Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Những lợi ích to lớn và lâu dài của xây dựng công trình xanh và đề xuất các giải pháp phát triển

06/01/2015

     Nhiều nhà khoa học xây dựng trên thế giới đã ước tính: xây dựng và sử dụng các tòa nhà tiêu thụ gần 1/2 nguyên vật liệu và năng lượng được khai thác và sản xuất của thế giới; Sử dụng 1/6 lượng nước sạch và 1/4 lượng gỗ khai thác. Hiện nay tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm, môi trường bị ô nhiễm, năng lượng đứng trước nguy cơ khủng hoảng, BĐKH… trước tình hình đó, loài người phải thay đổi cách sống và phát triển bền vững. Xây dựng Công trình xanh (CTX) ở Việt Nam theo hướng phát triển bền vững, thực hiện “Chiến lược quốc gia về TTX thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”, đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/9/2012.

     Năm 1999, Chủ tịch Hội đồng CTX Mỹ Richard Fedrizzi đã viết: “Cuộc cách mạng CTX đang diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc. Nó đang làm biến đổi thị trường nhà đất và lối sống của cộng đồng và là một phần của cuộc cách mạng phát triển bền vững rộng lớn, có thể biến đổi mọi thứ mà chúng ta đang có. Cuộc cách mạng này làm thay đổi môi trường xây dựng bằng cách tạo ra hiệu quả sử dụng năng lượng, sức khỏe, các công trình hữu ích để giảm tối thiểu tác động đáng kể của công trình lên cuộc sống đô thị và lên môi trường của địa phương, khu vực và toàn cầu”.

 

     Hình 1.Công trình President Palace (TP. HCM) được Hội đồng CTX Mỹ cấp chứng chỉ CTX mức vàng

 

     Xu hướng phát triển CTX được khởi đầu từ năm 1990 ở Anh và năm 1991 ở Mỹ. Năm 1993 xu hướng này đã trở thành trào lưu phát triển xây dựng xanh (phát triển CTX, đô thị xanh) ở Mỹ, Canađa và một số nước phát triển, đến nay trào lưu phát triển CTX đã lan ra ở hơn 100 nước trên thế giới.

     Ở châu Á, Singapo là nước dẫn đầu về phát triển CTX, năm 2005 Singapo mới ban hành bộ tiêu chí đánh giá CTX (Green Mark), năm 2006 đã xây dựng xong Kế hoạch quốc gia về phát triển CTX đến năm 2030. Thực hiện Kế hoạch này, năm 2008 tất cả các công trình xây dựng mới hay cải tạo nâng cấp có diện tích từ 2000 m2 trở lên đều được thiết kế và xây dựng theo tiêu chí CTX. Theo Kế hoạch trên, đến năm 2030 tối thiểu 80% các công trình xây dựng bằng vốn đầu tư của nhà nước và tư nhân phải đạt tiêu chí CTX, tiết kiệm khoảng 35% năng lượng so với năm 2005. Hiện nay Singapo đã trở thành một thành phố xanh nổi tiếng trên thế giới.

     Sở dĩ trào lưu CTX trên thế giới phát triển nhanh và mạnh như vậy vì thực tế đã chứng minh CTX mang lại lợi ích rất to lớn và lâu dài về kinh tế - xã hội, BVMT, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, an toàn sức khỏe, thích ứng với BĐKH.

     Các lợi ích của xây dựng công trình xanh

     Lợi ích về kinh tế

     Theo ước tính, ở Việt Nam nếu sử dụng các biện pháp thiết kế kiến trúc truyền thống thì chi phí đầu tư cho CTX chỉ bằng hoặc thấp hơn chi phí đầu tư cho công trình xây dựng thông thường. Nên sử dụng các biện pháp thiết kế kiến trúc và kết hợp với trang thiết bị nội thất hiện đại thì chi phí đầu tư CTX cao hơn công trình thông thường cùng loại trung bình khoảng 5%, cao nhất khoảng 15%, nhưng chi phí vận hành sử dụng CTX sẽ tiết kiệm hơn công trình thông thường từ 20-30% do tiết kiệm sử dụng năng lượng, nước sạch và các chi phí khác. Do đó, chỉ sau 4-5 năm vận hành CTX, số tiền tiết kiệm có thể bù đắp vốn đầu tư. Từ năm thứ 5 trở đi và lâu dài về sau tổng lợi ích tiết kiệm chi phí vận hành ngày càng lớn.

