Banner trang chủ

Chuyện về Người chuyên săn hình các loài chim trời và động vật hoang dã

30/06/2021

    Trong thế giới nhiếp ảnh hiện nay, nhiều nhiếp ảnh gia không lấy việc chụp ảnh để mưu sinh, cầu danh. Họ đến với nhiếp ảnh bằng niềm đam mê cái đẹp. Bên cạnh những thành công có được trong suốt nhiều năm theo đuổi đam mê, cái giá phải trả không chỉ là việc tốn nhiều tiền bạc, thời gian, công sức, mà đôi khi là cả những thứ thuộc về cuộc sống riêng tư của bản thân, thậm chí là sự xa cách của gia đình... Nói đến những con người tâm huyết ấy, không thể không nhắc đến nhiếp ảnh gia Tăng A pẩu - Người mê lội rừng với tâm thế “trong veo”, quyết liệt bảo vệ từng cánh chim rừng, từng con thú hoang. Tăng A Pẩu không nhận mình là “nhà” gì cả! Ông đứng ngoài mọi danh hiệu, xa lạ với mọi cuộc vinh danh. Nể bạn bè tham gia câu lạc bộ nhiếp ảnh Gia Định, thỉnh thoảng ông ghé giao lưu chứ không dự bất kỳ cuộc thi nào, dù đa số giới cầm máy mỗi khi nhắc đến ông đều trầm trồ, thán phục.

Nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu phải ngụy trang giống màu xanh lá cây để đến gần các loài chim

“Tay chơi” lập dị

    Tăng A Pẩu là người Nùng Hoa. Ông sinh ra ở ngôi làng nhỏ Lương Sơn, gần Sông Lũy, thuộc xã Suối Nhuôm, quận Hoà Đa, tỉnh Bình Thuận. Trước nhà ông, rừng thăm thẳm xanh, dài 15 km tới tận thềm biển. Sau năm 1975, bước vào đại học, ông chọn ngành Lâm nghiệp. Thế hệ ông là thế hệ sinh viên đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất vào rừng để vẽ bản đồ. Ông còn nhớ rất rõ về khu rừng đầu tiên mà ông đến là rừng Mã Đà, nay thuộc Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, học hết chương trình đại học, ông không làm luận văn tốt nghiệp mà bỏ ngang đi làm nhiều công việc khác mưu sinh. Bởi thế, vài chục năm sau đó, khi có dịp quay lại rừng, ông rất ngạc nhiên vì sự biến mất của những khu rừng ông từng đến và chụp ảnh về rừng là cách ông giữ lại cho bản thân những ký ức đẹp về nơi mà ông từng gắn tuổi thanh xuân của mình vào đó.

    Nhắc đến Tăng A Pẩu, giới nhiếp ảnh gọi ông là “tay chơi” lập dị, bởi ông ít khi giao du với hội, nhóm nhiếp ảnh, tất cả thời gian rảnh rỗi, ông đều dành cho rừng. Suốt ngày rong ruổi trong những khu rừng với đủ loại kích cỡ ống kính máy ảnh, Tăng A Pẩu đã chụp hơn 500 loài chim, góp những hình ảnh quý cho công cuộc bảo tồn các loài động vật hoang dã của Việt Nam. Vì thế, không chỉ giới nhiếp ảnh mà cả những phóng viên báo chí khi cần ảnh về chim hay muốn tìm hiểu về chim đều liên hệ với ông. Không chỉ nổi tiếng trong nước, nhiều nhiếp ảnh gia nước ngoài cũng biết đến và thường xuyên nhờ ông dẫn vào rừng chụp ảnh hoặc học hỏi thêm kiến thức về các loài chim ở vùng nhiệt đới. Nhiệt tình với bạn bè khắp nơi, năm 2014, ông được nhóm nhiếp ảnh Malaixia mời sang tham quan đất nước của họ và cùng đi Indđônêxia để chụp ảnh núi lửa. Những bức ảnh độc đáo tại vùng núi lửa Bromo - Indđônêxi đăng trên mạng xã hội facebook cá nhân của ông nhận được nhiều lời khen ngợi từ cộng đồng nhiếp ảnh. Đây là vinh dự không phải người Việt nào cũng có được.

