Banner trang chủ

Bảo vệ loài khỉ cũng chính là bảo vệ cuộc sống của mỗi chúng ta

18/03/2016

     Theo phong tục của người phương Đông, năm Bính Thân được biểu tượng là năm “con khỉ”. Khỉ là loài vật rất gần gũi, thân thiện với con người. Chúng bắt sâu bọ, côn trùng, đồng thời phát tán các hạt giống cây rừng. Thêm nữa, nhiều chú khỉ tài năng, giữ vai trò quan trọng trong các tiết mục có kỹ thuật rất tinh xảo ở đoàn xiếc. Ngoài ra, vì bản thân tế bào thận khỉ không mang bất kỳ tác nhân truyền nhiễm lạ, hoặc nguy cơ gây bệnh hiểm nghèo, cho nên, hàng ngày, có những con khỉ đã bị hiến thận nhằm phục vụ cho công việc nghiên cứu và sản xuất vắc - xin phòng bệnh cho con người…Loài khỉ hữu ích là thế, nhưng tiếc thay, vì lòng tham, vì chút giá trị vật chất mà con người đã và đang trực tiếp hoặc gián tiếp đe dọa tới sự tồn tại của chúng theo nhiều cách khác nhau, gây ra bao tác động tới môi trường.

 

 

     Những ngày cuối năm 2015, đầu năm 2016, chúng ta phải tiếp nhận nhiều thông tin đáng buồn liên quan tới loài khỉ. Cụ thể, ngày 4/1/2016, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã tiếp nhận thông tin từ người dân về việc một thanh niên ngang nhiên khoe chiến công “xẻ thịt, lột da” hàng loạt cá thể khỉ để nấu cao trên mạng xã hội Facebook. Mặc dù được chụp bằng điện thoại, nhưng những tấm ảnh vẫn đủ để thấy sự dã man, vô nhân tính của kẻ đăng tải khi mô tả chi tiết từng bước quá trình giết hại, lột da, chế biến và làm thịt khỉ để nấu cao. Nhớ lại, cũng hành vi trên, vào ngày 16/7/2015, cư dân mạng và dư luận xã hội hết sức bất bình, phẫn nộ trước một trang Facebook thiếu tính nhân văn, đăng tải bức ảnh ghi lại cảnh một nhóm nam thanh niên “khoe chiến tích” giết hại hai cá thể Voọc, với những bức ảnh chụp cận cảnh đến rợn người, ghi lại quá trình hành hạ rồi giết thú. Hai cá thể Voọc bị giết được cơ quan chuyên môn xác định là loài Voọc chà vá chân xám, nằm trong nhóm quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao. Hầu hết các độc giả khi xem ảnh đều bày tỏ sự bức xúc tột độ và mong muốn các cơ quan chức năng sớm xử lý hành động giết hại động vật hoang dã man rợ này. 

     Chưa dừng lại ở đó, ngày 6/1/2016, Tạp chí Spiegel Online của Đức đăng tải hình ảnh giết khỉ ở Việt Nam. Tạp chí đã cử một cộng tác viên người Việt đóng vai khách hàng tìm nguồn cung cấp thịt khỉ cho nhà hàng ở Hà Nội. Người này đã tiếp cận nhà bếp và kho trữ của nhà hàng rồi bí mật quay được những hình ảnh khiến ai xem cũng phải bàng hoàng, kinh sợ. Con khỉ không kêu la, mà giẫy giụa mãnh liệt. Người đầu bếp dùng con dao to đập nhiều nhát vào đầu nó, rồi đổ nước sôi, vặt lông, phanh thây khỉ... Tạp chí này nhận xét: "Việt Nam là nơi sinh sống của nhiều loài linh trưởng đặc hữu và quý hiếm bậc nhất trên thế giới. Đáng buồn thay, đây cũng là nơi mà sự tồn tại của các loài vật họ hàng gần với con người này bị đe doạ nặng nề nhất". Nguyên nhân chính của thực trạng này chính là thói quen ăn thịt khỉ của một bộ phận người dân và sự hoạt động của hệ thống nhà hàng bán thịt khỉ. Chúng sẽ được chế biến thành món ăn viết trên còn hồn nhiên cho biết: "Có thể cung cấp hàng trăm con khỉ cho khách hàng trong ít tuần".

