Banner trang chủ

Chi cục hải quan sân bay Tân Sơn Nhất: Ðiểm sáng trong công tác đấu tranh chống tội phạm động vật hoang dã

02/07/2015

   Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế (HQCK SBQT) Tân Sơn Nhất là một trong 10 tổ chức, cá nhân xuất sắc của châu Á được nhận giải thưởng Thực thi pháp luật về môi trường châu Á. Giải thưởng do Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á- Thái Bình Dương (ESCAP) thuộc Liên hợp quốc trao nhằm vinh danh các tổ chức, cá nhân đã có những thành tích đặc biệt trong công tác đấu tranh chống tội phạm động vật hoang dã.

Sừng tê giác nhập lậu do Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện năm 2014

   Chi cục HQCK SBQT Tân Sơn Nhất hoạt động trên địa bàn sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - là cửa khẩu cảng hàng không quốc tế lớn nhất trong cả nước. Đây là nơi có lưu lượng hành khách, hành lý xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu rất lớn; hàng hóa xuất nhập khẩu đa dạng, có trị giá cao.

   Trong giai đoạn hiện nay, với chủ trương mở cửa hội nhập, Chi cục HQCK SBQT Tân Sơn Nhất luôn tạo điều kiện tốt cho hoạt động xuất nhập khẩu và xuất nhập cảnh nhưng vẫn luôn xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép sừng tê giác, ngà voi và các động vật quý hiếm thuộc Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (CITES) - là bản hiệp ước giữa các quốc gia thành viên về việc kiểm soát việc buôn bán, trao đổi các loài động thực vật hoang dã nhằm tránh tình trạng khai thác quá mức dẫn đến tình trạng tuyệt chủng.

   Theo Bộ Tài nguyên Nước và Môi trường Nam Phi, chỉ riêng năm 2013 đã có ít nhất 1.004 cá thể tê giác tại Nam Phi bị sát hại. Trong năm 2014, xu hướng này vẫn tiếp tục gia tăng, tính đến ngày 17/8/2014, đã có 695 cá thể tê giác bị giết hại để lấy sừng phục vụ các thị trường tiêu thụ lớn như Trung Quốc và Việt Nam. Có thể thấy rõ tình trạng buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu sử dụng trái phép các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm… có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn tài nguyên thiên nhiên. Mặt khác, buôn bán trái phép động vật hoang dã làm giảm lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường, tạo doanh thu bất hợp pháp cho một nhóm đối tượng, gây bất ổn an ninh quốc gia và nguy cơ xuất hiện, lây lan các bệnh truyền nhiễm mới. Đồng thời tác động xấu tới hình ảnh của Việt Nam trong việc thực thi các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

   Nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, Lãnh đạo và tập thể Chi cục HQCK SBQT Tân Sơn Nhất luôn nâng cao tinh thần cảnh giác với trách nhiệm cao độ. Bước đầu, Chi cục đã thu thập thông tin, xác định đối tượng, theo dõi chặt chẽ các chuyến bay và mặt hàng trọng điểm; tăng cường công tác giám sát, kiểm soát tại khu vực sân đỗ, khu làm thủ tục hành lý cho hành khách nhập cảnh, xuất cảnh và khu vực hàng hóa nhập khẩu.

   Đặc biệt, Chi cục HQCK SBQT Tân Sơn Nhất đã lập chuyên án điều tra, tiến hành khoanh vùng các tuyến bay trọng điểm, triển khai các biện pháp kiểm soát buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Chi cục đã kịp thời triển khai các kế hoạch, cơ động bố trí lực lượng, đảm bảo bí mật chặt chẽ khi phát hiện đối tượng trọng điểm. Qua công tác thu thập thông tin và rà soát các chuyến bay, các lô hàng có dấu hiệu nghi vấn, Chi cục HQCK SBQT Tân Sơn Nhất đã phát hiện và bắt giữ nhiều đối tượng vận chuyển trái phép sừng tê giác, ngà voi.

