Banner trang chủ

Thực trạng cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường trong các cơ sở y tế tại Việt Nam

09/06/2016

   Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình trên thế giới hàng năm có hàng trăm triệu người bị bệnh nhiễm trùng, trong đó có 15% người bị nhiễm trùng trong khi điều trị tại bệnh viện (BV). Do vậy, cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường, vệ sinh trong các BV (WASH) là hoạt động quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng nhiễm khuẩn, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ nhân viên và bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, đặc biệt đối với những đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ có thai, trẻ em, người già và những người tàn tật.

   Nhận thức được nhu cầu cấp bách về việc hoàn thiện WASH tại các cơ sở y tế (CSYT) nói chung và các cơ sở khám chữa bệnh nói riêng, Cục Quản lý môi trường y tế (VIHEMA) đã phối hợp với Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình WASH tại 32 cơ sở khám chữa bệnh (6 BV Trung ương, 9 BV tuyến tỉnh, 9 BV tuyến huyện và 8 trạm y tế xã). Kết quả khảo sát, đánh giá sẽ là cơ sở cho các nhà hoạch định chính sách ra các quyết định để thực hiện các chính sách và quy định quốc gia, lập kế hoạch cho tương lai của dịch vụ WASH trong các CSYT và phát triển các hướng dẫn để cải thiện WASH trong các CSYT tại Việt Nam.

Phân loại chất thải tại nguồn là một nội dung quan trọng trong quản lý chất thải y tế

   Thực trạng về tình hình WASH trong các CSYT

   Việt Nam có 13.511 CSYT chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trong những năm gần đây, cùng với sự quan tâm của Nhà nước và sự hỗ trợ quốc tế, nhiều CSYT đã được đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, trong đó có xây dựng hệ thống cấp nước và vệ sinh. Ngày 3/12/2013, Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 4858/QĐ-BYT về việc ban hành thí điểm Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng BV” trong đó công tác vệ sinh môi trường BV được coi là tiêu chí quan trọng.

   WASH cũng là một trong những nội dung được đề cập trong tiêu chuẩn quốc gia về thiết kế và xây dựng các BV (TCVNXD 265 : 2007), trong đó quy định số lượng thiết bị vệ sinh (nhà vệ sinh nam, nữ và chậu rửa tay). Bên cạnh đó, Việt Nam có tiêu chuẩn quốc gia về nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh có thể áp dụng cho bất kỳ hộ gia đình và nơi công cộng, kể cả trong các CSYT, cơ sở khám chữa bệnh, đó là tiêu chuẩn nhà vệ sinh hợp vệ sinh QCVN 01:2011/BYT bao gồm các tiêu chí để xây dựng, vận hành, bảo dưỡng và tiêu chuẩn chất lượng nước ăn uống QCVN 01:2009 và nước sinh hoạt QCVN 02:2009 ban hành năm 2009.

   Tuy nhiên, theo báo cáo khảo sát và kiểm tra trong năm 2015 cho thấy, tình trạng cấp nước và vệ sinh tại các CSYT còn nhiều hạn chế. Nguồn nước sử dụng cho các hoạt động tại các CSYT khá khác nhau giữa mô hình BV và trạm y tế. Các BV hầu hết đều sử dụng nước máy cho các hoạt động chuyên môn cũng như hoạt động sinh hoạt khác, trong khi đó, các trạm y tế xã còn sử dụng thêm nước ngầm (giếng khơi và giếng khoan). Tuy khác nhau về nguồn nước sử dụng tại các CSYT nhưng tình hình lưu trữ nước tại các đơn vị chưa thật sự tốt. Trong đó, chất lượng bể chứa và tần suất thau rửa bể tại các CSYT giảm dần từ tuyến xã, huyện, tỉnh lên Trung ương. Một số trạm y tế có giếng khơi và giếng khoan chưa đạt theo quy định của Bộ Y tế về nắp đậy, độ kín, hệ thống thoát nước. Tỷ lệ các CSYT có sơ đồ quy trình, kế hoạch về WASH và triển khai WASH chưa cao (tỷ lệ dao động từ 66,7% đến 71,4%). Phần lớn, các CSYT chưa bố trí nguồn kinh phí cho hoạt động cấp nước an toàn nên khi xảy ra các sự cố thì hoạt động sửa chữa, nâng cấp hoặc thay mới công trình cấp nước khi cần thiết còn bị động, làm ảnh hưởng đến chất lượng cấp nước và các hoạt động khác của BV.

   Công tác quản lý chất thải y tế (QLCTYT) đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát nhiễm khuẩn BV nhằm tránh lây nhiễm chéo và giữ vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, công tác QLCTYT tại các CSYT còn hạn chế do nguồn nhân lực thiếu, cán bộ chuyên trách thường không được đào tạo về QLCTYT nên không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí dành cho công tác QLCTYT còn hạn hẹp nên ảnh hưởng lớn đến chất lượng công việc như không có đủ trang thiết bị cho việc phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải, không có kinh phí cho việc tập huấn và không có đủ phương tiện bảo hộ lao động. Cơ sở hạ tầng xuống cấp, không đồng bộ dẫn tình trạng hỏng hóc hoặc quá tải của các hệ thống lưu giữ, xử lý chất thải. Tình trạng quá tải BV cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến công tác QLCTYT.

