Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 22/11/2024

Biến phế phẩm thành chất đốt - Giải pháp hiệu quả, thân thiện với môi trường

16/01/2015

     Sơn La có diện tích trồng ngô khoảng 170.000 ha. Sau khi thu hoạch, hạt ngô được tách riêng để sử dụng, một lượng rất lớn lõi ngô (khoảng 200.000 tấn) thải ra ven đường gây ô nhiễm môi trường. Trước tình trạng trên, Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Chuyển giao công nghệ, Trường Đại học Tây Bắc đã nghiên cứu sử dụng lượng phế thải này để sản xuất hai loại sản phẩm đó là thanh nhiên liệu ép và than tổ ong lõi ngô. Dự án được triển khai tại huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La từ năm 2011 - 2012 với sự hỗ trợ về tài chính từ Chương trình Ngày sáng tạo Việt Nam do Ngân hàng thế giới tại Việt Nam tổ chức. Mục đích của nghiên cứu là tận dụng lượng phế thải sẵn có để tạo ra nhiên liệu đốt có nhiệt lượng cao, thân thiện với môi trường, sử dụng làm chất đốt thay thế than đá tại các lò sấy nông sản, góp phần BVMT.

 

Sản xuất thử nghiệm thanh nhiên liệu ép từ lõi ngô tại Trường Đại học Tây Bắc

 

     Dự án đã tiến hành khảo sát điều kiện tự nhiên kinh tế - xã hội; Khảo sát nhu cầu, thực trạng sử dụng chất đốt; Đánh giá nhu cầu sử dụng chất đốt hiện đang sử dụng để sản xuất tiểu thủ công nghiệp địa phương cho một số lĩnh vực điển hình như nung gạch, đun nấu và sơ chế nông sản; Đánh giá hiện trạng sử dụng lò đốt, mức tiêu hao nhiên liệu làm cơ sở cho việc cải tiến công nghệ phù hợp; Chuẩn bị vật tư, thiết bị, nhà xưởng, lao động sản xuất thử nghiệm; Đốt trình diễn sản phẩm, đánh giá hiệu quả, so sánh hiệu quả với các loại chất đốt khác (than đá, củi gỗ): Lựa chọn 3 đối tượng có nhu cầu sử dụng chất đốt khác nhau để sử dụng thử nghiệm sản phẩm, đó là lò sơ chế nông sản, lò đốt gạch thủ công và các hộ dân đun nấu sinh hoạt; Tuyên truyền hiệu quả sản phẩm thông qua phát thanh trên đài phát thanh địa phương và dán các poster tuyên truyền; Cải tiến lò đốt để nâng cao hiệu suất đốt, hỗ trợ bếp đun cải tiến miễn phí cho các hộ dân.

     Sau thời gian 5 tháng chuẩn bị và làm thử nghiệm, Trung tâm đã sản xuất thành công hai loại sản phẩm đó là thanh nhiên liệu ép từ lõi ngô và than tổ ong lõi ngô. Sản phẩm được thử nghiệm tại 3 lò sơ chế nông sản, 3 lò đốt gạch thủ công và 5 hộ dân tại Tiểu khu 4, xã Tông Lạnh (Chiềng Pấc), huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.

     Kết quả cho thấy, lượng chất đốt bằng thanh nhiên liệu lõi ngô giảm 13 % so với củi gỗ, không có hoặc có ít khói; Nhiệt lượng của thanh nhiên liệu lõi ngô tương đương với nhiệt lượng của than đá, tuy nhiên hiệu suất đốt kém hơn than đá; Than tổ ong lõi ngô dễ bén lửa, ít khói, thời gian đun nấu nhanh, cháy triệt để và nhiệt lượng cao hơn than tổ ong thường. Về mặt kinh tế, giá 1 viên than tổ ong lõi ngô (có cùng kích thước và khối lượng) giảm 16,7% so với than tổ ong thường; Củi ép lõi ngô có giá 1.800 đồng/1kg, giảm 64% so với than đá (giá than đá là 5.000 đồng/kg tại Sơn La).

     Để tuyên truyền hiệu quả của loại chất đốt mới đến người dân, Trung tâm đã phối hợp với Tiểu khu, UBND xã, Trung tâm Văn hóa huyện phát thanh vào 5 giờ các buổi chiều trong ngày (16 lượt bài); In poster và tờ rơi dán và phát tại các địa điểm có đông người qua lại (cổng trường, chợ, nhà văn hóa Bản, ngã ba đường, các quán ăn sáng...).

 

Đốt thử nghiệm thanh nhiên liệu ép từ lõi ngô tại lò sấy ngô

 

Than tổ ong lõi ngô và thanh nhiên liệu ép lõi ngô

 

     Từ kết quả đốt trình diễn cho thấy, một số hạn chế của lò đốt tại các lò sấy, lò sơ chế nông sản. Trung tâm đã tham khảo ý kiến của một số chuyên gia có kinh nghiệm để có những cải tiến lò đốt nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng chất đốt: Buồng đốt của lò sấy và lò gạch từ dạng hình vuông thành dạng vòm; Cửa hút nhiệt có thêm van điều chỉnh; Hạ thấp độ cao của mặt sàn sấy. Ngoài ra, loại bếp được sử dụng để đun nấu trong sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương là bếp kiềng 4 chân truyền thống hoặc bếp được kê bởi 3 viên đá/gạch, hở xung quanh nên khi đun nấu nhiệt lượng bị thoát ra ngoài làm tốn củi đun, nhiều khói bụi và nguy cơ gây cháy bỏng cho người sử dụng. Vì vậy, Dự án đã hỗ trợ miễn phí 500 bếp đun cải tiến cho các hộ dân địa phương là người dân tộc Thái, có điều kiện kinh tế khó khăn.

     Quy trình sản xuất đã được chuyển giao cho Cơ sở của ông Trịnh Quốc Việt (Thôn 7, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, Sơn La), với hai máy ép công suất mỗi máy 250 kg/giờ, trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất cung cấp 4 tấn củi ép lõi ngô ra thị trường. Sản phẩm chủ yếu được cung cấp cho các cơ sở đốt lò hơi công nghiệp hoặc một số cơ sở sấy nông sản.

     Tính từ thời điểm triển khai Dự án đến nay đã được hơn 3 năm, kết quả Dự án đã chuyển giao cho người sản xuất và được người dân sử dụng, đánh giá cao về tính hiệu quả. Sử dụng lõi ngô để sản xuất thanh nhiên liệu và than tổ ong lõi ngô được coi là giải pháp hiệu quả góp phần BVMT, đặc biệt trong bối cảnh khan hiếm nhiên liệu hóa thạch và BĐKH hiện nay. Ngoài lõi ngô, tiềm năng về các loại phụ phẩm trong sản xuất nông, lâm nghiệp tại Sơn La và khu vực Tây Bắc là rất lớn, cần tiếp tục nghiên cứu để khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm này.

 

ThS. Đặng Văn Công

Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Chuyển giao công nghệ

Trường Đại học Tây Bắc

Nguồn: Tạp chí Môi trường, Số Chuyên đề Tăng trưởng xanh, Tạp chí Môi trường 2014

 

 

 

Ý kiến của bạn