Banner trang chủ

Quảng Nam với bài toán bảo tồn và phát triển cây sâm quý

06/08/2015

   Sâm Ngọc Linh là loại cây thuốc đặc hữu của Việt Nam, có giá trị dược liệu, khoa học và kinh tế cao.Tuy nhiên, sâm Ngọc Linh đang bị làm giả và đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nếu không có các biện pháp bảo tồn kịp thời. Là một trong 2 tỉnh ở Việt Nam có cây sâm Ngọc Linh, trong nhiều năm qua, Quảng Nam đã đề ra nhiều biện pháp để duy trì, bảo tồn và phát triển loại sâm quý, không những giúp đồng bào dân tộc thoát nghèo bền vững, mà còn bảo vệ rừng đầu nguồn và môi trường sinh thái.

   Dược liệu quý

   Cây sâm Ngọc Linh, còn gọi là sâm K5 hoặc sâm Việt Nam, có tên khoa học là (Panax vietnamensis Ha et Grushv), họ nhân sâm, được phát hiện lần đầu vào năm 1973 tại huyện Đắc Tô (Kon Tum). Đây cũng là loài nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới. Sâm Ngọc Linh trong tự nhiên phân bố chủ yếu xung quanh vùng núi Ngọc Linh (thuộc huyện Nam Trà My, Quảng Nam và Đắc Tô, Kon Tum) ở độ cao trên 1.500m của rừng già nguyên sinh, trong điều kiện khí hậu lạnh, độ ẩm cao. Sâm Ngọc linh là cây thảo, sống lâu năm, cao từ 40 - 60cm, thân rễ nạc, có nhiều đốt, mang những vết sẹo do thân khí sinh rụng hàng năm để lại. Trên thân rễ có nhiều rễ phụ, ở phần cuối có rễ củ hình cầu, củ sâm nhỏ có màu xanh sẫm. Sâm Ngọc Linh có vị đắng, hơi ngọt, mùi thơm nhẹ; có tác dụng tăng trí nhớ, thị lực, giúp phục hồi bồi bổ cơ thể, làm tăng sinh lực, chống suy nhược, kích thích hệ miễn dịch; tăng số lượng hồng cầu, có tác dụng bảo vệ tế bào gan và giải độc gan; tăng nội tiết tố, điều hòa tim mạch; giảm đường huyết, hạ cholesterol máu, chống xơ vữa động mạch, chống ôxy hóa, chống viêm, kháng khuẩn…

   Với nhiều công dụng như vậy, cộng với giá trị kinh tế cao nên nhiều năm qua, cây sâm bị khai thác, mua bán, sử dụng một cách thiếu kiểm soát. Nhà nước chưa có nhiều chính sách, giải pháp đầu tư, quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh khiến cho các vùng sâm của Quảng Nam và Kon Tum dần cạn kiệt, hàng nghìn ha rừng nguyên sinh bị tàn phá nặng nề. Trước nguy cơ tuyệt chủng giống sâm quý, Chính phủ đã quyết định thành lập vùng cấm quốc gia ở khu vực có sâm tập trung tại 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, đồng thời xếp sâm Ngọc Linh vào Danh mục những cây thuốc quý, hiếm cần được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Đặc biệt, để bảo tồn và phát triển các loại cây dược liệu quý hiếm tại các vùng miền, khai thác tiềm năng đặc hữu của từng địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1.976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó ưu tiên phát triển sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam. Đây là nhân tố quan trọng thúc đẩy công tác bảo tồn nguồn gen gốc sâm Ngọc Linh, phát huy thế mạnh của địa phương, đồng thời chuyển hướng sản xuất, cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho nhân dân trong vùng, tạo điều kiện để nhân dân bảo vệ rừng, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.

   Chiến lược bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh

   Với lợi thế về phát triển cây sâm Ngọc Linh được thiên nhiên ban tặng tại một số xã trên địa bàn huyện Nam Trà My, những năm gần đây, UBND tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Trà My đã có những động thái tích cực nhằm bảo tồn và phát triển diện tích trồng sâm Ngọc Linh. Cụ thể, năm 2003, tỉnh đã ban hành Ðề án: Khôi phục và phát triển cây sâm Ngọc Linh tại xã Trà Linh (huyện Nam Trà My) giai đoạn 2004 - 2010, với mục tiêu phát triển cây sâm Ngọc Linh cùng các cây dược liệu khác thành cây hàng hóa chủ đạo trong phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ ngân sách xây dựng Trạm dược liệu Trà Linh vào năm 2004 và đến năm 2013, thành lập Trung tâm phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam.

   Để thu hút đầu tư bảo tồn, phát triển, chế biến, xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh, tạo hành lang pháp lý ổn định, lâu dài trên địa bàn tỉnh, ngày 11/7/2014, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 114/2014/NQ-HĐND về cơ chế khuyến khích, bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2014 - 2020. Đồng thời, UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định số 2.117/QĐ-UBND ngày 8/7/2014 về phê duyệt đề cương và dự toán quy hoạch bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My, giai đoạn 2014 - 2020, với tổng diện tích là 19.000 ha tại 7/10 xã và Quyết định số 2.821/QĐ-UBND ngày 17/9/2014 về cơ chế khuyến khích, bảo tồn phát triển sâm Ngọc Linh tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2014 - 2020. Theo đó, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với đơn vị tư vấn (Phân viện điều tra quy hoạch rừng Trung Trung bộ) và UBND huyện Nam Trà My xây dựng Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh giai đoạn 2015 - 2020. Với Quy hoạch này sẽ tạo cú hích đột phá cho huyện trong việc bảo vệ và phát triển rừng, BVMT sinh thái, đa dạng sinh học, nâng cao đời sống của gần 6.000 hộ dân trong vùng quy hoạch. Cùng với quy hoạch vùng sâm trên diện tích 19.000 ha, UBND tỉnh cũng phê duyệt dự án với 9.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước là 3.000 tỷ đồng.