   Đối với vấn đề nhà tiêu tại CSYT, các BV từ tuyến Trung ương đến tỉnh, huyện và trạm y tế đã xây dựng nhà tiêu riêng biệt cho bệnh nhân và nhân viên y tế (NVTY), mỗi khu vực đều được chia thành các buồng vệ sinh dành cho nam và nữ. Tuy nhiên, tại các BV tuyến Trung ương, 100% buồng vệ sinh dành cho NVYT hoạt động, trong khi đó buồng vệ sinh dành cho bệnh nhân mới chỉ có 50% hoạt động. Tất cả các BV từ tuyến Trung ương đến tuyến huyện, nhà vệ sinh dành cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều không thường xuyên có giấy vệ sinh; riêng chỉ có 62,5% trạm y tế xã đã cung cấp đủ giấy cho nhà vệ sinh dành cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Đối với nhà vệ sinh dùng cho NVYT tất cả các BV tuyến Trung ương đều cung cấp đủ giấy vệ sinh, các tuyến còn lại nhà vệ sinh chưa được cấp đủ giấy vệ sinh. Ngoài ra, tất cả các BV tuyến Trung ương và tuyến tỉnh đã đáp ứng đủ xà phòng rửa tay cho NVYT tại các buồng vệ sinh, trong khi chỉ có 53,7% trạm y tế đáp ứng đủ xà phòng rửa tay cho NVYT.

   Trong các CSYT, vệ sinh tay có thể ngăn ngừa nhiễm trùng. Các chuyên gia y tế khẳng định, bàn tay của NVYT khi khám bệnh, điều trị, chăm sóc người bệnh có thể chứa nhiều tác nhân gây bệnh thậm chí nhiều mầm bệnh nguy hiểm đe dọa tính mạng. Vì vậy, vệ sinh bàn tay là cần thiết và cũng là giải pháp hàng đầu trong kiểm soát nhiễm khuẩn BV. Theo kết quả điều tra, tỷ lệ các BV tuyến Trung ương có đủ xà phòng rửa tay cho NVYT là cao nhất (100%), thấp nhất là ở trạm y tế xã (69,0%). So với NVYT, buồng vệ sinh của bệnh nhân có xà phòng rửa tay thấp hơn nhiều, trung bình chỉ đạt 50%. Ngoài ra, cũng tùy theo quy mô của CSYT mà số bồn rửa tay cũng tương ứng, tuy nhiên ở các BV lớn (tuyến Trung ương), tỷ lệ NVYT và bệnh nhân/số bồn rửa tay cao hơn ở tuyến dưới. Trong tổng số 22 CSYT trả lời phỏng vấn có 75,0 - 85,7% trả lời là có kế hoạch và thực hiện an toàn trong rửa tay và vệ sinh nhà tiêu. Tuy nhiên nhiều đơn vị lồng ghép với các kế hoạch chung của Kiểm soát nhiễm khuẩn hoặc của Phòng Điều dưỡng.

   Đề xuất, kiến nghị cải thiện tình hình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường

   Các CSYT cần quan tâm hơn nữa đến công tác cấp nước an toàn. Đồng thời có kế hoạch bố trí nguồn kinh phí cho công tác cấp nước an toàn để đảm bảo chủ động ứng phó với những sự cố có thể xảy ra đối với các công trình cấp nước của đơn vị. Bên cạnh đó, các CSYT cần xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn và triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra với mục đích cấp nước đủ và an toàn cho các hoạt động chuyên môn của cơ sở. Các bể chứa của BV và trạm y tế xã phải được kiểm tra, giám sát; bể cần được thau rửa thường xuyên (đặc biệt đối với bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh) để đảm bảo bể chứa nước luôn ở trong tình trạng tốt, nước trong bể không bị lưu cữu quá lâu gây ảnh hưởng đến chất lượng nước cấp cho các hoạt động của CSYT.

   Mặt khác, các CSYT cần bố trí nguồn ngân sách và tăng cường nhân lực cho hoạt động QLCTYT. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ chuyên trách cũng như toàn thể nhân viên trong đơn vị để việc phân loại, thu gom, vận chuyển, vận hành theo đúng các quy định của luật pháp. Các CSYT xây dựng kế hoạch QLCTYT cho từng năm cũng như quy trình quản lý cụ thể cho từng loại CTYT; đồng thời tăng cường việc giám sát, đôn đốc, nhắc nhở nhân viên cũng như bệnh nhân và người nhà bệnh nhân chấp hành tốt các quy định nội quy của BV và luật pháp trong việc giữ gìn vệ sinh chung và quản lý CTYT.

   Để nhà tiêu tại các CSYT đảm bảo vệ sinh, đối với các BV (tuyến Trung ương, tỉnh, huyện) cần thực hiện xây dựng số lượng nhà tiêu theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCXDVN 365: 2007 BV đa khoa - hướng dẫn thiết kế, đồng thời giao bộ phận chuyên trách là khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn thực hiện công tác giám sát. Đối với các trạm y tế cần thực hiện xây dựng số lượng nhà tiêu theo Quyết định số 1327/QĐ-BYT ngày 18/4/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Tiêu chuẩn thiết kế Phòng khám đa khoa khu vực, khu vệ sinh công cộng dành cho trạm y tế. Ngoài ra, các CSYT cũng cần bố trí nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác vệ sinh nhà tiêu, vệ sinh môi trường cũng như đáp ứng đủ xà phòng và giấy vệ sinh cho NVYT và bệnh nhân.

Dương Khánh Vân

Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường

Phạm Thị Quỳnh Trang

Bộ Y tế

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2016)

Ý kiến của bạn