Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 20/09/2024

Áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất tại Kon Tum

15/04/2024

    Ngày 21/3/2024, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 132/QĐ-UBND phê duyệt dự án điều tra, xác định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh.


Dự án điều tra, xác định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất tại Kon Tum nhằm bảo đảm tính hiệu quả trong việc khai thác và sử dụng tài nguyên nước

    Theo đó, với 378 khu vực (tổng diện tích là 208,05 km2 ), tỉnh được chia theo 5 vùng hạn chế như sau:

STT

Vùng hạn chế

Số khu vực

Diện tích

(Đơn vị: km2)

1

Vùng hạn chế 1

269

81,31

2

Vùng hạn chế 3

61

114,46

3

Vùng hạn chế 4

14

9,06

4

Vùng hạn chế hỗn hợp 1-3

22

2,37

5

Vùng hạn chế hỗn hợp 1-4

12

0,85

    Cụ thể, đối với vùng hạn chế số 1, bao gồm khu vực có bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung, nghĩa trang tập trung: Dừng toàn bộ mọi hoạt động khai thác nước dưới đất hiện có (nếu có) và thực hiện xử lý trám lấp giếng theo quy định; Không cấp phép thăm dò, khai thác để xây dựng thêm công trình khai thác nước dưới đất mới đối với khu vực liền kề kể từ đường biên của bãi chôn, lấp chất thải rắn tập trung, nghĩa trang tập trung...

    Vùng hạn chế 3, không tiến hành cấp phép thăm dò, khai thác để xây dựng thêm công trình khai thác nước dưới đất mới. Đặc biệt, dừng khai thác và thực hiện việc xử lý, trám lấp giếng theo quy định đối với công trình không có giấy phép. Trong trường hợp công trình khai thác để cấp nước cho sinh hoạt, cấp nước phục vụ phòng chống thiên tai thì được xem xét, cấp giấy phép nếu đủ điều kiện để được cấp giấy phép khai thác theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước, sau khi chấp hành các quy định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Đối với công trình đã có giấy phép thì được tiếp tục khai thác đến hết thời hạn hiệu lực của giấy phép và tiếp tục được xem xét cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép nếu đủ điều kiện được cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

    Các khu vực nằm trong vùng hạn chế số 4, không cấp phép khai thác để xây dựng thêm công trình khai thác nước dưới đất mới có quy mô khai thác từ 10.000 m3/ngày trở lên, trừ trường hợp công trình khai thác để cấp nước cho các mục đích sử dụng cấp nước sinh hoạt, cấp nước phục vụ phòng, chống thiên tai. Đối với các công trình không có giấy phép thì dừng hoạt động khai thác, được cấp giấy phép theo quy định và chỉ được khai thác khi được cấp giấy phép quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

    Vùng hạn chế hỗn hợp (1-3) và (1-4), việc áp dụng các biện pháp hạn chế được xem xét, quyết định trên cơ sở các biện pháp hạn chế khai thác tương ứng với từng vùng hạn chế 1, 3, 4 theo thứ tự từ vùng hạn chế 1, 3, 4...

    Về công tác triển khai thực hiện Quyết định, UBND tỉnh giao Sở TN&MT có trách nhiệm công bố Danh mục và Bản đồ phân bố các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất tỉnh Kon Tum theo đúng quy định pháp luật; Triển khai Phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định. Đồng thời, Sở TN&MT chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về việc hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh theo quy định pháp luật.

    UBND các huyện, thành phố tổ chức công khai Danh mục và Bản đồ phân bố các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất tỉnh Kon Tum trên Trang thông tin điện tử của địa phương; Tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn; Thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất và việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn...

Phạm Đình

Ý kiến của bạn