Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 06/12/2024

Tình hình buôn bán bất hợp pháp sừng tê giác tại Việt Nam

07/11/2013

     Việt Nam được coi là một trong những thị trường tiêu dùng sừng tê giác chính trên thế giới. Năm 2010, Việt Nam đã nhập khẩu lượng hàng hóa xa xỉ có trị giá lên tới 10 tỷ USD và trên nhiều phương diện, hoạt động buôn bán sừng tê giác hiện nay chính là một khía cạnh của sự tiêu dùng dễ dãi và mang ý thức về địa vị xã hội. Cũng trong năm này, con tê giác cuối cùng của quần thể tê giác Java cực kỳ nguy cấp duy nhất còn tồn tại trên lục địa châu Á đã bị săn bắn trộm để lấy sừng tại Việt Nam, đánh dấu sự tuyệt chủng của toàn bộ một phân loài tê giác.

 

                                                    

                                                                            Tê giác trắng ở châu Phi

 

     Tác dụng của sừng tê giác và người tiêu dùng

     Thói quen sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam có một lịch sử lâu đời, được kết nối một phần với nền y học cổ truyền của nước láng giềng phía Bắc là Trung Quốc và phần còn lại thể hiện những nét riêng độc đáo của Việt Nam. Ở phương diện lịch sử, việc sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam được gắn với tác dụng hạ sốt, đặc biệt dành cho người máu nóng và loại bỏ các độc tố trong cơ thể và trong máu. Danh sách các bệnh có thể được chữa trị bao gồm từ sốt cao, mê sảng, đau đầu trầm trọng cho đến sởi, co giật, động kinh và đột quỵ. Ngày nay, sừng tê giác được quảng cáo là điều trị cho các căn bệnh đe dọa tới tính mạng con người như ung thư.

     Ngoài những bệnh nhân nan y ở giai đoạn cuối, có ít nhất ba nhóm người quan trọng khác sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam. Trên thực tế, cách dùng phổ biến nhất của sừng tê giác ngày nay hoàn toàn không liên quan đến bệnh tật. Niềm tin vào đặc tính giải độc trong sừng tê giác, đặc biệt là sau khi hấp thụ quá mức rượu, thực phẩm giàu chất dinh dưỡng đã tạo ra một nhóm người giàu có sử dụng thường xuyên sừng tê giác, họ thường trộn bột sừng tê giác với nước hoặc rượu để làm thuốc bổ và thuốc giã rượu. Nhìn chung, nhóm này là hiện thân cho quan niệm mang tính văn hóa về "tiêu thụ mặt", theo đó việc sử dụng quá mức những thứ hiếm và đắt tiền trở thành một phương tiện để phô trương sự giàu có, địa vị và thành công với bạn bè và cộng đồng. Có nhiều khả năng đây là những khách hàng chiếm số lượng sử dụng sừng tê giác lớn nhất ở Việt Nam hiện nay và họ thường mua qua những kênh không chính thức, bao gồm các nhà phân phối qua Internet và các mối quan hệ xã hội. Nhóm này thường sử dụng sừng tê giác mà không có lời khuyên của bác sỹ. Ngành công nghiệp phụ trợ cung cấp dụng cụ tự chữa trị, đặc biệt là những chiếc đĩa có mặt ráp dùng để mài sừng tê giác là điều chỉ có duy nhất tại Việt Nam.

     Nhóm tiêu thụ thứ ba đại diện cho một xu hướng gần đây trong các bà mẹ trẻ có thu nhập từ trung bình đến cao - những người giữ sừng tê giác trong tay để làm thuốc chữa trị tại nhà khi bị sốt cao, đặc biệt là trường hợp xảy ra với trẻ em. Cách dùng này cũng đại diện cho việc tự chữa trị nhưng nó vẫn nằm trong khuôn khổ y học cổ truyền nói chung và ở một chừng mực nhất định có thể bao gồm cả sự tham khảo ý kiến của các bác sỹ đông y.

