Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

Phát triển năng lượng phải đặt cạnh bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

26/06/2017

     Bên lề Hội nghị cấp cao được tổ chức nhân dịp Lễ ra mắt Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có cuộc trao đổi với các phóng viên báo chí một số nội dung liên quan đến vấn đề an ninh năng lượng. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

 

     PV: Hiện nay, Việt Nam đang chuyển từ nước xuất khẩu than sang nhập khẩu than và dự kiến đến năm 2020, sẽ nhập khẩu khoảng 17 triệu tấn than (chiếm 31% nhu cầu than cho phát triển điện). Vậy, việc nhập khẩu than có đáng lo ngại không và chúng ta phải làm gì với nhu cầu năng lượng ngày một tăng như? Đây có phải là một trong những giải pháp nằm trong Chiến lược phát triển năng lượng bền vững (NLBV) không, thưa Bộ trưởng?

     Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Việc nước ta đang là nước xuất khẩu than nhưng cũng bắt đầu nhập khẩu cỡ 5 - 7 triệu tấn và sẽ tiếp tục tăng lên mức vài, ba chục triệu tấn sau này là thực tế vì sự giới hạn của tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là nguồn năng lượng không tái tạo như than đá.

     Do vậy, nội dung của Chiến lược phát triển năng lượng bền vững phải được xây dựng dựa trên 3 yếu tố: Khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng hiệu quả, tiết kiệm; Phát triền nguồn năng lượng hài hòa, hợp lý trên cơ sở bảo đảm yêu cầu phát triển của cả nước, gắn với BVMT; Tiếp tục xây dựng, hoàn chỉnh thể chế nền kinh tế thị trường mà cung - cầu năng lượng vận hành trên nguyên tắc của thị trường, điều đó có nghĩa, việc cải tổ lại cơ cấu tổ chức ngành năng lượng hiện nay rất quan trọng, góp phần bảo đảm cho sự vận hành của nền kinh tế thị trường và toàn thể nền kinh tế trong giai đoạn hội nhập.

     Ngoài ra, một chiến lược phát triển NLBV phải xây dựng trên nền tảng của một ngành năng lượng kể cả sơ cấp và thứ cấp, cả nguồn năng lượng tái tạo và không tái tạo. Đồng thời, phải có chiến lược khai thác, sử dụng hiệu quả. Đặc biệt, ở thời điểm hiện nay, sự phát triển của một chiến lược năng lượng không đơn thuần là tăng trưởng đủ để phát triển kinh tế mà còn hướng đến yếu tố bền vững, gắn với BVMT, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Vì vậy, chiến lược phát triển NLBV định hướng đến năm 2020 và các năm sau đấy đều dựa tên nền tảng nguyên tắc này.

     PV: Có 3 thách thức lớn cho Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới về năng lượng xanh và NLBV là: Giá năng lượng, an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu. Những biện pháp nào cần được áp dụng để giải quyết 3 thách thức này, thưa Bộ trưởng?

     Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Không thể tách rời từng nhóm vấn đề này ra mà cả 3 vấn đề phải được đặt trong bức tranh tổng thể để có chiến lược hoàn chỉnh. Bởi chiến lược của chúng ta ngoài việc mang tính dài hạn còn phải đảm bảo đồng bộ, toàn diện trong cả cách thức và giải pháp.

     Chẳng hạn, vấn đề biến đổi khí hậu đang đặt ra thách thức rất lớn đến mọi mặt, đây là thực tiễn và dù muốn hay không, chúng ta cũng phải đối mặt với những thách thức này. Vì thế, bắt buộc trong những chính sách phát triển đều phải tính đến khía cạnh BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu, cả trong các chính sách về năng lượng hay chính sách về kinh tế - xã hội.

     Chúng ta cũng không thể tách rời những yêu cầu về an ninh năng lượng, giữa nguồn năng lượng tái tạo và không tái tạo.

