Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Cầu nối cho các doanh nghiệp thực hiện Tăng trưởng xanh

14/01/2015

     Ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn năm 2014 - 2020, trong đó giao cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhiệm vụ thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN) thực hiện TTX. Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Vinh - Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững, VCCI kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) xung quanh nội dung này.

 

Ông Nguyễn Quang Vinh - Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững,

VCCI kiêm Tổng Thư ký VBCSD

 

     Thưa ông, VCCI đã làm gì để triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn năm 2014 - 2020?

     Ông Nguyễn Quang Vinh: Trong Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn năm 2014 - 2020, VCCI được Chính phủ giao các nhiệm vụ: Thúc đẩy phong trào doanh nghiệp phát triển bền vững; Nâng cao năng lực và thị trường dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và quản lý phục vụ TTX. Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững và VBCSD đã được Ban Thường trực VCCI giao nhiệm vụ làm cơ quan đầu mối, phối hợp với các đơn vị khác của VCCI xây dựng kế hoạch hành động chi tiết nhằm triển khai nhiệm vụ được giao. Trước mắt, VBCSD sẽ thúc đẩy việc áp dụng Báo cáo bền vững (BCBV) và Bộ chỉ số bền vững doanh nghiệp (CSI) tại Việt Nam. Trong năm 2014, VBCSD sẽ hoàn tất việc xây dựng CSI. Từ 2015, chúng tôi sẽ tiến hành một loạt các hoạt động nhằm thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi BCBV và CSI trong cộng đồng DN Việt Nam, cụ thể là phối hợp với các hiệp hội DN trên cả nước để tổ chức tuyên truyền, đào tạo cho các DN về BCBV và CSI, tổ chức chấm điểm, xếp hạng và tôn vinh các DN bền vững nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, trong thời gian tới VCCI sẽ tích cực làm việc với các hiệp hội DN, hiệp hội ngành nghề để xây dựng Chương trình hành động thực hiện TTX và phong trào xanh hóa sản xuất, nghiên cứu đề xuất chính sách phát triển các DN tư vấn, hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tập huấn cho DN về TTX.

     Theo ông, cần những giải pháp nào để các DN Việt Nam tập trung xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh hướng đến TTX?

     Ông Nguyễn Quang Vinh: Trước hết, cần tạo động lực để DN hướng đến mục tiêu TTX. Điều này được thực hiện thông qua việc nâng cao nhận thức về TTX cho cả DN cũng như người tiêu dùng. Khi DN hoạt động trong một cộng đồng đã thấm nhuần tư tưởng về TTX thì bản thân DN cũng phải “xanh hóa” nếu không muốn bị đào thải khỏi thị trường. Tiếp đó, cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho DN chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường. DN cũng cần được tạo điều kiện để tiếp cận các công nghệ xanh, bao gồm cả tiếp cận thông tin, tiếp cận tri thức và tiếp cận vốn. Bên cạnh những hoạt động hỗ trợ DN của VCCI và các hiệp hội DN, cần có sự tham gia của các tổ chức tài chính và Chính phủ thông qua việc hỗ trợ cho vay và đưa ra các chính sách ưu đãi dành cho các DN thực hiện TTX.

 

FrieslandCampina Việt Nam thực hiện chương trình phát triển ngành bò sữa theo hướng bền vững từ năm 1996

 

     Một trong những điểm mạnh của VBCSD là có các hội viên là các công ty đa quốc gia. Với vai trò dẫn dắt và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong PTBV, Hội đồng có các hoạt động gì để các công ty đa quốc gia đẩy mạnh việc chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp Việt Nam?

     Ông Nguyễn Quang Vinh: VBCSD là nơi để các DN hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là những DN lớn, tập đoàn đa quốc gia chia sẻ kinh nghiệm và những thông lệ tốt trong phát triển bền vững cùng các hội viên khác, với những DN bên ngoài Hội đồng. Lấy ví dụ một số tập đoàn đa quốc gia là thành viên của VBCSD như Unilever, Friesland Campina có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai các mô hình nông nghiệp bền vững, kinh doanh cùng người thu nhập thấp; Dow Chemical, Holcim, Schneider Electric có thể chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; hay như Hoàng Anh Gia Lai, Viettel với thế mạnh là các hoạt động chăm lo đời sống cư dân, phát triển cộng đồng tại các quốc gia mình hoạt động… Bên cạnh việc chia sẻ và quảng bá những mô hình phát triển bền vững của các DN hội viên trên các phương tiện truyền thông, VBCSD còn tổ chức ra các Nhóm làm việc. Thông qua các Nhóm làm việc này, hoạt động của VBCSD không chỉ giới hạn ở việc truyền bá kiến thức hay chia sẻ kinh nghiệm mà còn mở rộng ra việc tìm các giải pháp mới cho những vấn đề như “Năng lượng và BĐKH”, “Báo cáo bền vững”, “Kinh doanh cùng người có thu nhập thấp”… từ đó xây dựng chương trình hành động của DN và đưa ra khuyến nghị cho Chính phủ.

     Xin cảm ơn ông!

 

      Vũ Nhung (Thực hiện)

Nguồn: Số Chuyên đề Tăng trưởng xanh, Tạp chí Môi trường 2014

 

 

 

 

Ý kiến của bạn