     Cuối cùng là nhóm tiêu thụ thứ tư, những người dùng văn hóa quà tặng đắt tiền như một phương tiện để tìm kiếm sự ưu ái từ những cá nhân quyền lực trong lĩnh vực kinh tế - xã hội hoặc chính trị. Do đó, sừng tê giác hiển nhiên được chào hàng, được mua như một loại quà tặng giá trị cao và thể hiện đẳng cấp, mang thông điệp cuối cùng "món quà của cuộc sống". Biếu quà là bằng chứng cho thấy, sừng tê giác đôi khi được sử dụng như một loại tiền tệ được chấp nhận cho những hàng hóa xa xỉ.

     Buôn bán sừng tê giác và các sản phẩm từ sừng tê giác là bất hợp pháp

     Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tất cả các hoạt động buôn bán sừng tê giác đều bị coi là bất hợp pháp. Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đã quy định các hành vi săn, bắn, bẫy, bắt, giữ, giết mổ, gây nguy hiểm, khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại, vận chuyển, chế biến, quảng cáo, buôn bán, sử dụng, cất giấu, xuất khẩu hoặc nhập khẩu những loài được liệt kê, bao gồm cả tê giác có nguồn gốc từ Việt Nam, hoặc những sản phẩm của chúng đều là vi phạm pháp luật.

     Từ năm 1994, Việt Nam đã ký Công ước CITES và trở thành thành viên thứ 121 tham gia Công ước này. Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm bao gồm các quy định về buôn bán quốc tế đối với các loài động vật, thực vật nguy cấp hoặc bị đe dọa được liệt kê trong Công ước CITES. Luật này cấm hành vi buôn bán đối với tất cả các loài trong Phụ lục I của Công ước CITES, bao gồm các loài tê giác không thuộc bản địa, trừ phi có kèm theo giấy phép hợp lệ của CITES. Việc bị kết tội theo luật này có thể dẫn đến mức phạt lên tới 500 triệu đồng (khoảng 29.000 USD), cải tạo không giam giữ tới 3 năm, và/hoặc từ 6 tháng đến 7 năm tù giam.

     Tuy nhiên, sừng tê giác vẫn tiếp tục vào Việt Nam thông qua các kênh đa dạng, bao gồm đường hàng không nối Jonannesburg với Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh qua Hồng Công, Băng Cốc, Kuala Lumpur và Singapo. Thủ đô Maputo của Mozambique cung đang nổi lên như một cơ sở mới cho việc vận chuyển sừng tê giác ra khỏi châu Phi vào Việt Nam. Hầu hết, những kẻ buôn lậu là nam giới trẻ hoặc trung niên, một số kẻ còn được cho là đã thực hiện nhiều chuyến với tư cách người vận chuyển thường xuyên. Tuyến đường bộ từ nước láng giềng Lào cũng được sử dụng để buôn lậu sừng tê giác (có thể từ Thái Lan) vào Việt Nam. Có rất ít bằng chứng cho thấy, sừng tê giác đang được vận chuyển từ Việt Nam sang Trung Quốc, chỉ có 2 vụ bắt giữ liên quan đến 3 chiếc sừng tê giác được ghi nhận cho đến thời điểm hiện nay.

     Sự gia tăng nhu cầu sử dụng sừng tê giác ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong những năm gần đây là nguyên nhân gây nên nạn săn bắn trộm tê giác tới mức kỷ lục ở tận một nơi rất xa như Nam Phi. Biện pháp bảo tồn hiệu quả loài tê giác khỏi bờ vực tuyệt chủng là giảm cầu đối với sừng tê giác. Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ để đưa tội phạm về sừng tê giác trở thành ưu tiên quốc gia. Đồng thời xem xét, củng cố luật pháp và các hình phạt liên quan đến buôn bán bất hợp pháp sừng tê giác; chấm dứt quảng cáo và buôn bán sừng tê giác trên Internet; thực hiện các thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu bình duyệt về những đặc tính y học của sừng tê giác như một bước tiến tới khuyến khích sử dụng các chất thay thế.    

 

Naomi Doak

 Traffic tại Việt Nam

Nguồn: Tạp chí MT, số 9/2013

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn