Banner trang chủ

Phát hiện 87 loài mới tại Việt Nam

08/02/2017

   Khu vực Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng là sinh cảnh của nhiều loài quý hiếm đang bị đe dọa trên thế giới, trong đó có hổ, sao la, voi châu Á, cá heo và cá tra khổng lồ sông Mê Công. Từ năm 1997, đã phát hiện 2.409 loài thực vật, chim, động vật có vú, cá, động vật lưỡng cư và bò sát tại khu vực.

   Năm 2015, các nhà khoa học đã phát hiện 163 loài mới (9 loài lưỡng cư, 11 loài cá, 14 loài bò sát, 126 loài thực vật và 3 loài động vật có vú) tại Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanma và Thái Lan), trong đó có tới 87 loài được phát hiện ở Việt Nam. Tại Việt Nam, các nhà khoa học tìm thấy một loài dơi có đám lông dày trên đầu và cánh. Bên cạnh đó là các phát hiện thú vị khác trên thế giới như loài chuối quý hiếm tại Thái Lan, loài ếch tí hon tại Campuchia, loài thằn lằn với bộ da đốm màu xanh nhạt cùng đôi mắt có khả năng nhìn xuyên bóng tối, ẩn mình trong các dãy núi của Lào...

Loài dơi được tìm thấy ở Tây Nguyên, Việt Nam

Loài ếch này phải mất 10 năm mới được khẳng định là loài mới

   Ông Jimmy Borah, Quản lý Chương trình Bảo tồn động thực vật doang dã của WWF-Greater Mekong cho biết: “Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng có một sức hút lớn đối với các nhà khoa học nghiên cứu về bảo tồn bởi nơi đây có độ đa dạng loài cao. Những nhà khoa học, những người anh hùng thầm lặng của ngành bảo tồn, đang phải chạy đua với thời gian để bảo vệ những loài mới được phát hiện trong khu vực”.

   Tuy nhiên, khu vực Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng hiện đang chịu áp lực bởi phát triển khai khoáng, giao thông, thủy điện - những yếu tố chính đe dọa tới sự tồn tại của các cảnh quan. Ngoài ra, nạn săn bắt phục vụ nhu cầu của thị trường thịt thú rừng và đường dây buôn bán trái phép các loài hoang dã trị giá hàng tỷ đô la đang tạo thêm áp lực cho các loài động, thực vật hoang dã trong khu vực.

   Là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao trong khu vực và việc phát hiện 87 loài mới trong năm 2015 cho thấy, Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn về giá trị đa dạng sinh học để các nhà khoa học tiếp tục khám phá. Tuy nhiên, đa dạng sinh học của Việt Nam đang phải đối mặt với nhu cầu tiêu thụ động, thực vật hoang dã lớn và nạn buôn bán trái phép trên toàn cầu. Ngoài ra, mất sinh cảnh sống và ô nhiễm cũng tác động tới các loài hoang dã của Việt Nam. Để bảo vệ các loài này, điều quan trọng cần phải làm đó là thắt chặt thực thi pháp luật, chấm dứt săn bắt trái phép, đóng cửa các thị trường buôn bán trái phép và trang trại nuôi nhốt động vật hoang dã, quý hiếm như hổ và gấu.

   Vừa qua, WWF tại Việt Nam đã khởi động Kế hoạch khẩn cấp bảo tồn voi rừng Yok Don trước nguy cơ tuyệt chủng. Sắp tới, WWF tại Việt Nam sẽ hỗ trợ TP. Huế thực hiện cam kết TP không tiêu thụ động vật hoang dã. Tại cấp khu vực, WWF cũng vừa khởi động một dự án với tham vọng phá vỡ đường dây buôn bán trái phép thông qua việc đóng cửa các thị trường trái phép lớn nhất tại Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng. Phối hợp cùng với các đối tác xuyên biên giới, WWF hướng tới giảm buôn bán trái phép các loài quan trọng như voi, hổ, tê giác thông qua thúc đẩy xây dựng luật pháp bảo vệ các loài, hỗ trợ hợp tác liên biên giới hiệu quả, nâng cao thực thi pháp luật tại các cửa khẩun

                Phương Ngân

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2017

Ý kiến của bạn