    Từ ngày 24 - 28/1/2015, tại Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Triển lãm ảnh với tên gọi “Chim rừng mùa kết bạn”, do Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WAR) và Nhà văn hóa Thanh niên phối hợp tổ chức, trưng bày hơn 130 bức ảnh chim rừng Việt Nam của tác giả Tăng A Pẩu với trọng tâm là bộ ảnh (gồm 12 bức ảnh rất sinh động về loài  Sếu đầu đỏ - Loài chim quý hiếm bị đe dọa tuyêt chủng ở mức sẽ nguy cấp (VU) theo Sách Đỏ IUCN. Đây là Triển lãm ảnh đầu tiên về chim rừng Việt Nam, là sự kiện lớn đầu tiên giúp công chúng biết tới Tăng A Pẩu. Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán ảnh tại Triển lãm được ông sử dụng để gây quỹ từ thiện cho WAR và trẻ em nghèo Tây Nguyên; đồng thời, kêu gọi cộng đồng nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động vật hoang dã, các hệ sinh thái tự nhiên của Việt Nam. Ngoài Triển lãm Chim rừng mùa kết bạn, người ta còn biết đến Tăng A Pẩu qua những triển lãm chính thức và không chính thức về chim. Quả đúng là không ngờ bởi đến tuổi 50, ông mới quyết định vác máy sống vì đam mê, theo đuổi những sinh vật biết bay trong tự nhiên, nhưng thành quả ông đạt được sau hơn 15 lội rừng không phải là nhỏ. Theo chuyên gia khoa học về chim tự nhiên Nguyễn Hoài Nam, “với số lượng các loài chim ở Việt Nam hiện nay, mỗi nhiếp ảnh gia chụp được khoảng 300 loài là khá phổ biến, còn chụp được 500 thì khá hiếm. Tăng A Pẩu thuộc loại khá hiếm này, tính đến nay ông đã chụp được hơn 500 loài”. Nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm - Người chuyên chụp phong cảnh thiên nhiên Việt Nam cũng dành cho Tăng A Pẩu những lời nhận xét thán phục: “Có nhiều người yêu thiên nhiên, yêu chim, chụp ảnh chim... nhưng anh Pẩu là trường hợp đặc biệt hơn tất cả. Anh được coi như là người của rừng. Bình thường anh là một doanh nhân, nhưng công sức, tiền của kiếm được, anh đã đổ rất nhiều để đi chụp ảnh trong rừng. Nhìn bộ ảnh chim của anh, đủ để hiểu anh đã tốn công thế nào để chụp được nhiều loài chim như vậy”. Còn chuyên gia bảo tồn sinh học Trần Lê Trà lại tìm thấy ở Tăng A Pẩu một “tâm hồn trong veo, tinh thần hiệp sĩ, tài hoa nghệ sĩ, chỉ bảo vệ, dâng hiến chứ không hề vụ lợi” đối với động vật hoang dã... Đặc biệt, năm 2019, khi làm bộ ảnh quảng bá Vườn Quốc gia Cát Tiên, nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu đã chụp và quay được clip cả đàn bò tót gần 30 con - Loài vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam này hiện ra sinh động, khỏe khoắn và đẹp đến sững sờ. Đây là một trong số những lần hiếm hoi đàn bò tót hiện lên trên ống kính với số lượng lớn đến vậy. Năm 2011, nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu cũng chụp được ảnh đàn bò nhưng chỉ có khoảng 13 con.

