Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Vĩnh Phúc: Bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu “Thành phố Xanh”

16/01/2015

     Sau hơn 17 năm tái lập và phát triển, Vĩnh Phúc từ một tỉnh thuần nông có điểm xuất phát thấp đã phát triển không ngừng vươn lên thành một trong 10 tỉnh có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất của cả nước. Những kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội đã tạo ra tiền đề cho mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tỉnh Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc TW. Tuy nhiên, kèm theo sự phát triển về kinh tế, sự hình thành của các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, các khu đô thị… Vĩnh Phúc cũng đang đứng trước thách thức về suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học (ĐDSH)… Do vậy, xây dựng Vĩnh Phúc trở thành đô thị phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu “Thành phố Xanh” là phù hợp với xu thế hiện nay và "Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn năm 2011 - 2020".

     Đề án BVMT Vĩnh Phúc giai đoạn 2013 - 2020, hướng tới mục tiêu “Thành phố Xanh” với quan điểm tôn trọng các quy luật tự nhiên, hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường; khuyến khích phát triển kinh tế phù hợp với đặc tính sinh thái của từng vùng, giảm phát thải, hướng tới nền kinh tế xanh.

     Bên cạnh đó, Đề án cũng đặt ra mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đến năm 2020. Mục tiêu tổng quát: Chặn đứng mức độ gia tăng ô nhiễm, khắc phục tình trạng suy thoái và từng bước cải thiện chất lượng môi trường; Khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, ĐDSH; Nâng cao khả năng phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai, BĐKH bất lợi đối với môi trường nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đảm bảo phát triển bền vững; Phấn đấu thực hiện các tiêu chí môi trường và phát triển bền vững vượt cao hơn mức bình quân chung của cả nước, tạo tiền đề TP. Vĩnh Phúc trong tương lai đạt danh hiệu “Thành phố Xanh” trước năm 2030.

 

Bán đảo hồ Đầm Vạc - lá phổi xanh của TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc

 

     Mục tiêu cụ thể đến năm 2020: 100% các cơ sở sản xuất áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt quy chuẩn môi trường; 80% các khu đô thị, 100% các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường, 50% số xã khu vực nông thôn có công trình xử lý nước thải ở các khu dân cư bị ô nhiễm nặng; Thu gom 100% chất thải rắn công nghiệp, dịch vụ; Xử lý trên 90% chất thải nguy hại và 100% chất thải y tế; Thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường 100% chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị và 75% chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn; 100% các cở sở có sử dụng hóa chất độc hại được đăng ký quản lý và kiểm soát chặt chẽ…

     Để thực hiện quan điểm, mục tiêu đề ra, Đề án đã đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm: Phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường. Trong đó, cần quản lý chặt chẽ việc thu gom, vận chuyển, xử lý; Tiến hành đóng cửa và xử lý lượng chất thải rắn tại các bãi rác tạm, gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh; Hoàn thiện quy hoạch chất thải rắn; Tập trung các nguồn lực tham gia đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải rắn, ưu tiên ứng dụng các công nghệ hiện đại, công nghệ mới, thân thiện với môi trường để thu hồi được năng lượng, sản phẩm có ích, tránh phát sinh ô nhiễm thứ cấp…

     Về BVMT khu dân cư, khu vực nông thôn, làng nghề: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thoát nước, xử lý nước thải tại các khu vực trung tâm xã và khu dân cư tập trung; Xây dựng đài hóa thân hoàn vũ, khuyến khích người dân sử dụng hình thức hỏa táng; Tiếp tục hỗ trợ xây dựng các công trình cấp nước tập trung cho khu vực nông thôn, ưu tiên trước cho những khu vực có chất lượng nước dưới đất kém hoặc nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng; Tăng cường quy mô và hiệu quả thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật; Xây dựng và triển khai các mô hình khu đô thị xanh, khu dân cư xanh.

     Đối với BVMT tại các khu, cụm, cơ sở công nghiệp: Xây dựng và hoàn thiện hạ tầng ở các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tập trung, đặc biệt là hạ tầng BVMT ; Hạn chế cấp phép đầu tư đối với các dự án sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Khuyến khích và thu hút đầu tư những ngành công nghiệp kỹ thuật cao, kỹ thuật tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, áp dụng sản xuất sạch hơn; Tập trung giải quyết dứt điểm các điểm nóng về ô nhiễm môi trường do các hoạt động sản xuất công nghiệp…

     Vấn đề bảo tồn ĐDSH và hệ sinh thái; BVMT các khu du lịch: Xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo tồn ĐDSH trên địa bàn tỉnh; Thực hiện bảo vệ và phát triển hiệu quả các diện tích rừng hiện có, ưu tiên bảo vệ nghiêm ngặt các khu rừng đặc dụng, phòng hộ; Xây dựng các hành lang ĐDSH giữa Vườn quốc gia Tam Đảo và các đơn vị quản lý rừng trong tỉnh, liên kết sinh cảnh tự nhiên với các tỉnh lân cận. Phục hồi và phát triển những hệ sinh thái tại các khu đất ngập nước quan trọng, nhất là đối với hệ thống hồ, đầm lớn trên địa bàn toàn tỉnh như đầm Vạc, hồ Đại Lải, đầm Vân Trục, đầm Rưng... Tiến hành kiểm kê, phân loại, đánh giá các nguồn gen cây trồng, vật nuôi; Xây dựng thực hiện chương trình bảo tồn và áp dụng khoa học kỹ thuật để sử dụng có hiệu quả ĐDSH nông nghiệp, ưu tiên các loài cây trồng, vật nuôi bản địa, quý hiếm; Quản lý và kiểm soát chặt chẽ các loài sinh vật ngoại lai xâm hại; Xây dựng, đưa vào hoạt động hệ thống cơ sở dữ liệu về ĐDSH.

     Trong ứng phó với BĐKH: Quy hoạch phát triển các khu du lịch sinh thái gắn với các di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh; Phát triển các loại hình du lịch, nghỉ dưỡng gắn với việc bảo tồn và phát triển ĐDSH, sử dụng bền vững nguồn lợi sinh vật trong các vùng du lịch; Tăng cường kiểm soát, quản lý chặt chẽ tình trạng buôn bán sử dụng các loài động, thực vật hoang dã; Xây dựng hệ thống công viên, cây xanh ở các khu dân cư; Hình thành mới chuỗi các công viên văn hóa, giải trí, công viên chuyên đề trong vành đai xanh và các nêm xanh, dọc hành lang các sông, hồ, đầm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Thiết kế và xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn phát sinh từ các hoạt động du lịch phù hợp với tính chất, đặc điểm từng khu vực…

     Tích hợp các vấn đề BĐKH vào các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch của các ngành, các cấp; Xây dựng các quy trình quản lý tổng hợp các công trình khai thác, bảo vệ và sử dụng các nguồn tài nguyên một các khoa học trong điều kiện BĐKH; Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung trong Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH đã được UBND tỉnh phê duyệt.

 

Phạm Mạnh Cường

Chi cục Bảo vệ môi trường Vĩnh Phúc

Nguồn: Số Chuyên đề Tăng trưởng xanh, Tạp chí Môi trường 2014

 

 

Ý kiến của bạn