Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam

01/04/2015

     Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tác động nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn thế giới, đang làm thay đổi toàn diện và sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu như năng lượng, nước, lương thực, xã hội, việc làm, chính trị, ngoại giao và văn hóa…Theo Tổ chức liên Chính phủ về BĐKH (IPCC), để ứng phó với BĐKH cần phải thực hiện 2 nội dung: Giảm nhẹ và thích ứng. Giảm nhẹ BĐKH là: đưa ra các biện pháp và cơ chế giảm phát thải khí nhà kính (trồng và bảo vệ rừng để hấp thụ lượng CO2 trong khí quyển hoặc áp dụng các công nghệ cácbon thấp thân thiện với môi trường để giảm lượng phát thải khí nhà kính). Thích ứng là sự điều chỉnh các hệ thống tự nhiên và con người để phù hợp với môi trường mới hoặc môi trường bị thay đổi, do đó tận dụng những mặt có lợi của BĐKH, đồng thời tạo cho con người hoặc cộng đồng có sự chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện tinh thần, vật chất, kỹ năng và tập quán, thói quen sinh sống, ổn định sinh kế để họ có thể "sống chung" với sự thay đổi do các yếu tố khí hậu gây nên. Nói một cách khác mục đích của thích ứng với BĐKH là giảm sự tổn thương, tăng cường năng lực đối phó, quản lý và giảm rủi ro do tác động của khí hậu tới cuộc sống cũng như sinh kế của người dân.

     Những năm gần đây đã xuất hiện nhiều mô hình thích ứng với BĐKH có tính sáng tạo cao được triển khai, tập trung vào 2 loại mô hình: Mô hình thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái (HST); Mô hình tạo sinh kế thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng.

     Thích ứng với BĐKH dựa vào HST

     Mô hình sáng kiến chống mất rừng và suy thoái rừng tại Kiên Giang: Kiên Giang thực hiện mô hình chi trả dịch vụ môi trường rừng nhằm chia sẻ lợi ích giữa các đối tượng được hưởng lợi từ rừng và sống dựa vào rừng (REDD;REDD+). Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang được UNESCO công nhận từ năm 2006. Khu có diện tích 36,935 ha vùng lõi;172,57 ha vùng đệm; 978,59 ha vùng chuyển tiếp bao gồm: Vườn Quốc gia U Minh Thượng, rừng phòng hộ ven biển An Minh; Vườn Quốc gia Phú Quốc và rừng phòng hộ ven biển Kiên Lương. Đây là nơi điều tiết nguồn nước cho các hồ chứa, bảo vệ tuyến đê biển và cảnh quan môi trường.

     Mô hình trồng trọt: Mô hình chọn tạo giống lúa để thích ứng với BĐKH và an ninh lương thực. Mô hình được tiến hành từ năm 2006 với sự tài trợ của Dự án Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học cộng đồng (CBDC).Mô hình này tập trung nâng cao năng lực cho nông dân về chọn giống, cải thiện giống lúa và sản xuất trao đổi hạt giống phục vụ sản xuất ở cộng đồng bằng cách huấn luyện thiết lập các tổ giống cộng đồng, tổ chức các mô hình trình diễn quy trình sản xuất giống. Kỹ thuật canh tác tại ruộng nông dân. Đặc biệt là xây dựng mạng lưới sản xuất hạt giống ở cộng đồng, hướng tới xã hội hóa công tác giống ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và góp phần an ninh nguồn giống cho sản xuất nông nghiệp, cải thiện sinh kế cho nông dân nghèo ở nông thôn.

     Mô hình làm nhà nổi:

     Ưu điểm mô hình này là khi nước ngập đến đâu thì nhà nổi lên đến đấy nên không bị ảnh hưởng của lũ, lụt.Tuy nhiên mô hình có nhiều bất cập trong quá trình sử dụng. Khi nước lớn thì nhà nổi, khi nước rút thì nhà nằm trên mặt đất. Khi nhà nằm trên lớp phù sa dày do trọng lượng của nhà không đều ở mọi vị trí nên nhà có thể bị nghiêng, lệch. Ngoài ra, đối với những nơi có lớp phù sa dày thì khi khô sẽ tạo thành một lớp đất cứng bao bọc, giữ chặt lấy nhà, do đó, khi chưa có lũ thì nhà bị nằm sâu trong đất, khi lũ về thì nhà lại không tự nổi lên được. Không đảm bảo an toàn khi có gió lớn, nước chảy mạnh, nhà nổi có thể bị trôi do hoặc bị va đập, do đó nhà bị hư hỏng, nước tràn vào nhà sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng của cả gia đình. Không phù hợp với tập quán sinh hoạt của người dân. Sống trên nhà nổi, người dân dễ bị biệt lập với cộng đồng.Việc đi lại của người dân rất khó khăn, nhất là đối với việc học hành của trẻ em và khám chữa bệnh của người lớn cao tuổi. Giá thành cao, không phù hợp với điều kiện kinh tế của đa số người dân nông thôn vùng ĐBSCL.

