Banner trang chủ

Vườn quốc gia Chư Yang Sin - Viên ngọc xanh giữa đại ngàn

31/03/2016

   Vườn quốc gia (VQG) Chư Yang Sin nằm trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc, được thành lập theo Quyết định số 92/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Khu bảo tồn thiên nhiên Chư Yang Sin thành VQG Chư Yang Sin với nhiệm vụ chính là bảo vệ các hệ sinh thái rừng, bảo tồn động thực vật quý hiếm. Vườn có tổng diện tích là 58.947 ha, bao gồm 3 phân khu: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (19.401 ha), phân khu phục hồi sinh thái (39.526 ha) và phân khu dịch vụ hành chính (20 ha). Ngoài ra, vườn còn có một vùng đệm với diện tích 183.479 ha, thuộc địa phận 4 huyện Lạc Dương, Đam Rông (Lâm Đồng), Lắc, Krông Bông (Đắc Lắc).

   Nằm ở điểm cuối cùng của dãy Trường Sơn thuộc khu vực nam Tây Nguyên và là một phần của vùng cao nguyên Đà Lạt, VQG Chư Yang Sin có phong cảnh thiên nhiên phong phú với hơn 40 dãy núi, những thảm rừng mênh mông và nhiều suối, ghềnh, thác đan xen, trùng điệp. Trong đó, dãy Chư Yang Sin chạy theo hướng đông - tây, chia Vườn thành hai khu Bắc - Nam là dãy núi cao nhất, với đỉnh cao 2.442 m. Đỉnh Chư Yang Sin đã được mệnh danh là nóc nhà thứ hai của Tây Nguyên, sau đỉnh Ngọc Linh ở tỉnh Kon Tum.

   VQG có hệ sinh thái thực vật độc đáo, tính đặc hữu cao, gồm 887 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 140 họ, 591 chi, trong đó có 81 loài thực vật nguy cấp quý, hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ Thế giới như: Cốt toái đá, bách xanh, pơ mu, du sam núi, sao cát, chò đen, cẩm lai, giáng hương…

   Với 9 kiểu rừng hình thành trên nền khí hậu nhiệt đới gió mùa đã tạo cho VQG Chư Yang Sin có hệ sinh thái khá đa dạng, đó là: Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới; Rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp (chiếm ưu thế là các loài như sao đen, dầu con rái, dầu con quay…); Rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi cao trung bình (điển hình là các loài như các loài dẻ, họ long não, các loài cây lá kim như thông Đà Lạt, thông hai lá dẹt, thông ba lá và pơ mu); Rừng thưa cây lá kim hơi khô á nhiệt đới (chủ yếu là loài thông ba lá); Rừng lùn trên núi cao (gồm các loài nam trúc Trung bộ, nam trúc lá xoan và trúc); Rừng thường xanh nửa rụng lá (tiêu biểu là các loài cây bằng lăng ổi, chiêu liêu gân đen); Rừng tre và nứa thuần loại, le, trảng cỏ cây bụi và cây gỗ rải rác. Trong số các loài thực vật ở đây, có trên 300 loài cây dược liệu, chủ yếu thuộc các họ cúc, ngũ gia bì, bạc hà, cà phê, đậu...; 97 loài có thể làm thực phẩm, 288 loài làm cảnh.

   Hệ động vật của VQG cũng rất phong phú, với 515 loài, trong đó có 64 loài thú, 258 loài chim, 81 loài cá, 248 loài bướm ngày, 54 loài ếch nhái và 58 loài bò sát, 54 loài lưỡng cư và 81 loài cá. Trong đó, có 68 loài bị đe dọa tuyệt chủng, nhiều loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ Thế giới như: Sói đỏ, hổ mang lớn, bò tót, beo lửa, chà vá chân đen, vượn đen má hung, khướu đầu đen má xám, bói cá lớn, hồng hoàng, niệc đầu trắng, quạ khách đuôi cờ, ếch cây…

   Đặc biệt, mới đây, các nhà khoa học vừa phát hiện loài chim mi núi Bà ở VQG Chư Yang Sin. Khu vực xuất hiện loại chim này chủ yếu ở tán cây thấp tại những sinh cảnh rừng lá rộng xen lẫn lá kim. Thức ăn của mi núi Bà thường là các loài sâu và côn trùng nhỏ. Đây là loài chim quý bậc nhất thế giới, đang nằm trong danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng cao trong tự nhiên, do mất môi trường sống.

