Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 27/07/2024

Bảo tồn không gian làng trong xây dựng nông thôn mới ở Bắc Ninh

22/12/2023

    Bắc Ninh là một trong 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), toàn tỉnh có 9 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Chương trình xây dựng NTM đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội tại các làng quê Bắc Ninh, tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đã nảy sinh những mâu thuẫn trong việc định hình lại kiến trúc nông thôn. Sự xuất hiện của nhiều quần thể kiến trúc hiện đại, các khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư… đang đặt ra cho địa phương nhiều vấn đề cần giải quyết trong phát triển, quản lý kiến trúc nông thôn giai đoạn mới.

    Sự cần thiết bảo tồn không gian làng trong đô thị

    Theo Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045 tại Quyết định số 728/QĐ-TTg ngày 20/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ, phạm vi, ranh giới lập Quy hoạch gồm 5 đơn vị hành chính (TP. Bắc Ninh, TP. Từ Sơn, thị xã Quế Võ, huyện Tiên Du và huyện Yên Phong) với quy mô diện tích khoảng 49.137 ha; thời hạn quy hoạch ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2045. Quy hoạch nhằm xây dựng, phát triển đô thị Bắc Ninh đáp ứng các tiêu chí đô thị loại I, làm tiền đề để xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, là thành phố văn hóa, sinh thái, đô thị thông minh, hướng tới kinh tế tri thức. Đồng thời, tăng cường quản lý, thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phát triển bền vững, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu… Vùng quy hoạch đô thị trung tâm có nhiều làng với địa hình đa dạng, cảnh quan hấp dẫn, mang đặc trưng riêng của làng quê Bắc bộ, phần lớn các làng đều có lịch sử, văn hóa lâu đời, nhiều công trình kiến trúc cổ cùng những di sản vật thể và phi vật thể. Trong đó hơn 20 xã có nhiều làng nghề truyền thống, làng văn hóa cùng hơn 80 di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh là những “tài sản vô giá” cần bảo tồn, phát huy trước tốc độ đô thị hóa hiện nay.

    Không gian làng đóng vai trò thiết yếu trong đời sống tinh thần của người Việt xưa và nay, bởi đây không chỉ là nhân tố gắn kết cộng đồng mà còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, nơi tạo nguồn cảm hứng cho người dân sáng tạo nên các giá trị văn hóa không gian làng. Vì vậy, nếu không làm tốt việc phát triển đô thị hài hòa với bảo tồn không gian văn hóa truyền thống của làng, thay vào đó là các kiến trúc đô thị hiện đại sẽ phá vỡ cảnh quan tự nhiên vốn có. Điều này cho thấy, việc bảo tồn không gian làng trong đô thị trung tâm tỉnh Bắc Ninh sẽ góp phần xây dựng một đô thị mang sắc thái riêng biệt, vừa hiện đại, vừa gìn giữ được những kiến trúc truyền thống vốn có. Với tư tưởng lấy trục văn hóa xuyên suốt quá trình phát triển đô thị, Quy hoạch chung đô thị trung tâm Bắc Ninh đã định hướng “Bảo tồn không gian làng” như một giải pháp quan trọng tạo nét khác biệt cho thành phố tương lai. Vấn đề bảo tồn không gian làng trong đô thị trung tâm tỉnh phải có sự chung tay của cả cộng đồng nhằm gìn giữ, phát huy giá trị không gian văn hóa làng, đồng thời, chỉ rõ những tồn tại và bất cập giữa bảo tồn, phát triển không gian, kiến trúc, cảnh quan của làng; vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong không gian văn hóa làng của đô thị Bắc Ninh; vai trò của việc đào tạo nghề với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các làng nghề; xây dựng bản đồ không gian làng truyền thống làm căn cứ xếp hạng, tiến tới xác định các cấp độ bảo tồn khác nhau…

Bắc Ninh mang vẻ đẹp mộc mạc của làng quê Bắc bộ

    Với quan điểm xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, 100% các xã, huyện trong tỉnh Bắc Ninh đang tiếp tục triển khai xây dựng NTM nâng cao, hướng tới NTM kiểu mẫu. Mục tiêu Chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh là phấn đấu mỗi huyện, thị xã có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; mỗi xã có ít nhất 1 thôn NTM kiểu mẫu; huyện Gia Bình và huyện Lương Tài đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong khi đó, theo Chiến lược phát triển đô thị, các nhà quy hoạch thường đề cao vấn đề bảo tồn các giá trị tự nhiên, lịch sử và văn hóa, do đó, đối với đô thị trung tâm tỉnh Bắc Ninh - một đô thị có không gian phát triển đan xen nhiều làng văn hóa với bề dày lịch sử thì vấn đề xây dựng NTM gắn với bảo tồn không gian làng như đề cập ở trên là điều tất yếu. Để đạt mục tiêu đề ra, các ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai rà soát, điều chỉnh quy hoạch cấp xã, huyện, bảo đảm xây dựng NTM gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