     Mô hình thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng

     Trong thời gian qua, những mô hình ứng phó với BĐKH dựa vào cộng đồng bước đầu đã mang lại những thành công nhất định.

     Mô hình bảo hiểm, tín dụng vi mô: Đây là sáng kiến về bảo hiểm nông nghiệp của Chính phủ theo Quyết định số 315/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013 với mục đích hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh do BĐKH gây ra,góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.

     Mô hình trồng và chăm sóc rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng: Hệ sinh thái rừng ngập mặn là một trong những hệ sinh thái quan trọng bậc nhất trong các hệ sinh thái ven biển.Ngoài việc cung cấp những chức năng sinh học, rừng ngập mặn còn đóng vai trò như một hệ thống ngăn ngừa và giảm thiểu những tác động của thiên tai do khả năng chắn sóng, bão, nước triều dâng, giúp ổn định bờ biển, tạo điều kiện cho quá trình bồi tụ trầm tích và chống xói lở. Từ năm 2001 đến nay, nhờ nỗ lực phục hồi các hệ sinh thái rừng ngập mặn vì giảm nhẹ rủi ro thiên tai, quốc phòng và các mục đích khác thì rừng ngập mặn chỉ mới được khôi phục đạt mức khoảng 42% so với những năm trước chiến tranh.

     Một trong những Chương trình trồng rừng ngập mặn thành công ở Việt Nam phải kể đến Chương trình trồng rừng ngập mặn và phòng ngừa thảm họa dựa vào cộng đồng do Hội chữ thập đỏ thực hiện. Chương trình này đã góp phần phục hồi hơn 9.032 ha rừng ngập mặn ở các tỉnh ven biển phía Bắc (khoảng 23,8 % diện tích rừng ngập mặn trên toàn miền Bắc) sau hơn 15 năm triển khai (1994-2010). Chương trình này đã góp phần không nhỏ trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai, nâng cao nhận thức và đem lại nguồn sinh kế bổ trợ cho người dân vùng ven biển.

     Điển hình tiếp theo là mô hình trồng rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng tại Hậu Lộc, Thanh Hóa do tổ chức Cứu trợ Quốc tế (CARE) tại Việt Nam thực hiện từ 2006 - 2010. Mô hình giúp cộng đồng quản lý và bảo vệ rừng ngập mặn; nâng cao năng lực cho cộng đồng. Thành công của mô hình là bài học kinh nghiệm tốt trong việc triển khai cách tiếp cận dựa vào cộng đồng trong công tác trồng, quản lý, bảo vệ và chăm sóc rừng ngập mặn vì mục đích giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó với BĐKH.

     Mô hình tôn nền các cụm, tuyến dân cư vượt lũ để xây dựng nhà ở: Đây là những mô hình làm đê bao, bờ bao và hệ thống cống điều tiết lũ. Có thể hiểu đê bao là những đường, đê được xây dựng vững chắc cao hơn mực nước lũ thiết kế để các trận lũ lớn nước không tràn qua. Đê bao thường sử dụng để bảo vệ các khu dân cư, các khu công nghiệp tập trung, các khu thị trấn, thị tứ và các vùng chuyên canh trồng cây ăn trái. Còn bờ bao là các đường bờ tạm thời với độ cao không vượt quá mực nước lũ tháng tám để khi thu hoạch xong lúa hè thu thì cho nước lũ tràn vào để lấy phù sa, thêm nguồn thủy sản, thau chua rửa phèn và vệ sinh đồng ruộng. Cho đến nay người dân ĐBSCL phải “sống chung” với lũ, bằng cách tôn nền các cụm, tuyến dân cư cao hơn mức ngập lụt để xây dựng nhà ở. Trên cụm, tuyến dân cư xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phục vụ cuộc sống người dân (hình 3). Mô hình có ưu điểm: Nhà ở của người dân được đảm bảo an toàn, không bị ảnh hưởng của lũ, lụt. Nhà ở xây dựng trên cụm, tuyến dân cư được xây dựng chắc chắn và thuận lợi cho việc chằng chống tránh tác động của gió, bão, tố, lốc... Cuộc sống của người dân được đảm bảo ổn định lâu dài, tạo điều kiện để họ yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước phát triển bền vững. Người dân có điều kiện được thụ hưởng các công trình phúc lợi xã hội công cộng, có điều kiện để nâng cao dân trí. Nhiều cụm, tuyến dân cư phù hợp với quy hoạch có thể phát triển thành các đô thị trong tương lai.

     Hạn chế của mô hình là diện tích ở còn chật hẹp nên người dân gặp khó khăn trong việc phát triển kinh tế phụ; Vốn đầu tư lớn nên cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, kết hợp với sự tham gia của người dân và ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng.