     Qủa thật, ở Tây phương, con khỉ chỉ dùng trong các thí nghiệm y học hay khỉ được nuôi tại sở thú để mọi người chiêm ngưỡng. Ăn thịt khỉ có lẽ chỉ có ở Trung Quốc và Việt Nam, nhất là món "não hầu" và cao khỉ được dân chơi hai nước cho là bổ dưỡng, tăng sinh lực...Cao khỉ được nấu từ nguồn khỉ nuôi để làm thí nghiệm trong y học, hay bắt từ rừng về có ai rõ được nguồn gốc? Nhưng chắc chắn trong số những chú khỉ được đưa vào lò bát quái để thành cao có nhiều chú khỉ rừng. Vì loài khỉ càng quý hiếm thì cao khỉ càng có giá trị. Giá trị y học của khỉ đã kích thích lòng tham của con người và buộc khỉ phải hiến thân cho những tay săn vốn chỉ biết kiếm lời theo kiểu tận diệt.

     Mặc dù con người là mối đe dọa lớn nhất của động vật hoang dã, nhưng chúng ta cũng là niềm hy vọng duy nhất của chúng. Trên khắp thế giới, các cá nhân và nhiều nhóm nhỏ cũng như các tổ chức lớn, tập đoàn và chính phủ đang góp phần vào việc đảm bảo một tương lai an toàn hơn cho các loài động vật hoang dã. Từ việc kiềm chế nhu cầu đối với các sản phẩm được chế ra từ động vật hoang dã, việc xây dựng và thực thi luật lệ chống lại nạn buôn bán bất hợp pháp và tình nguyện đứng trong các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã giúp bảo vệ các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Những người anh hùng trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã đang chiến đấu với mối đe dọa tới các động vật hoang dã theo nhiều cách thức khác nhau.

     Ở nước ta, khỉ là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại theo quy định tại Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về Danh mục động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Cũng theo quy định này, mọi hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép khỉ đều bị nghiêm cấm. Các đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính với mức cao nhất lên đến 500 triệu đồng đối với cá nhân và 1 tỷ đồng đối với tổ chức. Mới đây, vi phạm liên quan đến loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB cũng đã được đưa vào quy định của Bộ luật Hình sự sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016), theo đó, vi phạm liên quan đến các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB như khỉ với số lượng lớn có thể bị xử lý hình sự lên đến 12 năm tù. Các quy định trên được coi là “phao cứu sinh” cho những “chú Khỉ” của năm “Bính Thân 2016” này và cả những năm “Thân” về sau nữa.

     Thiên nhiên đã ban tặng cho đất nước Việt Nam rừng vàng, biển bạc. Rừng nước ta, nơi sinh sống của một số loài động vật đặc hữu và loài mang tính chất tổng hợp của hệ động vật miền nam Trung Hoa, Ấn Ðộ, Mã Lai, Miến Ðiện. Chỉ riêng khỉ, Việt Nam có 15 loài, đơn cử như: Khỉ đuôi lợn, khỉ mốc, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi dài, khỉ vàng... Trừ khỉ vàng, còn 4 loài trên được Sách đỏ Việt Nam phân hạng sẽ nguy cấp. Theo Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN), "gần 90% trong số 25 loài loài linh trưởng ở Việt Nam đang bị đe dọa. Đây là tỉ lệ cao hàng đầu thế giới. Trong số này, có 5 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng gồm: voọc Cát Bà, voọc mông trắng, voọc mũi hếch, chà vá chân xám". Nếu không có những biện pháp bảo vệ, trong tương lai không xa, rất có thể người Việt chỉ còn được chiêm ngưỡng loài linh trưởng đặc hữu của đất nước mình qua những cái xác nhồi bông khô héo trong viện bảo tàng.

     Không có hành động bảo vệ động vật hoang dã nào là quá nhỏ nhoi, mỗi hành động đều có ý nghĩa. Chúng ta không thể phục hồi các loài đã mất, nhưng còn có nhiều loài nữa đang bên bờ vực tuyệt diệt; chúng cần sự quan tâm và hành động tức thì của chúng ta. Đừng tiếp tay cho vấn nạn này mà hãy giải quyết nó: Để Việt Nam luôn là một đất nước giàu tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, hãy quan tâm và bảo vệ động vật hoang dã trên trái đất nói chung và loài khỉ nói riêng, cũng chính là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.

 

Mai Hương

 

 

 

Ý kiến của bạn