Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu Bảo tồn Pá Khoang - Ðiện Biên

04/04/2017

   Khu di tích lịch sử Mường Phăng nằm trong khu rừng nguyên sinh, bên cạnh hồ Pá Khoang, thuộc địa bàn các xã Nà Nhạn, Pá Khoang, Mường Phăng, Điện Biên là địa điểm lưu giữ những chứng tích lịch sử vẻ vang, oai hùng của dân tộc Việt Nam. Nơi đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sống và làm việc trong suốt thời tham gia kháng chiến. Rừng cây cổ thụ nằm trong diện tích Khu di tích được người dân địa phương gọi là “rừng Đại tướng”. Nhằm bảo vệ đa dạng sinh học (ĐDSH) và tổ chức khai thác hiệu quả giá trị tài nguyên rừng, năm 2013, HĐND tỉnh Điện Biên đã ban hành Nghị quyết số 303/NQ-HĐND về việc thông qua Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Điện Biên đến năm 2020, hướng đến năm 2030. Trong đó, nâng cấp Khu di tích lịch sử Mường Phăng thành Khu bảo tồn (KBT) loài, sinh cảnh cấp quốc gia Pá Khoang - Mường Phăng.

Cây Tô hạp ở KBT loài, sinh cảnh Pá Khoang - Mường Phăng

   Những nguy cơ suy giảm ĐDSH

   KBT loài, sinh cảnh cấp quốc gia Pá Khoang - Mường Phăng với diện tích 10.048,81 ha, có địa hình núi đất với độ cao trung bình trên 1.000 m so với mặt nước biển. Khu vực phía đông KBT có đỉnh núi trọc cao 1.658 m, là đỉnh cao nhất của di tích nằm trên đường ranh giới với huyện Điện Biên Đông. Phía tây KBT có độ cao thấp hơn 1.000 m so với mặt nước biển, đây là hồ nước Pá Khoang rộng khoảng 700 ha, dung tích 37,2 triệu m3 nước. Mùa nước đầy, nước ăn sâu vào các khe nhỏ chân núi hình thành nên nhiều bán đảo nhỏ, tạo nên cảnh đẹp hấp dẫn cho du lịch sinh thái, lượng nước hồ chủ yếu từ cánh rừng nguyên sinh bao quanh hồ cung cấp. Trong các thảm rừng quanh hồ có nhiều loại hoa phong lan đủ chủng loại. Hồ có nhiều loài cá và động, thực vật nổi (đã thống kê được khoảng 65 loài thực vật nổi, 14 loài động vật nổi, 6 loài động vật đáy…).

   Bao bọc xung quanh hồ là các ngọn núi, với khu rừng nguyên sinh rất phong phú các loài động, thực vật. Thống kê cho thấy, khu rừng nguyên sinh trong KBT có trên 700 loài thực vật thuộc 4 ngành thực vật bậc cao, với nhiều loài cây quý nổi tiếng như giổi, dẻ, tô hạp, chò xanh, phay sừng, re, xoan, táu xanh, lát hoa, giổi xanh, vàng tâm, thạch hộc gấm… Đặc biệt, KBT có loài cây tô hạp phát triển trên diện rộng, đây là loài cây thường xanh chỉ có ở vùng rừng Tây Bắc. Với đặc điểm sinh trưởng nhanh, tái sinh mạnh, gỗ cây tô hạp màu nâu đỏ, lõi lớn, không mối mọt, có thể dùng để xây dựng, đóng tàu thuyền, cất tinh dầu và làm thuốc. Loài cây này được tái sinh từ hạt vào những năm 70 của thế kỷ trước. Đến nay, cây có đường kính gốc hơn 70 cm và có chiều cao từ 30 - 50 m.

   Về động vật, KBT có hơn 300 loài thuộc các loài thú, bò sát, chim và ếch nhái…, trong đó, riêng khu hệ chim được các chuyên gia Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thực hiện dự án khảo sát năm 2014. Kết quả khảo sát cho thấy, có 77 loài chim, trong đó có nhiều loài chim quý như vàng anh, chèo bẻo, chích chòe, cò nhạn… Sự phân bố của các loài chim không đồng đều ở 4 sinh cảnh khác nhau thuộc khu vực nghiên cứu. Số loài chim nhiều nhất ở sinh cảnh rừng ven sông, suối với 61 loài (chiếm 80,26 %); thứ hai ở sinh cảnh rừng thứ sinh cây bụi với 52 loài (chiếm 68,42 %); thứ ba ở sinh cảnh làng bản, nương rẫy với 46 loài (chiếm 60,52%) và ít nhất ở sinh cảnh rừng thứ sinh thường xanh trên núi đất với 37 loài (chiếm 48,68 %).

   Trong những năm gần đây, hệ sinh thái rừng Mường Phăng bị suy giảm nghiêm trọng, nhiều loài động, thực vật rừng có nguy cơ tuyệt chủng. Theo kết quả điều tra của Sở NN&PTNT cho thấy, hiện diện tích rừng tự nhiên giảm cả về số lượng và chất lượng cây rừng, chủ yếu chỉ còn rừng ở những phân khu phục hồi sinh thái nằm trong vùng lõi KBT, cạnh hồ Pá Khoang. Các loài gỗ quý như chò chỉ, đinh, nghiến đến nay đã không còn, hiện chỉ còn lại một số loài cây như tô hạp, lát hoa, trầm hương… Một số loài cây trước đây rất cao to, nay chỉ còn cây nhỏ như phay sừng, giổi găng… Nhiều loài hiếm nay trở nên rất hiếm và khó gặp như bình vôi, du sam, rau sắng, thông tre, kim giao, lan kim tuyến… Do kích thước của các loài cây rừng giảm, dẫn đến cấu trúc rừng tự nhiên bị phá vỡ, làm giảm ĐDSH và khả năng phòng hộ của rừng.