     Lợi ích về ưu đãi thuế đối với các CTX

     Ở hầu hết các nước đã phát triển CTX đều thực hiện chính sách ưu đãi giảm thuế để khuyến khích việc thiết kế và xây dựng các CTX tiết kiệm năng lượng.

     Năng suất lao động được cải thiện, giảm số ngày ốm nghỉ việc, do đó thu nhập của người lao động ở trong các CTX tăng hơn ở trong các công trình thông thường khoảng 5%.

     CTX có giá trị thị trường cao hơn nhà thông thường, vì hiệu quả sử dụng năng lượng và nước sạch cao, chất lượng môi trường sống tốt hơn, chi phí vận hành thấp và có tính bền vững, được khách hàng ưa chuộng, cho nên nhà đầu tư thu được nhiều lợi ích kinh tế.

     Một lợi ích gián tiếp do các CTX mang lại là giảm nhu cầu về các tiện ích sinh hoạt đô thị, như là cấp điện, cấp khí đốt và nước sạch. Điều này dẫn đến chi phí tiện ích đô thị thấp hơn trong dài hạn (không cần phải mở rộng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị về cấp điện, cấp khí đốt, cấp nước, thoát nước). Đây là lợi ích công cộng, nhà đầu tư CTX không trực tiếp hưởng thụ lợi ích này.

     Lợi ích về mặt sức khỏe và xã hội

     Người sống và làm việc trong các CTX sẽ có sức khỏe tốt hơn: Hội chứng bệnh sống trong nhà đóng kín cửa, sử dụng điều hòa không khí và ánh sáng điện ban ngày, như là đau đầu, chóng mặt, toàn thân mệt mỏi, trầm cảm… là một vấn đề nan giải trong nhiều thập kỷ qua. Cơ quan BVMT Mỹ ước tính, ô nhiễm không khí trong nhà đóng kín có thể tồi tệ hơn từ 2 đến 5 lần, đôi khi tới 100 lần so với chất lượng không khí ngoài trời. Trong số 146.400 trường hợp tử vong ung thư phổi vào năm 1995, có 21.100 trường hợp đã được xác định liên quan đến ô nhiễm khí radon bên trong các tòa nhà. Khoảng 20 triệu người (trong đó hơn 6 triệu trẻ em) bị hen suyễn, có thể bị kích hoạt bởi các chất ô nhiễm trong nhà thường được tìm thấy trong các nhà không phải là CTX, chi phí y tế điều trị bệnh cho những người này ở Mỹ đã lên tới hàng triệu USD mỗi tháng. Sống và làm việc trong các CTX tránh được những vấn đề ô nhiễm và “sick building” như trên do sử dụng các hệ thống thông gió lành mạnh, tận dụng ánh sáng tự nhiên và sử dụng vật liệu xây dựng nội thất không độc hại.

     Cải thiện chất lượng cuộc sống của dân cư: Giúp dân cư sống cảm thấy dễ chịu, thoải mái, tiện lợi, bởi sống trong môi trường không khí không bị ô nhiễm, an toàn sức khỏe, cộng đồng dân cư sống được tăng cường chia sẻ tất cả các vấn đề xã hội, kinh tế và môi trường.

     Lợi ích về môi trường

     Do sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là phát triển sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, gió, địa nhiệt, năng lượng sinh học…) cho nên CTX sẽ có tác dụng làm giảm thiểu tới khoảng 30% phát thải “khí nhà kính, khí ô nhiễm” của ngành xây dựng, nguyên nhân gây ra BĐKH và mưa axit.

 

Hình 2. Khu đô thị sinh thái Ecopark tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên được Hội Kiến trúc sư Việt Nam công nhận là 1 trong 11 “Công trình KTX Việt Nam” năm 2012

 

     Chống lại hiện tượng “đảo nhiệt” trong đô thị: CTX thường được che phủ bằng cây xanh ở xung quanh nhà, trên mặt tường, trên mái nhà và cả ở không gian trong nhà, đồng thời CTX phát thải nhiệt thừa ít, do đó các đô thị được hình thành từ các CTX thì sẽ không xảy ra hiện tượng “đảo nhiệt”.