   Chỉ tính riêng từ đầu năm 2015 đến nay, Chi cục HQCK SBQT Tân Sơn Nhất đã phối hợp với các đơn vị kiểm tra, phát hiện 5 vụ vận chuyển trái phép ngà voi, thu giữ 43,5 kg ngà voi cắt khúc; 6,39 kg sản phẩm chế tác từ ngà voi. Theo Chi cục trưởng Chi cục HQCK SBQT Tân Sơn Nhất Đỗ Thanh Quang, trong số các vụ vận chuyển sản phẩm động vật hoang đã bị phát hiện, có nhiều vụ, các đối tượng vận chuyển dùng thủ đoạn cất giấu khá tinh vi. Cụ thể vụ ông Nguyễn Văn Hà và ông Nguyễn Văn Hiền, đều mang quốc tịch Việt Nam, nhập cảnh từ Dubai về Việt Nam, bị phát hiện vận chuyển trái phép 43,5 kg ngà voi cắt khúc, được quấn vào trong ruột chăn, cất giấu trong ba lô xách tay và valy hành lý ký gửi, không khai báo hải quan và không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào có liên quan đến lô hàng nêu trên.

   Không chỉ nhập lậu qua đường hành lý, Chi cục HQCK SBQT Tân Sơn Nhất còn phát hiện nhiều vụ nhập khẩu trái phép ngà voi, sừng tê giác qua đường quà biếu. Ngày 27/2/2015, Đội Thủ tục hàng hóa nhập khẩu phối hợp với Tổ Kiểm soát hải quan tiến hành kiểm tra lô hàng quà biếu được gửi từ sân bay Lagos, Nigeria về Việt Nam theo đường hàng không cho ông Lê Văn Hải ngụ tại Đồng Nai, phát hiện trong lô hàng, có 1,69 kg vòng đeo tay được chế tác từ ngà voi châu Phi, tên khoa học là Loxodonta Africa, là loài có tên trong danh sách các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Sau đó 1 tháng, Chi cục HQCK SBQT Tân Sơn Nhất tiếp tục kiểm tra 1 lô hàng quà biếu cũng được gửi cho người nhận là ông Lê Văn Hải (Đồng Nai) phát hiện có 43 vòng đeo tay được chế tác từ ngà voi châu Phi - thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu.

   Năm 2014, Chi cục HQCK SBQT Tân Sơn Nhất bắt giữ 6 vụ vận chuyển trái phép ngà voi, tạm giữ 2 đối tượng; thu giữ 177 chiếc ngà voi với tổng trọng lượng 265 kg; 100 sản phẩm thủ công mỹ ngệ làm từ ngà voi và 23,41 kg sản phẩm chế tác từ ngà voi, tổng trị giá khoảng 11 tỷ đồng. Năm 2013 và 2014, đơn vị phát hiện 5 vụ nhập khẩu trái phép sừng tê giác, với tang vật thu giữ gần 50 kg sừng tê giác. Đáng chú ý, có nhiều vụ nhập lậu ngà voi được ngụy trang khai báo là thực phẩm, đồ dùng cá nhân. Chẳng hạn 2 vụ nhập lậu 116 cái ngà voi và 100 sản phẩm chế tác từ ngà voi (200 kg), trị giá gần 8,5 tỷ đồng từ Nigeria qua Doha về sân bay Tân Sơn Nhất bị phát hiện vào tháng 6. Trên vận đơn người gửi và người nhận đều được viết tắt, tên hàng hóa được thể hiện là đồ dùng cá nhân, thực phẩm.

   Như vậy, trong hơn hai năm qua (từ năm 2013 đến nay), Chi cục HQCK SBQT Tân Sơn Nhất đã phát hiện và bắt giữ được hơn 576,61kg ngà voi, trị giá ước tính khoảng 25 tỷ (tương đương hơn 1 triệu USD) và hơn 48,60 kg sừng tê giác, trị giá ước tính khoảng 55,6 tỷ đồng (tương đương hơn 2,5 triệu USD).

   Với tính chủ động cùng trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm và sự đồng lòng quyết tâm của tập thể cán bộ, công chức trong công tác phòng chống buôn bán trái phép động vật, thực vật hoang dã, năm 2014, Chi cục HQCK SBQT Tân Sơn Nhất đã được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tặng Bằng khen về việc lập thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống buôn bán trái phép động vật, thực vật hoang dã. Mới đây, Chi cục HQCK SBQT Tân Sơn Nhất là đại diện duy nhất của Việt Nam trong 10 tổ chức, cá nhân của các quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận giải thưởng Thực thi pháp luật về môi trường châu Á do Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) thuộc Liên hợp quốc trao tặng. Điều này đã góp phần khẳng định với thế giới về lập trường kiên định của Việt Nam trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm về động vật hoang dã.

                Việt Hoa

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi Trường số 6/2015)

Ý kiến của bạn