Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Để Cồn Cỏ từ “chiến hạm thép” thời chiến thành “chiến hạm xanh” thời bình

23/08/2024

    Cồn Cỏ là một cái tên khá quen thuộc đối với nhân dân chúng ta, nhất là trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Đảo Cồn Cỏ đã đi vào văn, thơ, nhạc, hoạ... với những tác phẩm đi vào lòng người, vượt thời gian. Nhiều người trong chúng ta còn nhớ bài hát “Con cua đá” của nhạc sĩ Ngọc Cừ (1967) lời thơ Phan Ngạn, trong đó có mấy câu mở đầu dễ nhớ: "Cồn Cỏ, Cồn Cỏ ấy có con cá đua là con cua đá/Nó nằm trong đá, nó nằm trong khe/Nó có tám cái que, có hai cái càng...". Bài hát Thái Văn A đứng đó, sáng tác của nhạc sĩ Văn An (1968) đã khắc hoạ bằng nhạc chân dung anh hùng Thái Văn A vào lịch sử của đảo: "Sừng sững chòi cao trên hòn đảo nhỏ/Như ngọn hải đăng bốn mùa sóng gió/Thái Văn A, Thái Văn A đứng đó/Yêu đảo như quê giây phút chẳng rời/Mắt dõi tầm xa canh giữ biển trời/Đứng nơi đây thức canh cho đất nước...". Ngày nay, cái tên đảo Cồn Cỏ đã và đang là sức hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Đảo Cồn Cỏ là điểm mới hấp dẫn của du lịch tỉnh Quảng Trị

    Đảo Cồn Cỏ còn có một số cái tên gọi khác (Hòn Cỏ, Thảo Phù, Con Hổ, Hòn Mệ), nay là một huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Trị. Đảo nằm vắt ngang vĩ tuyến 17, cách đất liền từ 13 đến 17 hải lý (tuỳ theo địa điểm xuất phát). Chẳng hạn, điểm gần nhất 13 hải lý là Mũi Lay thuộc xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh; nếu xuất phát từ Cửa Tùng, xã Vĩnh Quang ra đảo là 15 hải lý; còn xuất phát từ cảng Cửa Việt, xã Gio Việt, huyện Gio Linh là 17 hải lý, chừng hơn 30 cây số, đi tàu khách chừng một tiếng rưỡi đồng hồ là đặt chân lên đảo. Từ đảo nhìn về phía Tây, sẽ thấy màu xanh của vịnh ven biển Cửa Tùng, Vĩnh Mốc, Vĩnh Thái, Vĩnh Kim, phía Tây Nam là dải bờ Nam sông Bến Hải. Đảo Cồn Cỏ có nguồn gốc núi lửa bazan, dạng đồi. Đảo có vị trí như tấm bình phong án ngữ cửa vịnh Bắc Bộ. Mặc dù diện tích đảo nhỏ, nhưng các đặc điểm về hình thể và cấu trúc không gian, cấu tạo địa chất, diện tích, độ cao và cảnh quan sinh thái, động lực và tính ổn định… đã tạo ra giá trị lớn về tài nguyên địa - tự nhiên và môi trường sinh cư thuận lợi cho các loài sinh vật và con người. Hiện nay, với diện tích đất của đảo vẻn vẹn có 2,3 km2, tương đương 230 héc ta; dân số, cả bộ đội, lực lượng vũ trang, cán bộ trong hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị sự nghiệp và 24 gia đình người dân, tổng cộng khoảng 500 người. Nhìn từ trên cao, Cồn Cỏ như hình một chú "rùa xanh" bơi giữa biển khơi thơ mộng và xinh đẹp. Tuy nhỏ, nhưng đã từ lâu, Cồn Cỏ có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng cả về kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, nhất là vị trí tiền đồn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc và là một trong những mốc để xác định cơ sở lãnh hải Việt Nam. Từ các di tích khảo cổ học, từ rất sớm, đảo Cồn Cỏ được cư dân người Việt khám phá và đặt nền móng cho sự xác lập quyền quản lý của Tổ quốc. Từ thế kỷ XVII - XVIII, trên con đường giao lưu, buôn bán, cư dân Đại Việt lấy Cồn Cỏ là một điểm dừng chân trong quá trình khám phá, buôn bán và đánh dấu chủ quyền hải đảo của Tổ quốc. Dưới thời nhà Nguyễn, nơi đây được triều đình dùng để giam giữ, tù đầy những người phạm tội. Sau hiệp định Giơnevơ, 1954, trong đất liền, cây cầu Hiền Lương làm điểm chia cắt đất nước ta, còn ngoài biển, đảo Cồn Cỏ là mốc giới phân chia hai miền Nam-Bắc. Vào năm 1959, tr­ước âm mưu của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn lăm le chiếm đảo Cồn Cỏ, được lệnh của cấp trên, Trung đội súng máy phòng không 12,7 mm của Trung đoàn 270 thuộc Đặc khu Vĩnh Linh do Thiếu úy Dư­ơng Đức Thiện chỉ huy đã v­ượt sóng ra giữ đảo. Đúng 11 giờ ngày 08/8/1959, lá cờ đỏ sao vàng được cắm lên trên đảo Cồn Cỏ, tiếp tục khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Việt Nam. (Ngày 8/8 hằng năm cũng trở thành Ngày kỷ niệm truyền thống các lực lượng vũ trang đảo Cồn Cỏ). Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng với lũy thép Vĩnh Linh, Cồn Cỏ đã trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, t­ượng đài bất khuất, "chiến hạm thép" sừng sững giữa biển khơi. Máy bay Mỹ ném xuống Cồn Cỏ trên 13.000 quả bom các loại, hàng vạn quả rốc-két, 172 lần tàu chiến pháo kích trên 4.000 quả đạn pháo, bình quân mỗi héc ta đất ở Cồn Cỏ phải hứng chịu 22,6 tấn bom, đạn. Không dưới 30 lần quân địch quyết tâm cho quân đổ bộ hòng chiếm đào Cồn Cỏ bằng được. Với gần 1.000 trận đánh lớn nhỏ, bộ đội, quân dân từ đất liền viện trợ, tiếp tế cho Cồn Cỏ chiến đấu ngoan cường, hy sinh anh dũng, bắn rơi 48 máy bay, bắn chìm 17 tàu chiến của Mỹ-Nguỵ. Trong suốt những ngày tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, “Chiến hạm Cồn Cỏ" không bao giờ bị khuất phục, đánh chìm. Đảo Cồn Cỏ đã hai lần được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân"; ba lần Bác Hồ gửi thư khen, trong đó thư ngày 5/6/1968, Người gửi tặng câu thơ: “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/Đánh cho tan xác giặc Hoa Kỳ”.

