Banner trang chủ

Tiềm năng phát triển nguồn dược liệu từ các loài sinh vật biển của khu vực Ðông Bắc Việt Nam

20/07/2016

   Theo thống kê, Việt Nam có gần 12.000 loài sinh vật biển, bao gồm 2.000 loài cá, 6.000 loài động vật đáy, 653 loài tảo, 5 loài rùa, 12 loài rắn biển... Tuy nhiên, hiện nay trong phát triển kinh tế biển Việt Nam chủ yếu chỉ quan tâm tới những loài sinh vật biển có giá trị thực phẩm, mà ít chú ý tới giá trị cung cấp các chất có hoạt tính sinh học cao để làm thuốc. Trong đó, nhóm sinh vật có chứa các chất hoạt tính kháng viêm cao (hải miên, san hô mềm, da gai...), sinh vật có độc tố (cá nóc, rắn biển, xoang tràng...) là nguồn dược liệu quý để chế biến những loại thuốc mới điều trị các căn bệnh nan y. Để đánh giá tiềm năng về nguồn dược liệu biển, năm 2013, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (HLKH&CN VN) đã thực hiện Đề án Nghiên cứu các hoạt tính sinh học từ nguồn dược liệu biển vùng Đông Bắc, với mục tiêu phát triển nguồn nguyên liệu dược liệu quý và bảo tồn nguồn gen các loài sinh vật biển.

Cá ngựa là một loại thuốc quý

   Sau 2 năm nghiên cứu, các nhà khoa học của Viện đã thu thập tổng số 310 mẫu sinh vật biển, trong đó xác định được 136 loài sinh vật, 77 giống, 13 chi và 66 họ thuộc 6 nhóm sinh vật (thân mềm, da gai, hải miên, san hô cứng, san hô mềm và rong, cỏ biển). Đây là các mẫu sinh vật biển quý giá, phục vụ cho công tác nghiên cứu khai thác các hợp chất thứ cấp có hoạt tính sinh học dùng làm thuốc chữa bệnh và bảo tồn nguồn gen vi sinh vật. Đồng thời, xác định 13 bãi dược liệu biển ở vùng Đông Bắc trong đó có Cô Tô - Thanh Lân; Bái Tử Long; Hạ Long - Cát Bà là những khu vực trọng điểm, tập trung nhiều đối tượng sinh vật biển thuộc các nhóm sinh vật biển trên. Kết quả bước đầu cho thấy, tiềm năng và triển vọng khai thác các loại dược liệu biển ở vùng Đông Bắc.

   Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân lập và xác định cấu trúc hóa học của 329 hợp chất, trong đó 97 hợp chất phân lập từ 10 loài hải miên; 74 hợp chất từ 11 loài san hô mềm; 65 hợp chất từ 12 loài da gai; 82 hợp chất từ 15 chủng vi sinh vật biển; 6 hợp chất từ 2 loài rong cỏ biển và 5 hợp chất từ động vật thân mềm. Trong số các hợp chất đã phân lập, phát hiện có 49 chất mới như steroit, tecpenoit, axít amin, phenol, các axít béo có tính kháng khuẩn cao có thể dùng để sản xuất thuốc chữa ung thư, kháng viêm, điều tiết miễn dịch, kháng vi sinh vật kiểm định, kháng lao và chống ôxy hóa. Hiện nay, có một số hoạt chất có nguồn gốc từ sinh vật biển sản xuất thành thuốc, được Bộ Y tế cấp phép lưu hành trên thị trường như thuốc Ara-C và Trabectedin (chữa ung thư), Ara-A (điều trị bệnh Herpes) và Ziconotide (thuốc giảm đau)…

   Theo các nhà khoa học, khu vực Bắc Bộ có nguồn tài nguyên dược liệu biển phong phú và đa dạng. Do đó, nghiên cứu cơ bản về thành phần loài, mẫu sinh vật biển làm dược liệu đã đóng góp tích cực cho sự phát triển sản xuất hóa dược từ nguồn dược liệu sinh vật biển và bảo tồn nguồn gen. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn tài nguyên thiên nhiên biển trong khu vực này đang bị đe dọa nghiêm trọng, các loài sinh vật biển bị suy giảm, một số loài có nguy cơ tuyệt chủng như cá ngựa, rắn biển… do môi trường biển bị ô nhiễm, tình trạng đánh bắt bừa bãi của ngư dân.

   Để khai thác, sử dụng hợp lý nguồn dược liệu từ các loài sinh vật biển, các nhà khoa học đã đề xuất triển khai một số giải pháp: Tiến hành khoanh vùng các khu vực có nhiều loài sinh vật biển quý hiếm, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết lập các chế tài quản lý, bảo vệ nguồn dược liệu biển; Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trong công tác nghiên cứu, phát triển nguồn gen về các loài sinh vật biển; Triển khai các chương trình thả rạn san hô nhân tạo, trồng phục hồi san hô cứng tại các vùng suy thoái nghiêm trọng, nhất là tại các khu vực có quản lý nghiêm ngặt. Xây dựng và định hướng kế hoạch sinh sản nhân tạo, thả giống nuôi phục hồi và phát triển nguồn lợi trong tự nhiên phù hợp điều kiện sinh thái môi trường tại khu vực; Tiếp tục nghiên cứu xây dựng bản đồ các loài bị đe dọa, nghiên cứu các loài sinh vật biển, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ để khai thác và bảo vệ nguồn lợi dược liệu hiệu quả; Đẩy mạnh hội nhập quốc tế để quản lý các loài di cư, giám sát buôn bán các loài sinh vật biển; Tăng cường tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng bằng các hình thức biên soạn tài liệu, phim ảnh về BVMT biển…

   Phát triển sản xuất hóa dược từ nguồn dược liệu sinh vật biển của Việt Nam là một hướng đi quan trọng và cần thiết, đồng thời là một chiến lược lâu dài cần được Nhà nước quan tâm, đầu tư. Trong các năm tới, Việt Nam sẽ phát triển nền công nghiệp sản xuất hóa dược từ nguồn dược liệu sinh vật biển ở tầm quốc tế.

Cao Văn Khiên

Ban quản lý Dự án Biển và Hải đảo Việt Nam

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2016

 

Ý kiến của bạn