Banner trang chủ

Gặp gỡ Nhà bảo tồn đầu tiên của Việt Nam được nhận Giải thưởng Môi trường Goldman

29/07/2021

    Mới đây, người con quê hương huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) đã trở thành Nhà bảo tồn) đầu tiên của Việt Nam vinh dự nhận Giải thưởng Môi trường Goldman. Nhân dịp này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trò chuyện để tìm hiểu thêm về những nỗ lực và cố gắng của ông trong công tác bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD).

Ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn ĐVHD tại Việt Nam (SVW)

PV: Chúc mừng ông được nhận Giải thưởng Môi trường Goldman. Giải thưởng này có ý nghĩa như thế nào đối với bản thân ông?

Ông Nguyễn Văn Thái: Tôi vô cùng vinh dự, tự hào và cũng bất ngờ khi được nhận Giải thưởng danh giá này. Đó là sự ghi nhận quan trọng của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực BVMT, bảo tồn ĐVHD. Từ Giải thưởng có được hôm nay, tôi hy vọng có thể truyền cảm hứng cho nhiều người khác và quan trọng hơn là khơi dậy niềm tin, thúc đẩy vai trò, trách nhiệm của người Việt trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Cùng nhau, chúng ta sẽ làm cho Việt Nam trở thành nơi đáng sống hơn.

PV: Mỗi năm, ở Việt Nam, hàng nghìn cá thể ĐVHD bị buôn bán trái phép nhằm phục vụ nhu cầu làm thực phẩm, thuốc đông y, thú nuôi và làm đồ lưu niệm. SVW đã có hành động như thế nào phối hợp cùng với các cơ quan chức năng để cứu hộ cá thể ĐVHD tịch thu từ các vụ buôn bán trái phép, thưa ông? Trong quá trình cứu hộ, SVW có gặp thách thức gì không?

Ông Nguyễn Văn Thái: Việc tiêu thụ trái phép ĐVHD, đặc biệt là động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ không chỉ hủy diệt quần thể loài động vật trong tự nhiên, phá hủy hệ sinh thái, làm tổn hại đến ĐDSH, môi trường mà còn dẫn đến hệ lụy xã hội như gia tăng các vi phạm pháp luật. Nhận thức được điều đó, năm 2014, tôi đã thành lập Trung tâm Bảo tồn ĐVHD tại Việt Nam (SVW). SVW và các cơ quan chức năng như lực lượng kiểm lâm, cơ quan công an địa phương… duy trì mối quan hệ bằng việc thường xuyên liên lạc, trao đổi kiến thức về nghiệp vụ cũng như xây dựng các kế hoạch hành động trong công tác bảo tồn, nhất là thông qua các đợt giải cứu ĐVHD. SVW phối hợp với các cơ quan chức năng cứu hộ các cá thể ĐVHD tịch thu từ các vụ buôn bán trái phép, đồng thời, cung cấp đường dây nóng để người dân cả nước có thể cung cấp thông tin về ĐVHD bị tịch thu, buôn bán cần được giải cứu. Khi nhận được thông báo, nhóm phản ứng nhanh của Trung tâm gồm bác sĩ thú y và cán bộ chăm sóc ĐVHD sẽ lập tức lên đường, làm việc với cơ quan chức năng địa phương nơi động vật bị tịch thu, cung cấp cho họ các kiến thức, kỹ năng liên quan đến công tác xử lý sau tịch thu và chăm sóc khẩn cấp cho các cá thể. Các cá thể này sau đó được chuyển đến Trung tâm cứu hộ của SVW, trải qua 30 ngày kiểm dịch nếu khỏe mạnh và đáp ứng tiêu chí tái thả sẽ được thả vào các khu rừng được bảo vệ, còn lại sẽ được chăm sóc đặc biệt tại Trung tâm Giáo dục bảo tồn thú ăn thịt và tê tê.

    Tính đến hết năm 2020, Trung tâm SVW đã hợp tác cùng Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương và Phù Mát trực tiếp cứu hộ được 1.888 cá thể ĐVHD, với 40 loài khác nhau, trong đó 60% cá thể được tái thả thành công. SVW cũng đã trực tiếp di chuyển quãng đường khoảng 179.660 số km để cứu hộ và tái thả động vật; xây mới 74 chuồng động vật mới với 1.100 m2; 2 bệnh viện thú y rộng 245 m2; 1 khu bán hoang dã 1.665 m2; sửa chữa 1.125 m2 chuồng trại. Cùng với đó, tôi cũng trực tiếp hợp tác cùng các cơ sở cứu hộ Nhà nước khác nhằm phục hồi và tái thả thành công gần 500 cá thể ĐVHD; Xúc tiến thành lập Hội Cứu hộ ĐVHD Việt Nam…

    Năm 2018, kết hợp với Ban quản lý VQG Pù Mát, chúng tôi đã thành lập Đội chuyên trách Bảo vệ rừng đầu tiên của Việt Nam. Đây là mô hình đồng quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức ngoài công lập. Tại đây, lần đầu tiên 100% lực lượng kiểm lâm và cán bộ bảo vệ rừng ở VQG Pù Mát được sử dụng chương trình tuần tra ứng dụng phần mềm SMART ciber-tracker và SMART planning. Với sự vào cuộc của Đội chuyên trách Bảo vệ rừng Pù Mát đã góp phần giảm đến 80% các vụ săn bắt ĐVHD tại VQG Pù Mát; phát hiện 558 vụ có dấu hiệu vi phạm; tịch thu và gỡ bỏ 9.701 bẫy, 19 kích điện, 775 nán trại trái phép. Thành công từ mô hình bảo vệ rừng VQG Pù Mát, SVW tiếp tục ký kết thỏa thuận hợp tác nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng với nhiều VQG khác như Cúc Phương, Cát Tiên, U Minh Thượng, U Minh Hạ và hướng tới thúc đẩy công tác bảo vệ rừng ở tất cả các VQG, Khu bảo tồn của nước ta.

