Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/07/2024

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Người Việt Nam đầu tiên được ASEAN vinh danh Anh hùng đa dạng sinh học

29/08/2017

     GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh là một nhà khoa học tầm cỡ và có nhiều đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) của quốc gia và các nước trong khu vực. Trong suốt hơn 60 năm hoạt động nghiên cứu khoa học, ông đã được trao tặng gần 20 huân chương, huy chương các loại, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Môi trường Việt Nam. Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên được vinh danh Anh hùng ĐDSH ASEAN - một trong số 10 nhân vật điển hình của các nước trong khu vực được nhận danh hiệu cao quý này.

     Sinh năm 1933 tại xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, từ thuở còn là niên thiếu, ông đã có niềm đam mê và tình yêu với thiên nhiên. Năm 14 tuổi, ông gia nhập quân ngũ và tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào và Campuchia. Trong suốt 9 năm quân ngũ, ông sống với đồng bào các dân tộc, làm bạn với những cánh rừng và có điều kiện gần gũi, tìm hiểu về môi trường tự nhiên. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông tập kết ra Bắc và theo học Khoa Sinh, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1965, ông được Nhà nước cử đi làm nghiên cứu sinh ngành Sinh thái – Động vật học tại trường Đại học Lomonoxop và Viện Tiến hóa Hình thái Sinh thái Động vật Ceversov Mockba (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ). Đến năm 1968, ông bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ và quay trở về nước làm việc tại Ban Sinh vật địa học, Viện Khoa học tự nhiên, Ủy ban Khoa học Nhà nước, đồng thời tham gia giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

     Năm 1983, ông được cử đi làm Tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ và năm 1985, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ (sau này gọi là Tiến sĩ khoa học). Quay trở về nước, ông tiếp tục con đường nghiên cứu và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường như: Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam; Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Tổng hội các ngành Sinh học Việt Nam (thuộc Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam); Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hội các Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam... Từ năm 1990, ông giữ vai trò là Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE). Năm 1991, ông được phong hàm Giáo sư. Ở cương vị nào, ông cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, hoàn thành trọng trách được giao và có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp BVMT và ĐDSH.

 

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh bàn giao tài liệu, hiện vật cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

 

     Ông là một trong những nhà khoa học có rất nhiều công lao và đóng góp to lớn cho công tác BVMT và bảo tồn, phát triển tài nguyên ĐDSH của Việt Nam. Trong những năm 80 của thế kỷ XX, tình trạng suy giảm ĐDSH, nhất là các loài đặc hữu, quý hiếm đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng, ông đã biết dựa trên nền tảng sinh thái học, cũng như phát huy tri thức truyền thống của cộng đồng. Ông đã nghiên cứu và tiến hành thử nghiệm nhân nuôi, phục hồi thành công một số loài động vật có giá trị bảo tồn và giá trị kinh tế như nai, hươu sao, cầy, nhím, ba ba, ếch... Từ đó, ông đúc kết kinh nghiệm, xây dựng quy trình chăn nuôi đảm bảo cơ sở khoa học hợp lý và có tính khả thi giúp một số địa phương chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào chương trình xóa đói giảm nghèo. Theo ông, để phục hồi các loài động thực vật quý hiếm ở nước ta, đồng thời làm giảm áp lực đối với các vườn quốc gia và khu bảo tồn, cần phải tiến hành nhân nuôi, phục hồi các loài động thực vật hoang dã có giá trị kinh tế và giá trị bảo tồn bằng những cơ sở khoa học.

     Bên cạnh đó, ông còn dành nhiều tâm sức nghiên cứu về ĐDSH, các loài có nguy cơ tuyệt chủng; biên soạn Sách đỏ Việt Nam, Động vật chí Việt Nam; đề xuất các biện pháp khuyến khích cộng đồng các địa phương trong việc bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững. Ông đi sâu vào tìm hiểu mối quan hệ truyền thống giữa người dân với tài nguyên thiên nhiên để tìm ra những biện pháp hữu hiệu, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giúp người dân ở vùng đệm các khu bảo tồn thiên nhiên phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống và tích cực bảo vệ rừng, ĐDSH.

     Từ những năm 1986 đến năm 1995 với tư cách là lãnh đạo Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật thuộc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia (nay là Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), ông đã tích cực chỉ đạo, đào tạo các cán bộ, nhà khoa học xây dựng và tham gia các chương trình nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng ĐDSH ở Việt Nam, đặc biệt ở các vùng biên giới thuộc dãy Trường Sơn, nhằm bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH ở các vùng xuyên biên giới, vùng hạ lưu sông Mê Kông. Qua các công trình nghiên cứu, ông đã thu thập, tập hợp nhiều dẫn liệu về khoa học tự nhiên, môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái, ĐDSH… Từ những kết quả nghiên cứu làm luận cứ khoa học góp phần vào việc đề xuất thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) xuyên biên giới như: KBTTN Mường Nhé (Lai Châu) diện tích 100.000 ha với KBTTN Phoudendinh ở nước CHDCND Lào; Khu BTTN Pù Mát (Nghệ An) diện tích 94.800 ha với KBTTN Nam Chun (CHDCND Lào) diện tích 161.000 ha; VQG Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) diện tích 123.326 ha với KBTTN Hin Nam No (CHDCND Lào) diện tích 359.000 ha; VQG Chư Mom Ray (tỉnh Kon Tum) diện tích 56.434 ha với KBTTN Vi Ra Chay (Campuchia) và KBTTN Dong An Pham (CHDCND Lào)… Đây là những vùng được Tổ chức WWF đánh giá chứa đựng sự độc đáo và giàu có về ĐDSH, là nơi đã phát hiện nhiều loài thú, chim mới (sao la, mang lớn, mang Trường Sơn, voọc Hà Tĩnh, thỏ vằn, gà lôi lam mào trắng…), trong đó có rất nhiều loài thú lớn cần được ưu tiên bảo tồn (voi, bò tót, bò rừng, trâu rừng, hươu cà toong, hươu vàng, hổ, voọc chà vá chân nâu, chà vá chân đen, chà vá chân xám) và nhiều loài thực vật có giá trị cao trong bảo tồn như pơ mu, trắc, cẩm lai, cà te, trầm hương, kiền kiền…