     Chiến lược cũng không thể tách riêng vai trò từng khu vực và nền kinh tế mà đây là tổng thể của nền kinh tế hội nhập. Phải nói rằng, khi đặt ra yêu cầu cho phát triển nhanh thì cũng phải đặt ra yêu cầu cho phát triển bền vững. Khi nói về phát triển các ngành công nghiệp thì cũng phải tính đến tác động lan tỏa tới các ngành kinh tế khác, khi nói đến sự phát triển của các thành phần kinh tế nhà nước thì cũng hướng tới vai trò của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khối tư nhân.

     Vì vậy, những yếu tố để bảo đảm cho sự phát triển bền vững phải được đặt tổng thể trong bức tranh nền kinh tế của cả đất nước. Để giải quyết bài toán cụ thể về an ninh năng lượng cần phải đặt trong tổng thể các vấn đề an ninh khác

     PV: Thưa Bộ trưởng, sự ra đời của Nhóm đối tác năng lượng Việt Nam có ý nghĩa như thế nào trong việc giải quyết bài toán an ninh năng lượng?

     Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Đây là mối quan hệ rất có ý nghĩa với Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Công Thương nói riêng, cũng như với việc xây dựng, hoạch định chính sách trong lĩnh vực năng lượng. Các đối tác tham gia với Việt Nam trong diễn đàn đối thoại đều đến từ các quốc gia là đối tác quan trọng trong thương mại đầu tư và cả trong hợp tác kinh tế toàn diện.

     Ngoài ra, còn có sự góp mặt của hàng loạt đại diện của các tổ chức tài chính, tín dụng quốc tế của các nhà tài trợ khác đã có vị thế trong các chương trình hợp tác về ODA, đầu tư tư nhân cũng như các vấn đề hỗ trợ trong các chính sách phát triển của Việt Nam. Các quốc gia này đều có những chính sách, quan điểm rất tích cực và sự hài hòa trong chính sách quan hệ với các nước đang phát triển.

     Tôi cho rằng cơ chế đối thoại giữa Bộ Công Thương và các đối tác từ Liên minh châu Âu (EU), cũng như các tổ chức khác sẽ giúp Việt Nam có điều kiện nghiên cứu, tiếp cận bài học kinh nghiệm, thực tiễn, mang lại nhiều cơ hội quý trong xây dựng, hoạch định chính sách, thực thi chính sách về năng lượng nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung.

     Có 5 nhóm làm việc trong khuôn khổ đối thoại được nêu ra và thống nhất giữa Việt Nam và các nước đối tác. Nhóm thứ nhất làm việc về năng lượng tái tạo; Nhóm thứ hai làm việc về tiếp cận điện năng; Nhóm thứ ba làm việc về cải cách và cơ cấu lại các ngành năng lượng Việt Nam; Nhóm thứ tư tập trung vào các lĩnh vực về sử dụng và tiết kiệm năng lượng hiệu quả; Nhóm thứ năm tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về năng lượng.

     Có thể nói, cả 5 lĩnh vực này đã cấu thành những nội dung nền tảng quan trọng nhất trong chiến lược an ninh năng lượng của Việt Nam hiện nay cũng như trong tương lai. Hơn nữa, đối thoại còn giúp Việt Nam làm hài hòa và sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa với các đối tác chiến lược cũng như nhiều khu vực khác. Bên cạnh đó, thông qua khuôn khổ đối thoại, chúng ta còn có điều kiện xây dựng chính sách, chương trình chung để khai thác, sử dụng các nguồn viện trợ phát triển, thu hút đầu tư tư nhân phù hợp với các định hướng phát triển xanh của Việt Nam.

     Tôi tin rằng, với vai trò là đầu mối của EU trong cơ chế đối thoại, Việt Nam sẽ có điều kiện cụ thể hóa những yêu cầu về mặt chiến lược trong lĩnh vực năng lượng và nền kinh tế cũng như có điều kiện để cụ thể hóa thành chính sách trong thời gian tới.

     Xin cảm ơn Bộ trưởng!

 

Nhật Minh (Nguồn: chinhphu.vn)

 

Ý kiến của bạn