Cột cờ Tổ Quốc Đảo Cồn Cỏ

    Đất nước đổi mới và phát triển, yêu cầu củng cố các vị thế tiền tiêu,   phát triển các hòn đảo của Tổ quốc đặt ra cấp bách. Với vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh cũng như tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội tại đảo Cồn Cỏ, ngày 01/10/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 174/2004/NĐ-CP "Về việc thành lập huyện đảo Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị "và xây dựng thành đảo du lịch - đảo tiền tiêu của Tổ quốc". Ngày 2//8/2024 vừa qua, Đảo Cồn Cỏ đã tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập huyện (1/10/2004 - 1/10/2024), 65 năm Ngày truyền thống lực lượng vũ trang đảo Cồn Cỏ (8/8/1959 - 8/8/2024). Sau 20 năm thành lập, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện đảo Cồn Cỏ phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, khắc phục khó khăn, từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng huyện đảo: kinh tế chuyển biến rõ nét, nhất là lĩnh vực dịch vụ du lịch có những bước phát triển khả quan, hình thành được một số tour với các loại hình du lịch mang nét đặc trưng của đảo như du lịch trải nghiệm trên đảo, trên biển, lặn ngắm san hô, về thăm chiến trường xưa, gắn với bảo vệ môi trường, nguồn thiên nhiên trên đảo. Cồn Cỏ đang phấn đấu thành đảo du lịch “Vững về kinh tế - Đẹp về văn hóa - Mạnh về quốc phòng, an ninh”, là "Mắt thần trên biển Đông", "Đảo tiền tiêu của Tổ quốc", "Đảo Văn hóa - Du lịch" “Chiến hạm xanh" thời bình. Là người quan tâm và có trải nghiệm trên đảo Cồn Cỏ, xin có vài cảm nhận, suy nghĩ.

