Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Chuyện về người cựu chiến binh tận tâm với công tác bảo vệ môi trường

23/10/2014

    Là hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) thị trấn Thanh Thủy (Phú Thọ), Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ môi trường Thanh Bình, ông Đỗ Doãn Thành luôn trăn trở, tìm tòi và có nhiều sáng kiến trong công tác BVMT. Ông cùng với tập thể cán bộ, xã viên đã đưa HTX dịch vụ môi trường Thanh Bình trở thành đơn vị điển hình trong công tác xã hội hóa vệ sinh môi trường.

     Năm 1971, sau khi tốt nghiệp phổ thông và theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ. Năm 1977, ông xuất ngũ, chuyển sang học Trung cấp xây dựng và công tác tại mỏ Trường Thạch thuộc Sở Công nghiệp Vĩnh Phú (nay là tỉnh Phú Thọ), đến năm 1984, không may ông bị tai nạn lao động mất 1 phổi trái và 2 xương sườn với thương tật hạng 2/4, tỷ lệ thương tật 61%. Những năm đầu sau khi bị tai nạn hầu như ông không giúp gì được cho vợ con, nhưng sức khỏe của ông cũng bình phục dần. Ông xác định tuy mình "tàn nhưng không phế", ông giúp gia đình một số việc để phát triển kinh tế như chăn nuôi lợn, gà... Trước nền kinh tế - xã hội ngày một phát triển, đời sống nhân dân từng bước đi lên; mật độ dân số ngày càng đông đã phát sinh những vấn đề về an sinh xã hội, cùng với đó là ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, những năm gần đây, lượng rác thải trên địa bàn Thanh Thủy ngày một gia tăng, rác thải bừa bãi ven sông Đà, cửa ngòi, cống rãnh ven đường thôn xóm và ven lộ 316 - 317. Nhất là khu vực thị trấn Thanh Thủy, trường học, bệnh viện, nhà nghỉ, khu du lịch sinh thái vẫn chưa được thu gom và xử lý. Để cải thiện môi trường, đồng thời đem lại việc làm và thu nhập cho gia đình và mọi người ông đã mạnh dạn đề xuất với UBND thị trấn và UBND huyện Thanh Thủy tự nguyện đứng ra xin thành lập HTX dịch vụ môi trường để thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn thị trấn Thanh Thủy và các xã lân cận. Vì là mô hình đầu tiên ở Huyện Thanh Thủy nên khi bắt tay vào việc, ông đã gặp nhiều khó khăn, vất vả, đặc biệt, công việc độc hại nên không ai muốn làm. Thấy ông có quyết tâm, mô hình đáp ứng yêu cầu BVMT của địa phương, năm 2008, UBND huyện đồng ý để ông thành lập HTX dịch vụ môi trường Thanh Bình với nghề đăng ký kinh doanh là thu gom, xử lý rác thải, làm sạch, giữ gìn môi trường, góp phần làm xanh, sạch, đẹp cảnh quan thị trấn.

 

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các thành viên HTX Thanh Bình vẫn tận tâm với nghề

 