     Với sự say mê và tâm huyết của một nhà khoa học, ông đã tham gia giảng dạy đào tạo ở nhiều Trường đại học và Viện nghiên cứu trên cả nước như: Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Viện Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Huế, Đại học Vinh, Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Đại học Thủy lợi... Ngoài ra, ông đã và đang trực tiếp đào tạo hàng chục tiến sỹ, thạc sỹ của nhiều thế hệ các nhà khoa học, góp phần đáng kể vào việc vun đắp đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao của ngành sinh học Việt Nam.

 

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh (áo kẻ) khảo sát ĐDSH tại KBTTN Phia Oắc, tỉnh Cao Bằng

 

     Từ năm 2010 tới nay, với cương vị là Phó Chủ tịch VACNE, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, ông là một trong những người có sáng kiến phát động và tổ chức phong trào vinh danh Cây Di sản Việt Nam. Sự kiện này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực không chỉ của các cấp chính quyền ở Trung ương và địa phương, mà còn được cộng đồng trong cả nước ủng hộ, tự nguyện tham gia, được dư luận trong và ngoài nước quan tâm. Tính đến tháng 5/2017 đã có hàng nghìn bộ hồ sơ cây gửi đến xin xét duyệt công nhận. Đến nay, VACNE đã chọn lọc và vinh danh được gần 2.700 cây của 100 loài thực vật ở 52/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; hiện đang được cộng đồng tổ chức bảo vệ, chăm sóc đặc biệt. Đây là việc làm rất có ý nghĩa nhằm bảo tồn, duy trì phát triển nguồn gen thực vật quý hiếm, góp phần phục vụ chiến lược bảo tồn phát triển bền vững ĐDSH của Việt Nam, đồng thời khơi dậy tình yêu thiên nhiên, BVMT của cộng đồng.

     Trong suốt chặng đường hơn 60 năm hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, ông đã công bố nhiều công trình khoa học có giá trị. Trong đó có 154 công trình nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước; 14 cuốn sách chuyên khảo về động vật, sinh thái, bảo tồn ĐDSH, BVMT... Với những thành tựu đạt được trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học, ông được công nhận là một trong những nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam và được trao tặng gần 20 Huân chương, Huy chương các loại. Trong đó có 2 Giải thưởng Hồ Chí Minh – giải thưởng cao quý nhất của Việt Nam về khoa học công nghệ như: Tập ATLAS quốc gia (năm 2005); Động vật chí, Thực vật chí, Sách đỏ Việt Nam (năm 2010) và được nhận Giải thưởng Môi trường Việt Nam (năm 2009); Bằng khen của Bộ trưởng TN&MT về thành tích xuất sắc trong hoạt động bảo tồn ĐDSH (năm 2015); Bằng Công nhận là tri thức tiêu biểu của Việt Nam do Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (năm 2015)... 

     Đến nay, dù đã hơn 80 tuổi, nhưng ông vẫn say mê, tâm huyết với việc bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH và mong muốn đóng góp cho khoa học, sự phát triển bền vững của đất nước, đồng thời kỳ vọng truyền thông điệp đến với cộng đồng về bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH, BVMT. Ông được ví như cây đại thụ của ngành tài nguyên và môi trường Việt Nam và là một tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ noi theo.

 

Nguyên Hằng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2017)

 

     Ngày 16/8/2017, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi Lễ chào mừng Anh hùng ĐDSH ASEAN cho GS.TSKH.Đặng Huy Huỳnh. Đây không chỉ là phần thưởng cao quý của ASEAN dành cho Giáo sư, mà còn là niềm vinh dự, tự hào chung cho các nhà khoa học, các nhà quản lý của Việt Nam trong lĩnh vực BVMT, bảo tồn ĐDSH. Tại Lễ chào mừng, Giáo sư đã động viên các nhà khoa học, đặc biệt là các cán bộ khoa học trẻ tiếp tục phát huy tính chủ động và sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn để cùng các nhà khoa học trong các nước ASEAN hợp tác giao lưu, nghiên cứu bảo tồn ĐDSH, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, BVMT bền vững ở Việt Nam nói riêng, các nước ASEAN nói chung.

 

 

 

 

 

 

 




 

 

 

Ý kiến của bạn