   Thực hiện các quyết định của tỉnh hình thành vùng nguyên liệu sâm, đưa cây sâm trở thành loại cây trồng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trong vùng, HĐND huyện Nam Trà My đã ban hành Nghị quyết Phát triển cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện đến năm 2020. Theo Nghị quyết này, từ nay đến năm 2020, Nam Trà My sẽ hình thành và hoàn thiện 2 địa điểm bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh. Trong đó, vùng bảo tồn là thôn 2, thôn 3, thôn 4 xã Trà Linh và thôn 2 (Tắc Râng) xã Trà Cang, đảm bảo cung cấp đủ lượng cây giống cho nhân dân xã Trà Linh, một số thôn của xã Trà Nam, Trà Cang nuôi trồng, phát triển thành vùng sâm nguyên liệu.

   Đối với vùng phát triển, huyện Nam Trà My xác định chọn thôn 2, thôn 4, thôn 5 xã Trà Nam và thôn 2, thôn 3 xã Trà Cang, tại đây sẽ xây dựng vườn Sâm Tắc Ngo để mở rộng diện tích vùng sâm trên địa bàn huyện. Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, hàng năm, từ các nguồn vốn khác nhau như Nghị quyết 30 a/2008/NQ-CP, Chương trình 135 của Chính phủ… UBND huyện đã hỗ trợ cho nhân dân các xã trung bình từ 20.000 - 30.000 cây sâm giống. Do vậy, đến nay, nhân dân tại 3 xã: Trà Nam, Trà Linh và Trà Cang đang hình thành 27 điểm trồng sâm, với hơn 653.500 cây sâm bao gồm nhiều độ tuổi khác nhau.

   Để việc quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn Nam Trà My thực hiện có hiệu quả, huyện đã phân kỳ đầu tư có trọng điểm, phù hợp với thực lực và điều kiện thực tế từng thời điểm. Bên cạnh việc tiếp tục đầu tư và củng cố Trạm dược liệu Trà Linh (thuộc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam), cũng như Trại giống sâm Tắc Ngo, đưa diện tích 2 vườn sâm giống này lên 75 ha làm khu bảo tồn và phát triển giống sâm, huyện sẽ đẩy mạnh việc xúc tiến, có cơ chế ưu đãi thu hút các doanh nghiệp đầu tư trồng sâm, hỗ trợ cây giống và kỹ thuật cho họ. Tuy nhiên, muốn bảo tồn ĐDSH, bảo vệ rừng, cần tạo cho người dân trong khu vực có được sinh kế bền vững. Huyện đã vận động bà con thành lập các tổ nhóm hộ, mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng mới sâm; tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng sâm dưới tán lá rừng cho 1.000 hộ dân và cấp cây giống để họ trồng mới, tạo cho người dân có ý thức bảo vệ, phát triển cây thuốc quý này, cũng như bảo vệ rừng nguyên sinh. Không chỉ mở rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh, huyện còn chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đường giao thông, hệ thống điện lưới và hệ thống thông tin liên lạc, xúc tiến quảng bá thương hiệu cây sâm cho các doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước…

   Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh vẫn ở quy mô nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh đặc hữu của vùng, số hộ trồng sâm còn ít, các doanh nghiệp cũng chưa thực sự “mặn mà” với dự án phát triển cây sâm quý. Mặc dù, giá trị kinh tế mà cây sâm mang lại khá cao, giá sâm tươi từ 30 - 40 triệu đồng/kg, 1 ha sâm Ngọc Linh sau 5 năm sẽ thu lời khoảng 30 tỷ đồng. Trăn trở với bài toán bảo tồn và phát triển cây sâm quý, vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã xây dựng Dự thảo Đề án “Quy định về cho thuê đất rừng và mức giá cho thuê đất rừng để bảo vệ và phát triển Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”, nhằm bảo vệ và phát triển vốn rừng, bảo tồn nguồn gien gốc Sâm Ngọc Linh, đồng thời tạo sinh kế, cải thiện đời sống cho người dân, tạo ra các sản phẩm dược liệu từ cây sâm mang thương hiệu đặc trưng Quảng Nam. Theo Dự thảo Đề án, sẽ miễn tiền thuê đất để trồng Sâm Ngọc Linh tại 3 huyện: Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang theo quy định hiện hành (Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP và Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ); Ưu tiên cho các hộ gia đình, nhóm hộ gia đình có hộ khẩu thường trú tại địa phương đang thực hiện khoán bảo vệ rừng có nhu cầu, khả năng đầu tư và có đơn xin đăng ký trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng được ưu đãi không thu tiền thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh. Đặc biệt, trong Kế hoạch thực hiện Đề án đã xác định một số nhiệm vụ quan trọng, một trong số đó là Dự án Di thực cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo Dự án, đến năm 2020, tại 6 xã trong huyện Nam Trà My di thực được 6 ha (mỗi xã 1 ha) và phát triển trồng rừng đạt 60 ha, mỗi xã 10 ha. Dự án mở ra tín hiệu lạc quan cho Quảng Nam về một “mảnh đất vàng” trồng cây sâm quý, giúp nâng tầm vị thế cho địa phương, đưa thương hiệu nhân sâm Việt Nam đi khắp năm châu bốn biển, giúp người dân thoát nghèo, từng bước nâng cao đời sống và giữ gìn màu xanh quê hương.

ThS. Trần Huệ Hương

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7 - 2015)

Ý kiến của bạn