Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Những thách thức đối với bảo tồn rùa biển tại Việt Nam

12/08/2014

     Rùa biển là một trong những nhóm sinh vật cổ xưa nhất trên trái đất, xuất hiện cách đây khoảng 100 - 150 triệu năm. Trải qua hàng loạt các biến cố thay đổi điều kiện tự nhiên của Trái đất, phần lớn các loài bò sát trong đó có khủng long đã bị tuyệt chủng thì rùa biển vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Hiện tại, tổng số loài rùa biển trên thế giới là 7 loài (vích, đồi mồi, đồi mồi dứa, rùa Kempi, quản đồng, rùa lưng phẳng và rùa da) thuộc hai họ Cheloniidae và Dermochelyidae. Tất cả các loài rùa biển đều phân bố tại khu vực nhiệt đới và á nhiệt đới, tại các vùng biển ấm và nóng ở hầu hết các đại dương, trong đó có Việt Nam. Riêng loài rùa lưng phẳng chỉ phân bố tại khu vực Đông và Đông Bắc nước Ôxtrâylia và rùa Kempi chỉ phân bố tại khu vực vịnh Mêxicô.

 

 

Loài vích tại Côn Đảo

 

     Hiện trạng rùa biển tại Việt Nam

     Tại Việt Nam, đã xác định được 5 loài rùa biển đang sinh sống, đó là các loài vích, quản đồng, đồi mồi dứa, đồi mồi, rùa da.

     Quản đồng

     Loài này không sinh sản tại vùng biển Việt Nam và thường xuất hiện tại các vùng biển khu vực Cô Tô - Thanh Lân (Quảng Ninh), các tỉnh Nam Trung bộ (từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận) và các đảo khu vực Côn Đảo. Tuy không có đủ thông tin để đánh giá số lượng loài quản đồng vẫn giữ nguyên hay suy giảm tại vùng biển Việt Nam, nhưng theo những kết quả khảo sát thực địa và phỏng vấn ngư dân, số lượng loài này bắt gặp ngoài tự nhiên đang suy giảm đáng kể.

     Đồi mồi

     Đầu thế kỷ 20, loài này đã từng rất phổ biến ở vùng biển Việt Nam, tuy nhiên hiện nay số lượng ước tính chỉ còn khoảng 500 con lên đẻ tại các đảo khu vực vịnh Bắc bộ, vịnh Thái Lan và Côn Đảo. Việc chế tác các sản phẩm đồi mồi đã trở thành nghề truyền thống ở nhiều địa phương và mang lại thu nhập cao cho người dân. Hiện nay, số lượng đồi mồi lên đẻ và kiếm ăn tại vùng biển Việt Nam còn rất ít, nếu không có những biện pháp tích cực ngăn cấm việc đánh bắt hay buôn bán chúng, thì rất có thể đồi mồi sẽ bị tuyệt chủng tại vùng biển Việt Nam trong thời gian tới.

     Đồi mồi dứa

     Phân bố của loài này tập trung tại các khu vực như vịnh Bái Tử Long và các tỉnh miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Phú Yên). Hiện nay chỉ còn khoảng 10 con lên đẻ mỗi năm tại một số bãi biển thuộc khu vực Bái Tử Long (đảo Quan Lạn, Ngọc Vừng), bán đảo Sơn Trà (TP. Đà Nẵng) và tỉnh Quảng Bình. Đặc biệt tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), sau khi hoàn thành tuyến đường chạy xung quanh bán đảo và phát triển các khu nghỉ dưỡng tại các bãi biển thì đồi mồi dứa đã không còn xuất hiện nữa.

     Vích

     Là loài phổ biến nhất tại vùng biển Việt Nam, chúng sinh sản tại rất nhiều bãi biển ven bờ và các đảo. Vào những năm 70, ước tính số lượng Vích lên đẻ hàng năm vào khoảng 100 con tại các đảo ở vịnh Bắc bộ, 500 con tại ven bờ và các đảo ở Nam Trung bộ (Quảng Nam đến Ninh Thuận), 180-300 con tại Côn Đảo và 100 con tại các đảo ở vịnh Thái Lan. Nhưng theo những khảo sát gần đây, số lượng vích đã và đang bị suy giảm tại tất cả các khu vực ngoại trừ Côn Đảo. Hiện nay, ngoài khu vực Côn Đảo số lượng rùa mẹ lên đẻ trứng vẫn duy trì ổn định với số lượng khoảng 300 con mỗi năm, các khu vực khác đều có số lượng rất ít (Ninh Thuận 10 con/năm, Bình Định 4-5 con/năm, Bình Thuận 4-5 con/năm, Bái Tử Long và Cô Tô 10 con/năm).

