đầu số lượng doanh nghiệp tham gia hạn chế do cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để quản lý và vận hành, làm quen và thích ứng. Với Việt Nam, dự kiến giai đoạn thí điểm (2025-2027) sẽ chỉ có các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất xi măng, thép và nhiệt điện bị áp hạn mức phát thải và được phép giao dịch trên ETS. Sau khi thị trường phát triển và vận hành chính thức kể từ năm 2028, số lượng doanh nghiệp và các bên tham gia sẽ được mở rộng. Do vậy, đối với kiểm kê KNK cấp cơ sở, doanh nghiệp cần chú ý quan tâm quy trình kỹ thuật kiểm kê KNK, phạm vi kiểm kê KNK, thu thập số liệu hoạt động kiểm kê KNK, lựa chọn hệ số phát thải KNK, phương pháp kiểm kê KNK, lựa chọn đơn vị kiểm kê uy tín... khi tiến hành thực hiện.

Phạm Thế Cường

Trung tâm Nghiên cứu và phát triển về tiết kiệm năng lượng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2024)

 

Ý kiến của bạn