Banner trang chủ

Nhà khoa học trẻ say mê nghiên cứu và bảo tồn các loài thực vật

29/11/2016

   Đam mê nghiên cứu khoa học, ThS. Phạm Văn Thế công tác tại Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) không chỉ nghiên cứu bảo tồn các loài thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng mà còn phát hiện nhiều loài hoa mới cho khoa học Việt Nam. Với 42 đề tài, dự án nghiên cứu; xuất bản 54 công trình khoa học, một cuốn sách tiếng Anh tại Đức và 21 bài báo quốc tế, ThS. Phạm Văn Thế là một trong 10 nhà khoa học trẻ được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Giải thưởng khoa học kỹ thuật (KHKT) Thanh niên Quả cầu vàng năm 2015.

ThS. Phạm Văn Thế (thứ 3 từ trái sang) nhận Giải thưởng KHKT Thanh niên Quả cầu vàng năm 2015 

   Sinh ra và lớn lên ở vùng Chí Linh (Hải Dương), ngay từ nhỏ, Phạm Văn Thế đã gắn bó với rừng nên quyết định thi vào Trường Đại học Lâm nghiệp. Nhưng sau khi tốt nghiệp, anh không chọn nghề kiểm lâm mà chuyển sang học thạc sĩ chuyên ngành thực vật học. Với tính cách thích phiêu lưu, mạo hiểm nên việc khám phá những cánh rừng nguyên sơ đã mang lại nhiều cảm xúc mới lạ cho anh. Qua những chuyến đi rừng, anh đã phát hiện nhiều loài thực vật như pơ mu, sa mộc, bách xanh, lan hài đang bị suy giảm nghiêm trọng, do con người khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức và nạn phá rừng. Đặc biệt, anh cùng các đồng nghiệp đã nghiên cứu đặc điểm hình dạng, kích thước, quá trình sinh trưởng của loài lim xanh để tìm ra phương pháp bảo tồn phù hợp.

   Ngoài ra, anh và các đồng nghiệp đã nghiên cứu bảo tồn cây hoàng đàn, loài thực vật quý hiếm bị đe dọa tuyệt chủng toàn cầu tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên, Hữu Lũng (Lạng Sơn). Hoàng đàn là giống cây gỗ quý hiếm và có giá trị kinh tế cao, mỗi kg gỗ trị giá 1 - 2 triệu đồng. Cây gỗ có mùi thơm, tinh dầu có tác dụng chữa bệnh khớp. Trong những năm gần đây, cây hoàng đàn đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, do bị khai thác quá mức. Các nhà khoa học đã khảo sát, trong Khu bảo tồn chỉ còn 20 - 30 cây con. Để bảo tồn loài cây này, anh và các đồng nghiệp đã nhân giống cây hoàng đàn thành công, phát triển tốt trong vườn của người dân địa phương, có thể trồng lại trong tự nhiên.

   Bên cạnh đó, anh còn tìm ra và công bố nhiều chi, loài thực vật mới cho khoa học, là nguồn gen quý, đặc hữu của Việt Nam như thiên lý hiệp rủ, cẩm cù lộc, cẩm cù cuống dài, cẩm cù hạnh, bách xanh đá, thông năm lá rủ... Đặc biệt, trong chuyến đi thực địa tháng 5/2016, anh đã tìm thấy loài hoa cẩm cù mới, hiếm có tại Cát Bà (Hải Phòng). Sau khi so sánh với các mẫu ở bảo tàng hiện có và tìm hiểu tài liệu, anh và nhóm điều tra thực địa kết luận đây là loài cẩm cù ly, họ trúc đào, có duy nhất ở Việt Nam.

   Đến nay, anh đã phát hiện và mô tả 13 loài, 2 chi thực vật mới cho khoa học. Những công bố khoa học này góp phần quan trọng trong việc bảo tồn các loài thực vật quý hiếm, bị đe dọa tuyệt chủng ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Đây là cơ sở để các nhà quản lý có biện pháp bảo tồn, lựa chọn nguồn gen tự nhiên quý hiếm, phục vụ cho quá trình khai thác, nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

   Với những đóng góp cho nghiên cứu bảo tồn về các loài thực vật Việt Nam, tên của anh được đồng nghiệp quốc tế đặt cho các loài thực vật hoặc chi thực vật mới phát hiện cho khoa học như địa lan thế ở Thừa Thiên - Huế (năm 2005); chi mới lan thế ở Hòa Bình (năm 2012); tỏi rừng thế ở Quảng Bình (năm 2012). Ngoài ra, anh còn là người sáng lập và hiện là đồng quản trị website “Đa dạng sinh học và bảo tồn Việt Nam - BIODIVN” (biodivn.com). Đây là website cung cấp thông tin miễn phí về tình hình đa dạng các loài động, thực vật, cũng như hiện trạng và công tác bảo tồn.

   Mặc dù đã đạt được một số kết quả trong công tác bảo tồn, nhưng niềm say mê nghiên cứu khoa học luôn khiến anh nỗ lực tìm tòi, sáng tạo để hoàn thiện các dự án mới về phát triển nguồn gen, nhân nuôi những loài thực vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng. Để góp phần khuyến khích, tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ say mê nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, anh mong muốn, Nhà nước sẽ hỗ trợ về thiết bị, kinh phí để họ tiếp tục được cống hiến và theo đuổi niềm đam mê với khoa họcn 

            Minh Nguyệt

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2016)

Ý kiến của bạn