Banner trang chủ

Khi nguồn nước ô nhiễm

21/11/2016

   Mùa hè ở vùng Bắc bán cầu là thời điểm thích hợp để bạn đi tới các bãi biển hoặc các hồ nước, hòa mình vào làn nước xanh trong mát rượi dưới cái nắng nóng oi bức. Bạn có thể chèo thuyền, bơi lội, lướt sóng, tham gia các trò chơi dưới nước… nhưng, hãy cẩn thận với các mối nguy hiểm đang rình rập.

   Điều gì xảy ra

   Bạn ném một mẩu gỗ xuống nước, chú chó của bạn lao theo, ngoạm gọn và mang về cho bạn. Nhưng sau đó chú chó bị chết. Bạn vô tình uống một ngụm nước trong khi bơi và bị nhiễm khuẩn. Bạn ăn hải sản tại một nhà hàng cạnh bờ biển và bị đau bụng. Bạn lặn ngụp dưới làn nước nhưng bị phủ bởi lớp nhớt dày màu xanh. Đây không phải là cảnh trong các phim rùng rợn mà là vấn đề của thế giới hiện thực. Những cảnh báo ô nhiễm ngày càng gia tăng đối với hệ sinh thái của các hồ nước, bãi tắm, do chất thải gia súc, nước rửa trôi từ đồng ruộng, thuốc trừ sâu, nước thải sinh hoạt và đặc biệt nước thải từ sản xuất công nghiệp là thủ phạm chính.

Các mối nguy hiểm ẩn trong làn nước xanh mát

   Thử lướt trên mạng internet, bạn sẽ thấy các thông tin về những mối nguy hiểm đe dọa tới sức khỏe, con người - Những điều mà cách đây 50 năm ít khi nghe thấy bởi khi đó các hệ sinh thái còn lành mạnh và an toàn hơn hiện nay.

   Hiện nay, vi tảo lục đe dọa những giá trị sinh thái của các thủy vực lớn nhất trên hành tinh, như hồ Victoria (châu Phi), Erie (Bắc Mỹ), Taihu (Trung Quốc), biển Baltic (Bắc Âu) và biển Caspie (Tây Á). Tảo lục cũng được tìm thấy ở hồ Kokotel ở phía Đông Siberia gần hồ Baikal - hồ nước ngọt nguyên sinh lớn và sâu nhất thế giới.

   Tại Mỹ (năm 2015), quan chức y tế quận Sonoma đã đưa ra khuyến cáo người dân và thú nuôi của họ tránh xa sông Russian sau khi một chú chó bơi dưới hồ bị chết và nguyên nhân được xác định là do độc tố vi tảo. Năm 2016, một lớp thảm tảo độc dày, với kích cỡ to, trải rộng mặt hồ Okeechobee bang Florida. Từ đó, thảm tảo lan dọc các con sông lớn tới tận bờ biển và vịnh Atlantic làm cá chết hàng loạt, các bãi biển bị đóng cửa, người dân mắc nhiều bệnh tật. Chính phủ bang tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại các khu vực bị ô nhiễm.

   Vào năm 2015, nước vùng Biển Vàng (Trung Quốc) chuyển màu xanh do một lớp thảm tảo xanh che phủ các bãi biển tại tỉnh Sơn Đông, phía Đông Trung Quốc. Người dân sống tại Quang Đảo và các thành phố gần bãi biển phải quen dần với việc nhìn các bãi tắm trông như “cánh đồng cỏ xanh” vào tháng bảy. Để đối phó với tảo, các bãi biển ở Quang Đảo trở thành nơi sản sinh ra xu hướng thời trang kỳ quái: Bikini mặt. Nhiều phụ nữ địa phương đeo mặt nạ khi tắm nắng và bơi dưới nước để tránh sạm da và ngăn không cho tảo bám dính vào tóc.

Cá chết hàng loạt do vi tảo độc

   Tại Ôxtrâylia, từ những tháng đầu năm 2016, hơn 1.700 km sông Murray đã bị ảnh hưởng do sự bùng phát tảo độc, vi tảo nở hoa trong điều kiện thời tiết ấm hơn mức trung bình mọi năm. Chỉ trong một thập niên vừa qua đã 4 lần xảy ra hiện tượng tảo nở hoa trên sông Muray, đó là vào các năm 2007, 2009, 2010 và 2016.

   Năm 2016, sự việc bùng phát tảo nở hoa tại Chi Lê đã làm chết 20% lượng cá hồi nuôi của quốc gia này và gây nên cơn sốt giá cá hồi trên quy mô toàn cầu. Chi Lê là nước đứng thứ hai trên thế giới về cung cấp cá hồi, sau Na Uy.

   Sự gia tăng tần suất các sự cố ô nhiễm tảo độc tại các hệ sinh thái thủy vực và ven biển trên toàn cầu được cho là do sự phát triển của con người, kéo theo phát sinh lượng chất thải ra môi trường ngày càng lớn. Trong đó, lượng phát thải khổng lồ là nitơ và phốt pho - 2 chất “dinh dưỡng” chính có trong thành phần nuôi dưỡng tảo và làm bùng phát hiện tượng tảo độc nở hoa. Bên cạnh đó, một yếu tố đáng lo ngại nữa làm trầm trọng hơn vấn đề là sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Với sự ấm lên của các đại dương, hồ nước và hệ sinh thái thủy vực làm bầu khí quyển nóng lên, tạo điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự bùng phát tảo độc nở hoa.

   Điều có thể làm

   Các Chính phủ cần đặt ra các ngưỡng giới hạn và tiêu chuẩn về chất lượng nước đối với nước ngọt và các thủy vực ven biển. Đồng thời, đưa ra những quy định bắt buộc về chất lượng nước trong sản xuất nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi), chất thải phát sinh trong nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp sau xử lý. Áp dụng kinh nghiệm để sử dụng hiệu quả các dưỡng chất (sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp) và giảm thiểu các chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp và hệ thống xử lý nước thải. Hướng dẫn quốc tế về chất lượng nước đối với các hệ sinh thái (WQGES), do Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) xuất bản và công bố ngày 15/3/2016 là tài liệu tham vấn hữu ích cho các quốc gia và khu vực trong xây dựng các hướng dẫn về chất lượng nước cho các hệ sinh thái, bao gồm cả các tiếp cận trong xác định các chỉ số, đề ra các chỉ tiêu và các giá trị ngưỡng. WQGES là tài liệu cho các Chính phủ tham vấn nhưng cũng có thể được áp dụng cho cả các vùng, tiểu vùng, khu vực xây dựng các hướng dẫn của riêng mình. Các hướng dẫn không thể được xây dựng và áp dụng nếu không có sự tham gia của chính quyền, các nhà quản lý nguồn nước, giới khoa học và các bên liên quan khác.

   Như vậy, các công cụ và kinh nghiệm trong quản lý các nguồn nước, thủy vực đã được xây dựng và triển khai thực hiện. Điều cần lúc này là chính quyền, các nhà chức trách địa phương, khu vực phải hành động. Cái giá của việc “không làm gì” sẽ luôn đắt hơn chi phí cho “hành động ngay” lúc này.

Hoàng Dương (Theo UNEP)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2016)

Ý kiến của bạn