    Người đàn ông với nước da ngăm đen vì nắng mưa, giọng nói khoẻ pha chút hài hước sâu cay. Khi được hỏi tình yêu rừng, yêu chim đến từ đâu, Tăng A Pẩu từ tốn chia sẻ: “Những tác phẩm văn chương về rừng mà tôi từng đọc khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tiêu biểu như Đường rừng của Lan Khai, Nhớ rừng của Thế Lữ... đã kích thích trí tò mò và tưởng tượng trong tôi. Đi đến độ tuổi ngoài 50, chưa vợ con đã hết nửa đời người, lúc đó tôi nghĩ, phải sống sao để đoạn đời còn lại không phí hoài, thế là tôi quyết định mua máy ảnh, sắm đủ thứ vật dụng cần thiết cho những cuộc rong ruổi, rồi lên đường, tới bất cứ vùng đất nào chưa qua. Cũng từ những chuyến đi này, vẻ đẹp của những cánh chim trời đã khiến tôi rời bỏ dần thú vui nơi đô thị để tìm về với những mảnh rừng tìm chốn bình yên. Hễ ngơi việc, tôi lại về với rừng, dần dà, thấy yêu rừng hơn phố. Tấm ảnh ưng ý đầu tiên tôi chụp được đúng loài chim đẹp nhất trong các loài chim quý ở Việt Nam: Chim Thiên đường đuôi phướn, tên khoa học là Asian Parradise Flycatcher. Từ đó, niềm say mê săn tìm, lưu lại khoảnh khắc của các loài chim qua những tấm ảnh cứ lớn dần trong tôi và trở thành thói quen tự lúc nào không biết. Ban đầu tôi đi theo đoàn, về sau, có lúc đi cùng nhóm nhỏ hoặc một mình, nhưng thường thì tôi tự lái ô tô vào rừng. Ở trong đó khoảng ba, bốn ngày, có khi là hẳn một tuần, dựng lều ẩn mình chờ đợi cơ duyên, với tâm thế nhàn du, khám phá. Tôi tìm thấy niềm vui bất tận khi săn ảnh chim rừng và động vật hoang dã, với tình yêu vô điều kiện. Thế giới này đâu chỉ dành cho loài người? Chúng ta không có quyền chiếm hữu, độc tôn. Tôi chỉ mong những bức ảnh mình chụp được sẽ đánh thức phần nào tính thiện tiềm ẩn, thúc đẩy mọi người chung tay bảo vệ chim rừng và thiên nhiên Việt Nam”.

    Ngoài chim, Tăng A Pẩu còn có nhiều bộ ảnh về các loài thú rừng hoang dã quý hiếm, giá trị khác, nhưng sự nghiệp săn ảnh của ông rực rỡ nhất vẫn là kho ảnh khổng lồ và định danh công phu được hơn 500 loài chim, trong tổng số khoảng 830 loài chim có tên trong Bảng thống kê chim rừng Việt Nam.