     Tái chế sử dụng nước mưa, nước xám trong CTX và đô thị xanh, tăng cường bề mặt thấm nước, sẽ tiết kiệm tài nguyên nước, giảm dòng chảy sói lở và úng ngập đô thị, chống ô nhiễm nguồn nước mặt.

     Phát triển CTX ở Việt Nam chậm hơn các nước trên thế giới khoảng 15 - 20 năm

     Trong khi trên thế giới đang diễn ra cuộc cách mạng xanh sôi nổi trong ngành xây dựng-kiến trúc để ứng phó với BĐKH, khủng hoảng năng lượng, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên thì ở nước ta còn đang ở giai đoạn khởi đầu của phát triển CTX (chậm hơn các nước khoảng 15-20 năm). Cho đến nay, Việt Nam chưa có chiến lược, kế hoạch hay một văn bản pháp luật quốc gia nào quy định về phát triển CTX, trừ trường hợp Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn quốc gia QCVN 09:2013/BXD- Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả, đây là tiêu chí quan trọng nhất đối với CTX.

     Vào năm 2007, Hội đồng CTX Việt Nam (VGBC) đã được thành lập. VGBC do một nhóm người Mỹ và Việt kiều ở Mỹ đứng ra thành lập với sự tài trợ của Quỹ thành phố Xanh của bang California (Mỹ). Như vậy, VGBC thực chất là một tổ chức NGO của người nước ngoài được phép hoạt động ở Việt Nam. VGBC đã xây dựng được các bộ tiêu chí LOTUS để đánh giá và công nhận CTX ở Việt Nam. Cho đến nay, VGBC đã tiến hành đánh giá và cấp chứng chỉ CTX LOTUS cho khoảng 3-4 dự án xây dựng, chủ yếu là các dự án đầu tư có yếu tố nước ngoài.

     Hội Kiến trúc sư Việt Nam rất quan tâm đến việc phát triển kiến trúc xanh (KTX) ở Việt Nam. Năm 2011, Hội Kiến trúc sư đã thành lập Hội đồng KTX, đã phát động cuộc tuyển chọn và công nhận 11 công trình KTX đầu tiên vào năm 2012. Hình 2, Khu đô thị sinh thái Ecopart ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên là 1 trong 11 “Công trình KTX”. Công trình KTX do Hội Kiến trúc sư công nhận được đánh giá cao về sáng tạo các giải pháp KTX.

     Cũng vào năm 2011, Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam thành lập Hội đồng Xây dựng xanh (GBCVietnam). GBCVietnam đã tư vấn cho Bộ Xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển CTX, dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá CTX; Xét, công nhận cấp chứng chỉ CTX cho một công trình của Công ty Vigracera.

     Sự lan tỏa của trào lưu phát triển CTX từ Mỹ vào Việt Nam không chỉ do sự đóng góp của VGBC, mà còn chính do Hội đồng CTX Mỹ (USGBC) trực tiếp tiến hành xét công nhận CTX ở Việt Nam, như là cấp chứng chỉ CTX theo tiêu chí LEED Vàng vào cuối năm 2012 cho Trụ sở Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (TP. HCM) và Trụ sở Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam (tỉnh Đồng Nai). Tháng 7/2013, Công trình President Palace (tòa nhà văn phòng cho thuê gồm 3 tầng hầm để xe và 12 tầng nổi bên trên mặt đất - Hình 1) tại trung tâm TP.HCM được USGBC cấp chứng nhận LEED Vàng (mức xanh 2).

     Kiến nghị các giải pháp đẩy mạnh phát triển CTX ở Việt Nam

     Để khắc phục tình hình lạc hậu về phát triển CTX của Việt Nam theo kịp trình độ các nước xung quanh, xin kiến nghị một số giải pháp sau:

     Ban hành đầy đủ các văn bản pháp luật có liên quan để phát triển CTX

     Nhà nước cần phải nhanh chóng xây dựng và ban hành đầy đủ các văn bản pháp luật, như là Chiến lược, Kế hoạch phát triển CTX, bộ Tiêu chí CTX và các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn thiết kế xây dựng CTX, các chính sách ưu tiên, ưu đãi có liên quan nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho phát triển CTX ở Việt Nam.