    Thực tế cho thấy, khi kinh tế phát triển, người dân sẽ có điều kiện xây dựng các công trình mới, nhưng vấn đề quy hoạch, kiến trúc chưa theo kịp sự phát triển kinh tế đã khiến cho kiến trúc ở nông thôn ngày càng xa rời bản sắc. Không gian cảnh quan truyền thống bị phá vỡ, ao làng, hệ thống cây xanh mất đi, thay vào đó là những công trình không chỉ bê tông hóa ở mức độ cao, mà còn có kiến trúc pha tạp. Hơn nữa, việc xây dựng tự phát, thiếu hướng dẫn đã tạo ra những công trình thiếu sự hài hòa với không gian chung… Mặc dù có nhiều bất cập, song cần nhìn nhận sự thay đổi của kiến trúc nông thôn Bắc Ninh trong dòng chảy phát triển của xã hội. Trên thực tế, không gian trong kiến trúc truyền thống, điển hình là những ngôi nhà mái ngói ở nhiều làng quê được tổ chức theo “chiều ngang” nhưng lại tốn nhiều diện tích. Trong khi đó, dân số ngày một tăng lên, phần lớn các gia đình nông thôn phải đối mặt với vấn đề tách hộ, chia đất, dẫn đến việc nhà ống xây dựng ở nông thôn là tất yếu, do đó, không gian sống thay đổi, phải tổ chức theo “chiều đứng” để đáp ứng yêu cầu dân số tăng, đất đai thì có hạn… Đây chính là “bài toán” cần tập trung tìm ra lời giải, hướng tới sự thích ứng.

    Gìn giữ nét đẹp làng quê truyền thống trong xây dựng NTM

    Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045 đã xác định phát triển cân bằng với bảo tồn, phát triển đô thị gắn với bảo tồn làng xóm truyền thống, bảo vệ các di tích văn hóa, lịch sử và hòa nhập với cảnh quan tự nhiên sinh thái, nhằm xây dựng tỉnh Bắc Ninh có cơ sở kinh tế vững chắc, cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại, môi trường sống tốt theo hướng đô thị sinh thái, văn hóa, đáp ứng các nhu cầu cơ bản về vật chất, tinh thần của nhân dân; phát triển hài hòa giữa đô thị, nông thôn, con người và thiên nhiên; bảo vệ tốt môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, từng bước xây dựng nền kiến trúc Bắc Ninh hiện đại, chú trọng bảo tồn và phát huy kiến trúc truyền thống, mang đặc trưng văn hóa Bắc Ninh - vùng đất Kinh Bắc”.

    Bên cạnh đó, kiểm soát và quản lý việc thay đổi bộ mặt kiến trúc cảnh quan khu vực nông thôn theo quy hoạch, bảo đảm kết hợp yếu tố truyền thống, tôn trọng, phát huy yếu tố lịch sử đối với các công trình văn hóa, lịch sử; khuyến khích phát triển các công trình có tính kế thừa kiến trúc truyền thống, phù hợp với khung cảnh thiên nhiên và điều kiện khí hậu của từng địa phương; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc cùng các giá trị cốt lõi, tạo lập nên bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc truyền thống vùng Kinh Bắc. Mặt khác, sự kết nối hữu cơ giữa các di sản với tổng thể kiến trúc của một khu vực trong đô thị, nông thôn cần được bảo đảm xuyên suốt trong quá trình phát triển kiến trúc; đồng thời, quản lý chặt chẽ công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch nông thôn gắn với việc thực hiện theo quy hoạch được phê duyệt, nhằm hạn chế tối đa các vi phạm.

    Về định hướng, giải pháp quy hoạch, phát triển làng xóm, khu vực dân cư nông thôn, bảo tồn không gian làng: Hệ thống các làng, xóm, điểm dân cư nông thôn nằm trong khu vực đô thị hóa mở rộng đô thị, khu vực nệm xanh, vành đai xanh đô thị và khu vực nông thôn được cải tạo chỉnh trang gắn với bảo tồn các giá trị truyền thống để tạo nên đặc trưng đô thị nông thôn cho Bắc Ninh; quan tâm, bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống, công trình di tích văn hóa lịch sử, cảnh quan sinh thái tự nhiên; bổ sung cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện sống khu vực nông thôn tương đương khu vực đô thị, hướng tới nhất thể hóa đô thị và nông thôn; phát triển các điểm dân cư nông thôn gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất, khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp dịch vụ đô thị với sản phẩm chất lượng cao. Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Ninh khuyến khích cải tạo, bảo tồn các không gian ở, làng xóm truyền thống, tăng cường tiện ích công cộng, điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiêu chuẩn chung và đặc điểm của từng khu vực. Ngoài ra, kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng mới và cải tạo tại các khu vực điểm dân cư nông thôn, đảm bảo mật độ xây dựng, tầng cao công trình phù hợp với quy định chung của từng khu vực, kiểm soát hình thức kiến trúc công trình; khuyến khích phát triển nhà ở dạng nhà vườn, mật độ thấp đến trung bình, sử dụng các loại hình vật liệu truyền thống tại địa phương; hạn chế tối đa việc đô thị hóa tự phát, phá vỡ cảnh quan và môi trường khu vực nông thôn. Song song với đó, tỉnh Bắc Ninh đang xây dựng các mô hình điển hình, tiên phong trong việc bảo tồn không gian làng như các dự án môi trường, công trình hạ tầng xã hội, không gian xanh, công viên công cộng, khu vui chơi, sân khấu ngoài trời và các cơ sở hạ tầng khác được quy hoạch, thiết kế hài hòa với kiến trúc truyền thống, gắn với không gian làng để thu hút đầu tư… nhằm tạo ra một không gian sống hài hòa, gần gũi với thiên nhiên.

