Banner trang chủ

Cần đóng cửa các chợ bán động vật hoang dã và cấm phá rừng để ngăn ngừa các đại dịch trong tương lai

30/06/2021

    Tình trạng buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và ngày càng được dư luận quan tâm khi đại dịch COVID-19 đang quay trở lại Việt Nam. Việc thừa nhận các mối đe dọa từ buốn bán động vật hoang dã (ĐVHD), đặc biệt là khả năng lây truyền dịch bệnh từ ĐVHD sang người là để các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có các biện pháp quyết liệt nhằm đóng cửa thị trường buôn bán ĐVHD, cũng như kiểm soát chặt chẽ, xử lý các hành vi trái pháp luật liên quan đến ĐVHD.

Từ câu chuyện buôn bán trái phép ĐVHD ở chợ Thạnh Hóa, Long An

    Chợ Nông sản Thạnh Hóa nhiều năm qua đã không hoạt động đơn thuần như tên gọi ban đầu, mà là nơi buôn bán chủ yếu các loài chim trời, ĐVHD, kể cả các loài quý hiếm được pháp luật bảo vệ. Chính vì vậy, từ lâu, những danh xưng như “chợ địa ngục”, “địa ngục chim trời” đã gắn liền với khu chợ này.

    Trong nhiều năm qua, các tổ chức bảo vệ ĐVHD (Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Trung tâm Hành động vì ĐVHD Việt Nam (WildAct); Tổ chức Cứu trợ Hoang dã (WildAid)…) cùng các cơ quan báo chí đã theo dõi hoạt động của khu chợ này và không ít lần phanh phui hoạt động buôn bán ĐVHD trái pháp luật tại đây. Vào Quý I/2020, với thông tin điều tra từ báo chí, Cục Kiểm lâm đã cử Đội Kiểm Lâm đặc nhiệm phối hợp với các lực lượng thực thi pháp luật ở địa phương kiểm tra và thu giữ hàng loạt cá thể ĐVHD, bao gồm nhiều loài quý hiếm. Sau vụ việc, với sự chỉ đạo trực tiếp từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Long An đã cam kết và chỉ đạo triển khai các biện pháp nhằm chấn chỉnh hoạt động buôn bán trái phép ĐVHD tại khu chợ này. Tuy nhiên, cũng như nhiều lần trước đó, theo khảo sát của các tổ chức bảo vệ ĐVHD, tình trạng buôn bán ĐVHD bất hợp pháp tại khu chợ này vẫn diễn ra, chỉ chuyển từ hình thức công khai sang lén lút và tinh vi hơn.

    Trước tình hình đại dịch COVID-19 đang diễn ra nghiêm trọng ở quy mô toàn cầu mà nguyên nhân được cho là xuất phát từ chợ buôn bán hải sản và ĐVHD ở Vũ Hán (Trung Quốc), ngày 23/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách về quản lý ĐVHD với chỉ đạo “kiên quyết loại bỏ các khu vực chợ, tụ điểm mua bán ĐVHD trái pháp luật” và yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố “tăng cường công tác kiểm soát các hành vi khai thác, săn, bắt, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán, tiêu thụ và sử dụng ĐVHD; tổ chức triệt phá dứt điểm các đường dây buôn bán ĐHVD trái pháp luật…”.

    Tiếp đó, tháng 3/2021, Chính phủ Việt Nam và các tổ chức quốc tế, đối tác trong nước đã ký kết Khung đối tác một sức khỏe phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người giai đoạn 2021-2025. Việc xử lý dứt điểm hoạt động buôn bán ĐVHD trái phép tại khu chợ nông sản Thạnh Hóa là vô cùng cấp thiết để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 29/CT-TTg và từng bước triển khai Khung hợp tác một sức khỏe nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng. Thiết nghĩ, UBND tỉnh Long An cần có biện pháp quyết liệt hơn nữa trong công tác điều hành, giám sát, thanh kiểm tra và đóng cửa vĩnh viễn các gian hàng buôn bán ĐVHD bất hợp pháp tại chợ nông sản Thạnh Hóa.

Cá thể rái cá thuộc nhóm 1B bị giam nhốt trong lồng sắt tại chợ nông sản Thạnh Hóa

Cần đóng cửa các chợ bán ĐVHD

    Mới đây, Báo cáo COVID-19: Một năm nhìn lại do tổ chức WWF và GlobeScan công bố cho thấy, hơn 90% người Việt Nam ủng hộ đóng cửa các chợ bán ĐVHD và cấm phá rừng để ngăn ngừa các đại dịch trong tương lai. Báo cáo được thực hiện dựa trên cuộc khảo sát trực tuyến với những người dân trên 18 tuổi tại 5 quốc gia trong khoảng thời gian từ ngày 4/2 đến ngày 18/3/2021. Thời điểm này trùng với cuộc khảo sát năm 2020, được thực hiện từ ngày 6 đến ngày 11/3/2020. Các quốc gia tham gia bao gồm: Mỹ (2.000 người), Trung Quốc (2.000 người), Việt Nam (1.000 người), Thái Lan (1.000 người) và Myanmar (631 người).

