Banner trang chủ

Cần ngăn chặn các hành vi vi phạm về động vật hoang dã trên mạng internet

13/09/2016

   Hiện nay, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, ngày càng có nhiều đối tượng sử dụng internet, đặc biệt là mạng xã hội, như một công cụ hữu hiệu để thực hiện các hành vi vi phạm về động vật hoang dã (ĐVHD)… Đây là một loại tội phạm mới và rất nguy hiểm cần bị ngăn chặn.

Cá thể rái cá được đối tượng Phan Huỳnh Anh Khoa rao bán trên mạng xã hội

   Trong vài năm trở lại đây, loại tội phạm về ĐVHD trên internet đang gia tăng với tốc độ chóng mặt. Trên các trang mạng xã hội, các website, các diễn đàn, nhiều loài ĐVHD từ sóc, nhím, trăn, rắn, kỳ đà, cá sấu, chuột đến những loài nguy cấp, quý, hiếm như hổ, culi, rái cá được rao bán ngày càng thường xuyên và công khai, thậm chí kèm theo đầy đủ thông tin của người bán. Ngoài ra, do bản chất mạng internet là một môi trường ảo, các đối tượng lại thường xuyên thay đổi tài khoản, thông tin đăng tải lại có thể thay đổi và dỡ bỏ rất nhanh chóng nên việc xác định lai lịch đối tượng và thu thập chứng cứ còn gặp rất nhiều khó khăn. Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã ghi nhận vi phạm quảng cáo ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD trên internet đầu tiên vào năm 2008. Tính đến tháng 6/2016, con số này đã lên tới 1.551 vụ việc vi phạm. Cá biệt trong năm 2014, số vụ buôn bán, quảng cáo ĐVHD trên internet được ENV tiếp nhận và xử lý lên tới 855 vụ việc.

   Theo quy định tại điểm c, Khoản 2, Điều 15 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định số 40/2015/NĐ-CP), hành vi quảng cáo kinh doanh về động vật rừng trái quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt từ 1-2 triệu đồng. Đối với loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IB của Nghị định số 32/2006/NĐ-CP; loài thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES; loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ trong Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP, do là mặt hàng cấm kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, Nghị định số 59/2006/NĐ-CP và Luật Đầu tư 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015) nên việc quảng cáo các loài này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 70-100 triệu đồng theo quy định tại Khoản 2, Điều 50 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP.

   Trong thời gian qua, vụ việc buôn bán ĐVHD trên mạng do đối tượng Phan Huỳnh Anh Khoa hay còn gọi là Khoa Xì trum (sinh năm 1993, cư trú tại quận Gò Vấp) cầm đầu đã được đưa ra xử lý hình sự. Ngày 21/6/2016, Tòa án Nhân dân quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt đối tượng Phan Huỳnh Anh Khoa 5 năm tù, phạt bổ sung 50 triệu đồng cho hành vi buôn bán trái phép ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Việc xử lý thích đáng đối tượng Phan Huỳnh Anh Khoa một mặt là một tín hiệu đáng mừng trong cuộc chiến không khoan nhượng với các vi phạm về ĐVHD, nhưng mặt khác cũng là hồi chuông cảnh báo chúng ta về tình trạng buôn bán ĐVHD tràn lan, khó quản lý trên mạng.

   Trước đó, vào tháng 5/2015, một đối tượng khác chuyên rao bán ĐVHD trên mạng là Đinh Công Thành cũng đã bị cơ quan chức năng bắt giữ cùng tang vật là 44 cá thể rùa thuộc nhiều loài khác nhau. Thành sau đó đã phải chịu mức án 13 tháng tù giam. Tháng 12/2015, Lê Đức Minh ở Hà Nội cũng đã bị tuyên phạt 27 tháng tù giam sau khi rao bán 3 cá thể cu li trên mạng.

   Trước thực trạng đáng báo động trên, ENV đã kêu gọi sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và cộng đồng nhằm đối phó với loại tội phạm mới này. Từ năm 2008 đến nay, nhờ thông báo vi phạm của người dân qua đường dây nóng miễn phí 1800-1522 và qua các chiến dịch loại bỏ vi phạm về ĐVHD trên internet, Phòng Bảo vệ ĐVHD của ENV đã hỗ trợ các cơ quan chức năng xử lý thành công 1.130 trên tổng số 1.551 vụ vi phạm về ĐVHD trên mạng internet, gỡ bỏ nhiều đường link vi phạm cũng như hỗ trợ cơ quan chức năng tịch thu nhiều cá thể ĐVHD còn sống.

   Ngoài việc trực tiếp ngăn chặn các vi phạm về ĐVHD trên mạng, ENV còn triển khai chiến dịch “Khu vực an toàn cho ĐVHD” hướng tới các website mua bán trực tuyến, nhóm mua bán trên mạng xã hội, trang blog nhằm gỡ bỏ những thông tin rao bán ĐVHD và truyền thông bảo vệ ĐVHD trên những trang này. Tới nay, đã có 19 website lớn như chotot.vn, rongbay.vn, vatgia.com, muare.vn... tham gia vào chiến dịch.

   Trong thời gian qua, ENV đề xuất các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, để những đối tượng đang sử dụng internet như một công cụ phạm pháp như Phan Huỳnh Anh Khoa không thể tiếp tục coi thường pháp luật. Năm năm tù giam hy vọng là một bài học nhãn tiền đối với những đối tượng đang và có ý định vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD.

            Minh Phượng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2016)

Ý kiến của bạn