    Trong thời gian gần đây, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD quý hiếm diễn biến ngày càng phức tạp và tinh vi hơn. Tội phạm về ĐVHD tại Việt Nam được đánh giá không chỉ tham gia vận chuyển, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn là mắt xích quan trọng trong mạng lưới trung chuyển, buôn bán ĐVHD trái phép xuyên quốc gia. Điều này gây rất nhiều khó khăn trong công tác tìm kiếm và cứu hộ của chúng tôi. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận người dân “nhờn” luật hoặc không hiểu biết pháp luật. Đó chính là “khoảng trống” lớn trong việc bảo vệ ĐVHD hiện nay. Do vậy, để nâng cao nhận thức người dân, thay đổi cách ứng xử với ĐVHD, các cơ quan hữu quan cần có những vụ việc điển hình, được xử lý nghiêm minh. Như vậy, tính răn đe với cộng đồng sẽ cao hơn rất nhiều so với khẩu hiệu sáo rỗng. 

PV: Tê tê là loài động vật có vú được buôn bán nhiều nhất trên thế giới bất chấp lệnh cấm thương mại quốc tế. Vậy theo ông, để thay đổi số phận của những con tê tê, chúng ta nên bắt đầu bằng những việc gì?

Ông Nguyễn Văn Thái: Để đạt được hiệu quả bảo tồn, cần phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, thường xuất phát từ sự thiếu hiểu biết hoặc thái độ tiêu cực về các loài ĐVHD. Do đó, chúng ta cần bắt đầu bằng việc giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn tê tê. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức làm bảo tồn để nâng cao năng lực cứu hộ tê tê, từ đó bảo tồn được những cá thể tê tê ở hiện tại. Đặc biệt, cần nâng cao việc nghiên cứu giống loài tê tê để duy trì được nguồn gen và phát triển thêm nhiều quần thể tê tê.

Ông Nguyễn Văn Thái có niềm đam mê lớn đối với bảo tồn tê tê

    Năm 2016, tôi đã xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Giáo dục bảo tồn thú ăn thịt và tê tê đầu tiên ở Việt Nam tại Ninh Bình, mang đến không gian sáng tạo với tính tương tác cao cho học sinh, sinh viên và công chúng nói chung đến tham quan, trải nghiệm cũng như tìm hiểu về loài. Trung tâm cũng tổ chức tập huấn phát triển năng lực cho lực lượng chức năng bao gồm hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát môi trường và kiểm lâm về luật pháp, chính sách liên quan đến ĐVHD và hướng dẫn xử lý, chăm sóc tê tê sau tịch thu.

    Không dừng lại ở đó, tôi và các cộng sự tiếp tục thành lập Trung tâm Phục hồi chức năng cho tê tê Châu Á đầu tiên của Việt Nam, nhằm tập trung vào việc phục hồi chức năng cho những cá thể tê tê trong điều kiện nuôi nhốt để chăm sóc những cá thể tê tê được cứu hộ (thường trong tình trạng nguy kịch do ảnh hưởng của quá trình săn bắt, buôn bán và vận chuyển). Nhờ đó, 80% trong số những cá thể tê tê bị thương nặng và nhiễm trùng đã được cứu chữa, phục hồi.

    Được thành lập do yêu cầu cấp thiết cần có một giải pháp hiệu quả hơn nhằm đảm bảo tương lai của ĐVHD tại Việt Nam, Trung tâm SVW mong muốn Bộ TN&MT và các Bộ/ngành liên quan quan tâm, định hướng, hỗ trợ phương thức tiếp cận các chương trình, dự án bảo tồn ĐVHD trong và ngoài nước để phát huy hiệu quả vai trò, nhiệm vụ, chức năng của Trung tâm, qua đó lan tỏa rộng rãi thông điệp bảo tồn ĐVHD đến cộng đồng.

   Trân trọng cảm ơn ông!

Mai Hương (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2021)

     Goldman là giải thưởng danh giá nhằm tôn vinh các các cá nhân có những đóng góp quan trọng trong việc BVMT ở cấp cơ sở, đến từ 6 khu vực lục địa trên thế giới (châu Phi, châu Á, châu Âu, các quần đảo và quốc đảo, Bắc Mỹ, Nam và Trung Mỹ). Được thành lập vào năm 1989 tại San Francisco (Mỹ), Giải thưởng Goldman được ví như giải "Nobel xanh" của ngành, không chỉ vì giá trị giải thưởng lớn mà còn vì sự công nhận mang tầm quốc tế cho những thành tựu và cống hiến của các cá nhân là lãnh đạo môi trường nổi bật trên toàn thế giới. Qua đó, góp phần truyền cảm hứng cho cộng đồng trong công cuộc cải thiện môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên trên Trái đất. Tính đến năm 2020, Giải thưởng đã được trao cho hơn 200 cá nhân (trong đó có 87 người là phụ nữ) đến từ hơn 90 quốc gia trên thế giới. 

Ý kiến của bạn