   Cùng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nơi đây còn chứa đựng bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng 25 dân tộc anh em, sống tập trung tại vùng đệm của vườn. Trong số đó, có hai dân tộc bản địa là Êđê và M’Nông, số còn lại là các dân tộc như Mường, H’ Mông, Tày, Thái, Nùng… di cư từ các tỉnh phía bắc vào từ những năm 1980, đã tạo lên một bức tranh văn hóa đa sắc màu, nổi bật là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và những bản sử thi.

   Tuy nhiên, trong những năm gần đây, dân số vùng đệm ngày càng tăng, với số liệu thống kê hơn 80.000 người (21.000 hộ gia đình) đã đe dọa đến nguồn tài nguyên của VQG. Sinh kế của người dân vùng đệm hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp và nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có. Do người dân chặt gỗ, đốt rừng làm nương và săn bắn động vật hoang dã trái phép… nên hệ sinh thái rừng bị suy giảm nghiêm trọng; Diện tích rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp, làm mất nơi cư trú của động vật hoang dã, đặc biệt là những loài như hổ, voi, bò tót…

   Để tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, Ban quản lý VQG đã chủ động tổ chức phối hợp với các cơ quan, các chủ rừng và địa phương tuần tra truy quét rừng. Trong năm 2015, tổ chức được 484 đợt đi tuần tra truy quét dài và ngắn ngày, qua đó, đã trục xuất ra khỏi rừng 420 đối tượng; phát hiện xử lý 22 vụ vi phạm, tịch thu 2 cưa máy, 1 cá thể động vật, thu giữ 722 dây bẫy, 23 súng săn các loại, 17 phương tiện và công cụ, phá 13 lán trại.

   Bên cạnh đó, Vườn đã triển khai công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho hơn 21.000 hộ dân vùng đệm hưởng theo Nghị định số 99/2010/ND-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, với số tiền 5.844.285.000 đồng, góp phần tăng cường xã hội hóa nghề rừng, giảm áp lực của người dân với tài nguyên rừng, tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

   Ngoài ra, do được ưu đãi về điều kiện thiên nhiên và khí hậu, trong những năm gần đây, VQG đã phát triển nhiều loại hình du lịch sinh thái, góp phần tăng nguồn thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân như tham quan bãi đá, thác nước và chinh phục đỉnh núi cao nhất… Bên cạnh đó, du khách có thể quan sát quần thể bò tót, xem thú về đêm ở các khu rừng thông, cắm trại nghỉ dưỡng, tắm suối Đắc Gui… Dự kiến, trong thời gian tới, ngành du lịch Đắc Lắc sẽ khai thác các loại hình du lịch tham quan về nguồn, mạo hiểm tại Vườn và kết nối Vườn với nhiều tuyến, điểm khác của tỉnh như Hồ Lắc, thác Krông Kmar, hang đá Đắc Tuor… để phục vụ du khách.

   Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, trong giai đoạn 2011-2020, tỉnh Đắc Lắc đã đề ra các giải pháp nhằm bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học VQG như: Bảo vệ và duy trì, phát triển các loài động vật hoang dã, trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái hài hòa với BVMT; Lựa chọn các loại hình, quy mô du lịch hợp lý, có quy hoạch cụ thể trong xây dựng chiến lược khai thác du lịch; Nâng cao chất lượng và tạo nét độc đáo các sản phẩm du lịch, lễ hội văn hóa….

   Bên cạnh đó, tỉnh giao cho Ban quản lý VQG xây dựng "cơ chế đồng quản lý, quản lý dựa vào cộng đồng" trên cơ sở nâng cao năng lực cán bộ về bảo tồn động vật, thực vật, quản lý tài nguyên, môi trường, tạo việc làm ổn định, cải thiện đời sống cho cư dân, nhằm giảm áp lực, tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng và đa dạng sinh học; Phối hợp với các viện nghiên cứu khoa học, trường đại học, tổ chức quốc tế xây dựng những đề án về nghiên cứu đa dạng sinh học, đặc biệt là các giải pháp hữu hiệu bảo vệ, bảo tồn các loài động vật và loài chim quý hiếm; Ngăn chặn những hình thức săn bắn trái phép ảnh hưởng đến tính bền vững và toàn vẹn của hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học của VQG; Hợp tác với các cơ quan ban, ngành trong tỉnh, tổ chức chuyên môn trong nước, quốc tế trong công tác nghiên cứu khoa học, quản lý bền vững hệ sinh thái rừng, phát triển cộng đồng vùng đệm; Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về BVMT rừng đối với thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh tại những trường học ở các xã vùng đệm của VQG; Tổ chức lồng ghép công tác bảo vệ rừng vào kế hoạch, chương trình và dự án phát triển có liên quan…

                Nhật Minh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2016)

Ý kiến của bạn