Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 02/01/2025

Thành phố Huế: Đẩy mạnh các biện pháp nhằm giảm ô nhiễm không khí

25/03/2022

    Hiện UBND TP. Huế đang phối hợp với Cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ) và Công ty CP Vietsoftpro tổ chức đưa vào vận hành dịch vụ xe đạp chia sẻ công cộng sẽ hỗ trợ người dân và du khách trải nghiệm thú vị ở các trục đường phố ven hai bờ sông Hương, tham quan các di tích, dự kiến vào tháng 4/2022 với 7 trạm ở khu vực trung tâm TP. Huế.

     Xe đạp chia sẻ công cộng là phương tiện lý tưởng cho xu hướng giao thông xanh và sự phát triển bền vững của một thành phố du lịch. Sử dụng xe đạp chia sẻ công cộng sẽ giúp người tham gia giao thông có thể di chuyển từ một trạm xe đạp bất kỳ trong hệ thống và tự di chuyển trên địa bàn thành phố, sau đó có thể gửi trả lại xe tại một trạm bất kỳ nào. TP. Huế là địa phương có hệ thống mạng lưới giao thông và cảnh quan thiên nhiên phù hợp cho việc vận hành dịch vụ này. Qua đó, không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm không khí, mà còn tạo cho người dân và du khách tiếp cận các không gian cảnh quan, các địa điểm di tích, điểm du lịch một cách gần gũi, thân thiện.

    Trong năm 2022 sẽ triển khai thí điểm xe đạp chia sẻ công cộng thông minh ở 7 trạm xe tại trung tâm TP. Huế, trong đó có 3 trạm dọc khu vực bờ Nam sông Hương, kết nối với 4 trạm ở bờ Bắc và khu vực xung quanh khu di sản Đại Nội Huế. Cụ thể, dọc đường Lê Lợi, bờ Nam sông Hương có các trạm đặt xe gồm: Bảo tàng Hồ Chí Minh, bến thuyền du lịch Tòa Khâm và số 11 Lê Lợi (cạnh cầu Phú Xuân). Phía bờ Bắc sông Hương sẽ có trạm đặt xe ở công viên cạnh di tích Nghinh Lương Đình, kết nối với các trạm ở xung quanh Đại Nội như: Eo Bầu Nam Xương, Eo Bầu Nam Thắng và công viên Nguyễn Văn Trỗi (đường Đoàn Thị Điểm). Mỗi trạm sẽ đặt từ 10-20 xe đạp thông minh. Du khách sẽ cài ứng dụng (App) trên điện thoại thông minh để tìm và đặt xe; sau đó quét mã, thanh toán điện tử và mở khóa xe, dễ dàng sử dụng xe đạp theo nhu cầu.

Trạm đặt xe đạp chia sẻ công cộng tại công viên di tích Nghinh Lương Đình, bờ Bắc sông Hương, TP. Huế

    Trên cơ sở đánh giá quá trình vận hành giai đoạn 1, UBND TP. Huế sẽ cùng các đối tác triển khai mở rộng ở nhiều khu vực khác với khoảng 19-20 trạm xe vào năm 2023. Việc mở rộng và lan tỏa hình thức đi xe đạp tại TP. Huế như một phong trào hiện đại, văn minh vì môi trường và cải thiện sức khỏe của người dân, đồng thời góp phần quảng bá giá trị di sản văn hóa Huế.

    Trước đó, để tăng cường công tác giám sát, kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, năm 2021, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về tăng cường công tác giám sát, kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.

    Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về BVMT; vận động, hướng dẫn người dân không đốt rơm rạ trên đồng ruộng nhằm BVMT. Tổ chức nông dân ký cam kết không đốt rơm rạ, không xả rơm rạ bừa bãi xuống kênh tưới, tiêu thủy lợi; không phơi thóc, rơm rạ, tuốt lúa, đốt rơm rạ trên đường giao thông. Xử lý nghiêm các trường hợp đốt chất thải không đúng quy định, gây ảnh hưởng cảnh quan và ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn, Trưởng Công an các huyện, thị xã, thành phố Huế thường xuyên kiểm tra, giám sát việc nông dân đốt rơm rạ trên đồng ruộng.

    Sở TN&MT tuyên truyền, giáo dục pháp luật về BVMT trong đó trọng tâm tuyên truyền liên quan đến việc BVMT không khí đã được nêu tại Luật BVMT. Tiếp tục triển khai tốt công tác quan trắc hiện trạng môi trường không khí trong chương trình quan trắc định kỳ đã được phê duyệt. Căn cứ quy hoạch mạng lưới quan trắc và tình hình thực hiện để đề xuất việc đầu tư xây dựng mạng lưới quan trắc tự động liên tục để đảm bảo việc giám sát chất lượng môi trường không khí đồng bộ trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan thường xuyên kiểm tra các nguồn phát sinh khí thải trên địa bàn; hướng dẫn các chủ nguồn thải thực hiện nghiêm túc các biện pháp BVMT trong quá trình hoạt động theo đúng pháp luật về BVMT; kịp thời răn đe, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT không khí theo quy định.

    Cũng tại Chỉ thị này, UBND Tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học ngay trên đồng ruộng nhằm hạn chế đốt rơm rạ, BVMT. Chỉ đạo đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong việc thu gom vận chuyển rơm rạ và làm đất bằng máy cày lớn để phay, cày lật đất vùi hết rơm rạ vào trong đất, không để rơm rạ trôi nổi ảnh hưởng đến sản xuất và môi trường.

    Công an tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế kiểm tra, xử lý các trường hợp đốt rơm rạ trên đồng ruộng, phơi thóc, rơm rạ, đốt rơm rạ trên đường giao thông gây cản trở và làm mất an toàn giao thông theo thẩm quyền; đôn đốc và phối hợp với các địa phương trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ trên đồng ruộng, đồng thời theo dõi chặt chẽ việc thực hiện công tác BVMT, nhất là các giải pháp hiệu quả đảm bảo ngăn ngừa, hạn chế, giảm thiểu bụi, khí thải trong hoạt động xây dựng công trình giao thông.

    Đối với chủ đầu tư xây dựng các công trình, UBND tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm túc công tác BVMT trong quá trình thi công xây dựng các công trình; triển khai các phương án giảm thiểu bụi, khí thải phát sinh trong quá trình thi công xây dựng (che chắn công trình, phun nước, rửa đường, rửa xe ra vào công trình,...).

Đức Anh

Ý kiến của bạn