     Mô hình hầm tránh bão ở các tỉnh miền Trung:

     Mô hình này được thực hiện ở tất cả các vùng của khu vực miền Trung vùng đồng bằng, vùng cát ven biển, vùng gò đồi với cách làm rất sáng tạo. Hầm tránh bão được đào sâu khoảng 2m, xung quang chèn những bao cát, bên trên đặt ngang những thanh gỗ và tạo các mái che đậy tránh nước mưa xối vào (hình 1). Ở vùng gò đồi hầm được khoét sâu vào đồi hoặc núi theo hình chữ chi và tạo các lỗ thông hơi để tránh gió bão quét mạnh.

 

Hình1. Mô hình hầm trú bão ở các tỉnh miền Trung

 

     Mô hình trồng rau trên nền đất được tôn cao:

     Một số huyện ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, để có được một chỗ cao có thể tránh được lũ, mỗi năm, người dân chuyên chở đất từ nơi khác về để nâng cao dần vạt đất ở và trồng rau. Kết quả tạo thành một giồng đất cao. Sản xuất rau của người dân chủ yếu được thực hiện trong mùa mưa ít với 2 vụ chính đông xuân (có mưa) và hè thu (gần như không có mưa, nắng nóng).

     Các hộ dân đã dùng lưới che nắng và che mưa để bảo vệ rau trong 2 vụ và cũng đảm bảo có rau xanh cho sinh hoạt gia đình khi có lũ.

     Mô hình trồng rau hoa trên dàn vượt lũ:

     Dàn trồng rau, hoa được làm từ tre, gỗ và cả cột bê tông cốt thép, dài 20 m; rộng 1,2 m, cao 0,95 m, tính từ mặt đất đến đáy luống; khoảng cách giữa các hàng cột 1m, mái lợp là nilông và lưới lan.

     Sau khi xây dựng xong dàn, tiến hành đưa đất lên dàn, làm tơi xốp và bón phân chuồng. Các loại rau thường được trồng là cải xanh; xà lách; hành tỏi, rau thơm các loại... và hoa tùy theo sở thích của từng hộ. Như vậy, với mức ngập lụt trung bình hàng năm tại địa phương sẽ không gây ảnh hưởng gì đến dàn trồng rau. Trong mùa mưa lũ vẫn có thể canh tác bình thường với chất lượng rau khá tốt và cho thu nhập cao hơn gấp 3-4 lần so với những vụ khác trong năm (vụ không ngập) vì tại thời điểm đó, rau khan hiếm nên giá tăng cao (hình 2).

 

Hình 2. Rau, hoa vượt lũ trồng trên giàn

 

     Ngoài mục tiêu thích ứng với ngập lụt thì mô hình còn có tác dụng tự điều tiết ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, ngăn mưa lớn trực tiếp, hạn chế sâu bệnh... nên canh tác không phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khách quan như thời tiết, khí hậu và chất lượng rau được nâng lên, mất ít thời gian chăm sóc, giàn rau được sử dụng quanh năm, kể cả vào mùa ít mưa. Bên cạnh đó, phía dưới giàn có thể tận dụng để chăn nuôi, trồng các loại cây ưa bóng, chịu bóng như rau diếp cá, mồng tơi...

     Xây dựng công trình công cộng trên nền đất cao:

 

Hình 3. Tôn cao nền giếng nước

 

     Rút kinh nghiệm từ tình trạng ngập lụt nhiều lần ở địa phương, các hộ dân và chính quyền nhiều xã ở khu vực miền Trung và ĐBSCL đã tiến hành san lấp, tôn tạo nền đất cao so với bề mặt địa hình xung quanh để xây dựng các công trình công cộng như nhà vệ sinh, giếng nước; trường học... nhằm đảm bảo các sinh hoạt bình thường khi có lũ lụt xảy ra (hình3).

     Mô hình làm nhà chòi hoặc nhà lõi:

 

Hình 4. Nhà chòi tránh bão,lũ

 

      Nhà chòi được Hội Kiến trúc sư Việt Nam thiết kế để thích ứng với bão lũ, ngập lụt ở miền Trung và ĐBSCL. Mẫu nhà được gọi là nhà lõi vì có diện tích nhỏ, kết cấu dạng khung cứng, được tính toán chống bão và vượt các mức lũ khác nhau. Theo thiết kế, các hộ dân sử dụng cso thể tự dịch ra, xê vào nhà lõi so với nhà hiện có và các hạng mục khác một cách thích ứng nhất, để nhà lõi thực sự trở thành một phần của ngôi nhà, an toàn trong bão lũ (hình 4).

 

GS.TS.Lê Văn Khoa

Viện Tư vấn Phát triển (CODE)

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 3/2015

Ý kiến của bạn