    Báo cáo được xây dựng để tìm hiểu sâu hơn về thái độ và hành vi của công chúng đối với COVID-19 và các đại dịch trong tương lai. Hơn một năm sau khi bùng phát COVID-19, kết quả khảo sát cho thấy, người dân đã nhận thức rõ việc tiếp xúc gần giữa người và động vật, thường liên quan đến nạn phá rừng và buôn bán ĐVHD có nguy cơ cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe, có thể gây bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng. Có tới 46% số người tham gia cho rằng, lây truyền bệnh từ động vật sang người là nguyên nhân gốc rễ có thể gây ra một đại dịch trong tương lai. Điều tra gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng chỉ ra ĐVHD có khả năng là nguồn lây nhiễm của đại dịch COVID-19.

    Ngoài ra, cuộc khảo sát năm nay cho thấy, đa số những người được khảo sát tin rằng, việc ngăn chặn các đại dịch trong tương lai cần bắt đầu bằng việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ, bao gồm buôn bán ĐVHD có nguy cơ cao và phá rừng. Tại cả 5 quốc gia, người dân ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực của Chính phủ nhằm đóng cửa các chợ bán ĐVHD có nguy cơ cao - nơi bán động vật bị bắt từ tự nhiên (85%) và chấm dứt nạn phá rừng (88%). Trong đó, tại Việt Nam, tỷ lệ ủng hộ cho 2 vấn đề trên lần lượt là 94% và 95%. 

    Thêm vào đó, 85% số người được hỏi ở cả 5 quốc gia ủng hộ hoặc ủng hộ mạnh mẽ cách tiếp cận “Một sức khỏe” để đối phó với đại dịch. Riêng tại Việt Nam, tỉ lệ đồng ý là 93% và là quốc gia đứng thứ 2 có tỉ lệ đồng thuận cao nhất. “Một sức khoẻ” là cách tiếp cận trong đó các chương trình hành động, chính sách và pháp luật của nhiều lĩnh vực khác nhau cùng hợp tác để hướng tới mục tiêu sức khỏe tốt hơn cho con người, động thực vật, đặc biệt trong bối cảnh lây lan dịch bệnh giữa động vật và con người gia tăng và tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng phổ biến. 

    Cụ thể hơn, 39% số người được hỏi ở Việt Nam đã tiêu thụ ít ĐVHD hơn hoặc đã ngừng tiêu thụ ĐVHD vì COVID-19 - con số này vẫn tương đối ổn định so với năm 2020 là 41%. Tại Thái Lan, tỉ lệ này tăng gần gấp đôi từ 21% vào năm 2020 lên 41% vào năm 2021. Trong khi tại Trung Quốc, con số này là 28% năm 2021. Tuy nhiên, vẫn có 9% số người tham gia khảo sát có ý định mua các sản phẩm từ ĐVHD trong tương lai ở cả năm quốc gia. 

    Đại dịch COVID-19 đã đảo lộn cuộc sống của xã hội loài người và khiến con người cần phải suy nghĩ thấu đáo hơn về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Cách tốt nhất để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai là giảm thiểu các hoạt động hủy hoại môi trường tự nhiên như phá rừng, buôn bán và tiêu thụ ĐVHD không bền vững, có nguy cơ cao, thay vì thụ động ứng phó với các làn sóng dịch bệnh bùng phát sau khi chúng xuất hiện. 

    Kết quả của Báo cáo là cơ sở quan trọng để Việt Nam và các nước trong khu vực cân nhắc những quyết sách về đóng cửa các chợ buôn bán ĐVHD, đóng cửa rừng nhằm chủ động phòng chống đại dịch COVID-19 cũng như các bệnh dịch liên quan đến ĐVHD lây bệnh sang con người có thể xảy ra trong tương lai. Trên cơ sở đó, các nhà hoạch định chính sách đưa ra các biện pháp can thiệp cần thiết để giải quyết các động lực chính gây bùng phát dịch bệnh từ động vật sang người trong các kế hoạch phòng chống đại dịch như việc đóng cửa rừng và đóng cửa các chợ buôn bán ĐVHD có nguy cơ cao sẽ giúp phục hồi các quần thể ĐVHD và duy trì đa dạng sinh học ở cấp quốc gia và toàn cầu. Qua đó, dịch bệnh có thể được điều chỉnh một cách tự nhiên, cũng như giúp đảm bảo việc sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Mặt khác, trong bối cảnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trở lại, mỗi người dân không mua, bán, sử dụng các sản phẩm ĐVHD dưới bất kỳ hình thức nào là hành động thiết thực cùng Chính phủ phòng chống dịch và bảo đảm an toàn sức khỏe cho chính mình và cộng đồng.

Nguyễn Hằng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2021)

Ý kiến của bạn