Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Lồng ghép môi trường và phát triển kinh tế xã hội địa phương

01/08/2014

     Lồng ghép môi trường và phát triển kinh tế - xã hội đang thực sự trở nên cần thiết hơn hết trong bối cảnh hiện nay.

      Khủng hoảng môi trường

     Hiện nay, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang đứng trước 5 cuộc khủng hoảng lớn là: Dân số, lương thực, năng lượng, tài nguyên và sinh thái. Năm cuộc khủng hoảng này đều liên quan chặt chẽ với môi trường và làm cho chất lượng cuộc sống của con người có nguy cơ suy giảm. Nguyên nhân gây nên các cuộc khủng hoảng là do sự bùng nổ dân số và các yếu tố phát sinh từ sự gia tăng dân số.

     Trong quá trình phát triển, nhất là trong thập kỷ vừa qua, các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, đã gặp phải nhiều vấn đề môi trường ngày càng nghiêm trọng, do các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải và sinh hoạt gây ra. Tại TP. Hồ Chí Minh có 25 khu công nghiệp tập trung hoạt động với tổng số 611 nhà máy trên diện tích 2298 ha đất. Theo kết quả tính toán, hoạt động của các khu công nghiệp này cùng với 195 cơ sở trọng điểm bên ngoài khu công nghiệp, thì mỗi ngày thải vào hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai tổng cộng 1.740.000 m3 nước thải công nghiệp, trong đó có khoảng 671 tấn cặn lơ lửng, 1.130 tấn BOD5 (làm giảm nhu cầu ôxy sinh hoá), 1789 tấn COD (làm giảm nhu cầu ôxy hoá học), 104 tấn Nitơ, 15 tấn photpho và kim loại nặng. Lượng chất thải này gây ô nhiễm cho môi trường nước của các con sông vốn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho một nội địa bàn dân cư rộng lớn, làm ảnh hưởng đến các vi sinh vật và hệ sinh thái vốn là tác nhân thực hiện quá trình phân huỷ và làm sạch các dòng sông.

 


Nan giải bài toán phát triển kinh tế gắn với BVMT

 

     Trong khi đó, ở các khu vực nông thôn, theo thống kê của Hiệp hội làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có hơn 1.300 làng nghề được công nhận và 3.200 làng có nghề. Trong số đó có đến 90% trong tổng số các làng nghề vi phạm pháp luật về môi trường. Dường như, giữa phát triển và vấn đề môi trường đang là một nghịch lý.

     Người dân phải được quyết môi trường sống

     Thực tế cho thấy, sự tham gia của cộng đồng là điều kiện tiên quyết, có vai trò quyết định để thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án bảo vệ môi trường ngay tại chính địa phương.

     Dự án “Hỗ trợ mạng lưới các tổ chức xã hội dân sự địa phương nâng cao năng lực cộng đồng để nồng ghép môi trường vào các chương trình phát triển kinh tế xã hội - Synergies”  được thực hiện tại 4 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, và Thanh Hóa đã củng cố năng lực cho mạng lưới 5 tổ chức xã hội dân sự, đồng thời lồng ghép các sáng kiến bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

     Sau 3 năm triển khai (2011 - 2014) dự án đã có 108 lượt lãnh đạo, cán bộ của 5 tổ chức được đào tạo các nội dung về củng cố thể chế và phát triển tổ chức như quản trị nhân sự, kỹ năng đàm phán, kỹ năng quản lý lãnh đạo, kỹ năng vận động chính sách, kỹ năng viết đề xuất dự án và vận động tài trợ; đồng thời, cũng có 82% trong số hộ đã áp dụng được các kiến thức, kỹ năng mới trong quản trị tổ chức.

     Thông qua dự án, đã có thêm hàng trăm cán bộ và hộ gia đình được hưởng lợi từ 13 dự án nhỏ dựa trên sáng kiến cộng đồng, bao gồm các sáng kiến về xử lý bụi gỗ/bụi sơn làng nghề mộc; xử lý phụ phẩm giết mổ làng nghề chế biến thực phẩm; xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học; xử lý môi trường ao nuôi cá nước ngọt; chăn nuôi theo mô hình nông nghiệp sinh thái, canh tác trên đất dốc và quản lý rừng bền vững.

     Bên cạnh đó, có 133 lượt cán bộ, nhân viên được trang bị các thông tin về văn bản pháp luật, chính sách môi trường cũng như kiến thức, kỹ năng về xử lý môi trường như phân loại rác tại nguồn, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi, ủ phân hữu cơ, nuôi giun quế, sử dụng năng lượng hiệu quả…

     Tại cấp cộng đồng, dự án đã đào tạo được 433 cán bộ chủ chốt của 48 xã thuộc 18 huyện trên địa bàn 4 tỉnh; 202 truyền thông viên nòng cốt tại cộng đồng; tổ chức gần 300 buổi truyền thông tại thôn bản cho gần 5.000 hộ gia đình; hàng trăm cán bộ và hộ gia đình được hường lợi từ 13 dự án nhỏ dựa trên sáng kiến cộng đồng như sáng kiến về chăn nuôi theo mô hình nông nghiệp sinh thái, canh tác trên đất dốc và quản lý rừng bền vững…

     Dự án Synergies sẽ góp phần trực tiếp vào việc củng cố xã hội dân sự, nâng cao năng lực cho mạng lưới và các tổ chức dân sự địa phương để họ có thể tham gia hiệu quả hơn vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững tại địa phương.

 

Theo Monre

Ý kiến của bạn