Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 11/10/2024

Hướng dẫn về công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

13/11/2023

    Ngày 11/11/2023, hơn 500 đại biểu là đại diện Sở TN&MT, Chi cục Bảo vệ môi trường, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Huế, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, UBND 36 phường, xã ở TP. Huế và các đơn vị liên quan khác đã tham gia buổi Tập huấn hướng dẫn về công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

TP. Huế nhận 139 bộ thùng lưu chứa rác trong giai đoạn 2

    Công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là một trong những vấn đề cấp thiết trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đưa ra 06 Điều quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, Điều 75 của Luật này quy định về phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt. Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn, Luật khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải thực phẩm không dùng làm phân bón phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt… Đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại phải lưu giữ vào các bao bì riêng theo từng loại và chuyển giao cho các tổ chức cá nhân có chức năng tương ứng; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi… Triển khai nội dung này, từ tháng 9/2022, TP. Huế đã triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 1 cho 23 phường xã. Việc triển khai giai đoạn 2 cho toàn bộ 36 phường xã là hoàn toàn phù hợp với quy định của Bộ TN&MT, chủ trương của UBND tỉnh và nhu cầu của TP. Huế, đáp ứng với điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ xử lý rác thải hiện có và đồng bộ với công tác thu gom, vận chuyển và xử lý của thành phố. Phát huy hiệu quả giai đoạn 1 Chương trình phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn (triển khai tại 23 phường thuộc thành phố cũ từ năm 2022), UBND TP. Huế ban hành kế hoạch triển khai cho 36 phường, xã (thành phố mới) để đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Dự kiến, TP. Huế sẽ cung cấp chất thải rắn sinh hoạt cho Nhà máy đốt rác phát điện Phú Sơn (thị xã Hương Thủy) và căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương để phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn thành 3 nhóm (có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải nguy hại và các chất thải còn lại). TP. Huế khuyến khích cộng đồng phân loại, xử lý thêm các thành phần rác thải khác phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương, đơn vị.

    Phát biểu khai mạc buổi Tập huấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế Trần Song cho biết, chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được triển khai hoàn toàn phù hợp chủ trương xây dựng Thừa Thiên - Huế theo hướng “Đô thị di sản, văn hóa, thân thiện với môi trường và thông minh” cũng như nhu cầu, điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ xử lý rác thải hiện có. Chương trình sẽ giúp tăng cường tái chế, sử dụng, giảm nguy cơ phát tán chất thải nguy hại ra môi trường và nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý Nhà nước về quản lý chất thải sinh hoạt. Ông Trần Song mong rằng, sau buổi Tập huấn, các cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tập huấn, tuyên truyền để hướng dẫn cán bộ, hộ gia đình, chủ nguồn thải nắm bắt, áp dụng đồng bộ quy trình phân loại rác thải và phấn đấu hoàn thành trong tháng 12/2023.

    Đồng hành cùng TP. Huế, WWF-Việt Nam đã tài trợ 156 bộ thùng lưu chưa rác ở giai đoạn 1 và tiếp tục hỗ trợ thêm 139 bộ thùng lưu chứa rác trong giai đoạn 2. Rút kinh nghiệm trong quá trình triển ở giai đoạn 1; thiết kế bộ thùng lưu chứa rác mới được WWF-Việt Nam bàn giao cho TP. Huế sẽ thay thế thùng lưu chứa rác tái chế màu trắng bằng ngôi nhà xanh chứa rác tái chế; bên cạnh giữ nguyên thùng lưu chứa rác nguy hại màu cam và thùng lưu chứa rác thủy tinh màu ghi như phiên bản cũ.

    TP. Huế giao trách nhiệm cho UBND các phường xã và các địa phương có điểm đặt bộ thùng lưu chứa rác tăng cường quản lý rác tái chế tại ngôi nhà xanh, thúc đẩy các địa phương tích cực tuyên truyền thực hiện hoạt động phân loại rác tại nguồn.

Nguyệt Minh

Ý kiến của bạn