    Một trong những yếu tố sống còn đối với một hòn đảo là nước ngọt. Để "Cồn Cỏ xanh", cả về nghĩa đen và nghĩa bóng đều rất cần đến yếu tố này. Cái tên của đảo (Cồn Cỏ, Thảo Phù) nói lên sự cần thiết số một của đảo Cồn Cỏ là cần có màu xanh tức là phải trồng rừng và giữ lấy rừng. Từ trong chiến tranh đến nay, một trong những vấn đề bức xúc, nổi cộm nhất ở Cồn Cỏ là thiếu nước ngọt. Cho đến nay, nguồn nước sinh hoạt, sản xuất duy nhất ở đây phụ thuộc vào nguồn nước mưa. Do vậy, nước ngọt trở nên vô cùng khan hiếm, nhất là vào mùa khô. Trồng rừng, giữ lấy rừng là giải pháp có tính quyết định giải quyết vấn đề nước ngọt ở Cồn Cỏ. Có rừng, ắt sẽ có nước ngọt,  nếu đảo có các loại cây rừng phù hợp sẽ giữ nước, tạo nguồn nước ngọt quanh năm. Nhưng, ở Cồn Cỏ, bão gió tàn phá rất khốc liệt, cây cối khó bề chịu nổi. Cho nên trồng rừng bằng những cây gì là bài toán cần nghiên cứu và có câu trả lời xác đáng và cần có sự tham vấn của các nhà chuyên môn sâu về cây cối ngoài đảo xa. Một trong những giải pháp khả thi nữa là đào hồ nhân tạo làm nơi tích trữ nguồn nước ngọt cho sản xuất và đời sống trên đảo. Vừa qua cũng có đề án đề xuất lọc nước biển thành nước ăn uống được nhưng phương án này cần thời gian và chắc tốn kém? Suy cho cùng, trồng rừng và giữ lấy rừng là "lợi cả đôi đường".

    Vì là một đảo hẹp, "tấc đất, tấc vàng" cho nên ngay từ bây giờ phải có đầu óc thông minh, khoa học, cực kỳ chi tiết đến từng mét đất, gốc cây, từng bãi đá, khoảng biển...trong công tác quy hoạch sử dụng biển đảo ở đây cực kỳ quan trọng. Cần thiết thì có các hội thảo khoa học, kể cả mời chuyên gia nước ngoài tham gia quy hoạch, sử dụng đảo Cồn Cỏ trong tình hình hiện nay. Rút kinh nghiệm từ nhiều hòn đảo ở nước ta, nên chăng, ngay từ đầu, trong số 2300 héc ta đất của đảo thì ưu tiên cho đất trồng và giữ rừng, một số di tích lịch sử, chòi quan sát, ngọn hải đăng, xây dựng một cách tiết kiệm các cơ quan hành chính, đơn vị dịch vụ công, điện lực, doanh trại quân đội, lực lượng vũ trang...còn khách sạn, nhà hàng, nhà dân, doanh nghiệp, kể cả sân bay,...nên xây dựng kiểu nhà dàn trên các bãi đá ven bờ, ngoài đảo, nơi có diện tích hàng nghìn km2. Điều này là cực tốn kém, nhưng phải có tầm nhìn xa, định hướng lâu dài, cớ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tập đoàn kinh tế mạnh, lực lượng vũ trang, với phương thức "xã hội hoá", "nhà nước và nhân dân cùng làm". Như vậy mới giữ được từng mét đất quý giá trên đảo Cồn Cỏ cho hôm nay và cho các thế hệ mai sau.

    Đã là huyện đảo cần có số lượng dân cư cần thiết, góp phần bảo vệ, xây dựng huyện đảo, sản xuất, kinh doanh, làm các dịch vụ phục vụ khách du lịch.  Đến nay, dân số trên Đảo là khoảng 500 người, trong đó có 24 hộ, với gần 100 người dân, như vậy là còn khiêm tốn, không đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng đông. Hiện nay, tỉnh Quảng Trị, đảo Cồn Cỏ đã và đang khuyến khích, thu hút người dân ra sinh sống, ổn định lâu dài ở. Vấn đề đặt ra là, việc đưa dân ra sống ngoài đảo phải bảo đảm có trật tự, được tổ chức, có kế hoạch, tránh tự phát, mạnh ai người ấy ra. Nên chăng, trừ các đơn vị lực lượng vũ trang, cần quy hoạch, tính toán cần bao nhiêu hộ dân, gia đình ra sống, định cư lâu dài trên một hòn đảo nhỏ hẹp này là phù hợp. Cần làm đến đâu, chắc đến đấy, cũng như bảo đảm những điều kiện tối thiểu cho cuộc sống người dân như nơi ăn chốn ở, công việc, các cơ sở hạ tầng thiết yếu như nước sạch, điện năng lượng, mạng viễn thông, trường học, bệnh viện, nhà văn hoá, khu vui chơi, giải trí, các cơ sở luu trú cho khách du lịch. Tuyệt đối tránh tình trạng để dân ra ồ ạt, vì không có chỗ ở dẫn đến phá rừng, lấn chiếm đất công làm nhà ở, mua bán đất trái phép. Nghiên cứu mô hình chính quyền huyện đảo như thế nào để phù hợp, phát huy những mặt tốt của mô hình quân quản từ trước năm 2004?