Xây dựng hình ảnh làng quê truyền thống là đặc trưng trong quá trình đô thị hóa của tỉnh Bắc Ninh

    Trong xây dựng NTM, không ít người dân các thôn làng của Bắc Ninh vẫn tâm huyết bảo vệ nếp làng, họ ý thức chăm chút, giữ gìn từng cổng làng rêu phong, từng cây cổ thụ, từng mái chùa thâm nghiêm đến giếng làng, ao làng, vườn cây... Rất nhiều những việc làm lớn, nhỏ khác mà người dân các miền quê trong tỉnh đã, đang và vẫn tiếp tục thực hiện để gìn giữ di sản của ông cha để lại, đó cũng chính là cách người dân xây dựng NTM, cách họ tri ân nguồn cội và giáo dục truyền thống cho đời sau… Không chỉ quan tâm gìn giữ không gian làng mà phong trào trồng thêm cây xanh, trồng hoa trên các tuyến đường giao thông cũng đang được người dân nơi đây phát triển mạnh mẽ; ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường dần được cải thiện, khắc phục tình trạng xả rác bừa bãi ra đường, đồng thời duy trì thường xuyên các hoạt động vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tạo cảnh quan nông thôn thêm xanh, sạch, đẹp, góp phần đưa nhiều vùng nông thôn Bắc Ninh trở thành những “miền quê đáng sống”... Đúng như câu nói: “NTM không có nghĩa cái gì cũng phải mới”, NTM không có nghĩa phải làm mới những rêu phong, thâm nghiêm cổ kính. Góc nhìn này sẽ giúp cho câu chuyện giữ “hồn làng” và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương luôn được coi trọng trong quá trình nỗ lực phấn đấu đạt các tiêu chí về NTM. Bởi khi muốn nhận diện và khoe đặc trưng của nông thôn Bắc Ninh với các vùng miền trong cả nước, nhất định không chỉ có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ hay những công trình bê tông kiên cố, mà nét đẹp đáng để khoe nhất chính là hình thái không gian, cảnh quan, bản sắc, nếp làng, cốt cách con người... nơi đây, đó mới thực là nền tảng cốt lõi mang giá trị bền vững và là mục tiêu cần được tập trung hướng tới trong quá trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025. 

    Tại huyện Lương Tài, một trong 2 địa phương được tỉnh Bắc Ninh đưa vào kế hoạch xây dựng đạt chuẩn NTM nâng cao, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, huyện đã đưa ra mục tiêu, giai đoạn 2022 - 2025, phấn đấu có 13/13 xã (100%) đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí xã NTM tỉnh Bắc Ninh, số xã NTM nâng cao là 3/13 xã theo lộ trình thực hiện: Năm 2023 là xã Lâm Thao, năm 2024 là xã Trung Kênh và năm 2025 là xã Quảng Phú; phấn đấu có từ 1 - 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, gồm: Xã Lâm Thao (năm 2024) và xã Trung Kênh (năm 2025). Dự kiến sau năm 2025, huyện sẽ hoàn thành tiêu chí huyện NTM nâng cao. Hiện nay, các xã trên toàn huyện đang tập trung phát huy mọi nguồn lực để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí chung, đồng thời xây dựng nhiều mô hình, phong trào thi đua để góp phần đẩy nhanh tiến độ về đích NTM như: “Toàn dân tham gia BVMT”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Đường tự quản”, “Khu dân cư tự quản BVMT”; “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”; “Xây dựng tuyến đường hoa”...

    Với cơ sở định hướng quy hoạch và các giải pháp cụ thể, sự thống nhất, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cơ quan chuyên môn và mọi tầng lớp nhân dân, tin tưởng rằng, việc thực hiện quy hoạch và bảo tồn không gian làng trong xây dựng NTM tỉnh Bắc Ninh sẽ đạt kết quả cao, vừa tạo môi trường sống hài hòa, gìn giữ được bản sắc văn hóa, vừa góp phần tạo nên đô thị Bắc Ninh tiên tiến, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc; hình thành không gian làng quê đẹp, bền vững, là môi trường sống lý tưởng cho người dân địa phương và thu hút du khách tham quan, nơi mà không chỉ có sự phát triển kinh tế mà còn có sự tôn trọng, bảo tồn giá trị văn hóa của cộng đồng.

Trần Hữu Du

Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

An Bình

 

Ý kiến của bạn