Dày công săn ảnh để... kêu cứu cho động vật hoang dã

    Ngắm kho ảnh đồ sộ và theo dõi hành trình không ngừng nghỉ ngược Bắc xuôi Nam, lao theo những cánh chim trời với các loại ống kính to oành, nặng trĩu của Tăng A Pẩu, ít ai ngờ chẳng bao lâu nữa, ông sẽ bước vào độ tuổi “xưa nay hiếm”. Sau mỗi cuộc săn tìm, khi có thời gian ngắm nhìn lại mỗi bức ảnh chụp những loài chim quý, ông đều rưng rưng xúc động. Bởi có khi phải lội bộ 3 ngày ở đỉnh đỉnh Fansipan nhưng ông chỉ chụp được đúng 3 con chim quý, hay khi leo lên đỉnh Ngọc Linh (tỉnh Kon Tum), ông cũng chỉ chụp được 2 con khứu thuộc loại đặc hữu Đông Dương mà phải hơn 6 năm tìm kiếm ông mới có duyên gặp nó. Chụp chim rừng dễ mà cũng khó. Nó đòi hỏi công sức rất nhiều để lội rừng tìm chim, sau đó phải trang bị những thiết bị đặc dụng như xe đi rừng; máy tạo tiếng chim để dụ chim ra; ống kính khủng để chụp được những bức ảnh đẹp và rõ nét… Có khi chim quý hiện ngay ra trước mắt, người chụp ảnh bấm máy lia lịa. Nhưng cũng có con trốn biệt, hoặc thoắt ẩn thoắt hiện, nhiếp ảnh gia trở tay không kịp. Hơn nữa, nhiều giống chim đặc hữu chỉ sống ở một khu vực núi non hiểm trở, đòi hỏi người muốn chụp được phải kiên trì lặn lội vào rừng sâu... Chỉ riêng săn ảnh các loài chim khứu khác nhau, ông phải hao tâm tổn trí, khó chụp nhất là khứu đá vôi, kích thước rất bé, thân chỉ dài khoảng 5 - 6 cm, nhảy lóc chóc trên các mỏm đá. Loài này cả thế giới chỉ có ở Việt Nam và một vùng nhỏ ở Lào. Để tìm nó, ông phải bay ra Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), leo lên những dốc núi đá chênh vênh. Loài khứu đầu đen thì chui rúc trong bụi rậm, lủi rất nhanh. Khứu Ngọc Linh chỉ có trên đỉnh núi Ngọc Linh ở độ cao 2.500 m. Khứu đầu đen má xám chỉ bay lượn trên đỉnh Bidoup-Núi Bà (Lâm Đồng)... Đặc biệt, trong lần săn ảnh loài khứu đặc hữu rừng Kon Ka Kinh, Tăng A Pủ phải bỏ công 4 lần từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Kon Tum, vào rừng Kon Ka Kinh để chụp loài chim này. Nhưng cả bốn bận loài chim này hoặc không xuất hiện, hoặc thoắt ẩn thoắt lủi trong bụi rậm, khiến ông không kịp bấm máy.

Cú cá đồng hung - Loài chim cực kỳ quý hiếm ở Việt Nam được Tăng A Pẩu chụp tại Cà Mau

    Nói về công việc của mình, Tăng A Pẩu khiêm tốn: “Tôi xem việc chụp ảnh chim rừng là thú vui, chứ cũng không thi vị hóa gì công việc của mình. Ở Việt Nam, người chụp ảnh chim chỉ đếm trên đầu ngón tay, cũng chỉ chụp quanh quanh thành thị. Nhưng thú chụp ảnh chim trên thế giới đã phát triển rất mạnh. Tại Thái Lan, có hơn 20.000 người hoạt động trong hội chụp ảnh chim; Singapo thì có khoảng 10.000 người... Họ đi khắp thế giới để chụp ảnh chim. Những lần qua Việt Nam, họ cũng nhờ tôi dẫn vào rừng để chụp ảnh chim”.  Với Tăng A Pẩu, chim cũng có linh giác đặc biệt, có thể cảm nhận được sự thân thiện, an toàn của con người dành cho chúng. Khi ánh mắt ta không thân thiện, chúng liền bay đi ngay. Chúng có sự hồn nhiên, sự tương thích, hòa lẫn, thích nghi môi trường. Mức độ linh động với môi trường rất cao, thay đổi về khí hậu, thức ăn ít đi hay không còn trong mùa nhất định nào đó, chúng sẽ di chuyển đến vùng khác. Mức độ độc lập của chúng cũng vậyo, luôn tránh sự xung khắc, chim nào giang sơn nấy. Chúng khu trú rừng nào thì trở về rừng đấy sau chuyến di cư dài tìm đồ ăn hay khi có loài khác đến…