     Tạo lập và phát triển thị trường bất động sản CTX ở Việt Nam

     Muốn phát triển xây dựng các CTX ở Việt Nam một cách mạnh mẽ và vững chắc thì trước tiên phải tạo lập và phát triển thị trường bất động sản về CTX. Cần phải tiến hành tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong cộng đồng về CTX, làm cho mọi người hiểu biết các điểm ưu việt về kiến trúc xanh, đặc biệt là những lợi ích to lớn và lâu dài của CTX đem lại đối với người bỏ vốn đầu tư xây dựng công trình, đối với người mua, người bán hay thuê CTX. Nhà nước cần phải đề ra các cơ chế chính sách khuyến khích và ưu đãi để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đầu tư phát triển CTX, tạo ra thị trường bất động sản sôi động về CTX.

     Xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí CTX để làm cơ sở thiết kế CTX, cũng như để đánh giá và cấp chứng chỉ CTX

     Cần phải xây dựng và công bố rộng rãi hệ thống tiêu chí đánh giá và công nhận CTX để làm căn cứ lựa chọn phương án thiết kế và xây dựng CTX phù hợp, đồng thời cũng là cơ sở phân tích đánh giá, công nhận và cấp chứng chỉ CTX của Việt Nam. Hệ thống tiêu chí CTX phải có tính khả thi, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

     Thực hiện chính sách bắt buộc các công trình được đầu tư bằng vốn ngân sách của Nhà nước cần được thiết kế và xây dựng đạt các tiêu chí CTX

     Chủ trương đầu tư “ăn xổi ở thì” vốn được coi là một trở ngại lớn đối với sự đầu tư vào xây dựng CTX trong khu vực tư nhân. Vì vậy, Nhà nước cần đi tiên phong trong việc xây dựng các công trình đạt các tiêu chí CTX. Các công trình được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước, như các công sở, các trường học, bệnh viện, công trình công cộng… được thiết kế và xây dựng theo các tiêu chí CTX làm “hạt nhân”, động lực thúc đẩy để các doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất và cộng đồng tham gia tích cực vào sự nghiệp phát triển CTX.

     Xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi và khuyến khích phát triển CTX

     Khuyến khích, ưu đãi về vật chất: Nhà đầu tư cũng như người mua CTX được ưu tiên vay vốn, vay vốn với lãi suất thấp; Nhà đầu tư được giảm trừ một số loại thuế đối với CTX; Cho phép xây dựng tăng thêm diện tích sàn hoặc số tầng nhàđối với các CTX.

     Khuyến khích phi vật chất: Nhà nước xét chọn, công nhận và cấp chứng chỉ bạc, vàng, kim cương và khen thưởng cho các chủ đầu tưCTX; Trao giải thưởng thiết kế sáng tạo CTX; Ưu tiên hoặc hỗ trợ cấp phép đầu tư, rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng đối với CTX.

     Thiết kế và đầu tư xây dựng thí điểm mô hình mẫu CTX

     Thực hiện một số dự án thiết kế và xây dựng thí điểm mô hình mẫu CTX với sự tuân thủ triệt để các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia và các tiêu chí về CTX như hiệu quả sử dụng nước và sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, nhằm mở rộng phạm vi hiệu quả về mặt môi trường…

     Đào tạo và nâng cao nguồn nhân lực thiết kế và công nghệ xây dựng CTX

     Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, muốn phát triển CTX nhanh và bền vững cần nỗ lực đào tạo, bổ túc kiến thức đối với các kiến trúc sư, các kỹ sư xây dựng và các thế hệ kỹ sư xây dựng tương lai về các kỹ năng và nguyên tắc thiết kế và công nghệ xây dựng CTX. Từ đó, hình thành một đội ngũ chuyên gia năng động về thiết kế và công nghệ xây dựng CTX, làm nền tảng cho sự thành công của phát triển các sáng kiến về CTX của Việt Nam.

     Tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế trong phát triển CTX

     Tăng cường hợp tác với tất cả các nước, các tổ chức quốc tế trong phát triển CTX ở Việt Nam, đặc biệt là tăng cường hợp tác với Hội đồngCTX thế giới và Hội đồng CTX của các nước trong ASEAN.

 

GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng

Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam

Nguồn: Chuyên đề Tăng trưởng xanh - Tạp chí Môi trường 2014

 

 

Ý kiến của bạn