     Rùa da

     Đây là loài phổ biến tại vùng biển Việt Nam cách đây hơn 30 năm, số lượng đẻ trứng hàng năm khoảng 500 con. Nhưng theo những báo cáo gần đây cho thấy, hiện nay rùa da đã bị suy giảm nghiêm trọng, chỉ còn khoảng 1- 2 con đẻ trứng mỗi năm tại khu vực miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, các khu vực khác hầu như không có. Các địa phương hiện còn ghi nhận loài rùa da sinh sản là Quảng Trị (tháng 6/2014) và Khánh Hòa (tháng 6/2013).

     Các thách thức đối với bảo tồn rùa biển

     Rùa biển có tuổi thọ cao (từ 60 - 100 năm) và vòng đời rất phức tạp, mỗi giai đoạn lại yêu cầu một sinh cảnh sống khác nhau như bãi cát, thảm cỏ biển, rạn san hô, rạn đá, vùng nước sâu. Tuy số lượng ổ trứng và số trứng trong một ổ cao nhưng tỷ lệ tử vong ở giai đoạn con non rất lớn (lên đến 60%), nên ước tính chỉ 1/1000 con non có thể sống sót đến giai đoạn trưởng thành. Do đó, nếu rùa trưởng thành bị tận diệt và trứng của chúng bị lấy hết thì quần thể đó sẽ bị tiêu diệt sau một vài thập kỷ. Tại Việt Nam, rùa biển mới chỉ được đưa vào trong danh mục các loài cấm khai thác từ những năm 90 của thế kỷ trước và hiện tại việc bảo vệ rùa biển ở nhiều địa phương còn nhiều hạn chế. Điều này góp phần làm cho quần thể rùa biển tại Việt Nam bị thu hẹp cả về số loài cũng như số lượng cá thể trong từng loài. Những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này như sau:

     Đánh bắt rùa biển không chủ ý

     Theo tập tục và tín ngưỡng của phần lớn ngư dân, đặc biệt là từ các tỉnh miền Trung và miền Bắc, rùa biển là loại sinh vật cần kiêng cữ. Trước đây, khi bắt gặp rùa biển hoặc rùa bị vướng lưới, ngư dân thường thả trở lại biển. Rùa biển không phải là đối tượng khai thác mà chỉ là các sản phẩm phụ do bị vô tình mắc lưới và chết. Các nghề gây chết rùa biển nhiều nhất là giã cào, lưới vây và câu cá ngừ đại dương. Nghề giã cào thường hoạt động tại khu vực nước ven bờ, đặc biệt là trong các thảm cỏ biển, còn nghề lưới vây và câu cá ngừ hoạt động ở các khu vực nước sâu xa bờ. Do đó, phần lớn vích thường bị đánh bắt không chủ ý do nghề giã cào còn các loài khác thường do lưới vây và câu cá ngừ. Trong một mùa đi biển, mỗi tàu thường hoạt động 3 - 4 chuyến. Vì thế, tổng số lượng rùa biển có thể bị đánh bắt không chủ ý do nghề câu cá ngừ trên toàn vùng biển Việt Nam khoảng 1.000 cá thể/năm.

     Thu nhặt trứng và bắt rùa mẹ lên đẻ

     Trong một thời gian dài, người dân sống tại khu vực ven biển (đặc biệt là những người không làm nghề biển) đã coi rùa biển là loại thức ăn thay thế quan trọng. Qua kết quả phỏng vấn người dân, gần như 100% số rùa mẹ lên đẻ và trứng của chúng (nếu bị phát hiện) đều bị bắt và giết thịt. Thời gian gần đây, do công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về việc bảo vệ rùa biển nên chúng không còn bị đánh bắt công khai, tuy nhiên, ở nhiều địa phương rùa mẹ và trứng vẫn bị đánh bắt và thu nhặt một cách bất hợp pháp.

     Phát triển cơ sở hạ tầng ven biển và ô nhiễm rác thải

     Các hoạt động kinh tế như nuôi tôm trên cát, khai thác cát, phát triển du lịch, rác thải và phát triển cơ sở hạ tầng tại vùng ven biển là những nguyên nhân chính gây nên tác động tiêu cực đến nơi sinh sản của rùa biển. Ngoài ra, sự gia tăng tiếng ồn và ô nhiễm biển như: dầu thải, rác thải (túi ni lông, lưới hỏng...) đã tác động tới các quần thể rùa biển và các loài khác khi chúng ăn, bị vướng phải, bị thương, bị tắc hệ thống tiêu hóa hay làm giảm diện tích nơi kiếm ăn và sinh sản. Những yếu tố này cũng góp phần làm tăng tỷ lệ rùa biển bị tử vong tại Việt Nam. Rác thải ở biển không chỉ ảnh hưởng đến rùa biển mà còn đe dọa đến sức khỏe của hệ sinh thái biển và các ngành công nghiệp liên quan như du lịch và khai thác hải sản.

