Banner trang chủ

Khai thác thế mạnh và phát triển du lịch sinh thái ở đồng bằng sông Cửu Long

13/10/2016

   Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một bộ phận của châu thổ sông Mê Công, gồm 13 tỉnh, TP (An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long) với diện tích khoảng 40.000 km2, dân số gần 18 triệu người. ĐBSCL có cảnh quan sinh thái đặc trưng là đồng bằng và biển đảo, một vùng sông nước hữu tình, cây trái bốn mùa trĩu quả, kết hợp với truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời. Với những đặc trưng riêng, ngành du lịch ĐBSCL đã xác định phát triển loại hình du lịch sông nước, sinh thái và miệt vườn.

Phát triển DLST miệt vườn ở ĐBSCL

   Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái (DLST) của ĐBSCL

   ĐBSCL có tiềm năng về DLST với 2 nhánh sông chính là sông Tiền và sông Hậu, hệ thống kênh rạch chằng chịt, giao thoa cùng núi rừng, biển đảo đã hình thành một vùng sinh thái đa dạng, tạo nên những cảnh quan đặc sắc, hùng vĩ. Đó là rừng dừa Bến Tre; Tràm Chim Tam Nông, làng nghề hoa kiểng Sa Đéc (Đồng Tháp); chợ nổi Cần Thơ - Tiền Giang với các loại trái cây; biển đảo Hà Tiên và Phú Quốc (Kiên Giang); rừng đước Năm Căn, đất mũi Cà Mau…

   Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng nêu rõ sản phẩm đặc trưng của ĐBSCL là: “DLST, khai thác các giá trị văn hóa sông nước, miệt vườn, nghỉ dưỡng, sinh thái biển, đảo…”. Theo đó, Đề án Phát triển du lịch khu vực ĐBSCL đến năm 2020 đã chia thành 4 cụm du lịch, trong đó, cụm trung tâm gồm TP. Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Hậu Giang với sản phẩm nổi trội là du lịch tham quan vùng sông nước, du lịch lễ hội, du lịch với mục đích thương mại, nghỉ dưỡng biển cao cấp. Cụm bán đảo Cà Mau gồm các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng với các sản phẩm du lịch là tham quan điểm cực Nam của Tổ quốc, DLST tại các khu rừng ngập mặn và du lịch văn hóa, lễ hội gắn với văn hóa dân tộc Khmer tại Sóc Trăng. Cụm duyên hải phía Đông gồm các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh với các sản phẩm chủ đạo như du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ tại nhà dân, tham quan làng nghề, di tích lịch sử cách mạng. Cụm Đồng Tháp Mười gồm hai tỉnh Long An và Đồng Tháp với các sản phẩm du lịch đặc trưng là DLST tại các khu rừng đặc dụng ngập nước nội địa Đồng Tháp Mười.

   Tập trung đầu tư phát triển DLST

   Theo số liệu của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, năm 2014, toàn vùng ĐBSCL đã đón hơn 22,4 triệu lượt khách du lịch, tăng 8,3% so với năm 2013, doanh thu du lịch đạt hơn 6.300 tỷ đồng, tăng gần 24%. Dự báo số lượng du khách đến với ĐBSCL sẽ tăng trong những năm tới vì có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, nhiều tuyến hàng không được mở mới…

   Hiện nay, các loại hình du lịch của vùng ĐBSCL khá đa dạng và phong phú, bao gồm: DLST ở các sinh cảnh hệ sinh thái đất ngập nước điển hình; du lịch sông nước gắn với làng nghề, trải nghiệm cuộc sống người dân; du lịch văn hóa gắn với lễ hội tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng biển - đảo gắn với thể thao và du lịch gắn với cửa khẩu. Trong những loại hình du lịch trên thì DLST được ưu tiên phát triển dựa trên yếu tố thiên nhiên và nền văn hóa đậm đà bản sắc văn minh lúa nước. DLST cũng đáp ứng được xu thế “toàn cầu” về du lịch của khu vực và quốc tế, là hướng tiếp cận phát triển bền vững, góp phần BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng ĐBSCL.

   Có thể thấy, phát triển DLST ở ĐBSCL không thể tách rời các dự án phát triển du lịch miệt vườn. Du lịch miệt vườn cung cấp sản phẩm du lịch cho du khách dựa trên nền tảng các vườn cây ăn trái tập trung, có quy mô tương đối lớn và gắn với cảnh quan sông nước. Những địa phương có điều kiện phát triển du lịch miệt vườn chủ yếu tập trung ở Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre - nơi gắn liền với những địa danh nổi tiếng như cồn Thới Sơn, cù lao An Bình, cồn Phụng, cồn Tân Phong, cồn Ngũ Hiệp… với những dãy cù lao trù phú bốn mùa cây trái chạy dần ra tận biển Đông, hay những miệt vườn xanh mướt nằm ôm lấy hai bờ hữu, tả ngạn sông Tiền.

Chợ nổi Cái Răng là một trong những điểm tham quan đặc sắc ở Cần Thơ

   Trên thực tế, các địa phương ở ĐBSCL đã liên kết tạo thành tuyến DLST cộng đồng với nhiều sản phẩm đặc trưng như thưởng thức các loại trái cây đặc sản, đi đò trên kênh rạch, nghe đờn ca tài tử, trải nghiệm ẩm thực dân dã, sản phẩm làng nghề thủ công mỹ nghệ, tìm hiểu văn hóa truyền thống của người dân vùng sông nước Nam bộ, các dịch vụ tát mương bắt cá, tham quan cù lao bằng xe thô sơ… Tuy nhiên, trong quá trình phát triển DLST, ĐBSCL đang đối diện với những vấn đề ô nhiễm môi trường từ hoạt động du lịch, cũng như công tác vệ sinh môi trường phục vụ du lịch, suy giảm tài nguyên và sự tác động của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng nông thôn như đường sá, nước ngọt, nước sạch phục vụ du lịch còn thiếu; các sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào thiên nhiên, khai thác những gì sẵn có mà thiếu sự đầu tư dài hạn, liên kết; đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực du lịch và cơ chế điều phối, liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị ngành du lịch còn hạn chế.

   DLST là loại hình du lịch đặc thù nhằm hướng tới mục tiêu chính là giáo dục ý thức BVMT, bảo vệ thiên nhiên cho con người. Để DLST ĐBSCL phát triển mạnh, trong thời gian tới, ngành du lịch của ĐBSCL cần đầu tư cơ sở hạ tầng, tôn tạo, bảo tồn cảnh quan và tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ du lịch, không ngừng đổi mới các loại hình nhằm tạo sự hấp dẫn cho du khách. Bên cạnh đó, đào tạo đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp, có chuyên môn giỏi, tâm huyết với nghề để phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, thực hiện chiến lược phát triển du lịch của vùng trong tương lai.

Đỗ Lê Thị Minh

Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2016)

Ý kiến của bạn