     Bên cạnh những khó khăn do gia đình phản đối, dị nghị với nghề nhặt rác, sức khỏe của ông yếu lại tiếp xúc với rác bẩn, sau đó là những trở ngại trong việc thực hiện phổ biến tuyên truyền tạo sự đồng thuận ủng hộ, đến khâu tổ chức nguồn nhân lực, nguồn vốn đầu tư cho cơ sở vật chất và đặc biệt là giải phóng mặt bằng để xây dựng địa điểm bãi chứa rác và trụ sở HTX. Được UBND huyện, thị trấn Thanh Thủy giúp đỡ, ông từng bước tổ chức nhân lực, đầu tư góp vốn được hơn 500 triệu đồng. Tuy số vốn chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhưng ông vẫn kiên trì thực hiện đề án, vận động các thành viên trong HTX tích cực tham gia, trong đó có nhiều thành viên là hội viên Hội CCB. Khi đã vận động được nhân lực cho HTX và ổn định về tổ chức, ông mạnh dạn vay vốn từ các nguồn khác như: Ngân hàng chính sách xã hội huyện, Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Thanh Thủy… Một trở ngại lớn là việc khảo sát, lựa chọn bãi chứa và xử lý rác, ban đầu dự định chọn ở xã Tân Phương và Đào Xá nhưng không khả thi vì ảnh hưởng đến khu vực dân cư. HTX và UBND huyện, UBND thị trấn Thanh Thủy đã vận động một số hộ dân có trang trại ở chân đồi cao thuộc xã La Phù cách trung tâm thị trấn 8 km để xây dựng bãi chứa có khả năng chứa được hàng nghìn khối rác và xử lý lâu dài, không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Khi có mặt bằng, UBND huyện tiến hành quy hoạch, thiết kế thi công xây dựng hố chứa rác trên 3 ha bằng bê tông từ đáy lên độ sâu gần 5 m, xung quanh là đường bê tông để xe ô tô đổ rác thuận lợi, vòng quanh hố chứa rác đều có rãnh thoát nước nhằm tránh úng lụt, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho việc chứa, chôn, lấp, phơi đốt và xử lý rác.

     Ngày 25/9/2011, HĐND thị trấn Thanh Thủy đã ban hành Quyết định quy chế hoạt động và mức thu lệ phí thu gom xử lý rác thải là 20 nghìn đồng/tháng đối với hộ nông thôn, cán bộ công nhân viên chức. Còn khách sạn, nhà hàng tùy theo khối lượng rác từng thời điểm sẽ hợp đồng thỏa thuận với HTX. Ngày 22/12/2011, HTX chính thức đi vào hoạt động thu gom xử lý rác thải trên địa bàn. HTX có 10 lao động có 1 ô tô 3,5 tấn, 7 xe thu gom rác. Hàng ngày, các hộ dân tập kết rác tại nơi quy định để tổ dịch vụ chuyển lên ô tô, nơi nào ô tô không đến được thì dùng xe thu gom rác bốc rác chuyển ra xe ô tô. Đến nay, HTX đã thu hút được trên 800 hộ gia đình, cơ quan đơn vị trên địa bàn thị trấn và huyện Thanh Thủy với tổng thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng.

     Qua 3 năm hoạt động, HTX đã góp phần quan trọng vào việc bảo đảm vệ sinh môi trường sinh thái, ngăn chặn hiệu quả việc lây truyền dịch bệnh qua rác thải, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp ở khu vực thị trấn và một số cơ sở trong huyện như: Trường học, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch sinh thái… giải quyết công ăn việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn. Mặc dù HTX đã đi vào hoạt động có hiệu quả và dần đi vào nền nếp, rác trên địa bàn thị trấn cơ bản đã được thu gom, xử lý nhưng bên cạnh đó vẫn còn có những cá nhân, hộ gia đình chưa có ý thức bảo vệ giữ gìn môi trường, còn hiện tượng đổ rác chưa đúng nơi quy định. Mặt khác, công tác xử lý rác còn thủ công chỉ là chôn lấp, phơi đốt, chưa được áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ như dây chuyền xử lý rác thành phân vi sinh, lò xử lý rác bằng công nghệ đốt. Để HTX tiếp tục hoạt động, phát huy hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của các cấp, các ngành và nhân dân địa phương cần quan tâm tạo điều kiện cho HTX nâng cao chất lượng dịch vụ môi trường, đặc biệt là vấn đề khoa học công nghệ.

     Mong muốn góp sức mình giúp cho người dân được sống trong môi trường trong lành, thị trấn ngày càng sạch hơn, ông Thành vẫn miệt mài theo đuổi các dự án dù biết rằng để đến đích phải trải qua nhiều chông gai, thử thách.      

 

            Đức Anh

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 9/2014

 

 

 

 

Ý kiến của bạn