     Suy thoái nơi sinh sống, suy giảm số lượng và diện tích bãi đẻ của rùa biển

     Các rạn san hô ở Việt Nam bị tàn phá do khai thác thủy sản bằng chất nổ và chất độc xyanua, các thảm cỏ biển và rừng ngập mặn bị khai thác cạn kiệt, lắng đọng trầm tích làm cho rùa biển suy giảm chất lượng sinh sản do không tích lũy đủ năng lượng cho chu kỳ sinh sản tiếp theo: thời gian giữa hai mùa sinh sản sẽ tăng lên, số lượng trứng và con non giảm đi và chất lượng trứng và con non cũng sẽ bị suy giảm.

 

 

Diện tích bãi đẻ của rùa biển bị mất tại Côn Đảo do nước biển dâng theo các kịch bản BĐKH

 

     Trong những năm gần đây, các cơ quan chính phủ và tổ chức quốc tế, phi chính phủ đã có những nỗ lực rất lớn nhằm ngăn chặn việc sử dụng các phương pháp khai thác hải sản mang tính hủy diệt và đã có các phương án bảo vệ, sử dụng hợp lý các hệ sinh thái biển và vùng ven biển. Tuy nhiên, cần phải có thời gian rất dài để các hệ sinh thái này có thể khôi phục được trạng thái ban đầu.

     Buôn bán, tiêu thụ trái phép rùa biển và các sản phẩm từ rùa biển

     Phần lớn các cá thể vích và đồi mồi bị đánh bắt và buôn bán một cách bất hợp pháp để chế tạo đồ trang sức, mỹ nghệ và mẫu nhồi. Ngoài ra, còn có các hoạt động buôn bán bất hợp pháp như: bán các sản phẩm rùa biển có tổ chức, nhập khẩu lậu mai rùa từ các nước khác ngoài chợ đen và một số lượng đáng kể các sản phẩm từ mai rùa đã được bán cho thương lái người nước ngoài ngay tại biển ngoài hải phận quốc tế.

     Công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) nói chung và rùa biển nói riêng còn nhiều bất cập.

     Sự phối hợp liên ngành, phân chia trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và một số quy định của pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học còn chồng chéo. Theo quy định của Luật ĐDSH (2008), Bộ TN&MT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về ĐDSH (Điều 6 khoản 2). Tuy nhiên, hiện tại, công tác bảo tồn rùa biển tại Việt Nam chủ yếu do các Ban quản lý Vườn quốc gia, Khu bảo tồn biển và các Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các địa phương có biển (thuộc Bộ NN&PTNT) thực hiện. Cùng là một đối tượng bảo tồn như các loài rùa biển lại bị chi phối bởi nhiều bộ luật quản lý như Luật Thủy sản, Luật ĐDSH, Luật BVMT… với nhiều cơ quan thực thi khác nhau đã làm cho trong quá trình thực hiện gặp nhiều trở ngại.

     Bên cạnh đó, nguồn lực (nhân lực, vật lực) để thực hiện công tác bảo tồn ĐDSH nói chung và rùa biển nói riêng còn mỏng, đặc biệt là tại cấp địa phương. Tại các khu bảo tồn có rùa biển lên đẻ như Vườn quốc gia Côn Đảo, Vườn quốc gia Núi Chúa, lực lượng kiểm lâm vừa bảo vệ rừng, đồng thời thực hiện công tác bảo vệ các khu vực biển và đất ngập nước, nên hiệu quả công tác bảo tồn rùa biển chưa cao. Đặc biệt, bảo tồn rùa biển yêu cầu thời gian thực hiện lâu dài (sau thời gian 30 - 40 năm) nhưng lại đòi hỏi nguồn kinh phí lớn cho việc trang bị các thiết bị, dụng cụ và duy trì tuần tra hàng đêm trong thời gian dài (6 tháng/năm trong mùa sinh sản của rùa biển). Do đó, sự thiếu hụt nguồn tài chính bền vững để duy trì công tác bảo vệ rùa biển đã gây khó khăn không nhỏ cho những người làm công tác bảo vệ rùa biển.

     Biến đổi khí hậu và nước biển dâng

     Giới tính của rùa biển phụ thuộc nhiệt độ môi trường trong giai đoạn ấp trứng, nhiệt độ ấp càng cao thì càng nhiều con cái sinh ra, nhiệt độ thấp thì nhiều con đực được sinh ra. Các quần thể rùa biển có nhiệt độ ấp cân bằng giới tính là tương tự như nhau từ 29,3 - 29,4oC. Theo các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại Việt Nam, đến năm 2100, phần lớn rùa biển sinh ra tại các bãi đẻ hiện tại (Côn Đảo và Núi Chúa) sẽ mang giới tính cái. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cân bằng giới tính của quần thể rùa biển ngoài tự nhiên. Bên cạnh đó, nước biển dâng làm mất phần lớn diện tích các bãi đẻ tại Côn Đảo, nơi có độ cao bãi thấp và là khu vực rùa biển lên đẻ lớn nhất tại Việt Nam.

 

Chu Thế Cường

Viện TN&MT Biển, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 7/2014

 

 

 

 

Ý kiến của bạn