Banner trang chủ

Nuôi thú hoang dã - Mối đe dọa tiềm ẩn đối với con người và động vật

07/11/2016

   Quần thể các loài động vật có nguồn gốc từ Đông Nam Á như các loài khỉ, cu li, chim, cú, tắc kè, rùa… đang bị đe dọa bởi nạn mua bán thú nuôi. Mua bán thú nuôi hoang dã là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) bất hợp pháp trở thành mối đe dọa lớn đối với đa dạng sinh học.

Dân chơi chim Hà Thành với chú chim săn mồi có xuất xứ từ Mông Cổ - đại bàng hoàng kim

   Buôn bán ĐVHD ngày càng gia tăng

   Thời gian qua, hoạt động mua bán ĐVHD để làm vật nuôi tạo ra làn sóng khai thác không bền vững các loài ĐVHD trong tự nhiên. Mặc dù có sự biện luận là các con vật được gây nuôi trong môi trường nuôi nhốt và không ảnh hưởng tới quần thể của chúng ngoài tự nhiên, nhưng trên thực tế, hầu hết chúng được săn bắt từ tự nhiên.

   Từ năm 1975 - 2005, có khoảng 1.3 triệu cá thể vẹt xám châu Phi bị săn bắt làm vật nuôi và hậu quả là loài này đang phải đối diện với sự tuyệt chủng. Kỳ đà không tai của Malaixia được phát hiện vào năm 2012 và đang bị săn bắt, rao bán trên các diễn đàn online với số lượng lớn. Cũng như nhiều loài khác, kỳ đà không tai không thể sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt, vì vậy, chúng cần được bảo vệ bởi luật pháp quốc tế để tránh khỏi việc bị săn bắt làm thú nuôi.

   Ngoài ra, còn có rất nhiều loài chim trở thành thú nuôi phổ biến, nhưng không phải loài nào cũng được phép nuôi giữ. Những loài chim lớn như đại bàng và các loài chim ăn thịt khác rất khó để giữ trong môi trường nuôi nhốt, bởi chúng đã quen sải cánh trong không gian rộng lớn.

   Theo ghi nhận của Công ước về Buôn bán động, thực vật hoang dã quốc tế (CITIES), từ năm 1998 - 2007, có khoảng 35 triệu động vật của Đông Nam Á bị xuất khẩu sang các quốc gia khác trên thế giới và 30 triệu động vật có nguồn gốc hoang dã như cá ngựa, các loài bò sát, chim và động vật có vú. Buôn bán ĐVHD đang phát triển với tốc độ leo thang và đe dọa tới sự sống còn của rất nhiều loài.

   Mối đe dọa tiềm ẩn đối với con người và động vật

   ĐVHD rất khác so với vật nuôi và tình trạng nuôi nhốt sẽ làm cho nhu cầu sinh học của chúng không được đáp ứng. Nhiều vật nuôi hoang dã có thể ủ mầm bệnh và dễ dàng lây sang con người. Hầu hết, các loài khỉ mang vi rút herpes B - một loại vi rút có thể gây chết người; rùa và một số loài bò sát có thể mang vi khuẩn salmonella - một vi khuẩn có thể gây bệnh truyền nhiễm, đặc biệt cho trẻ em; vẹt và các loài chim khác cũng có thể lây truyền một số bệnh sang người, trong đó có bệnh cúm gia cầm. Phần lớn, các căn bệnh mới hiện nay đều do động vật lây truyền cho con người. Ngoài ra, khi các loài ĐVHD trở thành gánh nặng đối với chủ nhân của chúng, thì sẽ có thiên hướng được thả trở lại tự nhiên. Điều này rất nguy hiểm bởi chúng có thể truyền bệnh cho con người và các loài bản địa. Chúng có thể gây nguy hiểm do là loài hoang dã, chưa được thuần phục, mặc dù bị nuôi nhốt trong nhiều năm.

   Mặt khác, nuôi nhốt ĐVHD cũng gây ra những tổn thương đối với thể chất và tinh thần của chúng. Rất nhiều trường hợp động vật nuôi nhốt khi được giải cứu đều trong tình trạng sức khỏe xấu. Chỉ trong điều kiện nuôi dưỡng chuyên nghiệp, đầy đủ cơ sở vật chất, các loài ĐVHD mới được đảm bảo về sức khỏe. Thậm chí, kể cả khi các loài có nguồn gốc hoang dã có thể sống trong môi trường nuôi nhốt và không đòi hỏi chăm sóc công phu, thì việc nuôi giữ các loài này vẫn gây ra nhiều mối đe dọa đối với quần thể của chúng ngoài tự nhiên. Buôn bán thú nuôi từ hoang dã còn tạo ra một xu hướng trong xã hội rằng sở hữu thú nuôi hoang dã là hoàn toàn bình thường. Vì thế, nuôi giữ ĐVHD sẽ thúc đẩy nạn buôn bán và săn bắt những loài này trong tự nhiên.

   ĐVHD, không như các loài thuần dưỡng, có vai trò sinh thái riêng. Khi số lượng quần thể một loài hoang dã giảm xuống một mức độ nhất định nào đó được xem là tuyệt chủng về mặt sinh thái - có nghĩa là quần thể của chúng quá nhỏ để thực hiện vai trò sinh thái. WWF tại Việt Nam kêu gọi người dân không sở hữu một số loài hoang dã. Việc nuôi giữ chúng trong nhà sẽ không phù hợp và ngăn cản nỗ lực bảo vệ chúng trong tự nhiên.

            Nguyễn Phương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2016)

Ý kiến của bạn