    Cái đặc biệt trong nghiệp nhiếp ảnh của Tăng A Pẩu là, tuy xem việc chụp ảnh chim rừng là thú vui, nhưng ông cũng không giấu được nỗi lo âu và trăn trở của mình về sự tuyệt chủng một cách nhanh chóng của loài chim nói riêng và các loài động vật hoang dã nói chung ở Việt Nam. Nỗi đau của Tăng A Pẩu về đời sống mong manh của những cánh chim trời, trước sự vô minh của con người trong việc tàn sát chim thú hiện rõ qua từng bức ảnh, với từng dòng chú thích tỉ mỉ như những lời kêu cứu. Trong những bức tranh treo quanh không gian buổi giao lưu của nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu với những người yêu nhiếp ảnh cũng như yêu môi trường tự nhiên ở salon văn hóa Cà phê thứ 7 (38 Võ Văn Tần, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) vào tháng 5/2018, có nhiều bức khiến người xem không khỏi đau lòng, như bức ảnh những chú khỉ hiếm bị nhốt trong lồng bán ngoài phố, hay những con lợn rừng bị thương vì dính bẫy, trúng đạn... Theo Tăng A Pẩu, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự tuyệt chủng này chính là nạn phá rừng, săn bắt và buôn bán trái phép các loài chim quý hiếm, hủy hoại sinh cảnh của các loài động vật với tốc độ chóng mặt ở Việt Nam. Riêng đối với các loài chim, ít ai ngờ, không phải là súng lớn, đạn to, thợ săn tinh quái hay độc ác mới là thảm họa lớn nhất tàn sát chim hoang dã. Mà thủ phạm tràn lan nhất, giết chóc khốc liệt nhất, hành hoành trên diện rộng nhất trong việc tận diệt chim trời hiện nay chính là nạn bẫy lưới mờ/lưới vô hình/lưới tàng hình. Trước kia, các nhà khoa học dùng lưới dạng này để bắt chim, gắn vòng theo dõi vào chân chim, lấy mẫu máu của chim phục vụ nghiên cứu bảo tồn. Lưới đó thường mua từ Cộng hòa Liên bang Đức, có trị giá hàng nghìn đô la một chiếc và chỉ những nhà khoa học có “chứng chỉ” giăng lưới, bắt chim trời mới được thực hiện thao tác này. Khoảng 5 năm nay, trên thị trường Việt Nam và nhiều nước lân cận như Lào, Thái, Campuchia, Băngladet, Sri-lanka, Myanmar… đều đồng loạt “du nhập” loại lưới bắt chim của Trung Quốc, họ bán với giá siêu rẻ và cung ứng bằng mọi hình thức, vì thế, lưới giăng kín các cánh đồng, tầng cao tầng thấp, quây ba bề bốn bên; lưới như thiên la địa võng ở cửa sông cửa biển, đầm phá ao hồ. Chim to sải cảnh cá mét rưỡi, hai mét như con giang sen; loài bé hơn như sâm cầm, rồi đủ loài lớn, bé, già, trẻ, mẹ, con. Dù ban ngày hay ban đêm, cứ nghe tiếng loa giả tiếng đủ loài chim trống mái, rồi trưng bày hình nộm các con chim được chế tác “giống con chim hơn cả con chim” ở mọi ngõ ngách, thôn quê hay phố thị. Chim kéo đến hoặc vô tình bay qua. Bay cao hoặc bay thấp. Mắc lưới “tàng hình” tất. Lưới trong suốt, nhẹ bẫng, một khi đã mắc, chim giãy mạnh có thể gãy cánh, càng giãy càng bị mắc nhiều vòng nhiều sợi lưới hơn. Bởi vậy, thông điệp Tăng A Pẩu gửi gắm qua những bức ảnh chân dung các loài chim là muốn góp tiếng nói kêu cứu cho rừng, cho sự biến mất của rừng tự nhiên, cho loài chim nói riêng và các loài động vật hoang dã nói chung ở Việt Nam.

    Đây cũng là lý do thôi thúc Tăng A Pẩu không ngừng công việc vào rừng, chụp thú, đặc biệt là chim, chụp thật đẹp, mô tả ánh mắt của chúng, móng, vuốt, sải cánh… đưa những ý niệm triết học vào mỗi tấm ảnh để mọi người cảm thấy tấm hình toát ra linh hồn biết nói. Một mai, khi những cánh rừng im lặng như tờ, không có tiếng chim, ngay cả giọng hót của chích chòe. Nếu loài người tìm về thiên nhiên bằng cách chiếm hữu, tàn phá, đem của thiên nhiên về thành của riêng cho mình, thì hãy nhớ câu “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”...

Lê Ngọc - Đăng Hải

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2021)

Ý kiến của bạn