    Cũng như nhiều đảo khác ở nước ta, vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý chất thải, rác sinh hoạt, chất thải nhựa dùng một lần...đã và đang đặt ra một cách bức xúc ở đảo Cồn Cỏ. Rác thải, phế liệu, chất thải nhựa dùng một lần, thùng xốp...đã và đang là vấn đề đặt ra ở đây. Xử lý rác thải tại chỗ bằng xây nhà máy xử lý chất thải hay chôn lấp thì đều chưa khả thi và có những mặt khó khăn, tốn kém của nó. Việc chở  chất thải từ đảo vào đất liền xử lý cũng chưa được thực hiện vì tốn kém. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ cần có giải pháp cấp thiết để hạn chế rác thải trên đảo. Một trong những biện pháp đó là tuyên truyền, vận động người dân, du khách có ý thức bảo vệ môi trường trên đảo. Nên chăng, trong khi chờ đợi những giải pháp cụ thể, khả thi, nên  cấm du khách, người dân ra vào đảo mang theo túi ny lon, chất thải nhựa dùng một lần, khuyến khích, tạo điều kiện cho du khách, người dân, cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang sử dụng những nguyên, vật liệu thân thiện với môi trường?

Khám phá rừng nguyên sinh trên Đảo Cồn Cỏ

    Mấy năm qua, mỗi năm có hàng nghìn (khoảng 8000) du khách ra thăm đảo Cồn Cỏ và con số này ngày càng tăng nhanh. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, lưu trú, phục vụ ăn uống, giải trí, trải nghiệm còn hạn chế, khó khăn. Riêng cơ sở lưu trú qua đêm hiện nay mới có khoảng 200 giường, với trang, thiết bị còn hạn chế; chỉ có một, hai nhà hàng phục vụ ăn uống, ẩm thực với mức tối thiểu và còn nghèo nàn. Nếu số lượng khách du lịch đông, dẫn đến tình trạng quá tải, không đáp ứng yêu cầu phong phú, đa dạng, ngày càng câo của du khách. Phấn đấu để Cồn Cỏ trở thành "Đảo Văn hoá-Du lịch" cần có thời gian, cơ chế mời gọi, nhất là sự quan tâm, đầu tư của Trung ương, của tỉnh Quảng Trị và các tập đoàn kinh tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

    Bảo vệ môi trường sinh thái, những đặc sản truyền thống, những cây, những con, động thực vật quý hiếm... ở Cồn Cỏ là yêu cầu rất cấp thiết khi muốn thu hút khách trải nghiệm du lịch sinh thái ở đây. Thảm rừng trên đảo xanh tốt, đa dạng sinh học biển ở đây khá cao và mức độ bảo tồn còn khá tốt. Các hệ sinh thái vùng triều có tổng số 307 loài: thực vật phù du 160, rong biển 40, động vật phù du 54, động vật đáy 53 loài. Các hệ sinh thái dưới triều có tổng số 1.068 loài, gồm: thực vật phù du 219, rong biển 71, động vật phù du 134, động vật đáy 173, san hô cứng 150, san hô mềm 31, cá biển 200, cá san hô 90 loài. Về phát triển kinh tế, vùng biển quanh đảo là một ngư trường thuận lợi, rộng lớn khoảng 9.000 km2 với nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao. Có tới hơn 1.000 loài sinh vật biển sống trong 4 – 5 hệ sinh thái biển ven đảo, trong đó có nhiều loài quí hiếm như rùa biển, vú nàng, tôm hùm, trai ngọc, cua đá,… Trong 267 loài cá biển, có 49 loài có giá trị kinh tế cao. Trữ lượng các loại động vật đáy cỡ lớn ven đảo gồm trai, ốc, tôm, cua, hải sâm,… khoảng 2.670 tấn/năm. Sản lượng khai thác mực đạt 356,8 tấn/năm và tôm hùm đạt 4,8 tấn/năm. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 45/QĐ-TTg năm 2014 về quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học cả nước đến 2020, định hướng đến 2030, khu bảo tồn biển Cồn Cỏ có diện tích 4.000 ha. Đây là tiềm năng vô cùng to lớn, đa dạng và phong phú cần giữ gìn, bảo vệ, tạo nên môi trường du lịch thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước. Giữ được môi trường, hệ sinh thái ở đảo Cồn Cỏ chính là một yếu tố quan trọng hàng đầu để đảo Cồn Cỏ trở thành “Chiến hạm xanh” thời bình.

Vũ Lân

Ý kiến của bạn