   Không chỉ có cây rừng, nhiều loài thú cũng bị tuyệt chủng. Hầu hết các loài thú lớn như gấu, hổ, báo không còn, chỉ còn các loài thú nhỏ như chồn, khỉ và một số loài chim. Một số loài cá lớn trong hồ Pá Khoang như cá lăng, trắm đen đã biến mất mà chỉ còn các loài cá nhỏ. Gần đây, do mực nước hồ Pá Khoang xuống thấp, nhiều diện tích lòng hồ bị cạn nên đã thu hút loài cò nhạn về đây kiếm mồi, với số lượng tới 500 con. Đây là loài quý hiếm, nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Tuy nhiên, hiện hàng trăm cá thể cò nhạn này đang đứng trước những nguy hiểm do người dân trên địa bàn đang tìm cách săn, bẫy loài chim quý hiếm này.

    Để bảo vệ rừng Mường Phăng, từ năm 1986, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Chỉ thị số 194/CT quy định diện tích rừng trong KBT loài, sinh cảnh Pá Khoang - Mường Phăng là rừng cấm quốc gia, tuy nhiên, tình trạng chặt phá, khai thác gỗ trái phép vẫn gia tăng. Tính đến nay, Hạt kiểm lâm huyện Mường Phăng đã bắt và ra quyết định xử lý hơn 100 vụ vi phạm liên quan tới rừng và lâm sản. Nguyên nhân của tình trạng này, do nhu cầu sử dụng các đồ gia dụng được chế tác từ gỗ quý của người dân. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương còn chưa quan tâm đến công tác đấu tranh chống buôn lậu lâm sản và xem đây là trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Sự phối hợp trao đổi thông tin ở một số cơ quan chuyên ngành trong phòng, chống buôn lậu lâm sản còn nhiều bất cập.

   Tăng cường giải pháp bảo tồn loài - sinh cảnh

   Trước thực trạng trên, nhằm đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng Mường Phăng - địa danh lịch sử của cả nước, Ban quản lý (BQL) KBT loài, sinh cảnh Pá Khoang - Mường Phăng đã thành lập Tổ Bảo vệ cơ động, thường xuyên tuần tra, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm. Để bảo vệ rừng, ngăn chặn các hành vi xâm hại cũng như phòng, chống cháy rừng, Tổ đã phối hợp với kiểm lâm địa bàn, chính quyền xã Mường Phăng vận động nhân dân trong xã tích cực chăm sóc và bảo vệ rừng. Đồng thời, tổ chức ký cam kết không chặt phá, đốt rừng làm nương, đặc biệt là 20 hộ dân hiện đang sống và làm trang trại chăn nuôi gần Khu di tích. Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ khu rừng lịch sử, hàng tuần, người dân tham gia phát cỏ dại, dây leo, làm đường băng cản lửa, rà soát những cây gỗ lớn và đánh dấu vị trí để dễ kiểm tra, bảo vệ. Bên cạnh đó, chính quyền xã và BQL KBT còn phát động các phong trào, hoạt động BVMT, sinh thái rừng. Hàng tuần, Tổ Bảo vệ cơ động, người dân và học sinh trong xã tổ chức thu gom rác thải trong Khu di tích để giữ gìn sạch đẹp cảnh quan cũng như BVMT; góp phần tạo ấn tượng tốt với du khách đến thăm Mường Phăng. Trong thời gian tới, để bảo vệ ĐDSH hướng tới sự phát triển bền vững rừng, UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm huyện Mường Phăng và BQL KBT triển khai thực hiện một số giải pháp:

   Thể chế hóa các văn bản pháp luật, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn ĐDSH trong các KBT; đồng thời khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình và người dân tích cực tham gia bảo tồn; khai thác hiệu quả giá trị tài nguyên các KBT, đảm bảo an ninh quốc phòng. Lựa chọn giải pháp quản lý các hệ sinh thái phù hợp với điều kiện địa phương, hoặc vận dụng phương pháp tiếp cận hệ sinh thái trong việc thực thi Quy hoạch bảo tồn ĐDSH để hướng tới việc sử dụng nguồn tài nguyên ĐDSH hợp lý, hiệu quả và bền vững.

   Hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho dân cư sống trong vùng đệm phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống; giảm thiểu tối đa việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong KBT; triển khai thực hiện tốt chi trả dịch vụ môi trường rừng là một trong những giải pháp quan trọng để người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH.

   Tăng cường sự hợp tác trong nước và nước ngoài về bảo tồn, phát triển bền vững, đặc biệt, trong công tác điều tra, nghiên cứu phát triển ĐDSH, kinh nghiệm, năng lực quản lý, bảo tồn, cơ chế phối hợp…

   Nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng và lợi ích lâu dài của việc bảo tồn ĐDSH; giúp cộng đồng gắn bó cuộc sống và thu nhập của mình với công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn ĐDSHn

                Minh Nguyệt

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2017

Ý kiến của bạn